BỎNG VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG BỎNG

Cập nhật lần cuối vào 13/05/2023

Mã ICD 10: T30: Bỏng và ăn mòn, vùng cơ thể chưa xác định

  • T30.0: Bỏng độ chưa xác định, vùng cơ thể chưa xác định
  • T30.1: Bỏng độ một, vùng cơ thể chưa xác định
  • T30.2: Bỏng độ hai, vùng cơ thể chưa xác định
  • T30.3: Bỏng độ ba, vùng cơ thể chưa xác định

Mục lục

1. Đại cương

1.1. Giải phẫu- sinh lý da

1.1.1. Giải phẫu da

Da là cơ quan lớn nhất cơ thể. Da gồm 3 lớp:

  • Thượng bì (Epidermis): lớp ngoài cùng là các tế bào chết , bảo vệ và chống mất nước. Các lớp sâu hơn phân chia để tạo nên lớp sừng và chứa sắc tố để bảo vệ khỏi tia cực tím.
  • Bì (Dermis): Gồm 2 lớp. Lớp này có các đầu tận cùng thần kinh, các mạch máu, các tuyến mồ hôi, bã nhờn, nang lông và các sợi cảm giác
  • Mô dưới da: mô mỡ, các mạch máu lớn và dây thần kinh

Hình 1: Cấu tạo của da

1.1.2. Các chức năng của da

  • Điều hoà nhiệt độ
  • Hàng rào nhằm: Phòng ngừa mất nước bốc hơi, Bảo vệ xâm nhập của vi khuẩn, Bảo vệ với môi trường ngoài
  • Cảm giác sờ, đau, nhiệt
  • Sản xuất Vitamin D
  • Cơ quan bài tiết
  • Thẩm mỹ

Ngoài ra, độ đàn hồi mềm dẻo của da còn cho phép lưu thông mạch máu, các khớp được vận động đủ tầm, các cơ và gân cơ hoạt động tối ưu.

Tổn thương da dẫn đến mất da, do vậy có thể gây ra các vấn đề như nhiễm trùng, mất khả năng duy trì cân bằng nước, mất khả năng duy trì nhiệt độ cơ thể, và đặc biệt là ảnh hưởng đến thẩm mỹ và vận động chức năng.

1.2. Nguyên nhân bỏng

  • Nhiệt nóng: thường gặp nhất: nước sôi, hơi nước, tiếp xúc với vật nóng (bàn là…), ga, lửa
  • Điện: dây điện hở, chạm điện hoặc sét đánh
  • Hóa chất: kiềm, acid mạnh
  • Bức xạ: tia cực tím mặt trời, do nghề nghiệp liên quan đến phóng xạ (y tế hoặc không)

 1.3. Đánh giá mức độ trầm trọng của tổn thương bỏng

Phụ thuộc vào:

  • Nguyên nhân của bỏng
  • Độ sâu của tổn thương
  • Tổng diện tích bỏng
  • Vị trí:
  • Tuổi bệnh nhân
  • Kèm theo bệnh lý nội khoa hoặc chấn thương phối hợp

 1.3.1.Theo độ sâu

  • Quan trọng nhất, quyết định loại mô tổn thương, thời gian lành vết thương, khả năng biến chứng (như nhiễm trùng, sẹo lồi…)
  • Bỏng nông (độ I): chỉ ở lớp thượng bì
  • Bỏng một phần (độ II)
    • nông: thượng bì và bì, loại trừ các phần phụ
    • sâu : thượng bì và hầu hết lớp bì
  • Bỏng toàn bộ (bỏng độ III): thượng bì và toàn bộ lớp bì, mô dưới da
  • Bỏng toàn bộ, sâu (bỏng độ IV): ảnh hưởng đến các cấu trúc bên dưới: cơ, gân, xương…

Hình 2: Phân độ bỏng theo độ sâu

1.3.2. Theo diện tích bỏng

  • Thường quan trọng trong giai đoạn cấp, diện tích càng lớn khả năng mất nước, mất nhiệt và biến chứng shock giảm thể tích càng cao.
  • Phương pháp bàn tay: Đánh giá nhanh bỏng khu trú hoặc nhiều vị trí. Lòng bàn tay của bệnh nhân = 1 % tổng DTCT
  • Quy luật số 9: Đánh giá nhanh diện tích bỏng
  • Phương pháp Lund-Browder: Chính xác nhất; dựa theo tuổi, Có thể dùng cho cả người lớn và trẻ em

Hình 3: Quy luật số 9

 1.3.3. Vị trí

  • Rất quan trọng đối với vấn đề thẩm mỹ
  • Tất cả bỏng ở vùng mặt, bàn tay, bàn chân, vùng sinh dục được xem là nặng.
  • Bỏng niêm mạc hô hấp (hít phải) ảnh hưởng đến chức năng hô hấp
  • Bỏng ở gần khớp có thể ảnh hưởng đến vận động, chức năng.
  • Bỏng khoanh (quanh một chi thể) có thể làm giảm lưu lượng tuần hoàn, gây hội chứng chèn ép khoang, hoại tử chi.

 1.3.4. Lứa tuổi:

  • Nặng hơn đối với trẻ em và người cao tuổi
  • Trẻ em (đặc biệt nhỏ hơn 2 tuổi)
    • Da mỏng, dễ bị tổn thương nặng hơn
    • Tỉ lệ Diện tích cơ thể/cân nặng lớn hơn
    • Mất nước do bốc hơi nhiều hơn → giảm thể tích máu
    • Mất nhiệt nhanh hơn → giảm nhiệt độ cơ thể
    • Đáp ứng miễn dịch chưa trưởng thành → shock nhiễm khuẩn
  • Người cao tuổi
    • Da mỏng hơn, dễ bị tổn thương nặng
    • Giảm vận động, thời gian phản ứng, thị giác, thính giác, cảm giác ở bàn tay và bàn chân.
    • Có thể có các bệnh lý kèm theo (bệnh tim, đái tháo đường…), dễ bị các biến chứng hơn.
    • Đáp ứng miễn dịch kém → nhiễm khuẩn

 2. Các giai đoạn sau bỏng

Ba giai đoạn của chăm sóc bỏng

  • Hồi sức
  • Cấp tính
  • Phục hồi chức năng

2.1. Giai đoạn hồi sức:

24-48 giờ đầu sau bỏng.

2.1.1. Đặc điểm

  • Nguy cơ các rối loạn đường thở
  • Rối loạn tim phổi
  • Hạ thể tích máu
  • Trường hợp nặng có thể dẫn đến shock

2.1.2. Mục đích:

  • Duy trì chức năng và tưới máu các cơ quan quan trọng: ABC (đường dẫn khí, thở, tuần hoàn) và đảm bảo lưu lượng máu đến thận
  • Theo dõi tình trạng bệnh nhân và các biến chứng

2.1.3. Biện pháp

Xem bài giảng bỏng/ hồi sức cấp cứu -ngoại khoa

Theo dõi các biến chứng

  • Vết thương bỏng: Nguy cơ nhiễm khuẩn: là một đe dọa cho đến khi bỏng lành. Cần theo dõi sát các dấu hiệu của nhiễm khuẩn
  • Thay đổi điều hòa nhiệt: do mất dịch và nhiệt qua vết thương bỏng. Cần duy trì nhiệt độ cơ thể, hạn chế mất nhiệt qua vết thương bằng bao bọc, che chắn
  • Mất thăng bằng điện giải và toan kiềm: Tăng Kali máu (do phá hủy tế bào), Hạ natri máu (do chuyển dịch vào mô kẽ), Toan chuyển hóa (thiếu bicarbonate do mất dịch ra khoảng kẽ)
  • Thận: Giảm lưu lượng máu thận giảm độ lọc cầu thận; tổn thương mô và phá hủy hồng cầu gây myoglobin và hemoglobin niệu. Cả hai có thể dẫn đến suy thận cấp
  • Tiêu hóa: Liệt ruột ( Đặt sond dạ dày), Loét ứng xuất ( Cho thuốc kháng histamin H2, ức chế bơm proton)
  • Giảm tuần hoàn ngoại biên: do Eschar, phù do bỏng & bỏng khoanh. Hậu quả là hạn chế dòng máu đến đầu chi, có thể dẫn đến thiếu máu và hoại tử (chèn ép khoang..).

 2.2. Giai đoạn cấp

Bắt đầu khi bệnh nhân tiểu được và kết thúc khi vùng bỏng được che phủ hoàn toàn hoặc vết thương lành.

2.2.1. Mục đích:

Ưu tiên hàng đầu là chăm sóc xử trí vết thương bỏng.

2.2.2. Biện pháp

Chăm sóc vết thương bỏng

  • Rửa vết thương: Natri clorua 9%. Có thể sử dụng thủy trị liệu (phun vòi hoa sen hoặc ngâm thủy trị liệu) với thời gian 20-30 phút
  • Không làm vỡ các nốt phỏng (cần hút dịch bằng kim)
  • Lấy tổ chức chết, nhiễm trùng, hoại tử
  • Lau khô bằng khăn
  • Kháng sinh tại chỗ nếu cần thiết (Silvadene, Sulfamylon, Betadine)
  • Che vết thương với băng vô trùng

Một số chú ý về băng vết thương:

  • Băng nhẹ lên vùng khớp để cho phép vận động
  • Các vết thương ở mặt, bộ phận SD có thể để hở
  • Phải giữ ẩm, tránh chuyển thành vết thương sâu
  • Bỏng khoanh: băng từ xa đến gần
  • Tất cả các ngón phải được băng riêng biệt
  • Giữ tư thế chức năng (bằng nẹp nếu cần), dù người bệnh khó chịu

Các phương pháp lấy tổ chức chết (eschar)

  • Tự nhiên: Các men của cơ thể và vi khuẩn làm tan eschar; mất nhiều thời gian
  • Cơ học: Cắt lọc, băng ẩm đến khô, dùng các men
  • Phẫu thuật: Ghép da
    • Lý do: Lành vết thương tự phát có thể mất hàng tháng ngay cả một bỏng độ II nhỏ; Eschar là nơi vi khuẩn dễ phát triển; Các vết thương cần che phủ để phòng nhiễm trùng, mất nhiệt, dịch và các chất điện giải
    • Do đó, tốt nhất là ghép da với hầu hết các bỏng độ III, IV (nếu tiên liệu lành quá 3 tuần).
    • Sau 72 giờ ghép da mới được thay băng lần đầu
    • Cần bất động vùng da ghép 5-7 ngày (những vùng không chịu trọng lượng), 10-15 ngày (những vùng chịu trọng lượng, khớp).

Dinh dưỡng

  • Các vết thương bỏng tiêu tốn một lượng lớn năng lượng, đòi hỏi nhiều chất dinh dưỡng, năng lượng để giảm dị hóa và thúc đẩy lành vết thương.
  • Vai trò của một số loại thức ăn (làm tăng nhanh quá trình liền sẹo, hình thành sẹo lồi, sẹo co rút).

2.3. Giai đoạn PHCN

PHCN bệnh nhân bỏng bắt đầu từ ngày nhập viện hoặc trong vòng 24 giờ đầu và có thể kéo dài đến vài năm.

2.3.1. Mục đích:

  • Trợ giúp tâm lý xã hội
  • Giúp đỡ lành vết thương
  • Duy trì tầm vận động và phòng ngừa hình thành co rút, sẹo phì đại, sẹo lồi
  • Tăng tiến cơ lực, sức bền
  • Thúc đẩy tối đa độc lập chức năng, trở lại cuộc sống gia đình, nghề nghiệp, xã hội

Mục đích PHCN ngắn hạn chủ yếu là duy trì tầm vận động và khả năng chức năng của bệnh nhân. Các mục đích PHCN dài hạn bao gồm trở lại cuộc sống độc lập và huấn luyện bệnh nhân bù trừ mất mát chức năng do tổn thương bỏng và góp phần vào các kết quả thẩm mỹ mà bệnh nhân có thể chấp nhận được.

Các mục tiêu này thường được thực hiện phối hợp bởi nhóm PHCN đa ngành. Nhóm PHCN bỏng thường gồm một bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên VLTL, kỹ thuật viên HĐTL, cán bộ xã hội, chuyên viên tâm lý học và kỹ thuật viên dụng cụ chỉnh hình nếu cần thiết.

2.3.2. Biện pháp

Các thành phần cơ bản của một chương trình PHCN bỏng đa ngành là:

  • Lượng giá toàn diện về thể chất và tái lượng giá, theo dõi thường xuyên, lâu dài
  • Lượng giá và can thiệp tâm lý
  • Chăm sóc vết thương và thay băng
  • Đặt tư thế đúng với các dụng cụ trợ giúp tư thế khi nằm, bó bột và đeo nẹp các phần cơ thể để phòng ngừa co rút
  • Các bài tập thụ động, chủ động có trợ giúp và chủ động để duy trì tầm vận động khớp
  • Sử dụng băng ép/áo ép sớm để kiểm soát sẹo lồi, phì đại.
  • Chương trình tập luyện làm mạnh cơ, sức bền tim phổi
  • Đánh giá sinh hoạt hàng ngày và tập luyện, thay đổi, cung cấp dụng cụ hỗ trợ nhằm đảm bảo độc lập chức năng (các hoạt động dịch chuyển, đi lại, chăm sóc cá nhân …)

2.3.2.1. Lượng giá

Đánh giá bỏng đầy đủ bao gồm:

  • Bệnh sử về tai nạn gây tổn thương bỏng
  • Hỏi người chăm sóc của bệnh nhân/bệnh nhân để thu thập thông tin về mức độ hoạt động và trạng thái chức năng của bệnh nhân trước tổn thương
  • Ghi nhận nguyên nhân, phân loại và tổng diện tích của tổn thương bỏng
  • Ghi nhận các tổn thương phối hợp như gãy xương, tổn thương do hít hơi nóng, lộ gân và xương
  • Đo lường phù, tầm vận động, cơ lực và cảm giác nếu thích hợp
  • Lượng giá chức năng: thực hiện sinh hoạt hàng ngày cơ bản, nâng cao …

2.3.2.2. Đặt tư thế đúng

Đặt tư thế đúng là giữ thẳng trục và điều chỉnh các phần của cơ thể phù hợp. Đặt tư thế là thành phần cơ bản của phục hồi chức năng bỏng.

Các ích lợi của đặt tư thế đúng là phòng ngừa co rút, duy trì chiều dài của các mô mềm, kiểm soát phù nề, phòng ngừa bệnh lý thần kinh khu trú.

Bệnh nhân bỏng thường có xu hướng gấp, khép (tư thế bào thai) có lẽ do phản ứng với đau. Chương trình đặt tư thế cần phải thay đổi tuỳ theo từng cá nhân (cá nhân hoá). Tuy nhiên, nói chung các phần của cơ thể cần được đặt sao cho giữ các mô bị bỏng ở tình trạng kéo dài. Thông thường nên đặt các chi ở tư thế duỗi, dạng.

Các tư thế phòng chống biến dạng có thể đạt được qua nhiều phương tiện: các tấm xốp, gối chêm, đeo nẹp, kéo cơ học, băng, bó bột liên tiếp (serial casting), và trong một số trường hợp qua phẫu thuật cố định bằng xuyên đinh.

Cần thay đổi tư thế thường xuyên (1-2 giờ/lần) từ nằm nghiêng phải sang nằm ngữa sang nghiêng trái (và nằm sấp nếu được). Nằm nghiêng 90 độ kéo dài dễ gây loét ép vùng mấu chuyển lớn, do vậy tư thế nằm nghiêng thích hợp hơn là nghiêng 30-40 độ.

Đặt tư thế và đeo nẹp phải được thiết kế sao cho:

  • Cho phép làm giảm phù nề
  • Duy trì sự thẳng trục khớp
  • Nâng đỡ, bảo vệ và bất động khớp
  • Duy trì và/hoặc gia tăng tầm vận động
  • Giữ các mô ở tư thế kéo dài
  • Giảm dính gân và khớp
  • Thúc đẩy lành vết thương
  • Giảm đè ép khớp
  • Baỏ vệ những vùng mới được phẫu thuật (ghép da…)
  • Giữ vững và/hoặc đặt tư thế một hoặc nhiều khớp để các khớp khác hoạt động chức năng tốt
  • Trợ giúp các cơ yếu để kháng lại tác dụng của trọng lực và hỗ trợ hoạt động chức năng.

Đặt tư thế ở một số vị trí đặc biệt

  • Cổ:
  • Thường bỏng ở trước cổ hoặc bỏng khoanh có thể hình thành co rút gập cổ, cần đặt cổ ở tư thế duỗi/quá duỗi với khăn cuộn/gối dưới vai.
  • Bỏng cổ không đối xứng có thể gây biến dạng gập sang bên bị bỏng, cần giữ cổ thẳng trục hoặc xoay sang bên kia.

Thân mình:

  • Bỏng vùng ngực có thể gây kéo xương bả vai ra trước, khép khớp ổ chảo cánh tay và/hoặc gù. Cần đặt tư thế kéo xương bả vai ra sau (đặt cuộn khăn giữa hai bả vai) và ưỡn ngực nếu cần thiết.
  • Bỏng một bên có thể gây vẹo cột sống. Cần giữ thân mình thẳng hoặc cong bù trừ

Nách

  • Bỏng vùng nách gây khép vai và xoay trong. Cần đặt tư thế dạng vai, gấp, xoay ngoài. Vai được đặt ở tư thế dạng 90 độ (có thể sử dụng một cái ghế đặt một bên giường khi nằm). Ngang ra trước 15-20 độ. Có thể sử dụng nẹp dạng vai (nẹp máy bay).

Khuỷu tay:

  • Bỏng phía trước hoặc khoanh có thể gây biến dạng gấp khuỷu, quay sấp cẳng tay. Cần đặt tư thế duỗi khuỷu, cẳng tay xoay ngửa hoặc trung tính.

Cổ tay:

  • Bỏng mặt lòng hoặc bỏng khoanh có thể gây biến dạng gập cổ tay, quay sấp cẳng tay. Cần đặt cổ tay ở tư thế chức năng (từ trung tính đến duỗi 30 độ), cẳng tay quay ngửa hoặc trung tính.
  • Bỏng mặt mu cổ tay có thể gây biến dạng duỗi cổ tay. Cần đặt cổ tay ở tư thế chức năng.

Bàn tay

  • Bỏng lòng bàn tay có thể gây biến dạng gập các khớp bàn-đốt/duỗi khớp liên đốt, đối ngón cái. Cần đặt bàn tay ở tư thế duỗi các ngón và mép ngón cái-ngón trỏ kéo căng nhẹ. (sử dụng nẹp mu tay ở giai đoạn cấp, khi lành cải thiện sử dụng miếng đệm silicone để vừa đặt tư thế vừa tạo lực ép.
  • Bỏng mu tay có thể gây biến dạng quá duỗi khớp bàn đốt, gập khớp gian đốt, khép ngón cái. Cần đặt cổ tay duỗi, gấp khớp bàn đốt và duỗi khớp liên đốt, ngón cái dạng hoặc đối ngón.

Khớp háng

  • Bỏng vùng khớp háng có thể gây biến dạng gấp háng, xoay ngoài và/hoặc khép háng. Cần đặt tư thế duỗi thẳng háng (nên nằm sấp), dạng nhẹ 15-20 độ (chêm gối giữa hai chân), đùi xoay trung tính (cuộn khăn, gối ở ngoài đùi).

Khớp gối:

  • Bỏng phía trước gối hiếm khi gây co rút duỗi.
  • Bỏng phía sau khoeo có thể gây co rút gập, cần đặt tư thế duỗi gối (nẹp, nằm sấp…)

Cổ và bàn chân:

  • Bỏng phía sau hoặc bỏng khoanh có thể gây co rút cổ chân gập lòng, cần đặt tư thế bàn chân trung tính (vuông góc).
  • Bỏng phía trước mu chân ít khi gây co rút cổ chân gập mu, có thể đặt bàn chân ở tư thế gập lòng nhẹ (như nằm sấp thỏng bàn chân ra ngoài giường).

2.3.2.3. Sử dụng dụng cụ chỉnh hình để đặt tư thế:

Các dụng cụ chỉnh hình, máng nẹp phải đảm bảo yêu cầu:

  • Không gây đau
  • Được thiết kế chú trọng đến chức năng
  • Có tính thẩm mỹ
  • Dễ mang và dễ thái
  • Nhẹ
  • Được sản xuất với các vật liệu phù hợp
  • Thông thoáng để phòng ngừa cho hăm ẩm da

Một số ví dụ về các loại nẹp trong bỏng:

  • Miệng: nẹp banh miệng phòng co rút làm miệng nhỏ
  • Cổ: nẹp cổ mềm (xốp), nẹp cổ bằng nhựa, đai cổ Philadelphia, nẹp hào quang (cố định).
  • Nách và ngực trước: nẹp máy bay, nẹp xương đòn hình số 8.
  • Cổ bàn tay: nẹp cổ tay, nẹp tách ngón cái
  • Háng: nẹp dạng háng (spica)
  • Cổ chân: các loại nẹp hoặc đai giữ cổ bàn chân 

2.3.2.4. Tập luyện

  • Tập tầm vận động thụ động, chủ động có trợ giúp, chủ động hoàn toàn để duy trì tầm vận động khớp
  • Kéo dãn chậm da co rút: Cần phải nhìn thấy phần được kéo dãn dọc theo đường kéo để đảm bảo rằng da không bị kéo rách. Kéo dãn có thể bằng tay, với trọng lượng, kéo, đeo nẹp và bó bột liên tiếp.
  • Tập tăng cường cơ lực
  • Tập sức bền tim mạch
  • Tập điều hợp, chức năng, hoạt động trị liệu

Tất cả các bệnh nhân cần phải tham gia một chương trình làm mạnh cơ tổng thể để tăng cường sức khoẻ sau bất động kéo dài. Các bài tập kháng trở các nhóm cơ đối vận cũng có ích lợi trong phòng ngừa và điều trị co rút. Các bài tập sức bền và điều hợp thường không được chú ý trong PHCN bỏng nhưng là phần quan trọng của toàn bộ chương trình.

2.3.2.5. Các phương thức vật lý trong PHCN bỏng

Một số phương thức vật lý có thể có ích trong điều trị các biến chứng do bỏng.

  • Kích thích điện để giảm đau, đặc biệt là đau vai do tư thế sai hoặc đặt tư thế kéo dài.
  • Siêu âm có thể được sử dụng để giảm đau khớp và tạo thuận tầm vận động. nó cũng được sử dụng cùng với xoa bóp lạnh để giảm đau do sẹo phì đại. Có thể sử dụng siêu âm trực tiếp (thường ở mép vết thương, với chất dẫn như dầu paraphin hoặc gen dẫn âm, hoặc siêu âm dưới nước cách da 1-5 cm).
  • Laser: laser công suất thấp thúc đẩy quá trình lành vết thương. Laser công suất cao trong điều trị sẹo lồi.
  • Các dụng cụ tạo lực ép ngắt quãng có giá trị giảm phù nề ở chi, đặc biệt là phù nề ở bàn tay.

2.3.2.5. Chăm sóc về tâm lý:

Cần chú ý đến các nhu cầu tâm lý/cảm xúc của bệnh nhân tổn thương bỏng. Các vấn đề tâm lý được xác định trong khi nhập viện cấp cần được chú ý phù hợp. Các vấn này có thể có ý nghĩa lớn hơn khi bệnh xuất viện, khi bệnh nhân bắt đầu quá trình tái hội nhập cộng đồng. Bởi vì tổn thương bỏng dẫn các di chứng tâm lý có thể ảnh hưởng nhiều đến độc lập chức năng và tuân thủ điều trị, bệnh nhân bị tổn thương bỏng nên được lượng giá sau khi xuất viện và đều đặn để xác định các vấn đề bất thường. Nếu có vấn đề, nên điều trị tâm lý một thời gian ngắn. Tập luyện thư giãn và hồi tác sinh học có thể hỗ trợ cho các vấn đề liên quan đến giấc ngủ, đau, hoặc stress.

2.3.2.6. Một số vấn đề khác:

Lưu ý với da đã lành vết thương

  • Phòng ngừa chấn thương mới do các kích thích cơ học (da lúc này rất nhạy cảm)
  • Bôi kem làm mềm da vài lần mỗi ngày, xoa bóp da nhẹ nhàng (dưỡng ẩm)
  • Uống thuốc kháng histamin và băng ép để giảm ngứa, phù, sẹo phì đại, làm nhanh lành
  • Bảo vệ ánh nắng mặt trời, nhiệt nóng (tránh ngâm lâu trong nước, đặc biệt là nước nóng)

Sẹo phì đại, sẹo lồi

Sự tạo sẹo quá mức, nhô lên mặt da, thường gặp ở cơ địa đặc biệt, bỏng sâu

  • Yếu tố nguy cơ: Tuổi- tuổi trẻ dễ tạo sẹo do yếu tố tăng trưởng
  • Độ sâu của bỏng- ảnh hưởng đến lớp bì
  • Thời gian lành vết thương (>21 ngày)
  • Cơ địa
  • Thức ăn?

Xử trí:

  • Phòng ngừa sự phát triển của sẹo lồi bằng băng ép, áo ép
  • Băng, tất, áo đàn hồi được đo vừa theo bệnh nhân (lực ép tối thiểu 25 mmHg)
  • Giữ ép liên tục lên vết thương
  • Khuyến cáo người bệnh:
  • Phải mang 23 giờ/ngày
  • Cần phải mang đến 1-2 năm

Hình 7: Áo ép, tất ép

Các biện pháp khác để kiểm soát sẹo phì đại và phòng co rút

  • dán, bôi Silicone
  • Lạnh trị liệu
  • Thuốc? Contractubex…
  • Gel Silastic gicos thể giảm phì đại tuy nhiên cơ chế chưa rõ
  • Tiêm corticoid để giảm sẹo lồi
  • Laser

3. Kết luận

Các thành phần chính của chăm sóc bỏng là:

  • Phòng chống shock và các biến chứng hệ thống
  • Chăm sóc tốt vết thương bỏng +/- ghép da
  • Phòng ngừa tốt co rút và sẹo phì đại
  • Tái tập luyện chức năng sau giai đoạn cấp
  • Trợ giúp tâm lý-xã hội.

Trích từ bài giảng Phục hồi chức năng bỏng cho sinh viên y khoa

MINHDATREHAB

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này