Hãy nghe bài viết
Getting your Trinity Audio player ready...
|
Cập nhật lần cuối vào 10/12/2023
Phi lộ: Tôi là một người “thích đủ thứ”, kể cả trong vấn đề nâng cao sức khoẻ. Lúc còn trẻ, tôi cũng học theo bạn bè mon men tập võ, học Thái Cực Quyền, luyện dưỡng sinh, … Nhưng mà là người “không chuyên tâm”, học không tới nơi tới chốn nên không có môn nào là thành tựu cả. Tuy vậy, học không bao giờ là quá muộn, và cái học và hành để nâng cao sức khoẻ, đánh thức tiềm năng của bản thân là một cái học đáng để tôi và bạn dành những giây phút quý báu của cuộc sống gởi gắm. Yoga mà một trong những “môn học” đó.
MinhdatRehab
Mục lục
GIỚI THIỆU
Yoga là một thuật ngữ chung để chỉ các môn học về thể chất, trí óc và tinh thần, có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ xưa. Yoga là sự kết hợp hài hòa giữa cơ thể, trí óc và tinh thần, trong đó cơ thể điều khiển hành động, trí óc điều khiển trí tuệ và tinh thần điều khiển cảm xúc.
Thuật ngữ tiếng Phạn ‘Yuj’ có nghĩa là Hợp nhất /Tích hợp ý thức của con người với ý thức phổ quát. Do đó, yoga dạy rằng jeevatmaa (tinh thần con người) có thể được hợp nhất với paramatmaa (Thượng đế) để được moksha (giải thoát).
TÁM NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA YOGA.
Nền tảng hiện tại của Yoga là Kinh Yoga (Yoga Sutras) của Patanjali, khoảng 200 năm sau Công Nguyên. Phân loại cổ điển của Patanjali trong Kinh Yoga của ngài đã giải thích 8 ngành của yoga là:
Yama (Phương châm Đạo lý).
Những phương châm về đạo lý bất di bất dịch từ khi con người ý thức được mình là chủ của muôn loài.
Niyama (Quy tắc).
Những quy tắc đặc biệt cần thiết để thực hiện những phương châm trên.
Asana (Tư thế).
Những tư thế của cơ thể giúp ta giữ gìn thân thể tráng kiện (về mặt thể chất).
Pranayama (Tập thở).
Luyện hơi thở giúp ta làm chủ hệ thần kinh.
Pratyahara (Thu liễm giác quan).
Thư giãn mỗi cơ bắp hoặc giác quan bằng cách triệt hồi ý thức.
Dharana (Tập trung chú ý).
Tập trung tư tưởng bằng cách hướng sự chú ý vào một số điểm riêng biệt ở bên trong hoặc bên ngoài cơ thể.
Dhyana (Suy niệm).
Sử dụng tư duy sáng tạo tích cực hoặc bằng ám thị để kiểm soát cảm giác.
Samadhi (Định).
Phát triển trực giác bằng tập trung tư tưởng cao độ, rộng lớn và mạnh mẽ.
Đây là những nguyên lý cơ bản cần phải theo đuổi để đạt được sự Giải thoát
10 NGUYÊN TẮC SỐNG CỦA YOGA.
Patanjali khuyến nghị một con đường gồm hai bước. Giai đoạn đầu tiên là phát triển các phẩm chất đạo đức tích cực (mười nguyên tắc sống của yoga). Nếu không có những phẩm chất tích cực trong thiền định, sự bình an bên trong bị xáo động bởi những hỗn loạn của thế giới bên ngoài hết lần này đến lần khác. Giai đoạn thứ hai của con đường yoga là thực hành thiền định. Có thể nói, Yoga về bản chất là dựa trên suy nghĩ tích cực và thiền định. Mười Nguyên tắc Sống đó là:
Bất bạo động (ahimsa).
Không giết chúng sinh khác. Hãy nhẹ nhàng. Hãy bình tĩnh.
Chân thật (satya).
Sống trong sự thật. Về cơ bản, hãy trung thực với bản thân và những người khác. Đừng nói dối cho xong việc. Lời nói dối chỉ được phép trong những tình huống có lý do chính đáng, chẳng hạn như nếu bạn nói dối cứu được mạng sống của một người khác. Một Yogi (người luyện Yoga) thường im lặng. Những ai luôn sống trong sự thật thì sẽ làm rạng rỡ sự thật. Mọi người sẽ tin tưởng họ.
Chính nghĩa (asteya).
Không trộm cắp, không lừa dối. Một Yogi sống trung thực. Không mong tìm lợi thế không chính đáng, mà tìm kiếm sự trao đổi công bằng.
Trí tuệ (brahmacharia).
Sống với sự chú tâm về tinh thần (vào ánh sáng tỉnh giác/ vào đấng Chúa tể = Brahman). Đừng sống vì tiền bạc (hoặc các may mắn bên ngoài) mà hãy sống với hạnh phúc bên trong (Chúa trời, Brahman, sự giác ngộ). Hãy tập trung vào hạnh phúc và sự yên bình bên trong của bạn.
Đơn giản (aparigraha).
Hãy tiết chế trong việc hưởng thụ và tiêu dùng bên ngoài. Một người sống tâm linh thì khiêm tốn về bề ngoài và giàu có về bên trong. Một Yogi sử dụng năng lượng của mình không phải trong các hành động bên ngoài, mà sống bình lặng đến mức năng lượng hướng vào bên trong và làm sạch cơ thể của anh ấy từ bên trong. Một ngày nào đó, anh ta sẽ vĩnh viễn sống trong ánh sáng giải thoát.
Tôn thờ mục tiêu tâm linh (ishvara-pranidhana).
Nhờ vậy chúng ta không đánh mất con đường tâm linh của mình. Điều quan trọng là chúng ta phải luôn luôn tự nhắc nhở mình hướng đến mục tiêu tâm linh. Chúng ta có thể thờ một bức hình (Nữ thần,thần Shiva, Patanjali), chúng ta có thể cúi đầu trước một bức tượng (Đức Phật, Chúa Jesus, Thần Shiva) hoặc nguyện một câu thần chú.
Hy sinh cái tôi (shaucha).
Hãy thanh lọc / làm sạch bản thân. Con đường dẫn đến ánh sáng giác ngộ cần bước qua đóng đinh cái tôi lại. Không có sự đóng đinh này thì không có sự giác ngộ. Hy sinh thật sự là một nghệ thuật. Người nào hy sinh càng nhiều thì càng làm kiên định bên trong. Người nào hy sinh quá ít thì không giải quyết được các mong muốn của mình.
Kỷ luật bản thân (tapas).
Một mục tiêu rõ ràng, một kế hoạch sống rõ ràng và một con đường thực hành rõ ràng. Tapas có nghĩa là sống có kỷ luật.
Niệm đọc kinh (svadhyaya).
Việc niệm đọc hàng ngày (các thần chú, thiền định) giúp chúng ta trên con đường tâm linh, làm sạch tinh thần của chúng ta, kết nối chúng ta với những bậc thầy giác ngộ và đưa chúng ta trở thành những người chiến thắng tâm linh.
Hài lòng (santosha).
Hãy hài lòng với những gì mà mình có.
5 NGUYÊN TẮC THỰC HÀNH.
Cùng với những nguyên tắc về cách sống, về mặt thực hành Yoga được xem là bao gồm 5 nguyên tắc cơ bản:
- Tập luyện đúng cách (Asanas);
- Thở đúng cách (Pranayama);
- Thư giãn đúng cách (Savasana);
- Chế độ ăn uống và Dinh dưỡng hợp lý;
- Suy nghĩ Tích cực và Thiền định;
Yoga và Vật lý trị liệu.
Yoga hiện được xem là một phương pháp hỗ trợ quan trọng cho các phương pháp vật lý trị liệu với nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau. Áp dụng Yoga trong trị liệu có thể đem lại nhiều lợi ích đa dạng về cơ xương khớp, hô hấp – tim mạch và thần kinh- tâm thần, bên cạnh những lợi ích khác trong cuộc sống.
MỘT SỐ TƯ THẾ YOGA CƠ BẢN
- Tư thế xác chết
- Tư thế Hoa sen
- Tư thế Vặn người
- Tư thế cây cung
- Tư thế nắm ngón chân cái ở tư thế nằm
- Tư thế rắn hổ mang
- Tư thế kéo căng phía sau
- Tư thế cái cày
- Tư thế con cá
- Tư thế Con châu chấu
- Tư thế Tiếng Sét
- Tư thế Trồng nến
- Tư thế Quả núi
- Tư thế em bé
Minh Đạt Rehab Tổng hợp và Dịch thuật.