Cập nhật lần cuối vào 27/05/2023
Các hoạt động được tạo thành từ nhiều kỹ năng thực hiện tương tác với nhau. Kỹ năng thực hiện là “các hành động hướng đến mục tiêu có thể quan sát được dưới dạng các đơn vị nhỏ tham gia vào các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày.” Khiếm khuyết kỹ năng này có thể cản trở trẻ thực hiện các hoạt động tự chăm sóc, vui chơi, hoạt động, và tham gia xã hội.
Theo khung thực hành AOTA (Hiệp hội Hoạt động Trị liệu Hoa Kỳ) 2014, kỹ năng thực hiện đề cập đến kỹ năng vận động (thô và tinh), kỹ năng xử lý (nhận thức) và kỹ năng tương tác xã hội (giao tiếp và tâm lý xã hội) (Bảng 1).
Các kỹ năng thực hiện | Mô tả |
---|---|
Kỹ năng vận động | Kỹ năng vận động là những kỹ năng liên quan đến việc di chuyển và tương tác với đồ vật hoặc môi trường và bao gồm tư thế, khả năng di chuyển, sự phối hợp, sức mạnh, nỗ lực và năng lượng. Ví dụ về kỹ năng vận động bao gồm giữ vững cơ thể và thao tác |
Kỹ năng xử lý | Các kỹ năng xử lý là những kỹ năng được sử dụng để hoàn thành các công việc hàng ngày và bao gồm năng lượng, kiến thức, tổ chức thời gian, tổ chức không gian và đồ vật cũng như khả năng thích ứng. Ví dụ về các kỹ năng xử lý bao gồm duy trì sự chú ý đến một nhiệm vụ, lựa chọn các công cụ và vật liệu thích hợp cho nhiệm vụ và cung cấp phương pháp hoàn thành nhiệm vụ để giải quyết một vấn đề. |
Kỹ năng tương tác xã hội | Kỹ năng tương tác xã hội đề cập đến những kỹ năng cần thiết để tương tác với người khác và bao gồm thể chất, trao đổi thông tin và các mối quan hệ. Các ví dụ về kỹ năng giao tiếp và tương tác bao gồm làm cử chỉ để biểu thị ý định, diễn đạt cảm xúc và liên hệ theo cách thiết lập mối quan hệ với người khác. |
Ví dụ, một đứa trẻ phải giữ vững và căn chỉnh cơ thể của mình để tham gia vào việc ăn uống. Giữ vững và căn chỉnh cơ thể là các kỹ năng thực hiện vận động. Trẻ gán nhãn cho hương vị của thức ăn và quyết định sở thích về loại thức ăn, đây là một ví dụ về kỹ năng xử lý. Cuối cùng, trẻ có thể yêu cầu thêm thức ăn, bày tỏ sự hài lòng hoặc tham gia vào cuộc trò chuyện nhẹ nhàng trong khi ăn, tất cả các ví dụ về kỹ năng tương tác xã hội.
Kỹ năng thực hiện là những hành động có thể quan sát được. Bởi vì chúng là những hành động có thể quan sát được và nhiều kỹ năng thực hiện được yêu cầu để hoàn thành một hoạt động, Kỹ thuật viên Hoạt động trị liệu (KTV HĐTL) có thể nhắm mục tiêu vào các kỹ năng thực hiện trong quá trình can thiệp. Kỹ năng thực hiện được phân loại thành kỹ năng vận động, kỹ năng xử lý và kỹ năng tương tác xã hội.
Mục lục
Các Kỹ năng vận động (motor skills)
Các kỹ năng vận động là những hành động có thể quan sát được khi trẻ tương tác và di chuyển đồ vật cũng như bản thân trong môi trường.
Các kỹ năng vận động bao gồm các hoạt động vận động thô và tinh, bao gồm các hoạt động sau:
- căn chỉnh (aligns)
- giữ vững cơ thể (stabilizes)
- đặt tư thế (positions): đặt tư thế bản thân với một khoảng cách phù hợp với các đối tượng của nhiệm vụ, không có tư thế xấu
- vươn tay tới (reaches): duỗi tay ra để có thể nắm hoặc đặt đồ vật hiệu quả
- gấp (bends): gấp hoặc xoay người phù hợp với nhiệm vụ, hoặc khi ngồi xuống
- nắm chặt vật (grips)
- thao tác (manipulates): sử dụng các vận động khéo léo của ngón tay, không vụng về, khi thao tác với các đối tượng (như thao tác với nút khi cài nút áo)
- phối hợp (coordinates): sử dụng hai hoặc nhiều phần cơ thể với nhau để thao tác, nắm, và/hoặc giữ vững đối tượng mà không vụng về, làm trượt đồ vật
- di chuyển vật (moves): Đẩy hoặc kéo vật hiệu quả dọc theo bề mặt, kéo để mở hoặc đẩy để đóng cửa hoặc ngăn kéo, hoặc đẩy để di chuyển xe lăn.
- nâng vật (lifts)
- đi lại (walks): trong khi thực hiện nhiệm vụ, đi lại trên mặt nền mà không dồn bước chân, không mất vững, vịn hoặc sử dụng dụng cụ trợ giúp
- vận chuyển (transports): Mang các đồ vật từ nơi này đến nơi khác khi đi lại hoặc khi di chuyển với xe lăn.
- hiệu chỉnh (calibrates): Vận động với lực, tốc độ hoặc mức độ phù hợp khi tương tác với đồ vật (như đẩy cửa với lực đủ mạnh để cửa đóng, nhưng không quá mạnh)
- chuyển động trơn tru (flows): Sử dụng các chuyển động của cánh tay và cổ tay nhịp nhàng và trơn tru khi tương tác với đồ vật
- chịu đựng (endures): thực hiện và hoàn tất nhiệm vụ mà không có dấu hiệu mệt mỏi thể chất, ngưng để nghỉ, hoặc dừng lại để lấy hơi thở.
- giữ nhịp (paces): Giữ một tốc độ thực hiện hoạt động nhất quán, hiệu quả trong suốt nhiệm vụ.
Danh sách này không bao gồm tất cả thuật ngữ. Các KTV HĐTL ưu tiên các kỹ năng thực hiện chính để giải quyết trong quá trình can thiệp.
Ví dụ, một đứa trẻ chơi trên sân chơi có thể sử dụng các kỹ năng thực hiện vận động sau:
- Giữ vững cơ thể để di chuyển.
- Đi bộ hoặc chạy để chơi trò chơi.
- Chịu đựng 1 giờ hoạt động thể chất bên ngoài.
- Phối hợp hai bên cơ thể để đu xích đu.
- Nắm chặt dây đu.
- Cúi xuống để buộc giày.
Cùng với các kỹ năng vận động, đứa trẻ đưa ra quyết định và lập kế hoạch vận động, được gọi là kỹ năng xử lý.
Các Kỹ năng xử lý (Process skills)
Trẻ em lên kế hoạch, đưa ra các quyết định và giải quyết vấn đề trong công việc hàng ngày. Chúng sử dụng các kỹ năng xử lý của nhận thức để điều chỉnh và thích ứng với những thay đổi trong môi trường, trong cơ thể trẻ hoặc trong các tình huống xã hội trong khi tham gia vào ADL, IADL, vui chơi (giải trí), học tập hoặc làm việc.
Các hành động có thể quan sát được cấu thành các kỹ năng xử lý bao gồm:
- giữ nhịp (paces): Giữ một tốc độ thực hiện hoạt động nhất quán, hiệu quả trong suốt nhiệm vụ.
- chú ý, tập trung vào nhiệm vụ (attends): Không nhìn khỏi điều đang thực hiện, cắt ngang tiến triển nhiệm vụ đang xảy ra.
- Thực hiện và hoàn tất (heed): Thực hiện và hoàn tất nhiệm vụ được đồng ý ban đầu hoặc được người khác chỉ định
- lựa chọn công cụ, vật liệu… (chooses): Lựa chọn loại và số công cụ, vật liệu cần thiết và phù hợp với nhiệm vụ.
- Sử dụng (uses): Áp dụng các công cụ và vật liệu như dự tính (như sử dụng gọt bút chì để gọt cây bút chì chứ không gọt bút sáp màu) và theo cách vệ sinh
- xử lý đồ vật (handles): Nâng đỡ hoặc giữ vững các công vụ và vật liệu theo một cách thích hợp, bảo vệ khỏi bị hư hỏng, trượt rớt, di chuyển …
- tra hỏi (inquires): (1) Tìm kiếm các thông tin văn bản hoặc bằng lời bằng cách hỏi các câu hỏi hoặc đọc các hướng dẫn, nhãn dán, và (2) không hỏi thông tin khi người đó định hướng rõ về nhiệm vụ và môi trường và nhận biết rõ về câu trả lời.
- bắt đầu (initiates): Bắt đầu hành động hoặc bước tiếp theo mà không ngần ngại.
- tiếp tục (continues): Thực hiện các hành động hoặc bước đơn lẻ mà không bị cắt ngang, như là mỗi khi hành động hoặc nhiệm vụ được bắt đầu, người đó tiếp tục mà không ngưng lại hoặc chậm trễ cho đến khi hoàn tất hành động hoặc bước nhiệm vụ.
- thực hiện theo trình tự (sequences): thực hiện các bước theo một trình tự hợp lý và hiệu quả, và không bị lập lại các bước không phù hợp, trình tự ngẫu nhiên, không logic.
- kết thúc (terminates): Hoàn tất các hành động hoặc các bước mà không ngừng sớm, kéo dài không thích hợp..
- tìm kiếm/xác định vị trí (searches/locates): Tìm kiếm và xác định vị trí các công cụ và vật liệu theo một cách hợp lý, cả trong và bên ngoài môi trường tại chỗ (tức thì).
- tập hợp (gathers): Thu thập các công cụ và vật liệu liên quan ở nơi làm việc và tập hợp lại các công cụ hoặc vật liệu bị làm đổ, làm rơi, hoặc đặt sai chỗ.
- tổ chức (organizes): Đặt một cách hợp lý hoặc xếp đặt trong không gian các công cụ hoặc vật liệu theo một cách có trật tự trong một không gian làm việc duy nhất và giữa các khoảng không gian làm việc phù hợp sao cho nơi làm việc không bị dàn trải hoặc bị chật chội.
- khôi phục (restores): Lấy đi các công cụ và vật liệu khỏi các nơi thích hợp và đảm bảo rằng nơi làm việc được khôi phục về tình trạng ban đầu.
- điều hướng (navigates): Di chuyển tay, thân mình, hoặc xe lăn mà không va vào các vật cản khi di chuyển trong môi trường hoạt động hoặc khi tương tác với các đối tượng.
- điều chỉnh (adjusts): Đi đến nơi làm việc hiệu quả, di chuyển các công vụ và vật liệu khỏi nơi làm việc hiện tại, điều chỉnh các nút vặn, … để vượt qua các vấn đề khi thực hiện nhiệm vụ.
- phòng ngừa thực hiện nhiệm vụ không hiệu quả (accommodates)
- Ngăn ngừa các vấn đề tái phát, kéo dài (benefits).
Ví dụ, một đứa trẻ trên sân đang chơi trò đuổi bắt sẽ tham gia vào các kỹ năng xử lý sau:
- Tự điều chỉnh tốc độ để có thể hoàn thành toàn bộ trò chơi.
- Chọn người mà trẻ muốn chạy theo để đuổi bắt.
- Bắt đầu trò chơi với các bạn.
- Tiếp tục chạy khi không bị bắt.
- Kết thúc hoạt động (chạy) khi trẻ bị bắt.
- Tìm kiếm những người bạn khác trong trò chơi.
- Điều chỉnh hoạt động của mình bằng cách đi đến một địa điểm mới.
- Điều hướng cơ thể của mình xung quanh các chướng ngại vật và đồng nghiệp.
- Ngăn ngừa các vấn đề (benefits) bằng cách chạy chậm lại để bị bắt.
Trong khi đứa trẻ rõ ràng đang tham gia vào một kỹ năng vận động, thì nó cũng đang xử lý nhiều loại thông tin từ môi trường và đưa ra quyết định để tiếp tục chơi. Những kỹ năng xử lý này cung cấp nền tảng cho nhiều hoạt động.
Ví dụ, đánh răng đòi hỏi trẻ xác định cách sử dụng dụng cụ (bàn chải đánh răng) đúng cách, bắt đầu vận động, thực hiện theo trình tự (thêm kem đánh răng, thấm nước, chải răng với bàn chải), thu thập đồ dùng và kết thúc các hành động sau khi hoàn thành.
Các tương tác xã hội làm tăng thêm sự phức tạp của việc thực hiện các kỹ năng vận động hoặc xử lý. Ví dụ, một đứa trẻ đang chơi bắt bóng ngoài sân với anh trai của mình phải điều chỉnh cơ thể của mình về tốc độ và khoảng cách của quả bóng và chọn vị trí của mình để bắt bóng. Các kỹ năng xử lý, vận động và tương tác xã hội trở nên phức tạp hơn nếu đứa trẻ tham gia vào một trận bóng chày trên sân chơi ở trường.
Các kỹ năng tương tác xã hội đề cập đến những hành động liên quan đến việc tham gia vào các hoạt động với người khác. Các kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ được xem là một phần của kỹ năng tương tác xã hội.
Các kỹ năng tương tác xã hội bao gồm các hành động có thể quan sát được sau đây:
- tiếp cận/bắt đầu (approaches/starts): Tiếp cận hoặc bắt đầu tương tác với người khác theo cách phù hợp với quan hệ xã hội.
- kết thúc/không tham gia (concludes/disengages): Kết thúc buổi nói chuyện hoặc tương tác xã hội một cách hiệu quả, chấm dứt chủ đề khi thảo luận, và không tham gia hoặc nói lời tạm biệt.
- tạo ra lời nói (produces speech): Tạo ra các thông điệp lời nói, dấu hiệu, hoặc giao tiếp tăng cường (nghĩa là tạo bởi máy tính) có thể nghe được và rõ lời.
- điệu bộ (gesticulates: sử dụng các cử chỉ phù hợp về mặt xã hội.
- nói trôi chảy (speaks fluently)
- quay (mặt) về phía (turns toward)
- nhìn (tiếp xúc mắt) (look)
- tự chọn chỗ (places self): Tự đặt tư thế của mình ở một khoảng cách thích hợp với người khác trong một tương tác xã hội.
- sờ chạm (touches): Đáp ứng với và sử dụng sờ chạm hoặc tiếp xúc cơ thể với người khác theo cách phù hợp với quan hệ xã hội
- điều hoà (xung động, hành vi) (regulates)
- đặt câu hỏi (questions)
- trả lời (replies)
- thổ lộ (discloses): Bộc lộ các ý kiến, cảm giác, và các thông tin riêng về bản thân và những người khác theo các phù hợp với quan hệ xã hội
- bày tỏ cảm xúc (expresses emotion),
- không đồng ý (disagrees)
- cảm ơn (thanks)
- chuyển tiếp (transitions): Chuyển tiếp cuộc trò chuyện một cách trôi chảy hoặc thay đổi chủ đề mà không cắt ngang buổi trò chuyện đang xảy ra
- định thời gian phản hồi, (times response): Trả lời với các thông điệp xã hội không chậm trễ hoặc ngần ngại và không cắt ngang người đang nói.
- định thời gian tương tác (times duration): Nói với một khoảng thời gian hợp lý theo mức độ phức tạp của thông điệp
- nhận lượt, (takes turns)
- sử dụng ngôn ngữ tương ứng, (matches language)
- làm rõ (clarifies): Đáp ứng với các thông điệp cử chỉ hoặc lời nói hàm ý rằng người kia không hiểu và đảm bảo rằng người kia đang theo dõi cuộc trò chuyện
- thừa nhận và khuyến khích, (acknowledges/encourage): Thừa nhận đang nhận các thông điệp, khuyến khích người kia tiếp tục tương tác, và khuyến khích tất cả mọi người tham gia vào tương tác xã hội
- đồng cảm, (empathizes)
- sử dụng tương tác xã hội hướng mục đích (heeds): Làm cho tương tác xã hội tập trung vào thực hiện và hoàn thành mục đích dự định của tương tác xã hội
- phòng ngừa tương tác không hiệu quả, (accommodates)
- phòng ngừa các vấn đề kéo dài, tái lại (benefits).
Trẻ em phát triển và sử dụng các kỹ năng tương tác xã hội để tham gia vào nhiều công việc khác nhau.
Ví dụ, một đứa trẻ trong lớp học có thể sử dụng các kỹ năng tương tác xã hội theo những cách sau:
- Đến gần/tiếp cận giáo viên vào buổi sáng để chào hỏi.
- Kết thúc nói chuyện riêng với bạn khi lớp học bắt đầu.
- Phát biểu để trả lời một câu hỏi trước lớp.
- Quay mặt sang trẻ đang nói khi nghe thấy tên mình.
- Nhìn bạn cùng lớp khi tham gia vào cuộc trò chuyện.
- Điều chỉnh câu trả lời hợp với câu hỏi của giáo viên.
- Không đồng ý với bạn cùng lớp theo cách thích hợp.
- Làm rõ bài tập về nhà.
- Cảm ơn thầy đã giúp đỡ mình.
- Chuyển tiếp giữa các giờ giải lao mà không trở nên khó chịu.
Trẻ em gặp khó khăn với các kỹ năng tương tác xã hội có thể không đọc được tín hiệu của người khác, dẫn đến khó khăn trong các môi trường xã hội. Trẻ có thể thực hiện hoạt động tốt hơn trong các nhóm nhỏ hơn hoặc với những người thân quen. Hiểu các quy tắc hành vi có thể giúp ích các trẻ này. Các KTV HĐTL có thể cho trẻ tham gia các hoạt động đóng vai để giúp trẻ phát triển các kỹ năng tương tác xã hội.
Hiểu được quá trình phát triển của các kỹ năng thực hiện cung cấp cho các KTV HĐTL nền tảng để phân tích các hoạt động và thiết kế các biện pháp can thiệp. Các KTV sử dụng kiến thức về tiến trình phát triển của các kỹ năng làm kim chỉ nam để xác định “các bước tiếp theo” đồng thời thừa nhận rằng trẻ có thể tiến bộ với các tốc độ khác nhau và có thể có một số thay đổi về trình tự phát triển.
Minh Dat Rehab tổng hợp.