CÁC CHIẾN LƯỢC GIÚP BẠN LÀM VIỆC SÁNG TẠO HƠN

Hãy nghe bài viết
Getting your Trinity Audio player ready...

Cập nhật lần cuối vào 05/05/2023

Dịch từ: “3 science-based strategies to increase your creativity” của Steven Kotler

Làm thế nào bạn có thể hack tính sáng tạo của mình? 

Thuật ngữ “hack” có một danh xưng xấu. Từ này xuất phát từ ngành lập trình và đề cập đến một người nào đó đang cố gắng giành quyền kiểm soát hệ thống máy tính, thường cho các mục đích không mấy tốt đẹp. Sau đó, từ này đã có một chút thay đổi, trở thành cách viết tắt của văn hóa đại chúng để chỉ “sửa chữa nhanh” hoặc “lối tắt”.

Không có nghĩa nào phù hợp ở trường hợp này. Đầu tiên, hệ thống mà chúng ta đang cố gắng giành quyền kiểm soát là hệ thống sinh học thần kinh (nghĩa là bộ não) của chính chúng ta. Thứ hai, khi nói đến hiệu suất cao bền vững, không có lối tắt nào cả.

Khi tôi sử dụng một từ như chữ “hack” để mô tả một cách tiếp cận, ý tôi thực sự muốn nói là “tìm ra cách để bộ não của bạn làm việc cho bạn thay vì chống lại bạn.” Đó là cách tiếp cận từ lâu của tôi để đạt thành tích cao.

Dưới đây là ba chiến lược dựa trên khoa học để thúc đẩy khả năng đưa ra những ý tưởng mới và sáng tạo.

Mục lục

Chiến lược 1: Kết bạn với ACC của bạn

(ACC là từ viết tắt của anterior cingulate cortex, vỏ não hồi đai trước)

Khi các nhà nghiên cứu nói về tính sáng tạo, một chủ đề thường xuyên của thảo luận về hiện tượng này được gọi là sự thấu hiểu đột ngột (insight). Tất cả chúng ta đều đã cảm nhận được điều đó – đó là trải nghiệm về sự hiểu biết đột ngột, khoảnh khắc khi chúng ta hiểu được một trò đùa, giải một câu đố hoặc giải quyết một tình huống không rõ ràng.

Vào đầu thế kỷ 21, nhà thần kinh học Mark Beeman của đại học Northwestern và nhà tâm lý học nhận thức John Kounios của Đại học Drexel đã làm sáng tỏ chủ đề này. Họ đưa ra cho người tham gia một chuỗi các vấn đề có mối liên hệ xa , và sau đó sử dụng điện não đồ và cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để theo dõi bộ não khi người tham gia cố gắng giải quyết chúng.

Các vấn đề có liên hệ xa là các câu đố chữ. Người tham gia được cho ba từ ; ví dụ: pine, crab, sauce; và được yêu cầu làm một việc là: Tìm một từ thứ tư bổ túc cho tất cả các từ này. (Trong trường hợp này, câu trả lời là “táo” (apple), như trong: pineapple, crab apple, và applesauce.)

Một số người giải quyết vấn đề này một cách logic, đơn giản bằng cách thử nghiệm hết từ này đến từ khác. Những người khác đi đến kết quả thông qua đột ngột nghĩ ra, có nghĩa là câu trả lời đúng đột ngột xuất hiện trong tâm trí. Một số ít người kết hợp cả hai chiến lược trên.

Điều mà Beeman và Kounios đã phát hiện là có một sự thay đổi đáng chú ý trong chức năng não. Ngay trước khi mọi người xem xét một vấn đề mà cuối cùng họ sẽ giải quyết bằng thấu hiểu đột ngột, có một sự gia tăng hoạt động trong vỏ não hồi đai trước của họ. ACC đóng một vai trò trong chú ý điều nổi bật và ngắn hạn, và nó là bộ phận xử lý việc sửa lỗi bằng cách phát hiện các tín hiệu xung đột bên trong não.

Vỏ não (hồi) đai trước

Kounios phát biểu: “Điều này bao gồm các chiến lược thay thế để giải quyết một vấn đề. “Bộ não không thể sử dụng hai chiến lược khác nhau cùng một lúc. Một số ý tưởng được kích hoạt mạnh mẽ, vì chúng rõ ràng nhất. Và một số khác thì yếu và chỉ có liên hệ xa với vấn đề , những suy nghĩ kỳ quặc, những ý tưởng xa vời. Những ý tưởng này là những ý tưởng có tính sáng tạo. Khi ACC được kích hoạt, nó có thể phát hiện ra những ý tưởng không rõ ràng, được kích hoạt yếu này và báo hiệu cho não chuyển sự chú ý sang chúng. Đó là một khoảnh khắc đột ngột thấu hiểu.”

Beeman và Kounios đã phát hiện ra rằng ACC hoạt động mạnh khi chúng ta đang xem xét các ý tưởng độc đáo.

Điều này đặt ra một câu hỏi quan trọng: Điều gì kích hoạt ACC? Câu trả lời là: Một tâm trạng tốt.

Khi chúng ta có tâm trạng tốt, ACC nhạy cảm hơn với những suy nghĩ kỳ quặc và linh cảm kỳ lạ. Nói cách khác, nếu một ACC đang hoạt động là điều kiện sẵn sàng cho thấu hiểu đột ngột, thì tâm trạng tốt là điều kiện sẵn sàng cho một ACC hoạt động.

Điều ngược lại cũng đúng: Trong khi tâm trạng tốt làm tăng khả năng sáng tạo, thì tâm trạng xấu lại khuếch đại suy nghĩ phân tích. Bộ não giới hạn các lựa chọn của chúng ta trong phạm vi đã thử và có kết quả – điều hợp lý, hiển nhiên, chắc chắn mà chúng ta biết sẽ hoạt động.

Khi tâm trạng tốt, chúng ta cảm thấy an toàn và yên tâm. Chúng ta có thể cho ACC thêm thời gian để chú ý đến các tín hiệu yếu; chúng ta cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn. Điều này rất quan trọng vì sáng tạo luôn có một chút nguy hiểm. Những ý tưởng mới nảy sinh nhiều vấn đề và chúng có thể sai lầm, khó thực hiện và đe dọa sự ổn định.

Thế nhưng điều này cũng có nghĩa là chúng ta phải chịu thiệt gấp đôi với điều ngược lại. Tâm trạng xấu không chỉ hạn chế khả năng của ACC phát hiện những tín hiệu yếu hơn đó; nó cũng hạn chế sự sẵn sàng hành động của chúng ta đối với các tín hiệu mà chúng ta phát hiện được.

Trong khi một tâm trạng tốt là điểm khởi đầu cho khả năng sáng tạo cao, thực hành lòng vị tha hàng ngày, thực hành chánh niệm hàng ngày, tập thể dục thường xuyên và nghỉ ngơi vào ban đêm vẫn là công thức tốt nhất mà bất kỳ ai chưa tìm thấy để tăng hạnh phúc. Tất cả bốn biện pháp thực hành này đều là những công cụ đa năng thúc đẩy tính sáng tạo giúp tăng cường khả năng của chúng ta để biến cái mới trở thành cái hữu ích.

Lòng vị tha huấn luyện não bộ tập trung vào điều tích cực, thay đổi xu hướng lọc thông tin thường thiên vị tiêu cực của nó. Điều này ảnh hưởng đến tâm trạng, nhưng nó cũng làm tăng tính mới – vì chúng ta đã quen với điều tiêu cực, điều tích cực thường đem lại sự khác biệt sảng khoái. Lòng vị tha cung cấp cho mạng lưới thần kinh nhiều vật liệu thô hơn và tâm trạng tốt mang lại cho não bộ một cơ hội tốt hơn sử dụng vật liệu đó để  tạo ra một điều gì đó hết sức mới mẻ.

Chánh niệm huấn luyện cho não bộ bình tĩnh, tập trung và không phản ứng, giúp tăng cường sự chú ý điều nổi bật (salience) và điều hành. Nhưng nó cũng tạo ra một khoảng trống nhỏ giữa suy nghĩ và cảm giác và cho ACC thêm thời gian để xem xét các khả năng thay thế, xa hơn.

Loại chánh niệm nào  bạn đang áp dụng cũng quan trọng. Tư duy khác biệt đòi hỏi một phong cách thiền định theo dõi mở. Trong theo dõi mở, thay vì cố gắng phớt lờ những suy nghĩ và cảm xúc, bạn cho phép chúng xảy đến mà không cần phán xét.

Tập luyện hạ thấp các mức độ căng thẳng, đẩy cortisol khỏi hệ thống của chúng ta trong khi tăng các chất hóa học thần kinh tạo cảm giác tốt, bao gồm serotonin, norepinephrine, endorphin và dopamine. Điều này làm giảm lo lắng, tăng cường tâm trạng tốt của chúng ta và tăng khả năng để ACC phát hiện các khả năng xa vời hơn. Thêm vào đó, thời gian chờ mà tập thể dục mang lại được xem là thời gian ươm mầm (cho sáng tạo).

Một đêm ngủ ngon giấc sẽ mang lại những lợi ích bổ sung. Nó làm tăng mức năng lượng, cung cấp các nguồn lực để đối phó với các thử thách. Cảm giác an toàn có được nâng cao tâm trạng của chúng ta và tăng khả năng sẵn sàng chấp nhận rủi ro và cả hai đều khuếch đại tính sáng tạo. Hơn nữa, giấc ngủ là thời kỳ ươm mầm quan trọng nhất. Khi chúng ta ngủ, bộ não có thời gian để tìm ra tất cả các mối liên hệ tiềm ẩn giữa các ý tưởng.

Lòng vị tha, chánh niệm, tập thể dục và giấc ngủ là những yếu tố không thể thiếu để duy trì hiệu suất cao bền vững. Đây chính là chìa khóa. Khi cuộc sống trở nên phức tạp, bốn biện pháp thực hành này thường là thứ chúng ta loại bỏ khỏi lịch trình của mình. Nhưng khi cuộc sống trở nên phức tạp, thay vào đó hãy dựa vào những biện pháp thực hành này để có được sự sáng tạo cần thiết để gỡ rối sự phức tạp.

CHIẾN LƯỢC SỐ 2: HIỂU TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHI THỜI GIAN VÀ KHÔNG CÓ AI.

“Phi thời gian” là thuật ngữ của tôi để chỉ khoảng trống trải từ 4 giờ sáng (khi tôi bắt đầu buổi viết lách ban sáng) đến 7 giờ 30 sáng (khi mọi người thức dậy). Phi thời gian này là một khoảng tối đen như mực không thuộc về ai khác cả ngoài tôi ra.

Lúc này những mối quan tâm cấp bách trong ngày vẫn chưa thúc ép, vì vậy có thời gian cho một thứ cực kỳ xa xỉ:  đó là sự kiên nhẫn. Ai quan tâm cơ chứ nếu mất hai giờ để viết đúng chỉ một câu?

Sự sáng tạo cần phi thời gian này.

Các thời hạn cuối thường có thể là yếu tố thúc ép. Áp lực buộc não phải tập trung vào các chi tiết, kích hoạt bán cầu não trái và ngăn chặn bức tranh tổng thể hơn. Tệ hơn nữa, khi bị thúc ép, chúng ta thường bị căng thẳng. Chúng ta không mấy vui vẻ với sự vội vàng, điều này khiến tâm trạng của chúng ta xấu đi và buộc chúng ta tập trung hơn. Vì vậy, bị ràng buộc về thời gian có thể làm mất đi tính sáng tạo.

Chúng ta cần sắp xếp phi thời gian vào lịch trình của mình. Phi thời gian là thời gian cho sự mơ mộng và tâm lý bay xa. Mơ mộng bật mạng lưới thần kinh ở chế độ mặc định, cho phép tiềm thức của chúng ta tìm thấy các liên kết giữa các ý tưởng xa xôi. Phi thời gian cũng cho chúng ta một khoảng nhỏ tách khỏi những vấn đề hiện tại của chúng ta. Điều đó cho phép chúng ta nhìn mọi vật từ nhiều góc cạnh, để xem xét quan điểm của người khác. Nếu chúng ta không có thời gian để có được không gian này từ các cảm xúc của mình và tạm rời xa thế giới, thì chúng ta sẽ không có lợi ích từ những khả năng lựa chọn thay thế.

Và nó không chỉ là phi thời gian, nó còn là thời gian không có ai.

Ở một mình cũng quan trọng. Chắc chắn rằng nhiều sự sáng tạo đòi hỏi sự cộng tác, nhưng giai đoạn ươm mầm lại đòi hỏi điều ngược lại. Nghỉ ngơi sau bao nhiêu kích thích cảm giác của thế giới bên ngoài giúp não bộ của bạn có thêm lý do để đi lang thang vào những góc cạnh xa xăm. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2012 do các nhà tâm lý học tại Đại học Utah thực hiện cho thấy rằng sau bốn ngày ở một mình trong thiên nhiên, các đối tượng đạt điểm cao hơn 50% trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn về khả năng sáng tạo.

Hãy cố gắng bắt đầu ngày mới với 90 đến 120 phút tập trung không bị gián đoạn. Đó là khoảng thời gian hoạt động trí óc cao độ mà sẽ đem lại hiệu quả lâu dài.

CHIẾN LƯỢC SỐ 3: HÃY SUY NGHĨ BÊN TRONG HỘP

“Hãy suy nghĩ bên ngoài cái hộp” là điều mọi người nói, nhưng chúng ta có thể đặt nó đằng sau. Những hạn chế thúc đẩy tính sáng tạo ,như ca sĩ nổi danh nhạc jazz Charles Mingus đã từng giải thích: “Bạn không thể biến tấu dựa trên cái không; bạn phải biến tấu trên một cái gì đó. “

(Suy nghĩ bên trong cái hộp: Nghĩa là khám phá cái mới trong các hạn chế được giới hạn “bởi chiếc hộp”, khác với “suy nghĩ bên ngoài cái hộp, nghĩa là khám phá các ý tưởng sáng tạo mà không bị giới hạn hoặc kiểm soát bởi quy luật hoặc truyền thống, người dịch)

Trong các nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Rider về mối quan hệ giữa các giới hạn và tính sáng tạo, các sinh viên được cung cấp tám danh từ và được yêu cầu sử dụng chúng để viết các câu ghép có vần điệu (như thường xuất hiện trong thiệp chúc mừng). Một nhóm khác không được cung cấp các danh từ mà chỉ được yêu cầu viết các câu ghép vần. Kết quả của cả hai nhóm sau đó đã được đánh giá về tính sáng tạo bởi một hội đồng chuyên gia độc lập.

Kết quả cho thấy những người tham gia trong nhóm bắt đầu với sự ràng buộc của tám danh từ đã làm tốt hơn nhóm kia.

Vấn đề là đôi khi tờ giấy trắng thì quá trống và không đem lại ích lợi gì. Đó là lý do tại sao một trong những quy tắc cơ bản của tôi trong công việc là: Luôn biết các điểm khởi đầu và kết thúc của bạn. Nếu tôi có hai điểm cơ bản này, bất cứ thứ gì ở giữa – cho dù là một cuốn sách, một bài báo hay một bài phát biểu – chỉ đơn giản là kết nối các dấu chấm. Nếu không có các dấu chấm để kết nối, tôi có thể gặp khó khăn hoặc lãng phí thời gian lang thang vô định (điều này giúp giải thích tại sao tôi mất 11 năm để hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình).

Lưu ý quan trọng: Nhiều người tin rằng hạn chế về thời gian, tức là thời hạn cuối, là một giới hạn cho phép tạo nên sự sáng tạo. Điều này có lẽ đúng cũng có thể không.

Trước đó, tôi đã nói rằng cảm thấy không bị áp lực về thời gian là chìa khóa để thúc đẩy tính sáng tạo, và điều này vẫn đúng. Tuy nhiên, cũng đúng rằng thời hạn cuối có thể giúp các dự án sáng tạo không bị kéo dài vô thời hạn.

Chỉ cần đặt thời hạn cuối đủ dài để bạn có thể xếp đặt các khoảng phi thời gian dài trong lịch trình của mình. Thời hạn cuối cho sáng tạo phải đủ khó để khiến bạn nỗ lực , nhưng không quá khó để khiến bạn thất bại.

Trích từ cuốn sách mới “The Art of Impossible: A Peak Performance Primer” của Steven Kotler. 

Dịch bởi Minh Đạt Rehab.

Xem bài nói chuyện TEDxABQ Talk của Kotler ở đây: 

.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này