Cập nhật lần cuối vào 14/10/2023
Mục lục
TRƯỜNG HỢP
Người phụ nữ sau đây đã được bác sĩ thần kinh tư vấn giới thiệu. Bà gần đây đã được chẩn đoán mắc bệnh tế bào thần kinh vận động (motor neuron disease, MND).
Lượng giá chủ quan
Than phiền hiện tại
- Người phụ nữ 62 tuổi gần đây than phiền vận động vụng về ngày càng tăng. Tiền sử đánh rơi đồ vật và vấp ngã, dẫn đến một số lần bị ngã.
- Teo các cơ nội tại bàn tay, ở mô cái và mô út, bàn tay phải > trái
- Bàn chân rũ rõ ở chân phải
- Đã được thực hiện nhiều thăm dò xét nghiệm về thần kinh
- Được bác sĩ chuyên khoa thần kinh chẩn đoán MND 1 tuần trước
- Được yêu cầu lượng giá khẩn cấp do suy giảm khả năng hoạt động chức năng và bị ngã nhiều lần
Bệnh sử
- Bị vấp chân và ngã từ 6 tháng trước, ban đầu không báo bác sĩ. Cách đây 4 tháng bị ngã khi ở ngoài nhà, bị gãy đầu dưới xương quay trái (Colles).
- Trong khi ở phòng cấp cứu, bệnh nhân đã được lượng giá nguy cơ té ngã – lưu ý đã bị ngã nhiều lần.
- Đã được đánh giá thần kinh đầy đủ, xác định có khiếm khuyết tế bào thần kinh vận động
- Được giới thiệu đến bác sĩ thần kinh tư vấn để thăm dò thêm và cho xuất viện về nhà sau khi bó bột cẳng bàn tay.
- Trong thời gian bất động tay trái, bệnh nhân nhận thấy ngày càng khó cầm nắm đồ vật bằng tay phải. Mới đây bà nhận ra rằng cần sử dụng cả hai tay để nắm đồ vật.
- Các thăm dò chẩn đoán thần kinh được thực hiện đã xác nhận bị bệnh tế bào thần kinh vận động (MND)
- Do biểu hiện ban đầu, bác sĩ chuyên khoa thần kinh nghĩ đến biểu hiện MND có khả năng là bệnh xơ cứng cột bên teo cơ (ALS, amyotrophic lateral sclerosis ) với tuổi thọ được tiên lượng là 2 năm
Tiền sử
- Nhồi máu cơ tim: 4 năm trước
- Phẫu thuật bắt cầu mạch vành: 2–3 năm trước
Bệnh sử thuốc
- Hiện chưa sử dụng thuốc – có một cuộc hẹn với chuyên gia thần kinh trong 3 ngày tới về xử lý y tế
Bệnh sử xã hội
- Sống một mình trong một ngôi nhà liền kề lớn. Tiện nghi phòng ngủ và phòng tắm, có vòi sen dễ tiếp cận ở tầng dưới. Các thích ứng môi trường đã được thực hiện cách đây vài năm để người chồng bị đột quỵ sử dụng
- Góa chồng 2 năm trước
- Hai người con trai sống cùng vợ con tại địa phương, thường xuyên gặp gỡ
- Thành viên của Hội phụ nữ địa phương và câu lạc bộ bowling địa phương
Lượng Giá khách quan
Dáng đi
- Di chuyển độc lập, vịn đồ nội thất để hỗ trợ khi đi – khai rằng đã đi vịn như vậy sau khi bị ngã và bị gãy đầu dưới xương cánh tay
- Dáng đi bước cao (High stepping gait)
- Tăng chiều rộng chân đế
- Không có đánh gót hai bên
- Chiều dài sải chân giảm
- Không sử dụng cầu thang, đã chuyển xuống ở tầng dưới từ khi bị ngã 4 tháng trước do lời khuyên của con trai.
- Không đi ra ngoài nhà nếu không có sự trợ giúp của người nhà. Gia đình thực hiện tất cả công việc mua sắm
Chi dưới
- Tất cả vận động đều đủ tầm
- Giảm cơ lực gấp mu bàn chân (⅘), phải > trái
- Teo cơ chày trước phải
Chi trên
- Khuỷu tay
- Teo cơ rõ ở cơ nhị đầu và cơ tam đầu hai bên
- Tầm vận động gấp và duỗi khuỷu bình thường
- Cơ lực gấp và duỗi khuỷu ⅘.
- Nhìn thấy giật máy cơ rõ ở cơ nhị đầu phải
- Cổ tay
- Giảm tầm vận động chủ động duỗi cổ tay phải, tầm vận động thụ động bình thường – trục quay trụ tốt
- Tầm vận động chủ động và thụ động của các vận động khác ở cổ tay bình thường ,cơ lực các cơ ở mức ⅘.
- Bàn tay
- Tầm vận động bình thường, cả ở bên phải và trái
- Giảm đáng kể độ lực cầm nắm ở cả hai bên – không được đo bằng lực kế bàn tay tại thời điểm đánh giá
- Teo rõ các cơ nội tại bàn tay, mô cái và mô út, ở cả hai bên.
- Không hoàn tất lượng giá chức năng vì bệnh nhân trở nên rất đau buồn và rơi nước mắt. Lượng giá thêm sẽ được hoàn thành trong các cuộc hẹn khám sắp tới.
Bảng 1: Tầm vận động và cơ lực Khớp ổ chảo cánh tay
Tầm vận động | Cơ lực | |||
Vận động | Trái | Phải | Trái | Phải |
Gấp | 110 | 90 | 4 | 4 |
Duỗi | Bt | Bt | 4 | 4 |
Dạng | 90 | 80 | 4 | 4 |
Khép | Bt | Bt | 4 | 4 |
Xoay trong | Bt | Bt | 4 | 4 |
Xoay ngoài | Bt | Bt | 4 | 4 |
Bảng 2: Tầm vận động và cơ lực đai vai
Tầm vận động | Cơ lực | |||
Vận động | Trái | Phải | Trái | Phải |
Đưa ra trước | Bt | Bt | 4 | 4 |
Đưa ra sau | Bt | Bt | 4 | 4 |
Nâng | ½ tầm | ½ tầm | 4 | 4 |
Hạ | Bt | Bt | 4 | 4 |
XEM THÊM: XƠ CỨNG CỘT BÊN TEO CƠ. PHẦN 1: BỆNH LÝ, CHẨN ĐOÁN
CÂU HỎI VÀ GỢI Ý TRẢ LỜI
Câu hỏi
1. Bệnh tế bào thần kinh vận động (MND) là gì và biểu hiện lâm sàng của nó là gì?
2. Những xét nghiệm chẩn đoán nào có thể đã được thực hiện để hỗ trợ chẩn đoán của MND?
3. Người phụ nữ này đã được chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng cột bên teo cơ (ALS) là một dạng của bệnh MND. Kể tên từng loại và đặc điểm của nó. Điều gì đưa đến chẩn đoán từng dạng bệnh?
4. Danh sách vấn đề cho bệnh nhân nữ này là gì dựa trên lượng giá đã thực hiện?
5. Bạn sẽ ưu tiên những vấn đề này như thế nào và tại sao?
6. Những chuyên gia y tế nào khác có thể tham gia vào việc hỗ trợ bệnh nhân nữ này?
7. Bệnh nhân đã được hẹn gặp bác sĩ thần kinh để xem xét xử lý thuốc. Thuốc nào có khả năng sẽ được giới thiệu cho bệnh nhân nữ này?
Gợi ý trả lời
1. Bệnh tế bào thần kinh vận động (MND) là gì và biểu hiện lâm sàng của nó là gì?
Bệnh tế bào thần kinh vận động là một bệnh thoái hóa thần kinh tiến triển ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh vận động và có thể ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh ở trong não, thân não hoặc tủy sống. Nó dẫn đến tình trạng yếu dần và teo dần các cơ, gây mất khả năng vận động ở tứ chi và cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng nói, nuốt và thở.
Biểu hiện lâm sàng phụ thuộc vào vị trí của các tổn thương ở mỗi cá nhân nhưng có thể bao gồm co cứng, teo cơ và giật máy cơ. Các phản xạ gân xương có thể giảm hoặc tăng ,và yếu cơ có thể là liệt mềm hoặc liệt cứng. Các tế bào thần kinh cảm giác vẫn còn nguyên vẹn, điều đó có nghĩa là những người bị MND vẫn có cảm giác bình thường trong suốt quá trình tiến triển của bệnh:
- Bệnh thường gặp hơn ở những người trên 40 tuổi
- Những người từ 50 đến 70 có nhiều khả năng bị bệnh nhất
- Nam giới bị nhiều gấp đôi nữ giới
- Mỗi năm có 100.000 người mới mắc MND
- Tỷ lệ hiện mắc là 7 trên Cứ 100.000 người.
(Stokes 2004, NICE 2001).
2. Những xét nghiệm chẩn đoán nào có thể đã được thực hiện để hỗ trợ chẩn đoán của MND?
Chẩn đoán MND có thể khó khăn vì không có xét nghiệm cụ thể nào khẳng định bệnh. Điều này có thể dẫn đến chẩn đoán bị chậm trễ, được báo cáo là mất hơn 16 tháng kể từ khi xuất hiện các triệu chứng ban đầu trong một số trường hợp (NICE 2001). Chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng bắt nguồn từ các tổn thương ở não và tủy sống ở các mức độ khác nhau.
Thông thường, cần thực hiện nhiều thăm dò khác để loại trừ các nguyên nhân thần kinh khác với các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện (Stokes 2004).
3. Người phụ nữ này đã được chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng cột bên teo cơ (ALS) là một dạng của bệnh MND. Kể tên từng loại và đặc điểm của nó. Điều gì đưa đến chẩn đoán từng dạng bệnh?
Có ba loại bệnh tế bào thần kinh vận động chính: xơ cứng teo cơ một bên amyotrophic lateral sclerosis, (ALS), liệt hành não tiến triển (progressive bulbar palsy) và teo cơ tiến triển (progressive muscular atrophy):
- ALS – Phổ biến nhất trong ba loại MND, chiếm khoảng 65–85% bệnh nhân. Ảnh hưởng cả tế bào thần kinh vận động trên và dưới. Cũng có thể có các dấu hiệu hành não (khó nói và khó nuốt) cùng với cảm xúc không ổn định. Các triệu chứng phổ biến của neuron vận động trên bao gồm co cứng và yếu cơ, trong khi tổn thương neuron vận động dưới có thể biểu hiện như giật máy cơ, yếu và giảm trương lực. Biểu hiện ban đầu của ALS là ngấm ngầm và có thể liên quan đến yếu các cơ ở bàn tay, vụng về và teo các cơ mô cái hoặc vấp ngã và bàn chân rũ (Stokes 2004, NICE 2001). Suy hô hấp là nguyên nhân thường gặp gây tử vong do sự suy yếu dần của các cơ hô hấp và miệng họng và xảy ra trong vòng 3 năm kể từ khi xuất hiện các triệu chứng (NICE 2001).
- Liệt hành não tiến triển – Đúng như tên gọi, dạng bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến các cơ hành não (miệng, lưỡi, họng), và bệnh nhân biểu hiện với khó khăn khi nói và nuốt. Khi tế bào thần kinh vận động trên bị ảnh hưởng, bệnh nhân có biểu hiện co cứng lưỡi gây rối loạn vận ngôn. Nói giọng mũi đi kèm với giật máy cơ, teo và giảm khả năng vận động của lưỡi chứng tỏ ảnh hưởng đến tế bào thần kinh vận động dưới. Ở các giai đoạn sau, các chi cũng có thể bị yếu. Tuy nhiên, do mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ở vùng hành não, suy hô hấp thường xảy ra sớm trong quá trình bệnh. Tuổi thọ là từ 6 tháng đến 3 năm kể từ khi bắt đầu có triệu chứng (hiệp hội MND 2007). Ảnh hưởng đến khoảng 25% bệnh nhân MND (Hiệp hội MND 2007, Stokes 2004).
- Teo cơ tiến triển – Ảnh hưởng đến khoảng 10% bệnh nhân MND và có tốc độ tiến triển chậm hơn với tuổi thọ trung bình từ 5 đến 10 năm hoặc lâu hơn (Stokes 2004). Dạng bệnh này ban đầu chủ yếu ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh vận động dưới, với các triệu chứng ở các chi trên. Cũng có thể ảnh hưởng đến hai chân, dù vậy, các triệu chứng hành não rất hiếm khi xảy ra cho đến các giai đoạn sau của quá trình bệnh. Các triệu chứng ban đầu của dạng bệnh này thường xuất hiện nhất ở nam giới dưới 50 tuổi (Stokes 2004).
Chẩn đoán dựa trên biểu hiện lâm sàng, không có xét nghiệm đặc hiệu nào để xác nhận dạng bệnh nào đang hoạt động ở mỗi bệnh nhân. Bệnh sử đầy đủ có thể hỗ trợ chẩn đoán, mặc dù điều quan trọng cần lưu ý là các triệu chứng hiếm khi phù hợp với những triệu chứng chủ yếu liên quan đến một dạng bệnh.
4. Danh sách vấn đề cho bệnh nhân nữ này là gì dựa trên lượng giá đã thực hiện?
Các vấn đề sau đây có thể được xác định từ đánh giá ban đầu với bệnh nhân này:
- Teo các cơ nội tại bàn tay, ở mô cái và mô út, bên phải > trái
- Giảm sức mạnh cầm nắm
- Bàn chân phải rũ
- Té ngã nhiều lần
- Đi lại bằng cách vịn tường, đồ vật trong nhà
- Giảm khả năng đi lại ngoài nhà
- Giảm độc lập trong các hoạt động hàng ngày ở nhà
- Giảm sức mạnh cơ ở chi trên và chi dưới (nói chung ở mức ⅘)
- Giảm ROM chủ động; gập, dạng vai và nâng bả vai hai bên; duỗi cổ tay phải
5. Bạn sẽ ưu tiên những vấn đề này như thế nào và tại sao?
- Khi phối hợp với bệnh nhân, nên sắp xếp thứ tự ưu tiên các vấn đề. Do nguy cơ chấn thương do ngã, điều này nên được ưu tiên cao nhất. Vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ với bàn chân rũ hai bên, các vấn đề về di chuyển trong nhà và sự phụ thuộc với khả năng di chuyển ngoài nhà.
- Vì bệnh nhân nữ này sống một mình, việc di chuyển trong nhà nên được ưu tiên hàng đầu, mặc dù điều này có thể đồng thời với việc giải quyết tình trạng bàn chân rũ hai bên.
- Giảm sức mạnh cầm nắm, teo cơ bàn tay, giảm tầm vận động và sự phụ thuộc vào Sinh hoạt hàng ngày ở nhà sẽ là nhóm ưu tiên thứ hai, nhằm tăng tính độc lập sau khi nguy cơ té ngã đã được giải quyết, bởi vì bệnh nhân sống một mình. Các khó khăn với chức năng chi trên có thể dẫn đến chấn thương khi thực hiện các hoạt động xung quanh môi trường nhà.
- Cân nhắc cuối cùng nên được đưa ra cho việc di chuyển ngoài nhà khi đã giảm các nguy cơ trong lĩnh vực này bằng cách tăng sự phụ thuộc vào các thành viên trong gia đình. Có khả năng can thiệp thích hợp nhất trong trường hợp này sẽ là xem xét việc cung cấp xe lăn. Ở giai đoạn chẩn đoán sớm như vậy, việc giới thiệu sử dụng xe lăn có thể không được khuyến khích vì nó có thể gây ra stress cho bệnh nhân.
6. Những chuyên gia y tế nào khác có thể tham gia vào việc hỗ trợ bệnh nhân nữ này?
Do có khả năng có một số chuyên gia y tế có thể tham gia hỗ trợ bệnh nhân này, nên cần một cách tiếp cận phối hợp để đảm bảo tính đến các mong muốn của bệnh nhân và bệnh nhân là trung tâm của tất cả các can thiệp chăm sóc:
- KTV Hoạt động trị liệu – Bệnh nhân đã báo cáo những khó khăn với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Tùy thuộc vào mong muốn của bà, ban đầu có thể tập trung vào việc tăng cường tối đa tính độc lập để đảm bảo giảm thiểu những thay đổi về vai trò. Khi bệnh tiến triển, có thể cân nhắc các chiến lược thay thế để duy trì sức mạnh và năng lượng cho các hoạt động xã hội nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống tối đa trong suốt thời gian mắc bệnh. Nên thực hiện lượng giá thường xuyên với sự cộng tác của KTV hoạt động trị liệu để đảm bảo rằng bất kỳ chiến lược nào được thực hiện về mặt di chuyển, vận động và hoạt động thể chất đều phối hợp với các chiến lược chức năng mà KTV hoạt động trị liệu sử dụng.
- Chuyên gia Âm ngữ trị liệu – Nếu xuất hiện các dấu hiệu hành não, thì bắt buộc phải có sự tham gia khẩn cấp của chuyên gia âm ngữ trị liệu. Sự hợp tác có thể tập trung vào việc đảm bảo mọi người biết được những khó khăn trong giao tiếp và các chiến lược được sử dụng, để đảm bảo tiếp cận được nhất quán và có thể cần xử lý tư thế để hỗ trợ các can thiệp tập trung vào những khó khăn khi nuốt (như KTV có thể tập trung an toàn khi ngồi ăn, ND).
- Bác sĩ chuyên khoa – Liên lạc thường xuyên với các bác sĩ chuyên khoa có liên quan sẽ đảm bảo rằng cả nhóm đều nắm tiến triển của bệnh và những khó khăn đang phải đối mặt. Nếu người bệnh gặp khó khăn trong giao tiếp, điều này cũng có thể làm giảm áp lực cho bệnh nhân khi tham gia các cuộc hẹn khám với bác sĩ chuyên khoa của họ (Nghĩa là bác sĩ đã biết trước sẽ gặp bệnh nhân có khó khăn về giao tiếp, ND).
- Bác sĩ đa khoa – thường xuyên xem xét các thuốc sử dụng và tập trung vào theo dõi tiến triển của bệnh và sự tham gia của các chuyên gia y tế khác.
- Hiệp hội MND – Nhân viên hỗ trợ gia đình được hỗ trợ bởi hiệp hội MND cung cấp hỗ trợ thường xuyên và là điểm liên lạc cho cả bệnh nhân và người chăm sóc của họ cũng như các chuyên gia y tế có liên quan. Cũng có thể cung cấp các nguồn tài trợ cho các thiết bị nhỏ, cho mượn thiết bị và giáo dục.
7. Bệnh nhân đã được hẹn gặp bác sĩ thần kinh để xem xét xử lý thuốc. Thuốc nào có khả năng sẽ được giới thiệu cho bệnh nhân nữ này?
- Các hướng dẫn do NICE xuất bản năm 2001 và sau đó được xem xét lại vào năm 2004 đã hỗ trợ việc sử dụng Riluzole (rilutek) để điều trị bệnh nhân mắc bệnh ALS. Đây là loại thuốc duy nhất hiện được cấp phép ở Anh để điều trị MND và chỉ được khuyên dùng cho điều trị ALS. Riluzole hoạt động bằng cách ức chế giải phóng glutamate được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc phá hủy các tế bào thần kinh vận động ở MND, do đó làm giảm sự tiến triển của quá trình bệnh và kéo dài tuổi thọ (NICE 2001).
MinhdatRehab, Lược theo:
Clinical case studies in physiotherapy. Lauren Jean Guthrie. 2009, Elsevier Limited.
BÀN LUẬN CỦA MINH DAT REHAB
Về đặc điểm lâm sảng của bệnh nhân.
Ở bệnh nhân này, chúng ta thấy tài liệu mô tả tình trạng teo và yếu cơ ở chi trên (đặc biệt bàn tay), chi dưới (bàn chân rũ) không đối xứng, tiến triển, nhưng chưa có các dấu hiệu của hành não (miệng họng lưỡi). Một điểm nữa là các dấu hiệu thăm khám chỉ là các dấu hiệu tế bào thần kinh vận động thấp – LMN (teo cơ, máy giật cơ), chứ không mô tả dấu hiệu thần kinh vận động cao – UMN (co cứng, tăng phản xạ, Babinski dương tính …). Ở đây do người lượng giá là KTV, và do đau buồn của người bệnh ảnh hưởng đến các dấu hiệu phát hiện được.
Về dáng đi
Tình trạng yếu chân và bàn chân rũ là yếu tố nguy cơ gây ngã nhiều lần ở bệnh nhân này. Về nguyên tắc, bàn chân rũ là khi cơ lực (chày trước) chưa đạt được mức 3 mới đúng. Tuy nhiên trên bệnh nhân này người khám ghi nhận cơ lực bậc 4/5 (?).
Tình trạng bàn chân rũ (foot drop) này dẫn đến những bất thường dáng đi ở bệnh nhân:
- Dáng đi bước cao: gấp háng nhiều hơn trong thì đu, để nâng hở bàn chân khỏi mặt sàn (bù trừ). (Người dịch có lần gặp một bệnh nhân đột quỵ giai đoạn bán cấp ở cộng đồng, tình trạng yếu liệt ở bàn chân không nhiều nhưng lại có dáng đi bước một chân rất cao, dáng đi xấu. Sau khi phân tích thì chỉ hướng dẫn bệnh nhân tập đi đánh gót, đều chân vài vòng, và thật kỳ diệu là bệnh nhân dần trở lại dáng đi bình thường. Hoá ra là lúc mới đầu liệt, họ đi kiểu như vậy thành thói quen, và không có ai hướng dẫn họ cách đi bình thường. Sau một thời gian dù cơ lực cải thiện tốt nhưng họ lại quen với dáng đi xấu.)
- Không có đánh gót ở đầu thì tựa (tiếp xúc đầu tiên, initial contact): là do bàn chân rũ ở thì đu, không chuẩn bị bàn chân chạm gót. Trường hợp này gọi là bàn chân ngựa khả kiến (giả, không cố định). Thì tựa sẽ bắt đầu bằng hạ bàn chân xuống, chạm mũi chân, và không có “lắc gót chân” (XEM THÊM: PHÂN TÍCH DÁNG ĐI: THÌ TỰA VÀ CÁC ROCKERS).
- Những bất thường do bàn chân rũ như vậy có thể xem xét sử dụng dụng cụ như đai nâng bàn chân rĩ, nẹp cổ bàn chân (AFO) kiểu lá nâng đỡ sau.
Những bất thường khác của dáng đi chứng tỏ yếu cơ 2 chân nhiều hơn, ở các vị trí khác ngoài cơ chày trước:
- Tăng chiều rộng chân đế : để giữ thăng bằng, hai chân bước rộng ra hai bên.
- Chiều dài sải chân giảm: giảm thì đu để chuyển nhanh sang thì tựa/chống. Chứng tỏ thăng bằng 1 chân không vững.
- Di chuyển độc lập, vịn đồ nội thất để hỗ trợ khi đi – chứng tỏ không vững 2 bên.
- Tình trạng không vững hai bên đi phải vịn như vậy có thể xem xét sử dụng dụng cụ trợ giúp như khung tập đi có bánh xe.
Nguy cơ ngã
- Như đã trình bày ở trường hợp này, ưu tiên hàng đầu là di chuyển tại nhà an toàn và phòng ngã.
- Với bệnh cảnh tiến triển, giải pháp can thiệp không phải là hướng đến cải thiện, mà là bù trừ và duy trì.
- Việc bù trừ chủ yếu thông qua thay đổi môi trường (dụng cụ, chỉnh sửa môi trường …) và giáo dục bệnh nhân. Ví dụ môi trường như giảm trơn trượt sàn nhà, ánh áng đầy đủ, đồ đạc ngăn nắp, hạn chế dây hoặc thanh chắn ngang đường đi, va chạm động vật, áo quần chật hoặc vướng víu, giày dép dễ trợt, trang bị các thanh vịn ở những nơi nguy cơ cao như phòng vệ sinh …
- Do đó, lượng giá môi trường nhà bởi một KTV hoạt động trị liệu là quan trọng.
- Người bệnh sống một mình, do vậy cũng nên có một hệ thống báo động khi có sự cố như ngã.
Về tiên lượng và can thiệp
- Tiên lượng, như trường hợp nêu và như bài viết Xơ cứng cột bên teo cơ, rất xấu, chỉ khoảng 2 năm sau chẩn đoán (mà chẩn đoán ở bệnh nhân này muộn đến 6 tháng).
- Các thuốc, như Riluzole, chỉ có thể kéo dài tuổi thọ thêm khoảng 2 tháng (mà không phải bệnh nhân nào cũng vậy). (nên tôi thường chỉ khuyến cáo, và kê đơn thuốc bổ thần kinh là chính).
- Do đó, mục tiêu là chất lượng cuộc sống trong khoảng thời gian còn lại.
- Vai trò của tư vấn, tâm lý trị liệu và gia đình rất quan trọng. Với PHCN, nên vận động nhẹ nhàng, thư giãn, tập thở, thực hành chánh niệm.