CÁC PHƯƠNG PHÁP DƯỠNG SINH: THẬP NHỊ ĐOẠN CẨM

Cập nhật lần cuối vào 10/11/2023

Mục lục

NGUỒN GỐC VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA THẬP NHỊ ĐOẠN CẨM

Thập nhị đoạn cẩm là phương pháp rèn luyện sức khỏe rất hữu hiệu do dân gian lưu truyền lại từ xưa, gồm nhiều loại khác nhau, từ tự mình xoa bóp đến các hình thức thể dục. Môn này có thể tập luyện ở tư thế ngồi xếp bằng hay ngồi bình thường nên rất thích hợp cho người già yếu hay người có bệnh mãn tính luyện tập. Căn cứ vào kinh nghiệm của người xưa và quan sát của người thời nay, phương pháp rèn luyện thân thể này quả có giá trị nhất định trong việc giữ gìn, tăng cường sức khỏe và vận động để trị bệnh.

ĐỘNG TÁC VÀ TÁC DỤNG CỦA THẬP NHỊ ĐOẠN CẨM.

1. Khấu xỉ (nghiến răng): 

Nghiến chặt 2 hàm răng trên răng dưới 20-30 lần. Động tác này giúp cho mạch máu ở vùng lợi được giãn nở, từng phần cải thiện sự tuần hoàn máu huyết, làm cho chân răng thêm vững chắc, phòng ngừa các bệnh về răng.

Người bị nha chu nặng và răng không đều không nên tập thế này.

2. Vận thiết (chuyển động lưỡi): 

Đầu lưỡi thè ra ngoài răng chuyển động qua lại; trái phải, trên dưới mỗi thứ chuyển động mười lần, có tác dụng xoa bóp niêm mạc trong miệng và lợi.

Động tác này có tác dụng nhất định trong việc trị bệnh viêm lợi, nha chu, làm sạch miệng, kích thích sự tiết nước miếng và làm cho tiêu hóa tốt hơn.

3. Sát diện (xoa mặt): 

Trước tiên 2 tay xoa vào nhau cho nóng lên rồi dùng lòng bàn tay xoa mặt 20-30 lần, có tác dụng cải thiện sự tuần hoàn máu ở vùng da mặt và sự nuôi dưỡng mô, giữ gìn độ căng và tính đàn hồi của da mặt. 

Người mặt nổi mụn hay có trứng cá không được tập thế này.

4. Minh thiên cổ (đánh trống trời): 

Hai lòng bàn tay che tai, ngón tay trỏ đè lên ngón giữa, sau đó vuốt ngón trỏ xuống, đánh nhẹ sau đầu (gần huyệt Phong trì) 20-30 lần (Hình 1), có thể nghe được tiếng vang như tiếng trống đánh, có tác dụng nhất định trong việc làm giảm nhức đầu, chóng mặt. 

Căn cứ vào lý luận của Đông y, huyệt Phong trì thuộc Túc thiếu dương đảm kinh“, châm cứu huyệt này có thể trị các chứng nhức đầu, hoa mắt, cổ cứng; dùng ngón trỏ đánh khẽ huyệt Phong trì, trên thực tế là kích thích huyệt này bằng phép ”điểm khấu”, do đó có thể làm giảm các chứng kể trên, đồng thời cũng có tác dụng phòng ngừa nhất định.

5. Chuyển lộc lô (xoay ròng rọc): 

Hai tay co lại, 2 bàn tay nắm chặt. Hai tay co duỗi liên tục, khớp vai theo đó xoay vòng ra trước sau, làm hơn 10 lần, có tác dụng nhất định trong việc phòng ngừa bệnh viêm chu vi khớp vai.

6. Thác thiên (chống trời): 

Ngón tay của 2 bàn tay đan chặt vào nhau, xoay lòng bàn tay lên, 2 tay duỗi thẳng như lấy tay chống trời, làm hơn 10 lần, làm nở lồng ngực, giúp thở sâu thêm (Hình 2).

7. Tả hữu trương cung: 

Hai tay bắt chước động tác giương cung bắn tên, 2 tay trái phải thay phiên, làm hơn 10 lần (Hình 3). 

Tác dụng của động tác này giống như động tác 6, ngoài việc làm nở nang lồng ngực còn giúp tăng cường sức cánh tay và luyện tập khớp vai.

8. Đê đầu ban túc (cúi đầu níu chân): 

Ngồi duỗi thẳng chân ra, gập người ra trước, đầu cúi xuống, 2 tay níu lấy bàn chân, làm trên 10 lần, thế này vận động lưng, bụng, lượng vận động hơi lớn (Hình 4). 

Có tác dụng rõ rệt trong việc làm giãn bắp thịt lưng, eo và bắp thịt ở đùi, giúp ích cho sự hoạt động của xương sống và có tác dụng tăng cường sức khỏe.

9. Sát đơn điền (Xoa đơn điền): 

Thông thường cho là đơn điền nằm dưới rốn từ 3-5 cm, vậy chà xát đơn điền thực tế là chà xát bụng dưới; dùng 3 ngón tay của bàn tay phải chà sát trên 10 lần. 

Vị trí của đơn điền gần huyệt ”Thạch môn thuộc Nhâm mạch”, châm cứu huyệt này, chủ trị tiêu hóa không tốt, đau bụng dưới. Như vậy, chà xát huyệt này có tác dụng làm giảm các chứng trên.

10. Sát thận du: 

Hai tay chà nóng xong, chà xát 2 bên thắt lưng (gần huyệt thận du) 20-30 lần, có tác dụng phòng trị bệnh đau lưng và tăng cường sức khỏe (Hình 5).

11. Sát dũng tuyền: 

Hai bàn tay chà nóng xong, dùng 3 ngón tay giữa của tay phải chà xát lòng bàn chân trái đến khi lòng chân nóng lên thì thôi, sau đó tay trái chà xát lòng bàn chân phải (Hình 6). 

Căn cứ lý luận Đông y, huyệt ”Dũng tuyền“ nằm ở lòng bàn chân, là khởi điểm của ”Túc thiếu âm thận kinh”; xoa bóp huyệt này làm cho hư hỏa đi xuống, chữa mất ngủ, tim đập nhanh, hồi hộp, và giúp bước chân vững vàng.

12. Đặng thoái: 

Đứng thẳng, 2 chân thay phiên nhau đạp mạnh xuống đất hơn 10 lần, làm máu huyết lưu thống tốt hơn, thư giãn bắp thịt và gân ở chân, đùi.

”Thập nhị đoạn cẩm“ vừa nêu, có thể tập lúc vừa thức dậy hay trước khi đi ngủ. Có thể tập từ đầu đến cuối hay căn cứ vào tình trạng cá nhân mà chi tập 1 phần thôi.

Thứ tự các động tác có thể tùy ý thay đổi, số lần làm 1 động tác tự mình định ra. Thí dụ như động tác chà xát ”Thận du“, có người vì bắp thịt lưng phải làm việc nhiều nên mỗi lần tập chà xát trên vài trăm lần, thu được kết quả rất tốt; đương nhiên người bình thường mỗi ngày chà xát vài chục lần đã tốt lắm rồi.

Nếu kiên trì luyện tập phương pháp này trong thời gian dài, tác dụng trị bệnh và tăng cường sức khỏe cực kỳ rõ ràng. Kinh nghiệm thực tiễn của rất nhiều người thời trước là một chứng cứ rõ rệt, còn chuyện rất nhiều người thời nay nhờ kiên trì tập luyện ”bảo kiện án ma“ mà trừ được bệnh, gia tăng sức khỏe cũng là thí dụ rõ ràng.

Tham khảo từ: Thập lục chủng y liệu kiện thân pháp.

Y Dược Vệ Sinh Xuất Bản Xã. 1981. Quang Minh dịch thuật.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này