CÁC PHƯƠNG PHÁP TẬP DƯỠNG SINH: TẬP VẪY TAY (TIỆT THỦ)

Cập nhật lần cuối vào 10/11/2023

Ghi chú:

  • Còn được gọi là tập lắc tay, tiệt thủ.
  • Hiện thường dùng từ vẫy tay (vẫy: Đưa lên đưa xuống hay đưa qua đưa lại bằng một động tác đều và liên tiếp)
  • Nhiều tài liệu, video dùng từ “vẩy tay” là không đúng ngữ pháp tiếng Việt.

Mục lục

NGUỒN GỐC, ĐẶC ĐIỂM VÀ TÁC DỤNG CỦA TẬP VẪY TAY

Môn tập Vẫy tay không phải bắt nguồn từ “Đạt Ma Dịch Cân Kinh” mà là một phương pháp rèn luyện sức khỏe dân gian lưu truyền lại. Hiệu quả của nó rất rõ rệt, có tác dụng tăng cường thể chất, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, có tác dụng trị liệu nhất định với 1 số bệnh mạn tính (như viêm khí quản mạn tính, bệnh ruột và bao tử, cao huyết áp và thần kinh suy nhược. Nhưng tuyệt đối không phải là “trị được bách bệnh”, cũng không được gọi là “tiệt thủ liệu pháp”, bởi vì nó cùng với Thái cực quyền, Bát đoạn cẩm… bất quá chỉ là 1 phương pháp rèn luyện sức khỏe mà thôi.

Động tác của tập vẫy tay thủ giản dị dễ làm, ở đâu cũng tập được, đặc biệt thích hợp cho người già sức yếu và những người mắc bệnh mạn tính luyện tập. 

Thời gian và số lượng động tác tùy người mà khác biệt và cũng giống như tất cả các môn rèn luyện sức khỏe khác là phải tuần tự tiệm tiến, không được hấp tấp nóng nảy. Không được gặp ai cũng yêu cầu càng làm nhiều càng tốt, như thế là không khoa học, quá độ ngược lại sẽ có hại.

Thông thường, người mắc các loại bệnh mạn tính như nếu căn cứ vào bệnh tình và thể chất mà lượng sức tập luyện, tư thế tự nhiên thoải mái, động tác buông lỏng, phương pháp thích hợp, tập lâu thành thói quen, tuần tự tiệm tiến, thông thường có thể làm cho người tập thèm ăn hơn, tăng cường thể lực, ngủ ngon hơn, năng lực kháng bệnh của thân thể tăng lên, bệnh trạng giảm đi, thậm chí có thể chữa khỏi 1 số bệnh mạn tính. Nếu như không làm như vậy, không phân rõ tình trạng cụ thể, con người cụ thể mà đồng loạt yêu cầu càng tập nhiều càng tốt, càng dùng sức càng tốt, độ động tác càng lớn càng tốt sẽ xuất hiện các tác dụng phụ, thậm chí tạo thành nguy hại.

ĐỘNG TÁC CỦA PHƯƠNG PHÁP TẬP VẪY TAY 

Tập vẫy tay đã được truyền lại qua bao nhiêu đời nên tư thế và động tác hiện nay có hơn 10 loại khác nhau, tương đối phức tạp. Ở đây chỉ giới thiệu phương pháp cơ bản nhất, thường dùng nhất nhưng rất hiệu quả.

Tư thế chuẩn bị 

Hai chân dang ra khoảng cách bằng vai, không động đậy, thân thể ngay thẳng, 2 tay buông thõng tự nhiên, mắt nhìn ngang phía trước, lấy cảm giác thư thái làm tiêu chuẩn.

Điều quan trọng cần chú ý: 

  • Cổ phải buông lỏng; mặt phải tự nhiên, hơi cười (làm các cơ ở mặt dễ dãn ra), môi răng ngậm lại tự nhiên, tự nhiên.
  • Cột sống nên ngay thẳng, buông lỏng và trầm xuống, ngực nên ngay thẳng, rộng rãi thư thái (không ưỡn ra), eo nên buông lỏng (không được cong); như vậy, phần bụng sẽ tự nhiên cảm thấy đầy đặn.
  • Tay: Hai vai phải buông xuống, 2 tay buông thõng tự nhiên (không nhô khuỷu ra, 2 tay không ép sát thân, vùng nách nên chừa 1 kẽ hở), cổ tay buông lỏng, mười ngón tay duỗi thẳng tự nhiên (không cố ý co lại hay dương ra thẳng băng), lòng bàn tay hơi khum, hướng vào trong.
  • Chân: Ngón chân, lòng bàn chân, gót chân đều ngang bằng bám chặt xuống đất, ngón chân hướng ra trước.
  • Trước khi đứng thẳng, sửa soạn quần áo cho rộng rãi.

Động tác vẫy/lắc tay

Đứng thẳng như trên, toàn thân buông lỏng yên lặng khoảng 1-2 phút, đợi cho tâm bình khí hòa, bắt đầu động tác 2 tay đánh đong đưa.

  • Lúc 2 tay đánh ra trước (không phải hất tay lên trên) lấy mốc là ngón tay cái không cao quá rốn (tay hợp với đường thẳng đứng của cơ thể thành góc 45°).
  • Lúc 2 tay đánh ra sau, lấy mốc là ngón út không vượt quá phần mông.

Cứ như vậy 2 tay vẫy ra trước và ra sau.

CỐT LÕI CỦA MÔN TẬP VẪY TAY VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý

(1) Toàn thân phải buông lỏng, đặc biệt là cánh tay, vai, bàn tay càng phải buông lỏng để cho khí huyết lưu thông không trở ngại, huyết khi đi xuống làm cho thân dưới được ổn định mạnh mẽ đầy đặn, trong lúc 2 tay đánh đong đưa có cảm giác “thượng hư hạ thực” (trên rỗng dưới đầy).

(2) Động tác vẫy tay phải dựa vào sự chuyển động của eo, chân; không phải chỉ lắc bằng sức 2 tay; eo có chuyển động mới giúp ích cho việc tăng cường các cơ quan nội tạng, hiệu quả càng tốt.

(3) Hô hấp tự nhiên, không nên cố gắng miễn cường phối hợp với động tác, Khi dần dần nắm vững lối thở bụng, hiệu quả càng lớn hơn.

(4) Hai tay buông lỏng như 2 sợi dây, ngón tay xòe ra tự nhiên, 2 tay lắc theo sức eo, chân, không được gồng lên dùng sức mạnh.

(5) Người bệnh nặng, có thể vừa ngồi vừa lắc tay, nhưng phải nắm rõ số lần lắc tay.

(6) Kết hợp động tĩnh. Vì động tác lắc tay đơn giản, toàn thân buông lỏng, ý nghĩ tập trung cho nên rất dễ dẫn người tập vào trạng thái nhập tĩnh, dễ dàng từ ngoại động dẫn đến nội tĩnh, tác dụng giống như của khí công.

Nếu động tĩnh kết hợp tốt, động tác sẽ biến thành tự động hóa, toàn thân cảm thấy sảng khoái, thư thái.

(7) Trong khi tập, nếu nước miếng tiết ra nhiều, phải nuốt hết, không nên nhổ ra.

(8) Lắc tay từ trước ra sau kể là 1 lần, số lần tùy người mà định, nên tuần tự tiệm tiến, không nên chạy theo số nhiều. Khi lắc tay, có thể đếm thầm số lần, hoặc là tính theo thời gian trên đồng hồ.

(9) Hai mắt hơi khép, ý nghĩ tập trung ở đơn điền (vùng bụng dưới rốn), để dễ kết hợp động tĩnh, thân dưới cứng cáp.

(10) Nên tìm những nơi không khí thoáng mát, hoàn cảnh yên tĩnh mà tập luyện.

(11) Nếu trong lòng nóng nảy, đang cơn nóng giận hay bận việc gấp, lúc đói, lúc ăn no đều không nên tập.

(12) Thông thường, trong lúc hay sau khi lắc tay cảm thấy nhẹ nhàng sảng khoái, tự nhiên thư thái thì xem là trúng cách. Nếu trong lúc hay sau khi lắc tay, cảm thấy nhức đầu, đau ngực, nôn mửa hay mệt mỏi vô cùng thì nên giảm số lần hay tạm ngừng. Thông thường, xuất hiện những hiện tượng trên là do chạy theo số nhiều, dùng sức quá nhiều mà ra.

(13) Hai tay lắc ra trước quá cao, đánh ra sau quá mông, có thể tạo ra tác dụng không mong muốn (như dẫn đến nhức đầu …)

(14) Sau khi lắc tay xong nên giữ tư thế đứng thẳng trong 1-2 phút, sau đó làm vài động tác thư giãn, rồi hãy làm các hoạt động khác.

(15) Trong quá trình luyện tập, có khả năng xuất hiện những phản ứng như nấc cụt, đánh trung tiện, bụng sôi lên, tê nhức, sưng phù, cảm giác lạnh, phát sốt hay có cảm giác côn trùng bò qua. Có người cảm thấy trong thân thể có những luồng không khí chuyển động, bồng bột muốn nhảy lên.

Đó là những hiện tượng sinh lý do sự kết hợp động tĩnh trong việc tập luyện môn lắc tay dẫn đến, có người nặng, có người nhẹ, có người hoàn toàn không có, điều này giống như các phản ứng khi tập khí công, hoàn toàn không nên bận tâm, không nên mừng cũng không nên sợ, hãy để tự nhiên, cũng đừng cố gắng chạy theo, bởi vì chúng chẳng có ảnh hưởng gì đến hiệu quả cả. Có rất nhiều người tập khí công rất lâu mà không có các phản ứng vừa kể nhưng hiệu quả vẫn rất tốt đẹp, có người thấy xuất hiện những phản ứng vừa kể, vừa vui vừa sợ, hết lòng theo đuổi, kết quả tạo thành thần kinh căng thẳng dẫn đến hậu quả không tốt. Các thí dụ như vậy rất nhiều các bạn nên chú ý cẩn thận.

Tham khảo từ: Thập lục chủng y liệu kiện thân pháp.

Y Dược Vệ Sinh Xuất Bản Xã. 1981. Quang Minh dịch thuật.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này