CASE STUDY NEURO REHAB N 03: CỐT HOÁ LẠC CHỖ

Cập nhật lần cuối vào 14/10/2023

Mục lục

Tình huống:

Một người đàn ông 28 tuổi bị tổn thương tuỷ sống hoàn toàn ngang mức T8 sau một tai nạn xe máy. Năm tuần sau khi nhập vào đơn vị chấn thương cột sống, bệnh nhân than đau ở háng trái. Trên lâm sàng, toàn bộ chân trái bị sưng và đau, sờ thấy háng nóng và đau, đau nhiều khi vận động thụ động. Kết quả X quang thẳng cho thấy dấu hiệu canxi hoá mô mềm gần với mặt khớp háng trái.

XEM THÊM: CỐT HOÁ LẠC CHỖ : BỆNH NGUYÊN, CHẨN ĐOÁN VÀ XỬ TRÍ

cot hoa

Bàn luận

Cốt hoá lạc chổ (Heterotopic ossification) là một tình trạng mà trong đó xương bè trưởng thành được hình thành trong các mô mà bình thường không tạo xương. Thuật ngữ này đã thay thế một số tên đã từng được sử dụng để mô tả sự cốt hóa mô mềm, chẳng hạn như viêm cơ cốt hoá (myositis ossificans).

Cốt hoá lạc chổ được cho là kết quả của sự chuyển sản (metaplasia) của các tế bào trung mô trong các mô mềm, và tiếp theo đó là sự tăng sinh của các nguyên bào xương. Nguyên nhân kích hoạt cho sự chuyển sản tế bào này chưa được hiểu rõ, nhưng có lẽ liên quan đến thần kinh hay thể dịch. Các thay đổi các liên kết thần kinh giao cảm sau tổn thương não hoặc tuỷ sống hay chấn thương lặp đi lặp lại do kéo nắn khớp cũng có thể góp phần cho quá trình chuyển đổi.

Một số điều kiện có thể thúc đẩy cốt hoá lạc chổ. Yếu tố nguy cơ lớn nhất là một tiền sử bị cốt hoá lạc chổ và gần như tất cả các bệnh nhân đã từng bị cốt hoá lạc chổ sẽ tiếp tục bị lại nếu trải qua một thủ thuật chỉnh hình lớn như phẫu thuật khớp háng. Cốt hoá cũng hình thành trong 10-30% bệnh nhân khiếm khuyết thần kinh trầm trọng thứ phát sau những bệnh lý như chấn thương tuỷ sống hoặc não. Bệnh nhân bị tổn thương tuỷ sống đặc biệt dễ bị cốt hoá lạc chổ ảnh hưởng đến các khớp lớn như háng, gối, vai và khuỷu – luôn luôn dưới mức tổn thương thần kinh – và gây ra nóng, đỏ, đau, và giảm tầm vận động nghiêm trọng. Các triệu chứng toàn thể như sốt và mệt mỏi không phải là hiếm trong các trường hợp nặng. Các chẩn đoán phân biệt bao gồm các bệnh như huyết khối tĩnh mạch sâu, viêm mô tế bào, nhiễm trùng khớp, tụ máu và gãy xương.

Các xét nghiệm thường bình thường ngoại trừ tăng phosphatase kiềm, tốc độ máu lắng và protein phản ứng C, thường là tăng vừa một vài tuần sau khi khởi phát và là các chỉ báo tốt cho hoạt tính của bệnh. Chụp X quang thường có giá trị chẩn đoán trong các trường hợp rõ ràng. Trong cốt hoá lạc chổ nhẹ và sớm, scan xương ba pha là một công cụ có giá trị để xác định cốt hoá và xét nghiệm này cũng có thể đánh giá sự trưởng thành trong bệnh tiến triển. CT và MRI có vai trò, đặc biệt là để đánh giá trước phẫu thuật để kiểm tra mức độ (lan rộng) của cốt hoá lạc chổ và liên quan với các mạch máu. CT cũng có thể giúp loại trừ các bệnh lý khác như tụ máu hoặc khối u bị vôi hóa.

Hình: Scan xương 3 pha

phan loai cot hoa

Hệ thống Phân độ cốt hoá lạc chổ Brooker 

Trong giai đoạn cấp tính của cốt hoá lạc chổ, nghỉ ngơi ngắn hạn là cần thiết để giảm thiểu quá trình viêm. Tuy nhiên, điều quan trọng là tiếp tục các chương trình phục hồi chức năng bao gồm vận động các khớp bị ảnh hưởng trong tầm vận động không đau. Nếu kéo nắn khớp làm đau hoặc viêm tăng lên, nên ngưng kỹ thuật này cho đến khi bệnh nhân có thể dung nạp được.

Một số báo cáo cho thấy hiệu quả của thuốc bisphosphonates, đặc biệt là disodium etidronate, ít nhất trong việc ngăn chặn sự tiến triển của cốt hoá lạc chổ. Phác đồ chuẩn là dùng disodium etidronate tiêm tĩnh mạch trong ba ngày và sau đó uống trong vòng sáu tháng. Xét nghiệm phosphatase kiềm, tốc độ máu lắng và protein phản ứng C thường xuyên là cần thiết để giám sát hoạt tính của cốt hoá lạc chổ.

Khi hoạt động bệnh đã ổn định, được xác định bởi mức phosphatase kiềm và dấu chỉ điểm viêm bình thường kết hợp với một kết quả scan xương ba pha bình thường, cần phải lượng giá chức năng. Nếu cốt hoá lạc chổ không ảnh hưởng đến khả năng chức năng của bệnh nhân, không cần phải điều trị và nên theo dõi những thay đổi về lâm sàng.

Một vài bệnh nhân sẽ bị biến dạng khớp và đủ nặng gây suy giảm chức năng. Những bệnh nhân này nên được đánh giá về khả năng can thiệp phẫu thuật. Phẫu thuật cắt bỏ có thể là một can thiệp hiệu quả để cải thiện tầm vận động và chức năng của khớp bị ảnh hưởng. Những biến chứng có thể có của phẫu thuật bao gồm nhiễm trùng, chảy máu và tái phát cốt hoá lạc chổ; do đó, bắt buộc phải đánh giá cẩn thận bao gồm giải thích đầy đủ các lợi ích và rủi ro tiềm năng cho người bệnh.

Một số phương pháp đã được đề xuất để giảm nguy cơ tái phát cốt hoá lạc chổ sau khi phẫu thuật cắt bỏ bao gồm xạ trị, bisphosphonates, và thuốc chống viêm không steroid (NSAID) đặc biệt là indometacin. Vai trò NSAIDs để phòng ngừa cốt hoá lạc chổ sau phẫu thuật chỉnh hình khớp háng đã được xác định, và một tổng quan cơ sở dữ liệu Cochrane cho thấy sử dụng NSAIDs giảm 15-20% nguy cơ cốt hoá lạc chổ sau phẫu thuật khớp háng. Hiện vẫn chưa xác định được NSAIDs có vai trò gì trong việc phòng ngừa cốt hoá lạc chổ sau khiếm khuyết thần kinh hay không.

Dịch từ: Case Studies in Neurological Rehabilitation, Tarek A.-Z. K. Gaber, CAMBRIDGE  UNIVERSITY  PRESS, 2008

Hình ảnh và video do người dịch bổ sung.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này