Bài viết tổng quan, ngắn gọn dành cho sinh viên.
Mục lục
ĐẠI CƯƠNG CHẤN THƯƠNG MÔ MỀM
tổn thương mô mềm
Mô mềm bao gồm gân, cơ, dây chằng, bao khớp, túi thanh dịch. Nhiều hoạt động trong sinh hoạt, thể thao, tai nạn có thể gây chấn thương mô mềm từ nhẹ đến nặng.
- Đứt hoặc rách dây chằng (từ phổ thông là bong gân): là các tổn thương làm rách hoặc đứt dây chằng khớp do nguyên nhân chấn thương
- Đứt hoặc rách gân: tổn thương làm đứt rách gân cơ (phần nối giữa cơ và xương). Đứt một phần gân khi có hiện tượng đau khi co cơ có kháng trở. Đứt hoàn toàn gân không còn hiện tượng đau khi co cơ hay kéo căng cơ
- Đứt hoặc rách cơ: là tình trạng đứt hoặc rách, đụng dập cơ do nguyên nhân chấn thương
- Đụng dập mô mềm: là tình trạng mô mềm bị bầm tím tại chỗ, chảy máu, phù nề và gây phản ứng viêm tại chỗ
Phân độ
- Tổn thương dây chằng hoặc cơ có thể được phân loại thành
- Độ 1: Tổn thương tối thiểu (các sợi bị kéo căng nhưng còn nguyên vẹn, hoặc chỉ một vài sợi bị đứt)
- Độ 2: Một phần (một số cho đến hầu hết các sợi đều bị rách)
- Độ 3: Hoàn toàn (tất cả các sợi đều bị đứt)
Biểu hiện lâm sàng
Các tổn thương mô mềm dẫn đến các rối loạn chức năng như: viêm (sưng, nóng, đỏ, đau), teo yếu cơ, co rút cơ, rối loạn chức năng của khớp (như mất vững, hạn chế tầm vận động) và rối loạn chức năng vận động của vùng bị chấn thương.
Các giai đoạn làm lành sau chấn thương mô mềm
Quá trình lành sau chấn thương mô mềm là một quá trình diễn ra liên tục với các giai đoạn đan xen lẫn nhau và không hoàn toàn tách biệt. Số ngày của mỗi giai đoạn sẽ thay đổi tùy theo các yếu tố như tuổi tác, kích thước vết thương, bệnh kèm, chấn thương tiếp tục, dinh dưỡng, lưu lượng máu, thuốc, stress và nhiễm trùng.
Giai đoạn I: Viêm (Inflammation)
- Là phản ứng bình thường của hệ thống miễn dịch đối với chấn thương. Có thể chia nhỏ làm hai giai đoạn là cầm máu và viêm.
- Bắt đầu bởi co mạch trong thời gian ngắn, hình thành cục máu đông (các yếu tố đông máu, các tiểu cầu).
- Hoại tử xảy ra sau khi các tế bào bị tổn thương hoặc bị phá hủy (tổn thương thứ phát do thiếu oxy và hoạt động của enzym).
- Phản ứng viêm: Các chất trung gian hoá học (như histamine từ các tế bào mast) làm tăng tính thấm của màng và giãn mạch. Tế bào thực bào và bạch cầu xâm nhập vào khu vực. Các chất thải được phân hủy và loại bỏ thông qua các tác động cục bộ và mạch máu.
- Khung thời gian: từ ngày 0 đến khoảng ngày thứ 10.
- Tốc độ quá trình viêm bị ảnh hưởng bởi mô tổn thương, kích thước vùng tổn thương, nguồn cung cấp máu, chất dinh dưỡng sẵn có và môi trường bên ngoài.
Giai đoạn II: Tăng sinh (Proliferation) (Còn gọi là Sửa chữa/Nguyên bào sợi)
- Mô mới lấp đầy vùng khiếm khuyết do chấn thương, thay thế chất nền fibrin tạm thời bằng chất nền mới gồm các sợi collagen, proteoglycan, và fibronectin để phục hồi cấu trúc và chức năng mô.
- Sự tân sinh mạch máu: sự hình thành mạch máu mới từ các tế bào nội mô và các chồi mao mạch mỏng manh mọc vào giường vết thương; mô mới hơi đỏ, hơi gồ ghề được gọi là mô hạt.
- Tế bào biểu mô biệt hóa thành collagen loại I. Quá trình tổng hợp collagen xảy ra tuy nhiên mô sẹo mới còn yếu và cần phải được bảo vệ; chấn thương trong giai đoạn này có thể khiến vết thương trở lại quá trình viêm.
- Khung thời gian: bắt đầu trong lúc phản ứng viêm xảy ra và tiếp tục trong bốn đến sáu tuần tiếp theo.
- Tốc độ tăng sinh bị ảnh hưởng bởi kích thước vết thương, nguồn cung cấp máu, chất dinh dưỡng sẵn có và môi trường bên ngoài.
Giai đoạn III: Trưởng thành / Tái tổ chức (Maturation/Remodeling)
- Quá trình trưởng thành hoặc tái tổ chức mô mới bắt đầu trong khi mô hạt đang hình thành trong giai đoạn trước (tăng sinh), trong đó mô hạt sẽ chuyển dần thành mô sẹo và sức mạnh chống lực kéo căng gia tăng.
- Hoạt động nguyên bào sợi giảm.
- Collagen type III dần dần thay thế collagen type I. Kéo căng lên các sợi collagen khiến chúng sắp xếp lại song song với lực tác dụng.
- Trong giai đoạn này, lực kéo căng dẫn đến tái cấu trúc mô và collagen loại III được thay thế bằng collagen loại I, các sợi collagen thẳng hàng hơn, tạo nên liên kết chéo làm gân chịu lực tốt hơn
- Khung thời gian: khoảng ngày thứ 9 của chấn thương lên đến 2 năm.
- Tốc độ trưởng thành / tái tổ chức bị ảnh hưởng bởi kích thước của tổn thương, nguồn cung cấp máu, chất dinh dưỡng có sẵn và môi trường bên ngoài.
XEM THÊM:
PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHẤN THƯƠNG MÔ MỀM
Tuỳ thuộc vào mức độ chấn thương, loại tổn thương, giai đoạn sau chấn thương, can thiệp phẫu thuật (nếu có) mà mục tiêu và biện pháp phục hồi chức năng khác nhau. Nguyên tắc chung là đảm bảo sự làm lành của mô mềm, vận động sớm sau chấn thương, và tạo tải lên mô tăng tiến để trở lại mức độ chức năng.
Giai đoạn Viêm: 1- 2 tuần đầu, bảo vệ tối đa
Mục tiêu và biện pháp
- Cải thiện triệu chứng (sưng đau quá mức): RICE hoặc PRICE
- Bảo vệ (Protection)
- Nghỉ ngơi (Rest)
- Chườm lạnh (Ice)
- Băng ép (Compression)
- Nâng cao chi (Elevation)
- Điện trị liệu (dòng TENS)
- Duy trì và tăng tiến tầm vận động khớp:
- Tầm vận động thụ động, chủ động trợ giúp
- Duy trì hoạt động cơ:
- Các bài tập khởi động cơ nhẹ đẳng trường (gồng cơ tĩnh)
- Đảm bảo chức năng vận động/sinh hoạt
- Duy trì tầm vận động và hoạt động chức năng của các vùng kế cận
- Sử dụng dụng cụ trợ giúp như xe lăn, nạng, nẹp …
- Phòng ngừa các biến chứng
- Tắc nghẽn mạch: Bơm cổ chân …
- Viêm phổi: vật lý trị liệu hô hấp …
XEM VIDEO: TẬP LUYỆN SAU PHẪU THUẬT TÁI TẠO DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC, TUẦN 1 -2.
Giai đoạn 2: (tuần 2-6): Bảo vệ trung bình. Tăng tiến tầm vận động, bắt đầu khởi động cơ
Mục tiêu và Biện pháp
- Tiếp tục giảm sưng đau nếu còn
- Tăng tiến tầm vận động đến mức bình thường:
- Kỹ thuật kéo dãn
- Kỹ thuật kéo nắn/ di động khớp
- Cải thiện cơ lực
- Kỹ thuật kháng trở tăng tiến, bắt đầu bằng tập cơ lực đẳng trường.
- Tăng tiến chức năng
- Tăng tiến chức năng chi thể (tay, chân) bằng các kỹ thuật hoạt động trị liệu, tập đi lại giảm dần trợ giúp của dụng cụ (như đi nạng chịu một phần trọng lượng)
Giai đoạn 3 (tuần 6-12): Bảo vệ tối thiểu
Tăng tiến cơ lực, các bài tập cảm thụ bản thể, điều khiển thần kinh cơ, thăng bằng. Giai đoạn này có thể chia làm hai giai đoạn nhỏ hơn là cải thiện cơ lực và cải thiện kiểm soát vận động.
- Tầm vận động đã đạt gần tối đa
- Tăng tiến cơ lực (sức mạnh, sức bền) trong tầm không đau
- Các bài tập động, có kháng trở
- Chân: Bài tập chuỗi đóng, bài tập chuỗi mở
- Tăng tiến kiểm soát vận động:
- Tập kiểm soát thần kinh- cơ (để phục hồi các mẫu hoạt hóa cơ theo đúng trình tự…), có thể sử dụng các tín hiệu thị giác, lời nói, xúc giác hoặc sử dụng hồi tác sinh học.
- Rèn luyện cảm thụ bản thể (có thể bị khiếm khuyết sau chấn thương khớp hoặc thoái hóa) nhằm giảm nguy cơ chấn thương tái diễn. có thể sử dụng các bài tập thăng bằng, như ván thăng bằng, đứng thăng bằng một chân, hoặc với bóng đối với chi trên.
- Tăng tiến chức năng sinh hoạt, di chuyển:
- Cầm nắm, sinh hoạt, di chuyển đường bằng, đường dốc, cầu thang
- Giảm dần để chuyển sang không sử dụng dụng cụ hỗ trợ
Giai đoạn 4 (>12 tuần): Trở lại hoạt động, nghề nghiệp, thể thao tăng tiến
- Tăng tiến kỹ năng vận động và duy trì các hoạt động vận động
- Trở lại các hoạt động nghề nghiệp/ thể thao:
- Các bài tập có mục đích, tăng tiến kỹ năng phù hợp với nghề nghiệp/ môn thể thao mong muốn
- Chia nhỏ các công việc thành các bước, sau đó kết hợp lại khi người bệnh nắm vững từng bước đó.
- Phòng ngừa chấn thương tái phát
KẾT LUẬN
Để phục hồi chức năng cho bệnh nhân chấn thương mô mềm g được tốt cần nắm vững vị trí và mức độ chấn thương mô mềm, tình trạng bệnh nhân, loại can thiệp nếu có, giai đoạn lành của mô mềm để đề ra các mục tiêu và phương pháp phù hợp. Mục đích cuối cùng là giúp người bệnh nhanh chóng trở lại sinh hoạt bình thường, tham gia các hoạt động nghề nghiệp, thể thao.
rất hay và bổ ích !
bái phục Bs Đạt.
Cảm ơn bác đã luôn cập nhật những bài viết hay bổ ích về PHCN, e xin phép được chia sẻ bài viết và sử dụng cho bài viết của e nhé. Chúc bác luôn khoẻ mạnh, thành công trong mọi lĩnh vực
OK bạn cứ thêm dòng tham khảo PHCN Online là được. Bài này mình viết gọn để dạy sinh viên mà!