THAO TÁC TRONG BÀN TAY VÀ CHƯƠNG TRÌNH TẬP LUYỆN

Cập nhật lần cuối vào 17/08/2023

Phi lộ: Một số bạn thắc mắc “thao tác trong bàn tay” là gì. Bài dịch sau trình bày khá rõ về thao tác trong bàn tay và một số hoạt động tập luyện để tăng cường khả năng thao tác, có thể sử dụng cho cả trẻ em lẫn người lớn. (Mặc dù trong bài viết chỉ ghi là trẻ cho dễ xưng hô).

Mục lục

Thao tác trong bàn tay là gì?

Thao tác trong bàn tay (tiếng Anh: In-hand manipulation ) là thuật ngữ được sử dụng để mô tả khả năng di chuyển một vật nhỏ xung quanh trong một bàn tay. Kỹ năng này là một thành phần thiết yếu của sự phát triển kiểm soát vận động tinh Khả năng kiểm soát vận động tinh tốt cho phép bạn (hoặc trẻ) thực hiện các nhiệm vụ như cầm bút chì, thắt các nút nhỏ, sử dụng dao kéo và có thể buộc dây giày.

Có ba vận động riêng biệt cần thiết để phát triển các kỹ năng thao tác trong bàn tay. Chúng phát triển theo thứ tự được liệt kê dưới đây. Bạn cần tập cho cháu cả 3 loại vận động nào để có thể thao tác với các công cụ và đồ vật một cách hiệu quả.


1. Dịch chuyển (translation)

Thuật ngữ này mô tả các vận động một đối tượng từ đầu các ngón tay đến lòng bàn tay, ví dụ như gom các đồng xu vào lòng bàn tay và từ lòng bàn tay trở lại đầu các ngón tay, như đưa chìa khoá đến đầu ngón tay để đặt vào khe ổ khoá.

2. Chuyển đổi (Shift)

Thuật ngữ này được sử dụng để thực hiện điều chỉnh cuối cùng với một vật giữa các ngón tay và ngón cái để sẵn sàng sử dụng, ví dụ như đặt vị trí bút chì trước khi sử dụng.

3. Xoay (Rotation)

 Đây là chuyển động của một vật thể trong nhiều hơn một mặt phẳng. Nó được thực hiện đơn giản bằng cách thực hiện các vận động xen kẽ giữa ngón cái và các ngón tay.

CHƯƠNG TRÌNH TẬP THAO TÁC TRONG BÀN TAY

Các bài tập sau đây là một gợi ý để giúp phát triển thao tác trong bàn tay. Nên thực hiện lần lượt bằng cả hai tay, nhưng luôn bắt đầu bằng bàn tay thuận hoặc bàn tay ưa thích (tay viết). Những kỹ năng này phát triển theo một thứ tự cụ thể và các bài tập dưới đây được liệt kê theo thứ tự. Nên thực hiện chương trình này tối thiểu 3 lần một tuần, mỗi lần khoảng 10 phút, và trong khoảng thời gian 3 tuần.

Tuần 1 – Dịch (Từ ngón tay đến lòng bàn tay và ngược lại)

  • Đặt ba viên bi trên bàn trước mặt trẻ. Yêu cầu cháu nhặt từng viên bi một bằng ngón cái và ngón trỏ, đồng thời yêu cầu trẻ giấu từng viên bi vào lòng bàn tay (cháu sẽ cần sử dụng ngón giữa, ngón nhẫn và ngón út để giữ viên bi ở đó) trong khi nhặt viên bi tiếp theo.
  • Sau khi trẻ có thể nhặt thành công ba viên bi và giữ chúng trong lòng bàn tay, hãy yêu cầu trẻ trượt chúng trở lại, từng viên một, từ lòng bàn tay lên đến đầu các ngón tay và nhẹ nhàng đặt chúng trở lại bàn. Khi trẻ thành thạo hơn với nhiệm vụ này, hãy gia tăng độ khó bằng cách giảm kích thước của đồ vật. Hãy thử chuyển sang các hạt lạc, đậu, sau đó là hạt nhỏ bằng nhựa.
  • Đặt một số đồng xu trên bàn trước mặt trẻ. Yêu cầu cháu nhặt từng cái một lên và đặt vào một con heo đất. Lặp lại nhiệm vụ này với bàn tay kia. Bạn có thể tự tạo hộp đựng xu bằng cách tái chế hộp nhựa rỗng hoặc ống đựng khoai tây chiên giòn nhỏ và cắt một khe hình chữ nhật trên nắp hộp.
  • Yêu cầu cháu nhặt 5 đồng xu, trong mỗi bàn tay, từng đồng xu một bằng ngón cái và ngón trỏ, cho đến khi có thể giấy trong lòng bàn tay được 10 đồng xu. Khi cháu đã nhặt được tất cả các đồng xu, hãy yêu cầu cháu trượt chúng ra ngoài, từng đồng một, từ lòng bàn tay cho đến đầu ngón tay và đặt chúng vào con heo đất. Khi trẻ đã thành thạo hơn, hãy gia tăng độ khó  bằng cách yêu cầu trẻ lấy ra một đồng xu cụ thể hoặc có màu cụ thể từ các đồng xu trong lòng bàn tay trẻ để đặt vào con heo đất.

Các ý tưởng và gợi ý khác

  • Chơi trò Connect 4 nhưng thay vì chỉ nhặt một quân cờ (đĩa màu) mỗi lần, trẻ cần nhặt 3-6 quân và giấu chúng trong lòng bàn tay. Sau đó, cháu có thể tập sử dụng hai tay luân phiên khi đặt các quân vào.
  • Tạo một chiếc vòng cổ bằng cách cầm sợi dây với một tay, sau đó nhặt từng hạt tròn một và giấu chúng vào lòng bàn tay. Sau đó bắt đầu luồn từng hạt một vào sợi dây. Bắt đầu với các hạt lớn sau đó khi trẻ đã thành thạo chuyển sang các hạt nhỏ hơn.
  • Yêu cầu trẻ nhặt những đồ vật nhỏ bằng nhíp/kẹp/đũa và đặt vào hộp hoặc lọ.

Tuần 2 – Chuyển (Shift)

  • Yêu cầu cháu chạm lần lượt từng đầu ngón tay bằng ngón cái bắt đầu bằng ngón trỏ → ngón giữa → ngón nhẫn → ngón út rồi ngược lại từ ngón út → nhẫn → ngón giữa → ngón trỏ.
  • Đặt một chấm dán có màu khác lên ngón trỏ, ngón giữa, ngón nhẫn và ngón út và yêu cầu cháu chạm vào các chấm màu bằng ngón cái (thay đổi thứ tự mỗi lần).
  • Thử dạy cháu búng ngón tay bằng tay phải và sau đó là tay trái.
  • Yêu cầu trẻ giữ 2-3 quân bài ngửa mặt lên (xếp thành chồng ngay ngắn để trẻ không thể nhìn thấy quân bài bên dưới) trên tay. Yêu cầu cháu ‘xòe bài ra’ (không sử dụng tay kia) để có thể nhìn thấy các quân bài bên dưới. Hành động này liên quan đến việc trượt đầu ngón cái của cháu qua các đầu ngón tay với các quân bài ở giữa. Khi trẻ thành thạo hơn với hoạt động này, hãy làm cho nhiệm vụ khó khăn hơn bằng cách dùng nhiều quân bài hơn và thay đổi kích thước quân bài.
  • Đưa cho cháu một cây bút chì (hoặc bạn cũng có thể dùng một chiếc đũa) và yêu cầu cháu cầm nó như thể chúng sắp viết. Yêu cầu trẻ ‘bò’ các ngón tay của mình lên đầu của cây bút chì, sau đó xoay nó lại để các ngón tay của trẻ trở lại ở dưới cùng. Lặp lại bài tập này.

Đặt một vật nhỏ (chẳng hạn như kẹp bút chì, cao su, một tờ giấy vuông nhỏ được gấp lại) giữa ngón cái và ngón trỏ của cháu và yêu cầu trẻ trượt vật đó qua tất cả các ngón tay cho đến khi vật đó kết thúc ở ngón út và sau đó quay lại ngón trỏ.

  • Với bài tập này, hãy sử dụng một sợi cao su dày và phẳng có đánh một dấu chấm. Đặt dải cao su trên lòng bàn tay của trẻ với dấu chấm đối diện với chúng; yêu cầu cháu dùng ngón cái để trượt dải cao su trên lòng bàn tay cho đến khi dải cao su quay đủ vòng và trẻ có thể nhìn thấy lại dấu chấm.
  • Đặt một sợi dây chun nhỏ hơn ở dưới cùng ngón út của trẻ và yêu cầu trẻ di chuyển nó đến ngón nhẫn (chỉ sử dụng ngón cái) bằng cách trượt nó lên trên và qua ngón tay. Sau đó chuyển sang ngón giữa và ngón trỏ.

Các ý tưởng và gợi ý khác:

  • Cho trẻ tập cài nút và gỡ các nút ở các kích cỡ khác nhau.
  • Chơi với con quay.

Tuần 3 – Xoay (Rotation)

  • Làm một mũi tên dài khoảng 4cm từ một miếng bìa cứng (hoặc ép mũi tên bằng giấy). Cho trẻ giữ đầu cuối mũi tên giữa ngón cái và ngón trỏ và làm cho mũi tên chỉ về bên phải. Yêu cầu cháu xoay nó 180° để xoay nó sang bên trái mà không sử dụng tay kia (đảm bảo rằng cháu chỉ di chuyển các ngón tay chứ không di chuyển toàn bộ bàn tay và/hoặc cổ tay).
  • Thực hành xoay tròn một cây bút chì (hoặc chiếc đũa) giữa ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa của trẻ để làm cho nó quay giống như cối xay gió và cánh quạt. Khi đứa trẻ trở nên thành thạo hơn trong nhiệm vụ này, hãy gia tăng độ khó  bằng cách giảm kích thước của đồ vật.
  • Yêu cầu trẻ vặn và mở các nắp bình nước (nắp nhỏ như chai nước ngọt).
  • Yêu cầu trẻ vặn một đai ốc vào một bu lông lớn càng nhanh càng tốt, đảm bảo rằng mỗi đai ốc được vặn càng xa càng tốt. Khi đứa trẻ trở nên thành thạo hơn trong nhiệm vụ này, hãy giảm kích thước của đai ốc và bu lông.
  • Yêu cầu trẻ cầm một con xúc xắc trong một bàn tay bằng ngón cái và ngón trỏ. Yêu cầu chấu đưa số 1 (một dấu chấm) hướng lên trần nhà. Sau đó yêu cầu cháu hiển thị một số khác chỉ bằng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa để xoay xúc xắc.
  • Yêu cầu cháu xoay trống vỗ nhỏ bằng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa.

Các ý tưởng và gợi ý khác:

  • Tìm các chiếc kẹp với hai màu khác nhau, tách ra và ghép hai nửa (màu sắc khác nhau) lại với nhau, thành các kẹp 2 màu. Yêu cầu cháu đặt một màu cụ thể xung quanh bên trong một cái hộp lớn (ví dụ: hộp đựng kem rỗng hoặc hộp đựng bơ thực vật lớn rỗng). Sau đó, yêu cầu trẻ tháo kẹp ra, xoay nó lại và sau đó kẹp lại nhưng đổi màu khác nằm ở trong (chỉ sử dụng một tay).
  • Khi trẻ thành thạo với nhiệm vụ này, hãy để cháu kẹp đồ vải trên dây phơi.
  • Đặt một viên bi giữa các đốt ngón tay của mỗi ngón tay và yêu cầu trẻ nhấc bàn tay ra khỏi bàn (cố gắng không làm rơi viên bi nào). Sau đó thả lần lượt từng viên bi vào hộp đựng. Khi cháu thành thạo hơn, hãy yêu cầu cháu đi một đoạn ngắn (tức là quanh bàn) trước khi thả từng viên bi xuống.
  • Cắt một miếng bọc bong bóng nhỏ và yêu cầu trẻ làm nổ từng bong bóng bằng ngón cái và ngón trỏ.

Minh Đạt Rehab.

Lược dịch từ nhsggc.org.uk, có bổ sung hình ảnh.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này