ĐẶT TƯ THẾ CHO TRẺ BẠI NÃO

Lược dịch từ Physio-pedia, có chỉnh sửa, bổ sung.

MinhDat Rehab

Trương lực cơ và tư thế bình thường là yếu tố thiết yếu để kiểm soát tư thế động, và tư thế là điều kiện tiên quyết cơ bản cho kiểm soát chuyển động. Thay đổi về trương lực tư thế bị thay đổi (tăng trương lực, giảm trương lực, hoặc thay đổi trương lực), một tình trạng thường gặp ở trẻ bại não, ảnh hưởng đến khả năng tổ chức và kiểm soát các vận động tự ý một cách hiệu quả, tạo ra các mẫu vận động bất thường làm ảnh hưởng đến khả năng trẻ thực hiện các sinh hoạt hàng ngày và làm tăng nguy cơ biến chứng thứ phát như như co cứng và biến dạng, loét ép, khó khăn trong giao tiếp, nuốt, đau, v.v. 

Mục lục

Mục tiêu đặt tư thế

Trẻ bị Bại não cần hỗ trợ tư thế bên ngoài ở các tư thế khác nhau để  trẻ trải nghiệm và phát triển các cách di chuyển bình thường hơn và ngăn ngừa các biến chứng thứ phát. Các mục tiêu chung của đặt tư thế và tư thế ngồi bao gồm:   

  • Bình thường hóa trương lực cơ hoặc giảm ảnh hưởng bất thường của nó lên cơ thể   
  • Duy trì sự thẳng trục của khung  xương 
  • Ngăn ngừa hoặc điều chỉnh biến dạng xương 
  • Cung cấp một chân đế ổn định để thúc đẩy chức năng 
  • Gia tăng khả năng chịu đựng tư thế mong muốn   
  • Tạo sự thoải mái và thư giãn 
  • Tạo thuận cho các mẫu vận động bình thường hoặc kiểm soát các mẫu vận động bất thường   
  • Phòng hoặc điều trị loét ép
  • Giảm mệt mỏi 
  • Tăng cường chức năng hệ thần kinh tự chủ (chức năng tim, tiêu hóa và hô hấp)   
  • Tạo điều kiện cho chức năng, giao tiếp, tương tác xã hội

Các Nguyên tắc Chung về Đặt tư thế

Một số nguyên tắc cơ bản của đặt tư thế đúng:

  1. Cần tuân thủ tính đối xứng và thẳng trục ở mọi tư thế 
  2. Trẻ phải cảm thấy thoải mái. Lúc đầu, trẻ có thể không thích một tư thế mới nhưng nếu trẻ tiếp tục tỏ ra khó chịu, có lẽ trẻ cần chuẩn bị thêm trước khi đặt trẻ vào tư thế đó (giảm độ cứng và trương lực cơ và / hoặc một số điều chỉnh tư thế, ngay cả khi điều này có nghĩa là ảnh hưởng phần nào đến tư thế lý tưởng. Không nên khuyến khích bố mẹ ép trẻ vào một tư thế nếu trẻ cảm thấy không thoải mái. 
  3. Đứa trẻ phải ổn định nhưng không bị kẹt. Tư thế cần cho phép trẻ trải nghiệm các kiểu chuyển động bình thường hơn. Ví dụ, sự ổn định phần gốc thân khi ngồi sẽ tạo điều kiện cho các vận động có chọn lọc của hai tay để chơi, viết, ăn, v.v. 
  4. Các tư thế phải đa dạng và thay đổi thường xuyên. Nên thay đổi tư thế thường xuyên để tránh các vùng đè ép, tránh co rút và cho phép trẻ vận động ở các tư thế khác nhau.

Điều cần nhớ là trẻ bại não có thể biểu hiện với nhiều đặc điểm lâm sàng khác nhau, ví dụ như trẻ em bị liệt cứng tứ chi có thể biểu hiện mẫu duỗi duỗi toàn thân, hoặc gập toàn thân, hoặc tư thế không đối xứng, do đó cần điều chỉnh các nguyên tắc chung nêu trên để trẻ có tư thế phù hợp.

Ví dụ, nếu đứa trẻ có thói quen nằm ở tư thế thẳng hoặc duỗi bất thường (Hình 1 Mẫu duỗi toàn thể) thì có thể đặt trẻ vào một tư thế gập đối xứng. Điều này có thể giúp trẻ nhìn và sử dụng hai tay để thực hiện hoạt động trên một mặt bàn đặt ở phía trước.

Hình 1: Đặt tư thế cho trẻ có Mẫu Co cứng Duỗi Toàn thể

Nếu trẻ thường ở tư thế cúi hoặc gập bất thường khi ngồi (Hình 2 Mẫu Gập Toàn thể), nên đặt trẻ ở tư thế thẳng hoặc duỗi hơn, đối xứng hoặc tư thế quỳ cao. Điều này có thể giúp một trẻ như vậy sử dụng mắt và hai tay để thực hiện nhiệm vụ.

Hình 2: Đặt tư thế cho trẻ có Mẫu Co cứng Gập Toàn thể

Dụng cụ để Đặt tư thế

Dụng cụ thường được sử dụng để giúp trẻ bại não duy trì tư thế cân đối, ổn định khi nằm, ngồi hoặc đứng, để trẻ có thể luyện tập và phát triển các kỹ năng vận động thô và tinh.

Loại dụng cụ được chỉ định sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ, mẫu tư thế và vận động cụ thể, giai đoạn phát triển của trẻ và có biến dạng xương khớp hay không.

Tư thế nằm

Trẻ bại não nặng và hạn chế khả năng di chuyển nên đặt ở các tư thế khác nhau trong ngày, bao gồm trên sàn nhà và cần khuyến khích trẻ di chuyển tự do. Nên thay đổi tư thế nằm ngửa, nằm nghiêng và nằm sấp thường xuyên trong ngày để phòng ngừa loét ép và tránh cơ thể bị cứng.

Đặc biệt nằm sấp là một tư thế tốt để trẻ bắt đầu phát triển khả năng kiểm soát đầu, hai vai, cánh tay và bàn tay, đồng thời kéo giãn các cơ ở hai háng, gối và vai. Có thể sử dụng các loại gối, nệm tam giác, trục lăn bằng xốp, cuộn khăn có thể được sử dụng để giữ ổn định tư thế của trẻ trên sàn nhà.  

Hình 3: Một số dụng cụ đặt tư thế nằm

Tư thế ngồi

Ngồi trở thành một tư thế thực sự có chức năng để chơi khi trẻ được khoảng 8-9 tháng tuổi. Đến thời điểm này trẻ bình thường đã có khả năng kiểm soát thân mình, thăng bằng trong tư thế ngồi và khả năng vận động khớp háng tốt. Một đứa trẻ bình thường lúc này không cần dùng tay để vịn, có có thể vươn tay về bất kỳ hướng nào để lấy đồ chơi và có thể phát triển và thực hành các kỹ năng vận động của tay khi ngồi.

Không nên đợi cho đến khi trẻ bị Bại não đã phát triển tất cả các khả năng này rồi mới cho trẻ ngồi chơi và tất nhiên là nhiều trẻ Bại não không bao giờ đạt được khả năng ngồi độc lập.

Bằng cách chọn một chiếc ghế phù hợp, được điều chỉnh thích ứng với nhu cầu của từng trẻ, trẻ có thể giữ được tư thế ngồi cân đối, vững để trẻ có thể sử dụng hai tay để chơi,  ăn uống, giao tiếp và học. Do đó, ghế phải được điều chỉnh phù hợp với khả năng của trẻ, đảm bảo kiểm soát tư thế của trẻ đầy đủ đồng thời khuyến khích trẻ phát triển khả năng ngồi độc lập càng nhiều càng tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hàng ngày như ăn, chơi và học.

Về cơ bản, một hệ thống ghế ngồi phải đảm bảo trẻ có:

  1. Một chân đế /chỗ ngồi vững -tư thế khung chậu là một yếu tố quan trọng
  2. Kiểm soát và chỉnh trục tư thế: thân mình thẳng không lệch vẹo, hai đùi tách ra, bàn chân vuông góc,
  3. Kiểm soát tư thế đầu nếu cần thiết
  4. Có thể sử dụng hai tay tự do

Các loại ghế và xe đẩy khác nhau cung cấp các mức nâng đỡ và giữ vững khác nhau và loại ghế mà trẻ cụ thể cần sẽ phụ thuộc vào khả năng và vấn đề của đứa trẻ đó.

Hình 4: Một số dụng cụ đặt tư thế ngồi cho trẻ bại não

Tư thế đứng

Những trẻ không thể tự đứng được sẽ nhận được nhiều lợi ích từ tư thế dựng đứng: để chơi trên bàn và sử dụng hai tay, tạo tư thế đứng thẳng trục và cho phép chịu trọng lượng lên hai chân, tạo tư thế tốt cho khớp háng (tránh quá gập, khép, bán trật …), khớp gối (tránh gập), khớp cổ chân (tránh gập lòng), đảm bảo cốt hoá của xương chân, giúp trẻ hô hấp tốt hơn, tạo thuận lợi cho làm trống bàng quang và đường ruột, giảm trương lực cơ và vận động không kiểm soát.

Nhiều trẻ bại não cần hỗ trợ để kiểm soát tư thế đứng và cung cấp giá đỡ an toàn và với một số trẻ, khung tập đứng là dụng cụ tốt. Một khung đứng thông thường sẽ có mặt đế nâng đỡ cho bàn chân, nâng đỡ thân mình và giữ các khớp gối, háng thẳng (bằng các đai giữ). Nếu cần thiết có thể nâng đỡ ngực/lưng và hoặc đầu.

Hình 5: Tư thế đứng để chịu trọng lượng lên hai chân và hoạt động hai tay

Một số dụng cụ có thể tìm thấy ở Việt Nam,

(do các công ty chuyên về dụng cụ (như PhaNa) hoặc tự đóng)

Ghế PhaNa PN48
Ghế tự làm bằng thùng carton
Khung đứng thẳng trẻ khuyết tật PN50M1
Khung tập đứng sấp trẻ khuyết tật Phana PN51

Một số hình ảnh dụng cụ khác:

  • Trợ giúp nằm
  • Trợ giúp ngồi
  • Khung đứng thẳng

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này