GIẢI PHẪU THẦN KINH: DÂY THẦN KINH CƠ BÌ

Tên tiếng Anh: the musculocutaneous nerve.

  • musculo-: cơ
  • cutaneous: da = bì

Nghĩa là có phân bố cho cả vận động (cơ) và cảm giác (da).

Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét giải phẫu của dây thần kinh cơ bì: đường đi, các chức năng vận động và cảm giác cũng như liên hệ lâm sàng của dây này.

Mục lục

Tổng quan

Dây thần kinh cơ bì là một trong năm nhánh tận của đám rối cánh tay và là dây thần kinh ngoại biên lớn của chi trên.

  • Rễ thần kinh – C5, C6, C7.
  • Chức năng vận động – các cơ ở khoang trước của cánh tay (cơ quạ cánh tay, cơ nhị đầu cánh tay, và cơ cánh tay.
  • Chức năng cảm giác – chia ra dây thần kinh bì cẳng tay ngoài, chi phối mặt ngoài của cẳng tay.

Giải phẫu đường đi và PHÂN NHÁNH

Dây thần kinh cơ bì là nhánh tận của bó ngoài đám rối cánh tay (C5, C6 và C7) và xuất ra ở bờ dưới của cơ ngực bé (pectoralis minor).

Nó rời khỏi nách và xuyên qua cơ quạ cánh tay (coracobrachialis), cách nguyên uỷ của cơ này ở mỏm quạ khoảng 5,6 cm. Nó phân ra một nhánh cho cơ này. Dây thần kinh cơ bì sau đó đi xuống khoang trước  của cánh tay (khoang các cơ gấp), ở nông hơn so với cơ cánh tay (brachialis) nhưng sâu hơn cơ nhị đầu cánh tay (biceps brachii). Nó chi phối cả hai cơ này và cung cấp các nhánh khớp đến xương cánh tay và khuỷu tay.

Sau khi chia hết các nhánh vận động, thân chính của dây thần kinh cơ bì tiếp tục đi xuống dưới. Vài cen ti mét trên khớp khuỷu, dây thần kinh sau đó đi ra khoảng giữa cơ nhị đầu cánh tay và cơ cánh tay, ngay bên ngoài gân cơ nhị đầu cánh tay. Ở điểm này, nó được xem như là dây thần kinh bì cẳng tay ngoài.

Dây thần kinh bì cẳng tay ngoài đâm xuyên qua mạc sâu để vào khoang dưới da. Nhánh da tận này chia ra một nhánh trước và một nhánh sau để phân bố cho da của mặt ngoài cẳng tay. 

(Ghi chú:

  • Phân bố da của mặt trong cẳng tay là bởi dây thần kinh bì cẳng tay trong (từ các rễ C8 – T1), một nhánh trực tiếp của bó trong.
  • Phần sau cẳng tay nhận phân bố từ dây thần kinh bì cẳng tay sau (các rễ C7-C8), một nhánh của dây thần kinh quay.)

Lưu ý: Dây thần kinh cơ bì là dây có nhiều biến thể đường đi giải phẫu. Nó có thể tiếp xúc với dây thần kinh giữa, dính vào dây thần kinh này và trao đổi các sợi. Hoặc là, nó có thể đi bên dưới cơ quạ cánh tay thay vì đi xuyên qua cơ này và/hoặc xuyên qua cơ nhị đầu cánh tay.

Hình 1 – Đường đi của dây thần kinh cơ bì.

Chức năng

Chức năng vận động

Dây thần kinh cơ bì chi phối các cơ ở khoang trước của cánh tay:

  • Cơ nhị đầu cánh tay (Biceps brachii)
  • Cơ cánh tay (Brachialis)
  • Cơ quạ cánh tay (Coracobrachialis)

Những cơ này có tác dụng gấp cánh tay ở khớp vai và khuỷu tay. Ngoài ra, cơ nhị đầu cánh tay còn có tác dụng quay ngửa cẳng tay.

Một cách ghi nhớ hữu ích giúp bạn ghi nhớ các cơ này là BBC.

Bảng 1: Tóm tắt nguyên uỷ, bám tận và chức năng của các cơ được phân bố bởi dây thần kinh cơ bì

Nguyên uỷBám tậnChức năng
Cơ quạ cánh tayMỏm quạ⅓ giữa của mặt trong của xương cánh tayGấp vai
Khép vai
Cơ nhị đầuĐầu ngắn: mỏm quạ xương bả vai
Đầu dài: củ trên ổ chảo
Lồi củ quay
Cân cơ nhị đầu
Gấp khuỷu
Gấp vai
Dạng vai
Quay ngửa khớp quay trụ
Cơ cánh tay⅔ dưới của mặt trước trong và trước ngoài của xương cánh taybao khớp khuỷu và mặt trước của mỏm  vẹt và lồi củ xương trụGấp khuỷu

XEM THÊM: GIẢI PHẪU CHỨC NĂNG CÁNH TAY VÀ CẲNG TAY: CƠ VÀ HOẠT ĐỘNG CƠ

Chức năng cảm giác

Dây thần kinh cơ bì tạo ra dây thần kinh bì ngoài của cẳng tay (lateral cutaneous nerve of forearm).

Dây thần kinh này ban đầu đi vào cẳng tay ở sâu, nhưng sau đó xuyên qua mạc sâu để đi dưới da. Ở vùng này, nó có thể được tìm thấy gần tĩnh mạch đầu ở cẳng tay.

Dây thần kinh bì ngoài của cẳng tay chia nhánh trước, phân bố cho da mặt trước ngoài của cẳng tay đến ô mô cái. Nhánh sau phân bố cho da mặt sau ngoài cẳng tay đến cổ tay.

Hình 2 – Phân bố da của dây thần kinh cơ bì.

Liên hệ lâm sàng

Liệt dây thần kinh cơ bì

Giống như tất cả các dây thần kinh, chấn thương trực tiếp đến dây thần kinh cơ bì do các vết rách, vết thương do đạn bắn và gãy xương gần đó đã được báo cáo.

Trong khi các hội chứng thần kinh cơ bì đơn độc tương đối hiếm gặp, một số tình huống lâm sàng cụ thể đã được mô tả trong y văn. 

  • Đáng kể nhất là chèn ép dây thần kinh cơ bì trong cơ quạ cánh tay, dẫn đến yếu và teo cơ nhị đầu cánh tay và cơ cánh tay kèm theo mất cảm giác ở mặt ngoài cẳng tay. Những bệnh nhân có nhiều khả năng phát triển tình trạng này là những người trẻ hoạt động, thường xuyên gập vai và khuỷu tay với cẳng tay ở tư thế quay sấp. Hội chứng này thường xảy ra thứ phát do phì đại cơ quạ cánh tay do sử dụng quá mức kéo dài. Lưu ý là dây thần kinh bị chèn ép trong cơ quạ cánh tay sau khi đã phân nhánh vận động đến cơ này, do đó không xuất hiện các khiếm khuyết về chức năng cơ quạ cánh tay.
  • Một tình huống lâm sàng quan trọng khác liên quan đến dây thần kinh cơ bì là trật khớp vai. Trong khi dây thần kinh thường bị tổn thương trong trường hợp này là dây thần kinh nách, một số trường hợp tổn thương dây thần kinh cơ bì đã được báo cáo là thứ phát do trật xương cánh tay ra trước. 

Liệt dây thần kinh bì ngoài cẳng tay

Ngoài các tổn thương thần kinh cơ bì được mô tả, một số trường hợp có thể chỉ tổn thương riêng biệt dây thần kinh bì ngoài của cẳng tay, mặc dù tổn thương chỉ liên quan đến cảm giác này thường không được chú ý về mặt lâm sàng.

  • Ngay trước khi thoát ra khỏi mạc sâu để phân bố thần kinh ở da, dây thần kinh bì ngoài của cẳng tay đi qua giữa một cấu trúc được mô tả là như một đường hầm được tạo ra bởi các lớp cân cứng của cơ cánh tay và cân cơ nhị đầu. Dây thần kinh có thể bị chèn ép do cân nhị đầu trong trường hợp duỗi khuỷu với cẳng tay ở tư thế quay sấp lặp lại.Điều này có thể dẫn đến giảm cảm giác ở mặt ngoài cẳng tay.
  • Dây thần kinh da ngoài của cẳng tay đi gần với tĩnh mạch đầu và do đó có nguy cơ bị tổn thương trong quá trình tiêm tĩnh mạch. Thực hành chung là tránh mặt trong của hố trụ trong khi tiêm tĩnh mạch do các trường hợp tổn thương dây thần kinh bì cẳng tay trong. Tuy nhiên, có một số trường hợp tổn thương dây thần kinh bì ngoài của cẳng tay, cho thấy rằng cần thận trọng khi sử dụng mặt ngoài của hố trụ. Nên áp dụng tiếp cận nông nhất có thể có thể để làm giảm nguy cơ tổn thương dây thần kinh ngoại biên.

Tham khảo chính:

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này