CÁC PHƯƠNG PHÁP DƯỠNG SINH: NGŨ CẦM HÍ

Cập nhật lần cuối vào 10/11/2023

Mục lục

NGUỒN GỐC, NỘI DUNG VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA MÔN NGŨ CẦM HÍ

NGŨ CẦM HÍ là môn thể thao trị bệnh (người Trung Quốc thời cổ gọi là đạo dẫn), do Hoa Đà (một danh y thời Hậu Hán của Trung Quốc) thông qua thực tiễn mà sáng tạo ra. Động tác mô phỏng tư thái của 5 loại cầm thú như sự dũng mãnh về chụp của cọp, việc vươn dài đầu cổ của nai, sự đi bò ổn định của gấu, sự lanh lẹ nhảy nhót của vượn, sự xoải cánh bay lượn của chim.

Rất sớm tại thời kỳ Hậu Hán của Trung Quốc, Hoa Đà đã chú trọng thực tiễn, phản đối mê tín, tôn trọng khoa học để sáng tạo môn “NGŨ CẦM HÍ”, dùng phương pháp kết hợp thể dục và trị bệnh để tăng cường sức khỏe, đề phòng và chiến thắng bệnh tật. 

PHƯƠNG PHÁP LUYỆN TẬP NGŨ CẦM HÍ

Môn này trong quá trình phát triển dài lâu ở Trung Quốc đã hình thành nên rất nhiều lưu phái, và cũng được cải tiến và phát triển không ngừng.

Môn NGŨ CẦM HÍ được giới thiệu sau đây, người bệnh có thể căn cứ tình trạng cá nhân mà luyện từng hình hay luyện tất cả.

Hình Gấu

1. Tư thế chuẩn bị : Đứng thẳng tự nhiên, 2 bàn chân song song, khoảng cách bằng chiều rộng vai, 2 tay buông thống tự nhiên (H.1), sau khi thở sâu 3-5 lần, eo lưng lúc lắc tự nhiên.

2. Đầu gối phải co lại, đưa vai phải về phía trước hơi chếch xuống, cánh tay theo đà trầm xuống vai trái thì duỗi về phía sau hơi chếch ra ngoài, cánh tay trái hơi co nhấc lên (H. 2).

3. Đầu gối trái co lại, đưa vai trái về phía trước hơi chếch xuống, cánh tay theo đà trầm xuống, vai phải duỗi về phía sau hơi chếch ra ngoài, tay phải hơi co nhấc lên (H3).

Cứ thay đổi 2 vai lúc lắc như vậy nhiều lần.

Công hiệu của động tác này là giúp ích tiêu hóa, làm mạnh bao tử, lá lách, làm linh hoạt các khớp.

Hình 1 -2 -3

Yếu lĩnh của động tác là:

  • Vặn lưng đòng đưa phải tự nhiên.
  • Buông lỏng các khớp mềm như bông gòn
  • Linh hoạt trầm ổn, chân bấm xuống đất.
  • Điều khí liễm thần giữ đan điền.

Hình Cọp

1. Tư thế chuẩn bị :

Hai tay buông thõng tự nhiên, cổ thẳng tự nhiên, mắt nhìn ngang phía trước, miệng ngậm lại, đầu lưỡi chạm nhẹ vòm miệng; không được ưỡn ngực hay cong lưng, 2 gót chân chụm lại thành góc 90° (tư thế đứng thẳng). Toàn thân buông lỏng, đứng như vậy 1 lát (H4).

2. Tả thức : 

  • (1) 2 chân từ từ gấp lại về phía dưới, thành tư thế nửa ngồi xổm, trọng tâm ở chân phải, chân trái ở sát mắt cá chân phải, gót chân hơi nhấc lên, lòng bàn chân chạm hờ đất, đồng thời 2 tay nắm thành quyền để sát 2 bên eo, 2 quyền ngửa lên, mắt nhìn phía trước bên trái (H 5)
  • (2) Chân trái bước xéo lên 1 bước về bên trái, chân phải bước theo nửa bước, 2 gót trước sau đối nhau, cách nhau khoảng 30 phân, trọng tâm ở chân phải thành tả hư bộ; đồng thời 2 quyền đẩy lên trước ngực; lòng bàn tay xoay vào trong, đưa tới trước miệng xòe bàn tay án ra trước, tay cao ngang ngực, lòng bàn tay hướng ra trước; mắt nhìn đầu ngón trỏ trái (H 6)
Hình Cọp: H 4 (chuẩn bị) và H 5 -6 (Tả thức)

3. Hữu thức :

  • (1) Chân trái tiến lên nửa bước, bàn chân phải theo đó đưa đến gần mắt cá chân trái, 2 chân sát nhau, gót chân phải hơi nhấc lên, lòng bàn chân phải chạm hờ mặt đất, 2 đầu gối co lại như nửa ngồi xổm, thành tả độc lập bộ; đồng thời 2 bàn tay nắm lại thu về 2 bên eo, lòng bàn tay ngửa lên, mắt nhìn ra trước bên phải (H. 7).
  • (2) Chân phải bước xéo lên trên về bên phải 1 bước, chân trái cũng theo đó tiến lên nửa bước, 2 gót chân đối nhau, khoảng cách khoảng 30 cm, trọng tâm ở chân trái, thành tá hư bộ; đồng thời 2 quyền đẩy ra trước ngực, lòng bàn tay xoay vào trong, đưa tới trước miệng, xòe bàn tay án ra trước, tay cao ngang ngực, lòng bàn tay hướng ra trước; mắt nhìn đầu ngón tay trỏ phải (H. 8);

4. Tả thức : 

  • (1) Chân phải tiến lên nửa bước bàn chân trái theo đó đưa đến gần mắt cá chân phải, gót chân hơi nhấc lên, lòng bàn chân chạm hờ mặt đất, 2 đầu gối co lại nửa như ngồi xổm, thành hữu độc lập bộ; đồng thời 2 bàn tay nắm lại thu về 2 bên eo, lòng bàn tay ngửa, mắt nhìn ra trước bên trái (H. 5)
  • (2) Giống như (2) của thức trước (H. 6)

Cứ như vậy về 2 bên, số lần tùy ý, lúc luyện phải ăn khớp lanh lẹ, dũng mãnh trầm trọng. Khi luyện phải nhớ “đưa tay lên thì đấm, đưa tay xuống thì xoay, tay chân đều đi xuống” như vậy mới đầy đủ uy thế của cọp.

Hình Vượn

1. Tư thế chuẩn bị : giống như hình hổ.

2. Hai chân từ từ gập xuống, chân trái bước nhẹ ra trước, đồng thời tay trái đưa từ trước ngực tới ngang miệng thì đưa ra trước như lấy 1 vật gì; gần đến chung điểm thì chưởng biến thành trảo thủ, cổ tay gập xuống tự nhiên (H. 9)

3. Chân phải bước nhẹ lên phía trước, chân trái cùng nhích theo, gót chân nhấc lên, lòng bàn chân chạm hờ đồng thời tay phải đưa từ trước ngực đến ngang miệng thì đưa ra trước như lấy 1 vật gì, gần đến chung điểm thì chưởng biến thành trảo thủ, cổ tay gập xuống tự nhiên; đồng thời tay trái thu về dưới sườn trái (H. 10).

4. Chân trái hơi lùi về sau, ấn mạnh xuống thân thể ngồi ra sau, chân phải theo đó hơi nhích ra sau, mũi chân chấm đất; đồng thời tay trái đưa từ trước ngực đến ngang miệng thì đưa ra trước như lấy 1 vật gì, gần đến chung điểm thì chưởng biến thành trảo thủ, cổ tay gập xuống tự nhiên; đồng thời tay phải thu về dưới sườn phải (H. 11).

5. Chân phải bước nhẹ ra trước, đồng thời tay phải từ trước ngực đến ngang miệng thì đưa ra trước như lấy vật gì, gần đến chung điểm thì chưởng biến thành trảo thủ, cổ tay gập xuống tự nhiên (H. 12).

6. Chân trái bước nhẹ về phía trước, chân phải hơi nhích theo, nhấc gót chân lên, lòng bàn chân chạm hờ mặt đất; đồng thời tay trái đưa từ trước ngực đến ngang miệng thì đưa ra trước như lấy vật gì, gần đến chung điểm thì chưởng biến thành trảo thủ, cổ tay gập xuống tự nhiên, đồng thời tay phải thu về dưới sườn phải (H. 13).

7. Chân phái hơi lùi về sau, ấn mạnh xuống thân thể ngồi ra sau, chân trái theo đó hơi nhích ra sau, mũi chân chạm đất; đồng thời tay phải đưa từ trước ngực đến ngang miệng thì đưa ra trước như lấy vật gì, gần đến chung điểm thì chưởng biến thành trảo thủ, cổ tay tự nhiên gập xuống; đồng thời tay trái thu về dưới sườn trái (giống H. 11, chỉ có trái phải tương phản).

Hình Vượn: H 9 – H 13

Hình Nai

1. Chân phải gập lại, thân trên ngồi ra sau, chân trái duỗi ra trước, đầu gối hơi cong, bàn chân đạp hờ mặt đất, thành tả hư bộ.

2. Tay trái duỗi ra trước, khuỷu hơi cong, bàn tay phải đặt ở mé trong khuỷu tay trái, 2 lòng bàn tay trước sau đối nhau.

3. 2 tay ở trước thân xoay vòng tròn theo chiều ngược với kim đồng hồ, tay trái xoay vòng lớn hơn tay phải. Điều rất quan trọng phải để ý là lúc 2 tay xoay vòng không phải là hoạt động của vai mà theo đà xoay vòng của eo hông mà ra. Tay vạch vòng tròn lớn, vỹ lư (xương cụt) xoay vòng nhỏ. Đó là cái gọi là ”Lộc vận vỹ lưu” (nai vận động xương cụt). Nhiệm vụ của nó là làm linh hoạt eo lưng nhờ đó làm mạnh thận, làm sự tuần hoàn máu huyết trong ổ bụng hoạt động tốt hơn, đồng thời rèn luyện sức chân (H. 14)

4. Cứ xoay vòng như vậy nhiều lần, sau đó chân phải bước tới trước, trọng tâm dồn sang chân trái, tay phải duỗi ra trước, tay trái che chở khuỷu tay phải, xoay vòng theo chiều kim đồng hồ. Cứ như vậy trái phải tuần tự thay đổi.

Hình Chim

1. Tư thế chuẩn bị: Hai chân đứng thẳng, 2 tay thông xuống tự nhiên, mắt nhìn ngang trước mặt, bình tâm tĩnh khí đứng như vậy trong một lát.

2. Chân trái bước tới trước 1 bước, chân phải bước theo nửa bước, mũi chân chấm đất; đồng thời 2 tay vươn ra 2 bên thân thể, đồng thời hít sâu vào. (H. 15).

3. Chân phải bước lên ngang với chân trái, 2 tay từ 2 bên đi xuống ôm vòng dưới đầu gối, đồng thời thở ra thật sâu (H. 16).

4. Chân phải bước tới trước 1 bước, chân trái bước theo nửa bước, mũi chân chấm đất, đồng thời 2 tay vươn ra 2 bên thân thể, đồng thời hít sâu vào (H 17).

5. Chân trái bước lên ngang với chân phải, 2 tay từ 2 bên đi xuống ôm vòng dưới đầu gối, đồng thời thở ra thật sâu (H. 16). 

Thức này làm tăng cường sự hoạt động của tim phổi, làm mạnh thân, lưng. Có người tập thức này lâu ngày, đã chữa khỏi bệnh đau lưng lâu năm.

Hình Chim: Hình 15 – 17.

Tham khảo từ: Thập lục chủng y liệu kiện thân pháp.

Y Dược Vệ Sinh Xuất Bản Xã. 1981. Quang Minh dịch thuật.

Các yếu lĩnh cần nhớ:

  • Hổ hí mô phỏng động tác vồ mồi của giống cọp, nhằm luyện hai tay. Do đó, khi luyện hổ hí, phải biểu lộ thần uy dũng mãnh của hổ, thần hiện ở mặt, uy phát ở ngón tay.
  • Lộc hí mô phỏng động tác xoay đầu duỗi cổ giống hươu nai, nhằm rèn luyện cơ nhục ở đầu cổ và các khớp xương sống, đồng thời cải thiện sự lưu hành của huyết dịch trong đại não. Do đó, khi luyện lộc hí phải hồn nhiên, an tĩnh như hình dáng con nai ngoảnh đầu nhìn lên cụm lá.
  • Hùng hí mô phỏng tư thế nằm nghiêng của loài gấu nhằm rèn luyện phần trắc diện của cơ thể. Do đó, khi luyện hùng hí, phải bắt chước thái độ trầm hùng của gấu, bề ngoài tuy có vẻ nặng nề, nhưng bên trong hàm chứa sự nhẹ nhàng linh hoạt.
  • Viên hí mô phỏng sự nhảy nhót trên mũi bàn chân của loài khỉ vượn, nhằm rèn luyện hai chân. Do đó, khi luyện viên hí (hay hầu hí), phải có tính hiếu động như khỉ, nhưng trong động có tĩnh.
  • Điểu hí (hay hạc hí) mô phỏng cách quạt cánh bay lượn của loài chim, nhằm rèn luyện các khớp tay và cơ nhục vùng ngực, đồng thời hỗ trợ cho sự hô hấp. Do đó, khi luyện điểu hí phải có khí thế hiên ngang, đứng thẳng, mắt nhắm như con hạc vậy.

THAM KHẢO THÊM VIDEO:

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này