BONG GÂN HOẶC CĂNG CƠ VÙNG CỔ

Cập nhật lần cuối vào 08/08/2023

Mục lục

Tên tiếng Anh: 

  • Cervical Sprain or Strain

Các từ đồng nghĩa

  • Đau cơ cột sống cổ, 
  • Bong gân cột sống cổ, 
  • Whiplash injury (chấn thương do giật cổ)

Mã ICD-10

  • M54.2: Đau cột sống cổ
  • S13.4: Chấn thương Whiplash (bong gân và căng cơ quá mức của đốt sống cổ)
  • S13.9: Bong gân cổ, các phần không xác định của cổ
  • S16:  Tổn thương cơ và gân cơ vùng cổ

ĐẠI CƯƠNG

Định nghĩa

Bong gân hoặc căng cơ vùng cổ đề cập đến cơn đau cấp tính do tổn thương các mô mềm ở cổ, bao gồm cơ, gân và dây chằng. 

Nguyên nhân, dịch tễ

Gần 85% các đau cổ được cho là do chấn thương cổ cấp tính hoặc lặp đi lặp lại hoặc do căng cơ cổ kéo dài. Tuổi thường gặp là 30 – 50.

Nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến tổn thương này là tai nạn giao thông. Tổn thương này còn được gọi là chấn thương do giật cổ (Whiplash)

Cơ chế chấn thương khá phức tạp. Khi va chạm với xe cơ giới từ phía sau, gia tốc của đầu và cổ ban đầu chậm hơn gia tốc của xe. Cuối cùng, gia tốc của đầu và cổ đạt tới 2,5 lần gia tốc tối đa của xe, điều này sau đó dẫn đến giảm tốc đáng kể ở cổ trong giai đoạn sau. Mặc dù chấn thương như vậy cũng có thể dẫn đến gãy xương, tổn thương đĩa đệm hoặc thần kinh, theo định nghĩa thì bong gân hoặc căng cơ vùng cổ không tính đến các bất thường này.

Nhiều yếu tố có liên quan đến kết quả xấu hơn trong các chấn thương do tăng tốc – giảm tốc do tai nạn ô tô, xe máy, như là : 

  • Phụ nữ lớn tuổi. 
  • Trình độ học vấn thấp
  • Thu nhập gia đình thấp
  • Tiền sử đau cổ trước đó
  • Các yếu tố khác liên quan đến va chạm bao gồm ngồi trên xe tải, là hành khách, va chạm với một vật thể đang chuyển động và bị đánh trực diện hoặc vuông góc. 

Các nguyên nhân khác bao gồm ngủ sai tư thế, nâng hoặc kéo vật nặng và các vận động đầu và cổ lặp đi lặp lại.

Hình 1: Tổn thương do giật cổ (whiplash)

Lượng giá, chẩn đoán

Triệu chứng

  • Biểu hiện thường gặp nhất của bệnh nhân bị căng cơ hoặc bong gân cổ là đau cổ không lan (Hình 2). Đau thường trải dài đến vùng cơ thang hoặc vùng giữa hai xương bả vai.
  • Bệnh nhân cũng than phiền về tình trạng cứng cổ, mệt mỏi và các triệu chứng nặng hơn khi vận động cổ. 
  • Nhức đầu, có lẽ là triệu chứng phối hợp thường gặp nhất, bắt nguồn từ vùng chẩm và lan ra phía trước. 
  • Bệnh nhân cũng thường dễ bị kích thích và rối loạn giấc ngủ. 
  • Bệnh nhân cũng có thể khai các biểu hiện khác, như dị cảm, đau lan đến cánh tay, khó nuốt, các triệu chứng về thị giác, thính giác và chóng mặt. Mặc dù bong gân vùng cổ hoặc chấn thương căng cơ đơn thuần sẽ không có các triệu chứng này, nhưng vẫn có khả năng đồng thời bị tổn thương thần kinh hoặc xương. Nếu có những triệu chứng này, nên nghi ngờ các chẩn đoán khác. Các triệu chứng tuỷ sống, chẳng hạn như rối loạn chức năng ruột và bàng quang, gợi ý một chẩn đoán khác trầm trọng hơn và phải thăm dò thêm.
Hình 2. Phân bố đau điển hình cho bệnh nhân bị bong gân hoặc chấn thương do căng cơ vùng cổ cấp tính.

Khám lâm sàng

  • Dấu hiệu chính trong bong gân hoặc chấn thương do căng cơ cột sống cổ là đau hoặc hạn chế với tầm vận động cột sống cổ. Kèm theo, bệnh nhân có thể có điểm đau khi ấn ở cơ cạnh cột sống cổ, cơ thang, cơ chẩm hoặc các cơ vùng cổ trước (như cơ ức đòn chũm) (Hình 3).
  • Cần thực hiện khám thần kinh đầy đủ để loại trừ các bệnh lý rễ hoặc tuỷ sống. Trong trường hợp chấn thương bong gân cột sống cổ đơn thuần, kết quả khám thần kinh bình thường. Nghiệm pháp ép dây thần kinh (như Spurling) âm tính.

Hình 3. Các cơ thường liên quan đến bong gân hoặc chấn thương do căng cơ vùng cổ.

Hạn chế chức năng

Hạn chế tầm vận động cột sống cổ có thể góp phần gây khó khăn cho các hoạt động hàng ngày như lái xe. Bệnh nhân thường phàn nàn về mỏi cổ, nặng và đau với các tư thế cổ cố định như đọc sách và làm việc với máy tính. Giấc ngủ cũng có thể bị ảnh hưởng.

Thang đo:

Thăm dò chẩn đoán

  • Nên chụp X quang để loại trừ gãy xương ở những bệnh nhân bị chấn thương và những bệnh nhân có thay đổi ý thức (như say rượu), hoặc đau cột sống cổ và có các dấu hiệu thần kinh khu trú với giảm tầm vận động khi khám lâm sàng. Mặc dù phim chụp nghiêng có thể thấy mất đường cong ưỡn sinh lý, kết quả này có thể là do sự co thắt của các cơ cạnh cột sống cổ và không có ý nghĩa nào khác (Hình 4).
  • Chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính và chẩn đoán điện thường được sử dụng để loại trừ các chẩn đoán phân biệt hoặc phối hợp. Các thăm dò này sẽ có kết quả bình thường trong trường hợp bong gân hoặc căng cơ cột sống cổ không biến chứng.
  • Siêu âm chẩn đoán hiện nay không chứng minh là có hiệu quả chẩn đoán và ít được chỉ định.

Hình 4. X-quang cột sống cổ cho thấy cột sống thẳng và mất độ ưỡn sinh lý bình thường.

Chẩn đoán phân biệt

  • Gãy hoặc trật khớp cột sống cổ (ẩn)
  • Đau cổ do đĩa đệm
  • Thoát vị đĩa đệm cổ, bệnh lý rễ thần kinh
  • Hội chứng khớp gian mấu (diện nhỏ) cột sống cổ
  • Khối u cột sống cổ
  • Nhiễm trùng cột sống cổ

ĐIỀU TRỊ

Giáo dục, Tư vấn vận động sinh hoạt.

  • Giáo dục bệnh nhân là rất quan trọng liên quan đến mong đợi thực tế về giải quyết các triệu chứng. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng sẽ hết trong vòng 4 đến 6 tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các triệu chứng có thể kéo dài đến 6 tháng.
  • Nên nghỉ ngơi tương đối trong vòng 24 giờ đầu tiên sau chấn thương. Nghỉ ngơi kéo dài trên giường có thể dẫn đến các tác dụng xấu, và có thể làm tình trạng khuyết tật nặng nề hơn.
  • Các video giáo dục hướng dẫn về tư thế, trở lại hoạt động, tập luyện và các phương pháp giảm đau có thể giúp giảm tỷ lệ các triệu chứng kéo dài sau 6 tháng kể từ khi bị chấn thương.

Thuốc 

  • Sử dụng ngắn hạn thuốc chống viêm không steroid, thuốc giãn cơ và thuốc giảm đau khi cần thiết để thúc đẩy hoạt động trở lại sớm và tham gia tập luyện.
  • Các thuốc giãn cơ hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng liều thấp (nortriptyline hoặc amitriptyline, 10 đến 50 mg khi đi ngủ) cũng được sử dụng để giúp phục hồi giấc ngủ ở bệnh nhân gặp vấn đề này.

Phục hồi chức năng

Vận động sớm và trở lại chức năng là chìa khóa để phục hồi chức năng thành công. Chăm sóc đa phương thức có vai trò trong điều trị những bệnh nhân này. Điều này sẽ bao gồm trị liệu bằng tay, giáo dục và tập luyện. 

Các thao tác bằng tay, di động khớp, xoa bóp

Một liệu trình di động khớp sớm kết hợp với tập luyện tại nhà trong giai đoạn hồi phục cấp tính có hiệu quả giảm thiểu khuyết tật. Thao tác bằng tay, xoa bóp và di động cột sống cổ nhẹ nhàng nhằm điều chỉnh các hạn chế của từng phân đoạn và phục hồi tầm vận động bình thường. 

Các phương thức vật lý

Có thể áp dụng các phương thức trị liệu như nhiệt nóng, nhiệt lạnh, siêu âm và kích thích điện để kiểm soát đau, nhưng chúng không được chứng minh là có hiệu quả lâu dài. Cũng có thể thử kéo cột sống cổ bằng tay (bởi chuyên gia vật lý trị liệu) hoặc bằng dụng cụ nếu không có chống chỉ định (như gãy xương). Sử dụng kéo dài các phương thức thụ động không kèm theo một chương trình tập luyện chủ động hơn thường là không thích hợp.

Tập luyện 

Mục tiêu chung là bệnh nhân có thể thực hiện được một chương trình tập luyện tại nhà độc lập, tùy chỉnh để bệnh nhân có thể chủ động trong quá trình điều trị của mình. Cần phối hợp các bài tập làm mạnh cơ (sức mạnh và sức bền) và kéo dãn các cơ có xu hướng bị căng.

  • Kéo dãn các cơ bị căng (cơ thang bó trên, cơ ức đòn chũm, cơ bậc thang, cơ lưng rộng, cơ ngực lớn và cơ ngực bé).  
  • Giải quyết sự mất cân bằng cơ và làm mạnh các nhóm cơ yếu như các cơ ổn định xương bả vai (cơ thang bó giữa – bó dưới, cơ răng trước và cơ nâng xương bả vai).

Thay đổi môi trường, dụng cụ

Đánh giá về môi trường gia đình hoặc nơi làm việc cũng có thể hữu ích. Ví dụ như những thay đổi về gối ngủ, giá đỡ tài liệu ở bàn làm việc.

Lưu ý về nẹp cổ: Nẹp cổ mềm có thể giúp giảm triệu chứng. Nẹp cổ không cố định cột sống, mà chỉ có tác dụng nhắc nhở bệnh nhân không cử động cổ. Các chứng cứ hiện tại cho thấy sử dụng nẹp cổ mềm 1 – 2 tuần ở các bệnh nhân chấn thương giật cổ không mang lại lợi ích gì hơn về đau và tầm vận động so với các phác đồ không áp dụng bất động. Nếu sử dụng nẹp cổ mềm kéo dài, nó có thể làm giảm sức mạnh, tính mềm dẻo và chức năng của cột sống cổ.

Thủ thuật

  • Tiêm điểm kích hoạt, châm cứu là các biện pháp giảm đau hỗ trợ để bệnh nhân có thể tham gia tập luyện. Các cơ thường có các điểm đau sau chấn thương tăng tốc – giảm tốc là cơ thang bó trên, cơ bậc thang, cơ bán gai đầu. Các cơ khác là cơ dài đầu, dài cổ.
  • Có thể tiêm khớp gian mấu, tiêm ngoài màng cứng vcho các tình trạng như bệnh lý rễ cổ và hội chứng khớp gian mấu (diện nhỏ).

Phẫu thuật

  • Phẫu thuật không được chỉ định trong trường hợp không có biến chứng.

Lược dịch, có chỉnh sửa, từ:

ESSENTIALS OF PHYSICAL MEDICINE AND REHABILITATION: MUSCULOSKELETAL DISORDERS, PAIN, AND REHABILITATION, FOURTH EDITION. Elsevier, Inc. 2019

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này