XƠ CỨNG CỘT BÊN TEO CƠ. PHẦN 2: BIẾN CHỨNG, TIÊN LƯỢNG VÀ XỬ TRÍ

XEM LẠI PHẦN 1: XƠ CỨNG CỘT BÊN TEO CƠ. PHẦN 1: BỆNH LÝ, CHẨN ĐOÁN

Mục lục

CÁC BIẾN CHỨNG THỨ PHÁT VÀ TIÊN LƯỢNG

Các biến chứng thứ phát

Có nhiều tình trạng thứ phát do ALS.

  • Bệnh phổi hạn chế được xem là tình trạng thứ phát quan trọng nhất trong xơ cứng cột bên teo cơ. Phần lớn tỷ lệ tử vong là do bệnh phổi hạn chế nặng và hậu quả là suy hô hấp
  • Rối loạn nuốt,
  • Rối loạn vận ngôn,
  • Chảy nước dãi,
  • Suy dinh dưỡng
  • Rối loạn trầm cảm/điều chỉnh.
  • Suy giảm nhận thức. Chứng mất trí thuỳ trán – thái dương được cho là có cùng phổ bệnh với ALS và có liên quan nhiều nhất đến đột biến TDP-43
  • Đau, Co thắt cơ 
  • Mệt mỏi
  • Bàng quang thần kinh và đại tràng thần kinh. Trước đây ALS được cho là không ảnh hưởng đến hệ thống ruột và bàng quang, tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ táo bón và tiểu không tự chủ tăng.

Tiên lượng

Thời gian sống trung bình, không mở khí quản, là 3 năm kể từ khi chẩn đoán, nhưng dao động từ dưới 1 năm đến hơn 20 năm.

Xác suất tử vong trong vòng 12 tháng tăng lên khi kèm với các đặc điểm sau:

  • Tuổi khi chẩn đoán- Bệnh nhân trên 75 tuổi khi chẩn đoán có tỷ lệ tử vong cao hơn 6 lần trong vòng 12 tháng so với bệnh nhân từ 65 tuổi trở xuống khi chẩn đoán
  • Chỉ số khối cơ thể (BMI) giảm– Bệnh nhân có giảm chỉ số khối cơ thể >=2 đơn vị trong vòng 6 tháng trước khi chẩn đoán đã được chứng minh là có tỷ lệ tử vong cao hơn trong vòng 12 tháng
  • Khiếm khuyết chức năng nặng– Bệnh nhân có thang đánh giá chức năng ALS (ALS-FRS, ALS function rating scale) <32 khi chẩn đoán đã được chứng minh là có tỷ lệ tử vong cao hơn trong vòng 12 tháng
  • Các thông số hô hấp như FVC (<75%) có liên quan đến tiên lượng xấu trong quá trình bệnh nhưng chưa được chứng minh là yếu tố dự báo tỷ lệ tử vong trong một năm kể từ thời điểm chẩn đoán.

XỬ TRÍ

Thuốc

Không có thuốc chữa lành bệnh ALS. Các nghiên cứu đang được tiến hành tập trung vào việc xác định các cơ chế gây bệnh và tìm ra các loại thuốc làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. 

Hai loại thuốc đã được FDA chấp thuận để điều trị ALS. 

  • Riluzole, được FDA chấp thuận vào năm 1995, là một chất chống glutamate. Liều khuyến cáo của riluzole là 50 mg hai lần mỗi ngày. Thuốc chỉ kéo dài tuổi thọ thêm khoảng 2 tháng, tuy nhiên không đem lại lợi ích chức năng (tốc độ suy giảm cơ lực tương đương giả dược). Các tác dụng phụ bất lợi phổ biến nhất là mệt mỏi, buồn nôn và tăng men gan.
  • Edaravone (Radicava) đã được FDA chấp thuận vào năm 2017. Edaravone có lẽ hoạt động như một chất thu gom gốc tự do, ngăn ngừa tổn thương do stress oxy hóa đối với tế bào thần kinh. HIện chưa có dữ liệu về lợi ích của thuốc này về tăng thời gian sống còn.
  • Hiện các nhà nghiên cứu vẫn đang thử nghiệm nhiều liệu pháp khác nhau, trong đó có thể kể đến abacavir, memantine, các tế bào mầm trung mô… Vẫn chưa có thể nghiệm mù đôi, đối – chứng nào chứng minh hiệu quả của các thuốc thử nghiệm.

Phục hồi chức năng

Tập luyện

  • Yếu cơ là khiếm khuyết cơ bản trong ALS và nguyên nhân của hầu hết các biểu hiện lâm sàng. Trong giai đoạn đầu của ALS, bệnh nhân thường hỏi về vai trò của tập luyện trong việc phòng ngừa hoặc ngăn chặn tình trạng yếu cơ tăng tiến. Có rất ít bằng chứng để đưa ra các khuyến cáo liên quan đến tập luyện trong ALS, và chất lượng của các chứng cứ hiện có lại rất kém. 
  • Các chiến lược phục hồi chức năng về giai đoạn sau của bệnh tập trung vào tăng cường chức năng bằng cách bù trừ cho cơ yếu để duy trì sự độc lập. Ba dạng luyện tập phù hợp nhất với bệnh nhân ALS: cải thiện tính linh hoạt mềm dẻo, tăng cường sức mạnh và bài tập sức bền tim phổi. 
  • Tập mềm dẻo:
    • Rèn luyện tính linh hoạt giúp phòng ngừa co rút gây đau, là biện pháp cơ bản để xử lý co cứng và co thắt cơ gây đau. Một chương trình kéo dãn tại nhà phù hợp với bệnh nhân ALS trong suốt quá trình điều trị bệnh. Ban đầu, bệnh nhân có thể tự thực hiện các bài tập kéo dãn này, nhưng cần chuyển sang các bài tập với sự hỗ trợ của người chăm sóc khi bệnh nhân không còn khả năng tự thực hiện chúng nữa.
  • Tập tăng cường sức mạnh:
    • Theo truyền thống, các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân ALS thường miễn cưỡng đề xuất các bài tập tăng cường sức mạnh. Có hai lý do cho điều này; các nghiên cứu dịch tễ học đã gợi ý một cách không nhất quán về mối liên hệ giữa tập luyện cường độ cao và khởi phát bệnh, và một số y văn báo cáo rằng tình trạng yếu cơ do sử dụng quá mức làm tăng tiến triển bệnh. Tuy vậy, yếu cơ do không sử dụng cũng làm trầm trọng thêm tình trạng khuyết tật do chính ALS gây ra.
    • Các nghiên cứu về những bệnh nhân mắc bệnh thần kinh cơ tiến triển chậm hơn cho thấy rằng chỉ những cơ bị ảnh hưởng nhẹ bởi quá trình bệnh mới có thể được tập tăng cường sức mạnh bằng chương trình tập kháng trở cường độ trung bình (bài tập kháng trở trung bình, theo định nghĩa của Hiệp hội Y học Thể thao Hoa Kỳ, là 60% đến 70% của 1 lần lặp lại tối đa, được thực hiện trong 1 đến 3 hiệp, mỗi hiệp từ 8 đến 12 lần lặp lại, với 1 đến 3 phút nghỉ giữa các hiệp). 
    • Do đó, có thể khuyến khích bệnh nhân ALS bắt đầu hoặc tiếp tục chương trình tập kháng trở ở mức độ vừa phải cho các cơ không bị ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng nhẹ với mục tiêu kéo dài chức năng. Bài tập kháng trở có thể được thực hiện một cách an toàn bằng cách hướng dẫn bệnh nhân sử dụng một trọng lượng có thể nâng được 20 lần, và thực hiện các hiệp, mỗi hiệp lập lại từ 10 đến 15 lần. 
    • Nếu bài tập gây đau ngay khi tập hoặc nhức mỏi cơ kéo dài hơn nửa giờ sau khi tập, điều này chứng tỏ bài tập quá nặng và có thể làm giảm chức năng. Cần điều chỉnh cường độ và thời gian tập luyện dựa trên đáp ứng của bệnh nhân.
  • Tập thể dục nhịp điệu giúp duy trì sức bền tim mạch.
    • Nếu không có bất kỳ chống chỉ định rõ ràng nào, bệnh nhân ALS nên tập luyện thể dục nhịp điệu miễn là nó có thể được thực hiện một cách an toàn mà không có nguy cơ ngã hoặc chấn thương. 
    • Cường độ tập luyện sức bền tim phổi chỉ ở mức vừa phải. Nhịp tim đích có thể được tính toán bằng cách sử dụng phương trình phần trăm dự trữ nhịp tim: nhịp tim mục tiêu = 0,40([220 – tuổi] – nhịp tim lúc nghỉ) + nhịp tim lúc nghỉ. 
    • Cần phải nhớ rằng khả năng của bệnh nhân sẽ bị suy giảm theo thời gian và các bài tập ảnh hưởng đến chức năng của bệnh nhân là quá mạnh và nên được điều chỉnh hoặc ngừng lại. 
    • Ngoài những lợi ích về thể chất, các bài tập làm mạnh cơ và tập sức bền tim phổi có tác dụng có lợi đối với tâm trạng, sức khỏe tâm lý, sức khỏe của xương, sự thèm ăn và giấc ngủ..
XEM THÊM: TẬP LUYỆN NHẰM CẢI THIỆN SỨC BỀN TIM PHỔI

Dụng cụ hỗ trợ Vận động di chuyển, Sinh hoạt hàng ngày.

  • Khi ALS tiến triển, trọng tâm phục hồi chức năng chuyển từ tập luyện sang duy trì khả năng vận động di chuyển và chức năng độc lập. Cần chú ý phòng ngã ở những bệnh nhân này. Những can thiệp phục hồi chức năng này được cung cấp tốt nhất bởi một nhóm đa ngành có kinh nghiệm bao gồm bác sĩ PHCN, KTV vật lý trị liệu, KTV hoạt động trị liệu và KTV chỉnh hình. Các biện pháp can thiệp bao gồm:
    • các dụng cụ hỗ trợ dịch chuyển, di chuyển như gậy, khung tập đi (có ghế ngồi), nẹp cổ bàn chân (nên dùng loại lực phản ứng nền nếu có yếu cơ tứ đầu, GRF-AFO), xe lăn, xe lăn điện, xe ba bánh, giường điện và dụng cụ nâng (hoyer); 
    • các dụng cụ trợ giúp sinh hoạt như dụng cụ hỗ trợ mặc quần áo, đồ dùng thích ứng, nẹp cổ bàn tay…; 
    • sửa đổi nhà với đường dốc và cửa rộng, thanh vịn, ghế vệ sinh nâng cao chỗ ngồi, ghế tắm, kiểm soát môi trường; 
XEM THÊM: DỤNG CỤ TRỢ GIÚP DI CHUYỂN: XE LĂN

Rối loạn nuốt

  • Chức năng nuốt đầy đủ là cần thiết để duy trì tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân ALS (trừ khi có đặt ống dẫn thức ăn). Nếu tình trạng dinh dưỡng không được duy trì đầy đủ, bệnh nhân sẽ sử dụng cơ làm nhiên liệu và do đó mất khối lượng cơ bắp và sức mạnh sớm hơn bình thường. Rối loạn chức năng nuốt cũng có thể dẫn đến viêm phổi hít hoặc suy hô hấp.
  • Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của khó nuốt là chảy nước dãi, giọng ẩm, ho trong hoặc sau khi uống nước, trào ngược mũi và cần nhiều thời gian để ăn.
  • Xử trí:
    • Giới thiệu bệnh nhân đến chuyên viên âm ngữ trị liệu khi xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên của rối loạn nuốt.
    • Những người gặp khó khăn khi nuốt nhẹ có thể được hướng dẫn các kỹ thuật bù trừ để giảm nguy cơ hít phải và mắc nghẹn. Có thể đưa ra các khuyến nghị liên quan đến việc thay đổi độ đặc của thức ăn.
    • Đặt ống cho ăn được chỉ định khi có viêm phổi hít, khi FVC giảm xuống 50% mức được dự đoán, khi trọng lượng cơ thể giảm hơn 10% hoặc khi cần quá nhiều thời gian để ăn khiến chất lượng cuộc sống bị suy giảm. Có bằng chứng cho thấy đặt ống thông dạ dày qua da bằng nội soi lâu dài gia tăng thời gian sống ở các bệnh nhân ALS.
XEM THÊM: CAN THIỆP CHO RỐI LOẠN NUỐT Ở BỆNH NHÂN ĐỘT QUỴ

Rối loạn vận ngôn

  • Rối loạn vận ngôn ở bệnh nhân ALS có thể là do liệt cứng, mềm, hoặc phối hợp.
  • Khó vận ngôn nhẹ giai đoạn đầu có thể được xử lý bằng cách hướng dẫn cho bệnh nhân các chiến lược thích ứng, chẳng hạn như tập phát âm lớn giọng và làm chậm tốc độ nói để tránh mệt mỏi về giọng nói.
  • Âm ngữ trị liệu với mục đích cải thiện chất lượng lời nói đã không được chứng minh là có hiệu quả và không được chỉ định cho bệnh nhân ALS. 
  • Khi rối loạn vận ngôn trở nên nặng nề hơn, bệnh nhân cần có các hình thức giao tiếp thay thế. Các biện pháp can thiệp bằng công nghệ thấp bao gồm bảng chữ/bảng tranh và bảng điện để giao tiếp bằng văn bản ở những người có chức năng bàn tay còn tốt. Các giải pháp công nghệ cao hơn bao gồm các ứng dụng thoại và nhắn tin trên điện thoại di động, ứng dụng nhận dạng giọng nói và tạo giọng nói trên máy tính bảng và các dụng cụ AAC truyền thống với bộ tổng hợp giọng nói, sử dụng ánh mắt.

XEM VIDEO VỀ GIAO TIẾP SỬ DỤNG ÁNH MẮT (eye gaze).

Phục hồi chức năng hô hấp

  • Suy hô hấp là nguyên nhân chính gây tử vong ở ALS. Trong trường hợp không có bệnh phổi nền, suy hô hấp trong ALS hoàn toàn là do cơ học. Do yếu cơ, phổi không phồng lên hoàn toàn khi hít vào. Hầu hết bệnh nhân mắc ALS vẫn không có triệu chứng cho đến khi FVC thấp hơn 50% so với dự đoán.
  • Cần theo dõi chức năng phổi, đặc biệt là FVC vài tháng một lần, tùy thuộc vào tốc độ tiến triển của bệnh. Giảm thông khí về đêm thường là biểu hiện sớm nhất của suy hô hấp; các triệu chứng bao gồm ngủ không ngon giấc và thường xuyên bị đánh thức, ác mộng, đau đầu vào sáng sớm, lo lắng, mệt mỏi và buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Do vậy, cần theo dõi nồng độ oxy xung vào ban đêm. Một dấu hiệu sớm khác của tình trạng yếu cơ hô hấp là ho yếu và khó làm sạch dịch tiết.
  • Việc quản lý suy hô hấp trong ALS liên quan đến phòng ngừa nhiễm trùng và cung cấp hỗ trợ thông khí không xâm lấn hoặc xâm lấn.
    • Nên tiêm phòng cúm hàng năm và tiêm phòng phế cầu khuẩn. 
    • Bệnh nhân ho yếu (đo lưu lượng ho tối đa <270 L/phút) có thể được hỗ trợ bằng cách hỗ trợ ho bằng tay hoặc bằng dụng cụ. 
    • Nên tránh bổ sung oxy cho bệnh nhân, vì nó có thể ức chế trung tâm hô hấp, làm trầm trọng thêm tình trạng giảm thông khí ở phế nang, và cuối cùng dẫn đến ứ đọng carbon dioxide và ngừng hô hấp. Oxy bổ sung chỉ được khuyến nghị cho những bệnh nhân mắc bệnh phổi đồng thời hoặc như một biện pháp an ủi cho những người từ chối thông khí hỗ trợ. 
    • Thông khí áp lực dương không xâm lấn (NIPPV, Noninvasive positive pressure ventilation) được xem là tiêu chuẩn chăm sóc cho bệnh nhân ALS. Nên sử dụng NIPPV khi FVC giảm xuống 50% so với dự đoán hoặc sớm hơn nếu bệnh nhân có triệu chứng. Nếu người bệnh chấp nhận tốt, NIPPV có thể kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân ALS vượt xa các loại thuốc điều trị bệnh hiện có. NIPPV có thể được phân phối thông qua mặt nạ miệng hoặc mũi bằng cách sử dụng máy thở áp lực dương hai mức (BiPAP) hoặc máy thở chu kỳ thể tích xách tay. Ban đầu, NIPPV được sử dụng vào ban đêm. Khi FVC tiếp tục giảm, việc sử dụng máy thở có thể được kéo dài sang ban ngày và cuối cùng là liên tục. Mặc dù các nghiên cứu đã khẳng định rằng sử dụng NIPPV giúp kéo dài thời gian sống sót và có thể làm chậm quá trình suy giảm FVC, đây là một biện pháp tạm thời. Bệnh nhân muốn kéo dài cuộc sống của họ đến mức tối đa có thể xem xét thở máy xâm lấn.
    • Mở khí quản và thở máy xâm lấn. Cần tư vấn lợi ích của máy thở sớm trước khi có suy hô hấp. Trong một nghiên cứu được công bố gần đây, 20% bệnh nhân đến phòng khám ALS ủng hộ thở máy. Trước khi bắt đầu thở máy, bệnh nhân nên nêu mong muốn của họ về việc ngừng điều trị như một phần của mong muốn đặt trước và thông báo cho gia đình và bác sĩ của họ; bởi vì teo và yếu cơ tiến triển có thể dẫn đến trạng thái “bị khóa trong” khiến bệnh nhân sau này không thể giao tiếp được nữa. Trong một nghiên cứu hồi cứu, lý do phổ biến nhất khiến bệnh nhân ALS ngừng thở máy là “mất ý nghĩa trong cuộc sống.”

Điều trị triệu chứng

Quản lý đau

  • Đau đã được báo cáo xảy ra ở khoảng 50% đến 78% bệnh nhân mắc ALS, ảnh hưởng đến tâm trạng và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Các nguyên nhân gây đau phổ biến bao gồm chuột rút cơ, co cứng và các hội chứng đau cơ xương, chẳng hạn như viêm dính bao khớp vai  (vai đông cứng), đau thắt lưng và đau cổ do yếu cơ và không thể thay đổi tư thế.
    • Co thắt cơ (chuột rút) có thể được điều trị với mexiletine. 
    • Các biện pháp phòng ngừa viêm dính bao khớp vai bao gồm bài tập tầm vận động và nâng đỡ tốt cho cánh tay bị mềm nhẽo.
    • Đau thắt lưng có thể gây ra do ghế ngồi không phù hợp. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm nâng đỡ vùng thắt lưng cho xe lăn, đệm ngồi tốt, khuyến khích thường xuyên chuyển trọng lượng khi ngồi, xe lăn có thể ngả lưng ra sau.
    • Đau cổ kèm theo đầu bị rũ xuống là một trong những vấn đề đau cơ xương khớp khó chữa nhất. Có thể thử dùng nẹp cổ, tuy nhiên biện pháp thoải mái hơn là xe lăn hoặc ghế có đệm đỡ đầu.
    • Các biện pháp không dùng thuốc như xoa bóp và kích thích dây thần kinh bằng điện qua da cũng có thể được sử dụng để kiểm soát đau. 
    • Thuốc giảm đau: Acetaminophen dùng đơn độc hoặc kết hợp với thuốc chống viêm không steroid, miếng dán lidocain, hoặc nếu cần, thuốc opioid có thể được sử dụng để giảm đau cơ xương (cần chú ý tác dụng phụ ức chế hô hấp và táo bón). 

Co cứng (Spasticity): 

  • Chỉ điều trị co cứng nếu nó ảnh hưởng đến chức năng hoặc gây ra cơn đau không thể chịu đựng được. 
  • Xử lý không dùng thuốc liên quan đến việc hướng dẫn cho bệnh nhân các bài tập kéo giãn và đặt tư thế làm giảm trương lực cơ. 
  • Baclofen là thuốc hiệu quả nhất, tiếp theo là tizanidine. Nên tránh dùng diazepam vì thuốc này có thể ức chế hô hấp, và dantrolene vì gây yếu cơ quá mức.
  • Trường hợp co cứng cục bộ, có thể xem xét sử dụng botulinum A.
  • Nói chung, điều trị co cứng bằng thuốc ít thành công hơn ở bệnh ALS so với bệnh xơ cứng rải rác hoặc tổn thương tủy sống vì thành phần tế bào thần kinh vận động thấp của ALS làm cho bệnh nhân cực kỳ dễ bị yếu nhiều hơn.
XEM THÊM: CO CỨNG (SPASTICITY): LƯỢNG GIÁ VÀ CAN THIỆP

Chảy nước dãi (Sialorrhea, drooling): 

  • Thường gặp ở những bệnh nhân bị rối loạn chức năng hành tủy vì họ bị khó nuốt và xử các chất tiết ở miệng. 
  • Thuốc kháng cholinergic thường được sử dụng để làm khô miệng. 
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng là phương pháp điều trị đầu tay nhưng có thể ít được dung nạp do tác dụng phụ bất lợi (khô miệng quá mức, buồn ngủ, bí tiểu). Một lợi ích của thuốc chống trầm cảm ba vòng là chúng có thể điều trị các triệu chứng khác liên quan đến ALS, chẳng hạn như rối loạn cảm xúc giả hành, mất ngủ và đau. Thuốc chống trầm cảm ba vòng chống chỉ định ở những bệnh nhân rối loạn nhịp tim hoặc rối loạn dẫn truyền. 
  • Khi thuốc chống trầm cảm ba vòng không dung nạp được, có thể thử dùng miếng dán scopolamine hoặc glycopyrrolate. 
  • Nếu các phương pháp điều trị này không hiệu quả, có thể tiêm botulinum vào tuyến nước bọt hoặc xạ trị tuyến nước bọt liều thấp.
XEM THÊM: CHẢY NƯỚC DÃI Ở TRẺ BẠI NÃO

Rối loạn cảm xúc giả hành (Pseudobulbar affect, PBA),

  • Đôi khi được gọi là không tự chủ cảm xúc (emotional incontinence), có thể gây khó chịu cho bệnh nhân và gia đình. Biểu hiện là các đợt khóc hoặc cười đột ngột, vô cớ, không kiểm soát được. 
  • Amitriptyline hoặc fluvoxamine có thể giúp làm giảm cường độ của những phản ứng không phù hợp hoặc phóng đại này. 
  • Một chế phẩm kết hợp của dextromethorphan và quinidine (Nuedexta(®)) đã được chứng minh là có hiệu quả và đã được FDA chấp thuận để điều trị rối loạn cảm xúc giả hành. Kết hợp này chống chỉ định ở những bệnh nhân bị suy tim, hội chứng QT dài và khối dẫn truyền.

Trầm cảm phản ứng và lo lắng:

  • Đây đều là những phản ứng bình thường đối với chẩn đoán ALS. 
  • Lo lắng có thể được điều trị bằng các thuốc benzodiazepin miễn là bệnh nhân không bị suy giảm đáng kể dung tích sống.
  • Trầm cảm nên được điều trị bằng thuốc. Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) là những lựa chọn tốt đầu tiên vì ít tác dụng phụ. Thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng khác, chẳng hạn như chảy nước dãi hoặc rối loạn cảm xúc giả hành. Cần thận trọng khi kê đơn kết hợp cả SSRI và thuốc chống trầm cảm ba vòng, vì SSRI sẽ làm tăng nồng độ thuốc chống trầm cảm ba vòng trong huyết thanh và tăng khả năng xảy ra các biến cố nghiêm trọng liên quan đến thuốc.

Mệt mỏi

  • Mệt mỏi có thể do nhiều yếu tố ở bệnh nhân ALS. 
  • Các nguyên nhân có thể bao gồm tăng CO2 do bệnh phổi hạn chế, trầm cảm, ăn uống không đầy đủ, yếu cơ, vệ sinh giấc ngủ kém, thiếu máu, suy giáp. Cần xem xét và xử lý các nguyên nhân này trước khi tìm cách điều trị. 
  • Modafinil đã được chứng minh là có một số lợi ích trong việc điều trị mệt mỏi ở bệnh nhân ALS.
XEM THÊM: HỘI CHỨNG MỆT MỎI MẠN TÍNH (CFS)

Triệu chứngTrị liệu tiềm năng
Rối loạn cảm xúc giả hànhAmitriptyline, chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, Nuedexta (dextromethorphan hydrobromide 20 mg/quinidine sulfate 10 mg)
Chảy nước dãiGlycopyrrolate (Robinul), amitriptyline, atropine 0,5% thuốc nhỏ dưới lưỡi, miếng dán thẩm thấu qua da scopolamine, độc tố botulinum, xạ trị`
Co cứngBaclofen uống hoặc trong màng cứng, tizanidine, tiêm botulinum tại chỗ
Co thắt thanh quảnĐiều trị trào ngược dạ dày thực quản tiềm ẩn: thuốc ức chế bơm proton (omeprazole), thuốc ức chế thụ thể H2 (ranitidin)
Co thắt cơ (chuột rút)Mexiletine, kéo dãn
Trầm cảmThuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin
Lo lắngLorazepam, buspirone
Mệt mỏiModafinil
Mất ngủGiải quyết tình trạng giảm thông khí về đêm trước; amitriptylin, zolpidem, trazodone
Tiểu gấpOxybutynin, amitriptylin
Táo bónBổ sung chất xơ (Metamucil), thẩm thấu (MiraLax), thuốc nhuận tràng muối (sữa magie), chất làm mềm phân (Colace), chất kích thích (Dulcolax), thụt tháo
Bảng. Xử lý bằng thuốc đối với các triệu chứng liên quan đến bệnh xơ cứng cột bên teo cơ

THAM KHẢO CHỦ YẾU TỪ:

ESSENTIALS OF PHYSICAL MEDICINE AND REHABILITATION: MUSCULOSKELETAL DISORDERS, PAIN, AND REHABILITATION, FOURTH EDITION. Elsevier, Inc. 2019

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này