CÁC CAN THIỆP THÚC ĐẨY SINH HOẠT HÀNG NGÀY: TẮM RỬA

DẪN NHẬP

Bài viết là một phần của loạt bài viết về các can thiệp sinh hoạt hàng ngày trong Hoạt động Trị liệu Nhi khoa.
XEM THÊM: QUY TRÌNH HOẠT ĐỘNG TRỊ LIỆU

Mục lục

GIỚI THIỆU

Tắm rửa là các hoạt động được bao gồm nhiều tác vụ và trình tự, bao gồm lấy và sử dụng các đồ dùng để tắm rửa (khăn tắm, xà phòng …); xoa xà phòng, rửa sạch, và lau khô các bộ phận của cơ thể; duy trì các tư thế tắm rửa khác nhau; và dịch chuyển đến và ra khỏi các tư thế trong khi tắm. 

Trẻ nhũ nhi và trẻ mới biết đi đang ở giai đoạn đầu phát triển khái niệm chỉ biết được các mục đích và chức năng của các đồ vật và hoạt động. Chúng chưa hiểu được ý nghĩa đối với hành động được tắm rửa (nghĩa là giúp cơ thể sạch sẽ). Đối với trẻ nhũ nhi và trẻ mới tập đi, thời gian đi tắm (bath time) đem lại cơ hội để vui chơi và tận hưởng các cảm giác thích thú, đồng thời gia tăng khả năng vận động và hiểu biết về bản thân và môi trường. Một số trẻ lớn xem tắm rửa như một hoạt động tự chăm sóc có ý nghĩa, đảm bảo sức khỏe tốt. 

Các trẻ có thể gặp khó khăn trong việc tắm rửa vì nhiều lý do khác nhau (như là do các khó khăn về vận động, cảm giác, nhận thức, hành vi và phát triển). KTV HDTL bắt đầu bằng một phân tích hồ sơ hoạt động để nắm về các điểm mạnh và các lĩnh vực phát triển của trẻ, để từ đó xác định can thiệp tốt nhất. Các nghiên cứu trường hợp sau đây minh họa các chiến lược can thiệp cho tắm rửa.

Trường hợp 1

Trường hợp

Molly, một đứa trẻ 3 tuổi, được chuyển đến tập HĐTL sau khi bị gãy đầu trên xương cánh tay phải đã ổn định. Các lĩnh vực phát triển, được xác định từ hồ sơ hoạt động, bao gồm tầm vận động (ROM) chủ động và sức mạnh của chi trên bên phải, độc lập trong tự chăm sóc và sức bền trong các hoạt động vui chơi chức năng liên quan đến việc sử dụng tay phải. Mẹ cháu lo lắng về việc tắm rửa cho Molly vì cô ngại bế trẻ và di chuyển cánh tay phải của trẻ khi tắm .

Phân tích

Với những đứa trẻ như Molly đang cần kỹ thuật khắc phục (hoặc cải thiện, remediation techniques) cho các giới hạn về cơ xương khớp, trọng tâm là gặp gỡ trẻ (khách hàng) ở nơi trẻ hiện đang hoạt động, tạo thuận cho việc trở lại trạng thái chức năng trước đó và cải thiện mức độ độc lập tổng quát. Các kỹ thuật khắc phục bao gồm các bài tập trị liệu chi trên (ROM và làm mạnh cơ) và các trị liệu hoạt động để tăng sự tham gia tích cực và tính độc lập. 

Kỹ thuật tăng dần (grading) vị trí của vật dụng tắm rửa (như khăn, xà phòng) trên kệ bằng cách thay đổi chiều cao kệ hoặc đặt các vật dụng trên các kệ khác nhau sẽ cung cấp cho trẻ cơ hội vươn tay tới trước khi vào bồn tắm hoặc khu vực tắm. 

Sử dụng nước ấm tạo ra một môi trường trị liệu cho các bài tập. 

KTV HĐTL có thể kết hợp các hoạt động chức năng. Ví dụ, có thể khuyến khích trẻ với tay lên cao để lấy đồ chơi mà cháu thích, trong khi nâng đỡ trẻ trong thau/bồn tắm khi cần thiết. Các đồ chơi với nước có trọng lượng, kích thước khác nhau, và sức cản hỗ trợ động cơ chơi đùa nội tại của trẻ trong khi cải thiện các kỹ năng tắm rửa. Người chăm sóc cần tham gia trong các buổi tập để giúp chuyển giao hoặc kết hợp các chiến lược HDTL vào các thói quen hàng ngày của trẻ. Cũng cần giáo dục người chăm sóc về đặt tư thế, các kỹ thuật bồng bế và an toàn chung.

Trẻ em với các khiếm khuyết về thần kinh, cảm giác- cảm nhận, điều hòa cảm xúc và nhận thức có thể gặp khó khăn khi tắm rửa. Trẻ có thể nhận được các ích lợi từ các kỹ thuật can thiệp để cải thiện hiệu suất vận động để hoàn thành các hoạt động SHHN, hướng dẫn bởi các khung tham chiếu kiểm soát/học vận động, trị liệu phát triển thần kinh, tích hợp cảm giác hoặc phát triển. 

Ví dụ, các hoạt động chuẩn bị (preparatory activities) cho một đứa trẻ có trương lực cơ thấp bao gồm các kích thích như rung, trong khi các kỹ thuật làm dịu như lắc lư được áp dụng cho trẻ bị co cứng. Lạnh làm tăng trương lực cơ, trong khi ấm vừa làm thư giãn cơ. 

Các giải pháp khắc phục có thể bao gồm phân tích các hoạt động (activity analysis) để KTV có thể hướng dẫn các bước nhỏ thông qua chuỗi tiến hoặc chuỗi lùi (Bảng 1). KTV HĐTL có thể tạo thuận lợi cho quá trình bằng cách để trẻ bắt đầu bước thứ nhất của một chuỗi hoặc hoàn thành bước cuối cùng của một chuỗi, tùy thuộc vào phương pháp can thiệp chọn lựa. Sau đó, KTV cần tiếp tục tăng dần mức độ khó của hoạt động.

Bảng 1: Các kỹ thuật chuỗi tiến và lùi (Forward and Backward Chaining Techniques)

Định nghĩaVí dụ
Chuỗi tiếnKTV HDTL khuyến khích trẻ bắt đầu bước đầu tiên và hoàn thành quá trình càng nhiều càng tốt trước khi KTV HDTL hoàn thành quá trình. KTV HDTL lặp lại các bước cho đến khi khách hàng hoàn thành tất cả các bước.Trẻ cởi bỏ quần áo, bước vào bồn tắm và tự tắm rửa trong bồn tắm; Người chăm sóc lau khô trẻ, mặc quần áo trẻ em, và xả nước trong bồn.
Chuỗi lùiKTV HĐTL hỗ trợ trẻ cho đến bước cuối cùng của quá trình và sau đó cho phép trẻ thực hiện bước cuối cùng; KTV HDTL lặp lại quá trình cho phép đứa trẻ hoàn thành bước kế cuối và bước cuối cùng cho đến khi đứa trẻ hoàn thành tất cả các bước.Người chăm sóc cởi bỏ quần áo của trẻ, tắm rửa cho trẻ trong bồn tắm, lau khô trẻ. Trẻ tự mặc quần áo, và xả nước trong bồn.

Trường hợp 2

Trường hợp

Một thiếu niên 14 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm lớn (major depression) biểu hiện với khí sắc trầm, giảm các kỹ năng quan hệ xã hội và thiếu động lực để hoàn thành các nhiệm vụ chăm sóc vệ sinh hàng ngày trước khi đi học. Trên cơ sở thông tin thu được trong khi hoàn thành hồ sơ hoạt động, KTV HDTL lập kế hoạch và thực hiện phỏng vấn cảm giác để có thêm thông tin về các sở thích cảm giác của trẻ. Trẻ khai rằng ưa thích cảm giác nước ấm. KTV, trẻ và người mẹ làm việc cùng nhau để tạo ra một chiến lược nhằm làm tăng động lực và tần suất tắm rửa của trẻ. Quyết định hợp tác là người mẹ sẽ bật nước ấm 2 phút trước giờ thức dậy, kết hợp với nhắc nhở bằng lời “Nước ấm cho con tắm đã sẵn sàng rồi con nhé”, giúp trẻ chịu tắm vòi sen ba lần trong tuần đầu tiên. Động lực tham gia tắm rửa của trẻ được tạo điều kiện bởi động cơ nội tại để trải nghiệm các cảm giác nước ấm và nghe giọng nói hỗ trợ của người mẹ. Cả trẻ và người mẹ đều báo cáo cảm giác có sự tiến bộ trong thực hiện các SHHN, một ví dụ về cùng thực hiện hoạt động (co-occupational performance) thành công.

Phân tích

Ví dụ này minh họa tầm quan trọng của việc hợp tác với trẻ và gia đình để phát triển một kế hoạch khắc phục. Phát triển một thói quen ADL giúp củng cố các mẫu thực hiện. Kết hợp trải nghiệm cảm giác tích cực (ví dụ ở đây là nước ấm) với nhắc nhỡ tích cực từ người mẹ củng cố các hành vi và giúp thiết lập một thói quen.

Ngoài các kỹ thuật khắc phục, KTV HDTL có thể phát triển các kỹ thuật bù trừ (compensatory techniques), như là:

  • Huấn luyện tự chăm sóc bằng cách sử dụng các dụng cụ trợ giúp hoặc các kỹ thuật thích ứng, như miếng bọt biển có cán dài, ghế tắm, que với dài, thảm chống trượt, thanh vịn, đầu vòi hoa sen thích ứng
  • Giám sát và thực hiện thời gian biểu bằng hình ảnh trực quan cho trẻ có khiếm khuyết về nhận thức, với sự hỗ trợ của người chăm sóc.
  • Dán nhãn các vật dụng bằng chữ in lớn và màu tương phản để hỗ trợ trẻ có thị lực kém
  • Bọc vòi sen với khăn để giúp trẻ nhạy cảm với nhiệt độ dễ cầm nắm và cung cấp các hỗ trợ cảm giác nhằm duy trì mức độ kích thích tối ưu.
  • Sắp xếp lại phòng tắm của trẻ để chứa xe lăn và/hoặc ghế tắm nếu cần thiết
  • Giáo dục bố mẹ, người chăm sóc mức độ giám sát cần thiết trong quá trình tắm rửa
  • Giáo dục người chăm sóc về đơn giản hóa công việc (work simplification) hoặc bảo tồn năng lượng (energy conservation) để hỗ trợ cùng hoạt động và phòng ngừa đau lưng, mệt mỏi, kiệt sức, nhất là với trẻ khuyết tật nặng, có nhu cầu phức tạp.

Minh Dat Rehab. Lược dịch từ: 
Pediatric Skills for Occupational Therapy Assistants. 4th edition. Elservier. 2016. 
Có sửa đổi, bổ sung.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này