BẠI NÃO: ĐẠI CƯƠNG

Cập nhật lần cuối vào 24/12/2022

Tên tiếng Anh: Cerebral Palsy (CP)

Mã ICD 10:

  • G80 Cerebral palsy, bại não
    • G80.0 Spastic quadriplegic cerebral palsy; Bại não thể co cứng tứ chi
    • G80.1 Spastic diplegic cerebral palsy; Bại não thể co cứng hai chi (chân)
    • G80.2 Spastic hemiplegic cerebral palsy; Bại não thể co cứng nửa người
    • G80.3 Athetoid cerebral palsy; Bại não thể múa vờn
    • G80.4 Ataxic cerebral palsy; Bại não thể thất điều
    • G80.8 Other cerebral palsy; Bại não khác
    • G80.9 Cerebral palsy, unspecified; Bại não, không xác định loại

Mục lục

BẠI NÃO LÀ GÌ

Bại não là một thuật ngữ chung mô tả “một nhóm các rối loạn vĩnh viễn về phát triển vận động và tư thế, gây ra các giới hạn về hoạt động do những rối loạn không tiến triển xảy ra trong não bào thai hoặc não ở trẻ nhỏ đang phát triển. Các rối loạn vận động của bại não thường kèm theo những rối loạn về cảm giác, nhận cảm, nhận thức, giao tiếp và hành vi, với động kinh và với các vấn đề cơ xương thứ phát.” (Rosenbaum và cộng sự, 2007).

Bại não là nguyên nhân gây khuyết tật hàng đầu ở trẻ em, ảnh hưởng đến chức năng và sự phát triển.

Tỷ lệ hiện mắc ở các nước phát triển là 2-2,5/1000 trẻ sống. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ hiện mắc ước tính 1,5-5,6/1000 trẻ sống.

Độ tuổi bình quân ở trẻ được chẩn đoán bại não là 19 tháng tuổi, thay đổi từ 1 tuần tới 5 tuổi.

Ngày Bại não Quốc tế (World Cerebral Palsy Day): 6/10 nhằm để tăng cường nhận biết về bại não và những người mắc chứng bại não trên toàn thế giới.

NGUYÊN NHÂN VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ

Biẻu hiện lâm sàng của bại não có thể do một bất thường về cấu trúc của não; các tổn thương trước sinh, trong sinh, hoặc sau sinh do mạch máu, độc chất hoặc nhiễm trùng, chấn thương …

Chứng cứ cho thấy các yếu tố trước sinh gây 70-80% trường hợp bại não. Trong hầu hết trường hợp, nguyên nhân chính xác không được rõ hoặc là đa yếu tố.

Các yếu tố nguy cơ của mẹ, thai kỳ, trước sinh bao gồm:

  • Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài
  • Tiền sử sản khoa: chết non, hoặc chết lúc sinh, sinh non, sinh con chậm phát triển vận động, tâm thần
  • Mẹ chậm phát triển tâm thần
  • Bệnh tuyến giáp, đặc biệt thiếu iode
  • Mẹ bị động kinh
  • Nhiễm trùng trong thai kỳ
  • Tiền sản giật
  • Các bất thường về nhau thai
  • Chảy máu trong ba tháng giữa hoặc ba tháng cuối
  • Đa thai (sinh đôi hoặc nhiều hơn)
  • Mẹ được điều trị với hormon tuyến giáp, estrogen hoặc progesterone
  • Mẹ tiếp xúc với thuỷ ngân

Các yếu tố nguy cơ chu sinh, sau sinh:

  • Sinh non
  • Hạn chế tăng trưởng trong tử cung
  • Cân nặng lúc sinh thấp
  • Ngạt trong tử cung, khi sinh
  • Đẻ bằng dụng cụ/ mổ lấy thai cấp cứu
  • Nhiễm trùng sơ sinh, sau sinh (viêm màng não, viêm não)
  • Xuất huyết trong não (do non tháng, dị dạng mạch máu hoặc chấn thương)
  • Co giật ở trẻ sơ sinh
  • Hạ đường huyết
  • Vàng da sau sinh

MÔ TẢ BẠI NÃO

Thể vận động

đề cập đến rối loạn vận động quan sát được.

(I) Thể Co cứng (Spastic CP):

Chiếm 70-80% trường hợp bại não

Co cứng là sức cản với sự kéo căng cơ phụ thuộc vào tốc độ. Co cứng đặc trưng bởi tình trạng cứng quá mức trong các cơ khi trẻ cố gắng di chuyển hoặc giữ một tư thế chống lại trọng lực. Co cứng thường rõ ở các cơ gấp, khép, xoay trong tạo những mẫu điển hình.

(II) Thể Loạn động/Tăng động (dyskinetic CP)

Chiếm khoảng 6% trường hợp bại não

Thể loạn động/tăng động liên quan đến sự gia tăng hoạt động của cơ. Bại não thể loạn động/tăng động đặc trưng bởi các bất thường về trương lực cơ và biểu hiện các rối loạn vận động khác nhau bao gồm loạn trương lực, múa vờn và múa giật.

  • Loạn trương lực (dystonia) đặc trưng bởi các co cơ ngắt quãng hoặc kéo dài gây các vận động xoắn vặn hoặc lập lại
  • Múa vờn (athetosis) đặc trưng bởi các vận động vặn vẹo và chậm, không kiểm soát cản trở trẻ giữ vững một tư thế. Đó là những vận động trơn tru liên tục xuất hiện ngẫu nhiên và không gồm những mảnh vận động có thể xác định đượ
  • Múa giật là một chuỗi của một hoặc nhiều vận động không tự ý hoặc mảnh vận động rời rạc xuất hiện ngẫu nhiên liên tụ Múa giật được phân biệt với loạn trương lực ở bản chất xảy ra ngẫu nhiên, liên tục, không thể đoán trước của các vận động, so với các vận động hoặc tư thế rập khuôn, dễ đoán trước được hơn của loạn trương lực. Các vận động của múa giật thường có vẻ nhanh hơn những vận động của loạn trương lực. Trẻ bị chứng múa giật biểu hiện bồn chồn hoặc chuyển động liên tục.

Múa vờn và múa giật thường cùng hiện diện ở bại não và khi kết hợp được gọi là múa giật-vờn

(III) Thể Thất điều (Ataxic CP)

Chiếm khoảng 6% trường hợp bại não

Thất điều được đặc trưng bởi các chuyển động run rẩy và ảnh hưởng đến sự điều hợp và thăng bằng của người bệnh, do tổn thương tiểu não. Đây là thể bại não ít gặp nhất.

(IV) Các thể  phối hợp

Là bại não biểu hiện với nhiều hơn một thể vận động, ví dụ như co cứng và loạn trương lực.

Định khu

Nghĩa là sự phân bố khiếm khuyết vận động hoặc các phần cơ thể bị ảnh hưởng.

(I) Bại não một bên

  • Liệt nửa người (hemiplegic CP): Ảnh hưởng một nửa bên cơ thể (tay và chân)
  • (Liệt một chi)

(II) Bại não hai bên

  • Liệt hai chi (diplegic CP): Ảnh hưởng đến hai chân, hai tay có thể bị nhẹ hơn
  • (Liệt ba chi)
  • Liệt tứ chi (quadriplegic CP): Ảnh hưởng cả hai tay và hai chân. Các cơ ở thân mình, mặt cũng thường bị ảnh hưởng

Biểu hiện của các rối loạn vận động trên lâm sàng là kết hợp của tình trạng rối loạn trương lực, cơ lực, kiểm soát vận động, phản xạ bất thường (tăng phản xạ, mất phản xạ bảo vệ tư thế hoặc phản xạ bảo vệ…). Những rối loạn này có thể dẫn đến sự chậm phát triển các mốc vận động thô như lăn lật, trườn bò, quỳ ngồi, đứng đi và giảm chức năng hoạt động của tay, mặt miệng. Bất thường một bên có thể dẫn đến hoạt động không đối xứng (như thuận một tay trước 1 tuổi, bò không đối xứng …).

CÁC BẤT THƯỜNG KHÁC

Các khiếm khuyết vận động của bại não hầu như luôn luôn đi kèm với một hoặc nhiều khiếm khuyết và biến chứng thứ phát.

  • Các biến chứng cơ xương khớp: co rút, trật khớp háng, vẹo cột sống, loãng xương
  • Các biến chứng về tiêu hoá và dinh dưỡng: khó khăn trong ăn uống (tự ăn và kiểm soát miệng họng) làm chậm lớn, trào ngược dạ dày-thực quản, táo bón, vệ sinh răng miệng kém
  • Các biến chứng hô hấp: viêm phổi hít (do giảm chức năng vận động miệng họng), viêm phế quản, bệnh phổi mạn tính
  • Các biến chứng thần kinh: động kinh, giảm thính giác (đặc biệt là trẻ bị vàng da sau sinh), thị giác, bất thường thị trường do tổn thương vỏ não, lác mắt
  • Các biến chứng nhận thức/ngôn ngữ/tâm lý/hành vi: chậm phát triển tâm thần (30-50%), rối loạn ngôn ngữ, rối loạn giảm chú ý/tăng động, khó khăn về học, ảnh hưởng đến học tập, trầm cảm
  • Biến chứng da: loét ép

HÌNH ẢNH HỌC THẦN KINH

Chẩn đoán bại não thường được dựa vào biểu hiện lâm sàng.

Chẩn đoán hình ảnh giúp xác định tổn thương não và xác định những trẻ có nguy cơ bị bại não.

  • Siêu âm não: trong thời gian sơ sinh để xác định xuất huyết hoặc thiếu máu cục bộ- thiếu oxy não.
  • Cắt lớp vi tính (CT scan) não: xác định xuất huyết, nhuyễn chất trắng quanh não thất
  • Cộng hưởng từ (MRI). MRI là tiêu chuẩn vàng để xác định bệnh sinh của bại não – tổn thương chất trắng ở trẻ còn non (WMDI, white matter damage of immaturity) bao gồm nhuyễn não chất trắng quanh não thất, các tổn thương chất xám ở sâu, các dị dạng, các ổ nhồi máu, và các tổn thương vỏ não và dưới vỏ (Rosenbaum và cộng sự, 2007). 12-14% trẻ bại não sẽ có MRI bình thường và chẩn đoán xác định bại não không nên phụ thuộc hoàn toàn vào MRI.
Hình: MRI bé trai 16 tháng tuổi sinh đủ tháng bị ngạt lúc sinh. Trẻ bị bại não co cứng tứ chi không đối ứng (bên phải nặng hơn). Hình ảnh cho thấy nhuyễn não tạo nang ở vùng thái dương và đỉnh trái, myelin hóa muộn, giảm thể tích chất trắng và giãn não thất. Các dấu hiệu này có lẽ là di chứng của tổn thương sơ sinh (như nhuyễn chất trắng quanh não thất với nhồi máu não bên trái kèm theo) (emedicine.com)

XEM THÊM: 
  • Bại não. Infographics
  • Bại não. Các hệ thống phân loại

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

4 bình luận về “BẠI NÃO: ĐẠI CƯƠNG”

  1. Dạ thầy cho em hỏi là các xét nghiệm cận lâm sàng như MRI lúc nào sẽ cần để chỉ định đối với trẻ chậm phát triển các mốc vận động ạ?

    Bình luận
    • Chậm các mốc phát triển khá thường gặp ở trẻ nhỏ, và có thể chỉ là chậm bình thường, hoặc do các nguyên nhân như di truyền, chuyển hoá, nội tiết, dinh dưỡng, mạch máu, dị dạng, chấn thương,nhiễm trùng, độc chất, môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển. Xác định dựa vào lâm sàng sử dụng các lĩnh vực vận động tinh, vận động thô, kỹ năng xã hội và ngôn ngữ. Hình ảnh học như MRI có vai trò xác định nguyên nhân và do đó hữu ích với nhóm bệnh này (trừ những nguyên nhân đã rõ như bệnh Down, rối loạn chuyển hoá …). Bất thường MRI có thể thấy ở gần 70% bệnh nhân.
      MRI có thể được chỉ định ở trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên, và do sự phức tạp của kỹ thuật, có thể hoãn đến sau 2 tuổi (tương tự bại não).

      Bình luận
    • Ở VN thì theo các tài liệu nước ngoài, nên phân nguyên nhân trước, trong và sau sinh.
      Tài liệu gần nhất là từ “hướng dẫn chẩn đoán điều trị phục hồi chức năng trẻ bại não”, 2018, của BYT, cục khám chữa bệnh (do các chuyên gia nước ngoài của dự án biên soạn, và Minh Dat Rehab dịch). em có thể sử dụng nguồn tham khảo này.
      Nói chung, nhất là với trường hợp bại não trước sinh, trong hầu hết trường hợp đều khó xác định nguyên nhân chính xác, và do đó phần này đúng ra là nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ.

      Bình luận

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này