CÁC NGUYÊN LÝ CỦA SỰ PHÁT TRIỂN BÌNH THƯỜNG Ở TRẺ EM

Hãy nghe bài viết
Getting your Trinity Audio player ready...

Cập nhật lần cuối vào 28/09/2023

PHI LỘ: Nhằm hỗ trợ kiến thức cho Phục hồi chức năng nhi khoa (đặc biệt là chuyên ngành Hoạt động trị liệu), mà hiện tài liệu vẫn còn hiếm hoi, PHCN Online sẽ đăng các bài viết, bản dịch ngắn liên quan đến vấn đề này. Xin đọc thêm về sự phát triển bình thường ở chuyên mục Quá trình phát triển con người trong Khoa học hỗ trợ.

Minh Dat Rehab

Có một số nguyên lý về phát triển chung được chấp nhận rộng rãi trong các chuyên ngành nhi khoa khác nhau (Bảng 1). Sau đây là một số nguyên lý được các kỹ thuật viên sử dụng để giải quyết các vấn đề liên quan đến học các kỹ năng.

Bảng 1. CÁC NGUYÊN LÝ CHUNG CỦA SỰ PHÁT TRIỂN
• Sự phát triển là tuần tự và có thể dự đoán được.
• Sự trưởng thành và kinh nghiệm ảnh hưởng đến sự phát triển.
• Sự phát triển liên quan đến những thay đổi trong hệ thống sinh học, tâm lý và xã hội. 
• Sự phát triển diễn ra theo hai hướng: ngang và dọc.
• Sự phát triển tiến triển theo thứ tự theo ba trình tự cơ bản: 1. Đầu đến đuôi 2. Gần đến xa 3. Thô đến tinh.

Mục lục

Sự phát triển bình thường là tuần tự và có thể dự đoán được. 

Tốc độ và hướng (dọc hoặc ngang) của sự phát triển khác nhau giữa các trẻ, nhưng trình tự vẫn giống nhau. Ví dụ: trẻ nhỏ phát triển bình thường kiểm soát đầu trước khi kiểm soát thân mình (một ví dụ của sự phát triển theo chiều dọc). Điều khiển đầu và thân mình là cần thiết để trẻ có thể ngồi độc lập. Trẻ nhỏ học cách lăn, sau đó ngồi, rồi bò và cuối cùng là đi. Mặc dù hầu hết các nhà lý thuyết về phát triển đều đồng ý rằng trình tự là như nhau đối với tất cả trẻ em, nhưng nghiên cứu gần đây về lý thuyết kiểm soát vận động đã chứng minh rằng sự phát triển vận động không phải lúc nào cũng tuân theo một trình tự đã định. Trong cả hai trường hợp, mỗi trẻ đạt được những kỹ năng này với tốc độ khác nhau.

Sự trưởng thành và kinh nghiệm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. 

Sự trưởng thành và kinh nghiệm ảnh hưởng đến tốc độ và hướng phát triển bình thường. Trưởng thành là quá trình tăng trưởng và phát triển bẩm sinh (tự nhiên), và kinh nghiệm là kết quả của sự tương tác với môi trường. Ngoài ra, nghiên cứu hiện tại về kiểm soát vận động giới thiệu các khái niệm về trạng thái kích thích và động lực như là các yếu tố bổ sung có ảnh hưởng đến học vận động. Trẻ phải được kích thích để có động lực di chuyển và tương tác với môi trường. Mặc dù hầu hết các nhà lý thuyết phát triển đều đồng ý rằng sự trưởng thành, kinh nghiệm, trạng thái kích thích và động lực có một ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, ý kiến của họ khác nhau về cái nào quan trọng hơn.

Trong suốt quá trình phát triển bình thường, những thay đổi xảy ra trong các hệ thống sinh học, tâm lý và xã hội.  

Vì vậy, phát triển là một quá trình động và thay đổi liên tục. 

  • Những thay đổi trong hệ thống sinh học bao gồm những thay đổi liên quan đến chức năng và các quá trình của các cấu trúc bên trong. 
  • Những thay đổi trong hệ thống tâm lý ảnh hưởng đến các đặc điểm cảm xúc và hành vi của cá nhân. 
  • Những thay đổi trong hệ thống xã hội bao gồm những thay đổi ảnh hưởng đến các cá nhân trong môi trường trực tiếp của họ và xã hội nói chung. 

Những thay đổi này xảy ra ở cả ba hệ thống trong suốt quá trình phát triển thông thường. Một sự thay đổi trong một hệ thống sẽ ảnh hưởng đến hai hệ thống kia.

Sự phát triển tiến triển theo hai hướng: chiều dọc và chiều ngang. 

  • Khi một trẻ tiến triển qua các mức độ phát triển khác nhau liên quan đến các kỹ năng thực hiện hoạt động cụ thể hoặc các lĩnh vực hoạt động, trẻ đang tiến triển theo chiều dọc. Ví dụ, trong lĩnh vực hoạt động sinh hoạt hàng ngày, trẻ học cách ăn bằng ngón tay trước khi học cách ăn bằng thìa. Khi trẻ học cách lăn, rồi bò và cuối cùng là đi, trẻ đang tiến bộ theo chiều dọc về các kỹ năng thực hiện vận động thô. Trong cả hai ví dụ, sự phát triển đang diễn ra theo chiều dọc trong một kỹ năng thực hiện hoặc lĩnh vực hoạt động cụ thể. 
  • Sự phát triển liên quan đến các kỹ năng thực hiện và các lĩnh vực hoạt động  khác nhau biểu thị sự phát triển theo chiều ngang. Một đứa trẻ đồng thời học cách ăn bằng ngón tay, cầm nắm theo kiểu kẹp ngón tay, và bò đang tiến bộ theo chiều ngang vì có liên quan đến một số kỹ năng thực hiện và lĩnh vực khác nhau (nghĩa là sinh hoạt hàng ngày, kỹ năng vận động tinh và kỹ năng vận động thô). 

Sự phát triển vận động tuân theo ba quy tắc cơ bản:

1. Sự phát triển tiến triển từ đầu đến đuôi (cephalocaudal). 

Ví dụ, một em bé đầu tiên có thể kiểm soát các vận động của đầu và cổ (bắt đầu từ khoảng 2 tháng), sau đó là cánh tay và bàn tay (bắt đầu cầm nắm từ khoảng 3 tháng), sau đó là thân mình (hầu hết trẻ ngồi tốt khi được 8 tháng), và cuối cùng là chân và bàn chân (hầu hết trẻ biết đi khi được 14–15 tháng).

2. Sự phát triển tiến triển theo hướng từ gần đến xa (proximodistal), 

có nghĩa là trẻ phát triển khả năng kiểm soát các cấu trúc gần cơ thể (chẳng hạn như vai) trước khi phát triển các cấu trúc ở xa cơ thể hơn (chẳng hạn như bàn tay). Ví dụ, một bé có thể đập vào một đồ vật khi được 3 đến 4 tháng tuổi nhưng không thể vươn thẳng tay về phía trước và nắm được đồ vật trong các ngón tay cho đến khoảng 8 tháng tuổi. 

3. Quá trình phát triển tiến triển từ kiểm soát vận động thô sang kiểm soát vận động tinh, 

có nghĩa là khi trẻ kiểm soát được các chuyển động lớn của cơ thể trước khi chúng có thể thực hiện các động tác tinh vi hơn. Ví dụ, trẻ có thể bắt một quả bóng lớn bằng cả hai tay và thân mình trước khi chúng học cách bắt một quả bóng tennis bằng một tay. Trẻ sử dụng các cơ lớn ở cánh tay để bắt một quả bóng lớn và các cơ nhỏ hơn ở cổ tay và bàn tay để bắt một quả bóng tennis.

Tóm lại, sự phát triển bình thường là tuần tự và có thể dự đoán được. Các giai đoạn và nguyên tắc chung của sự phát triển giúp cung cấp một khuôn khổ để tổ chức và hiểu thông tin liên quan đến sự phát triển bình thường, giúp nhà trị liệu lập kế hoạch đánh giá và can thiệp khi làm việc với trẻ có nhu cầu đặc biệt.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này