CASE REPORT N 02: NHÂN MỘT TRƯỜNG HỢP RUN

Hãy nghe bài viết
Getting your Trinity Audio player ready...

Cập nhật lần cuối vào 15/10/2023

Mục lục

1. Nhân một trường hợp run.

Sau Tết, tôi có dịp đi dạy xa một tuần tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Lịch trình như mọi khi: sáng là hướng dẫn thực hành tại bệnh viện (Y học cổ truyền), chiều là dạy lý thuyết, tối lại lại rai tí chút…

Một sáng, sau khi phân công học viên thăm khám lượng giá các bệnh nhân, tôi đi xem lướt qua từng nhóm. Hôm nay thật có nhiều trường hợp “đặc biệt” để bàn luận. Một bệnh nhân làm tôi chú ý. Đó là một bệnh nhân nam tầm 60 tuổi, vào viện vì đi lại và sinh hoạt khó khăn. Triệu chứng nổi bật ở bệnh nhân là run, thể hiện rõ ở hai tay, và cả hai chân lẫn đầu miệng.

Về bệnh sử, học viên khai thác không được rõ ràng và xin phép không được trình bày kỹ. Tình trạng run xuất hiện từ 4 năm nay và đã đi điều trị nhiều nơi, trong đó có bệnh viện ở tuyến tỉnh nhưng tình trạng càng nặng thêm.

Khám đầu cổ: bệnh nhân tỉnh táo, nghe hiểu, ngôn ngữ tốt nhưng giọng nói rung rung hơi khó diễn đạt. Mắt bệnh nhân nhìn rõ, vận động mắt tốt nhưng có giật nhẹ nhãn cầu khi nhìn sang phải. (Dấu hiệu này nghĩ đến bất thường vùng thân não).

Mặt liệt nhẹ nên phải, rõ khi cười, nhưng mắt vẫn nhắm kín. Tai phải giảm nhẹ thính lực so với bên trái. 

Bệnh nhân có thể xoay trở vận động khi nằm nhưng ngồi dậy khá khó khăn, phải vịn và khi ngồi không vững, phải chống cả hai tay lên giường dù không bị chóng mặt. Tay chân cơ lực tốt, không tăng trương lực cơ (và có lẽ giảm nhẹ ở bên phải). Cảm giác vẫn bình thường. Tuy nhiên, tay chân run nhiều khi vận động, và các nghiệm pháp ngón tay chỉ mũi, liên động bàn tay, gót chân-đầu gối dương tính rõ. Bệnh nhân rất khó khăn khi vịn đứng dậy vì run và mất điều hợp, phải vịn cả hai tay vào thành giường, thanh vịn. Run làm cho di chuyển đi lại và tự chăm sóc rất khó khăn.

Vì không có thời gian nên tôi chỉ phân tích nhanh cho học viên các triệu chứng, nguyên nhân, và một số giải pháp can thiệp trên bệnh nhân này mà thôi.

XEM THÊM: TIẾP CẬN BỆNH NHÂN CÓ TRIỆU CHỨNG RUN.

Như vậy bệnh nhân này run vận động ý định, thất điều, giật nhãn cầu … là những triệu chứng hướng đến nguyên nhân run là do bất thường của tiểu não.

2. Nguyên nhân tổn thương tiểu não .

Trở lại bệnh nhân run ở trên, câu hỏi được đặt ra là nguyên nhân tổn thương tiểu não là gì. Bệnh nhân hiện không có xét nghiệm hình ảnh nào để hỗ trợ chẩn đoán. Lướt qua một số nguyên nhân thường gặp là khối u, đột quỵ, xơ cứng rải rác (phổ biến nhất theo y văn nước ngoài), bệnh lý thoái hoá, di truyền, độc chất, chuyển hoá, viêm nhiễm… Bệnh nhân này khai báo là có chụp cộng hưởng từ trước đó với chẩn đoán là “teo não”(?). Một học viên nhận ra bệnh nhân đến từ huyện mình và báo cáo rằng bệnh nhân thường sử dụng chất ma tuý và nhiều lần phải nhập viện vì quá liều. Tôi mong sao cho tình trạng run này không phải là do khối u, và nghĩ nhiều đến tình trạng thoái hoá hoặc nhiễm độc ma tuý gây tổn thương tiểu não và các tổ chức thần kinh khác ở bệnh nhân này.

Một điều thú vị là các triệu chứng : run chủ ý, giật nhãn cầu, và khó nói thất điều (scanning speech) (lời nói bị chia thành các âm tiết và có khoảng nghỉ) được gọi là tam chứng Charcot, do bác sĩ thần kinh người Pháp Jean-Martin Charcot đưa ra năm 1868, rất gợi ý đến bệnh lý xơ cứng rải rác.

Jean-Martin Charcot.jpg
Jean-Martin Charcot (1825-1893)

3. Một số bài tập hữu ích.

Việc điều trị bệnh nhân run và thất điều do tiểu não cực kỳ khó khăn. Hầu như không có thuốc nào chứng minh hiệu quả.

Hôm sau tôi đến lại bệnh viện, đem theo video minh hoạ một số bài tập hữu ích mà tôi xem được trên youtube, và thử áp dụng trên bệnh nhân. Các bài tập nhằm tăng tiến khả năng thăng bằng, điều hoà phối hợp động tác chân và tay một cách nhịp nhàng, vận động chậm có kiểm soát và tăng tiến qua các mức độ khó khác nhau: từ tư thế nằm ngửa, chân đế vững đến các tư thế khó hơn như nằm trên trục lăn, tư thế bốn điểm, quỳ hoặc đứng.

Đầu tiên là tập tư thế nằm ngửa: nhấc và hạ từng chân, sau đó phối hợp tay và chân, hoặc dạng khép luân phiên hai háng. Bệnh nhân run của tôi thực hiện bài này dễ dàng, nên tôi tăng tiến tiếp theo với các vận động tương tự trong tư thế bắt cầu. Mặc dù có khó khăn hơn nhưng bệnh nhân vẫn thực hiện được.

Trong video mức tăng tiến tiếp theo là nằm ngửa trên trục lăn bán nguyệt hoặc tròn. Vì không có sẵn dụng cụ tại giường nên tôi quyết định để bệnh nhân thực hiện bài tập tiếp theo ở tư thế 4 điểm. Tư thế này bệnh nhân khó giữ thăng bằng hơn (tăng độ cao). Bệnh nhân có thể thực hiện động tác đưa tay ra trước, duỗi chân ra sau, nhưng khó thực hiện động tác vừa duỗi tay ra trước kết hợp đưa chân ra sau. Tuy nhiên bệnh nhân rất thích các bài tập và cố gắng tập luyện. Sau khi để bệnh nhân xem tiếp video, ông ta thực hiện động tác bò tới, bò lui, bò ngang, đưa mông ra sau (rocking) kết hợp với đưa tay ra trước hoặc đưa chân ra sau. Mặc dù bệnh nhân thử bò trên giường bệnh (!), nhưng tôi cũng khuyến cáo bệnh nhân muốn tập luyện thì nên tập dưới sàn nhà để đảm bảo an toàn.

Tư thế tiếp theo mà tôi muốn thử ở bệnh nhân này là đứng. Bệnh nhân rất khó khăn khi đứng dậy, phải dùng hai tay để vịn, và không thể tự đứng vững nếu không vịn. Do đó, tôi không thể thử các bài tập tăng tiến tiếp theo, đó là đứng ở góc tường dang rộng hai chân rồi thu hẹp chân đế để hai chân sát nhau, hoặc chân trước chân sau, chân đặt lên bục… Tuy nhiên bệnh nhân cũng minh hoạ cách đi lại thường ngày của mình, dù rất khó khăn, bằng cách vịn bước tới chiếc xe lăn cũ kĩ đặt cạnh cửa vào phòng, hai tay cầm tay đẩy sau xe lăn và từ từ đẩy đi. Tôi để ý bệnh nhân đã buộc chặt hai viên gạch ở chổ ngồi trước xe lăn để dễ đi hơn, nhờ thế mà bệnh nhân có thể đi ra sân chơi bệnh viện, mua thức ăn! Hỏi thử bệnh nhân thì ông nói rằng không thể sử dụng khung tập đi (tiêu chuẩn hoặc có bánh xe) vì quá nhẹ và dễ ngã.

Tôi thầm thán phục sự sáng tạo của người bệnh, một giải pháp làm tăng độ vững của dụng cụ trợ giúp đi lại, giảm tác động của run. 

Chia tay bệnh nhân, tôi khuyến khích ông ăn uống đầy đủ, cố gắng tập luyện tích cực, và tuân thủ liệu trình điều trị của bệnh viện. Mong rằng các can thiệp đó phần nào làm cải thiện tình trạng run và thất điều , hoặc giúp cải thiện chức năng vận động sinh hoạt tối thiểu của bệnh nhân.

Tháng 3/2021.

Minh Đạt Rehab

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này