ĐẶT TƯ THẾ VÀ CÁC CAN THIỆP HỖ TRỢ KIỂM SOÁT ĐẦU CHO TRẺ KHUYẾT TẬT

Cập nhật lần cuối vào 15/10/2023

Tư thế cung cấp một cơ sở cho vận động và chức năng. Bài viết nằm trong loạt bài về tư thế, thao tác và đặt tư thế cho trẻ khuyết tật.

Minh Dat Rehab

Kiểm soát đầu và thân mình đều là những thành phần cần thiết để ngồi và đứng. Bài viết sau thảo luận về các tư thế và thao tác can thiệp hỗ trợ kiểm soát đầu. 

Có một số cách khác nhau để khuyến khích kiểm soát đầu thông qua đặt tư thế nằm sấp, nằm ngửa và khi ngồi được trợ giúp. Những can thiệp này có thể được sử dụng để thúc đẩy sự phát triển khả năng kiểm soát đầu ở những trẻ không thể hiện khả năng kiểm soát đầu đầy đủ, và có thể được sử dụng trong quá trình trị liệu hoặc là một phần của chương trình tại nhà. 

XEM LẠI: ĐẶT TƯ THẾ VÀ THAO TÁC: HƯỚNG DẪN GIA ĐÌNH VÀ NGƯỜI CHĂM SÓC

Mục lục

Đặt tư thế để khuyến khích kiểm soát đầu

Nằm sấp trên một cái trục lăn, gối ôm, bục tam giác hoặc nửa trục lăn.

Nằm sấp thường là tư thế đầu tiên mà trẻ nhỏ cố gắng nâng đầu lên; do đó, đây là một trong những tư thế đầu tiên được sử dụng để khuyến khích phát triển khả năng kiểm soát đầu.

Khi đặt một trẻ nhỏ trên một trục lăn nhỏ hoặc gối ôm, ngực của trẻ sẽ được nâng lên khỏi sàn và thao tác này sẽ giảm một phần tác dụng của trọng lượng của đầu. Ở tư thế này, hai cẳng tay của bé có thể được đặt ở phía trước trục lăn, giúp cho trẻ dễ nâng đầu hơn. Hai khuỷu tay của bé nên được đặt dưới hai vai để chịu trọng lượng và kích thích đáp ứng nâng đỡ từ các cơ của đai vai. Có thể áp dụng kích thích thị giác và thính giác, chẳng hạn như gương, đồ chơi có màu sắc rực rỡ hoặc các đồ vật tạo âm thanh, để khuyến khích trẻ ngẩng đầu lên. Khuyến khích trẻ nâng đầu, sau đó là giữ đầu lên trong vài giây, đầu tiên ở bất kỳ tư thế nào, sau đó ở đường giữa. 

Cũng có thể sử dụng một bục tam giác (wedge) để nâng đỡ toàn bộ thân mình của trẻ và giữ cho hai tay đưa ra phía trước.

Hình: Nằm sấp trên bục tam giác (bục chêm)

Ưu điểm của nửa trục lăn (half roll) là vì trục không di chuyển nên trẻ ít có khả năng “lăn” ra khỏi nó. Khi đặt trẻ lên nửa trục lăn hoặc một bục tam giác có chiều cao bằng với chiều dài của cánh tay, trẻ sẽ dễ tựa lên cẳng tay hơn.

Đặt tư thế trẻ nằm sấp trên nửa trục lăn khuyến khích trẻ nâng đầu lên và chịu trọng lượng lên hai khuỷu tay và cánh tay.

Nằm ngửa trên một cái bục tam giác hoặc nửa trục lăn.

Gấp cổ kháng trọng lực là cần thiết để kiểm soát thăng bằng đầu. Mặc dù hầu hết trẻ bình thường thể hiện khả năng này vào khoảng 5 tháng tuổi, ở trẻ khuyết tật, phát triển gấp cổ kháng trọng lượng có thể khó khăn hơn so với duỗi  cổ. Hãy đặt tư thế chuẩn bị ở tư thế nằm ngửa trên một bục tam giác hoặc nửa trục lăn để giúp trẻ nâng đầu lên (Hình).

Hình: Đặt trẻ nằm ngửa trên một bục tam giác để chuẩn bị nâng đầu ra phía trước.

Khuyến khích trẻ giữ đầu ở đường giữa khi đặt trẻ nằm ngửa. Có thể khuyến khích tư thế đường giữa bằng cách sử dụng một cuộn khăn ôm lại hoặc các đồ vật kích thích trẻ nhìn. Có thể treo đồ chơi hoặc đồ vật trước mặt trẻ để khuyến khích trẻ với tay.

Nếu một đứa trẻ không thể biểu hiện bất kỳ cử động đầu nào về phía trước, thì có thể tăng độ nghiêng để đứa trẻ gần với tư thế thẳng đứng sẽ giúp trẻ dễ gấp đầu hơn hơn là nằm ngửa. Ví dụ sử dụng ghế ăn dành cho trẻ nhũ nhi hoặc ghế cho phép có các mức độ nghiêng khác nhau.

Hình: Ghế cho ăn hoặc ghế ngồi đặc biệt cho trẻ khuyết tật cho phép các mức độ nghiêng khác nhau.

Các THAO TÁC để khuyến khích kiểm soát đầu

Thao tác kéo để ngồi đã được sửa đổi.

Tư thế bắt đầu là nằm ngửa. Phần khó nhất trong tầm vận động mà đầu của trẻ có thể di chuyển trong khi kéo để ngồi dậy là phần đầu tiên khi lực hấp dẫn vuông góc trực tiếp với đầu (hình vẽ).

Hình: Quan hệ giữa trọng lực và tư thế của đầu (nằm ngửa và ngồi)

Trẻ phải có đủ sức mạnh để bắt đầu vận động. Trẻ khuyết tật có thể bị trễ ngửa đầu (head lag) quá mức trong quá trình kéo trẻ từ nằm ngửa sang ngồi. Do đó, có thể thay đổi thao tác để giúp trẻ dễ thành công hơn. Người trợ giúp đỡ ở hai vai của trẻ và xoay trẻ về phía mình và bắt đầu di chuyển trẻ sang ngồi theo một đường chéo (Hình). 

Thao tác kéo từ nằm ngửa sang ngồi được sửa đổi. A. Đặt trẻ nằm ngửa trên bề mặt nghiêng để chuẩn bị nâng đầu ra phía trước.
B. Hỗ trợ vai của trẻ, xoay trẻ về phía bạn và bắt đầu di chuyển trẻ về phía ngồi theo một đường chéo.

Người trợ giúp có thể cần đợi trẻ đưa đầu và thân trên về phía trước để ngồi. Trẻ có thể chỉ trợ giúp với phần cuối cùng của thao tác khi thân mình gần thẳng đứng. Nếu trẻ cố gắng vận động bằng cách nâng vai, người trợ giúp có thể ấn vai của trẻ xuống với các ngón trỏ, và do đó có thể tránh được vận động thay thế này. Cải thiện khả năng kiểm soát đầu có thể được đánh giá bằng khả năng của trẻ giữ đầu ở đường giữa ở nhiều tư thế khác nhau, bằng cách thể hiện các phản ứng giữ thẳng cổ (phản ứng chỉnh thế cổ) hoặc bằng mức độ trợ giúp. 

Khi khả năng kiểm soát đầu của trẻ được cải thiện, hãy giảm dần xoay thân để khuyến khích các cơ cổ hoạt động chống lại trọng lực càng nhiều càng tốt. Có thể sử dụng các điểm tiếp xúc xa hơn, chẳng hạn như khuỷu tay và cuối cùng là bàn tay, để bắt đầu thao tác kéo để ngồi dậy. Không nên sử dụng những điểm tiếp xúc bằng tay ở xa này nếu trẻ bị lỏng khớp quá nhiều.

Dựng thẳng người trong tư thế ngồi được hỗ trợ.

Hỗ trợ ở tư thế ngồi thẳng người (Hộp 1) có lẽ là tư thế dễ dàng hơn để duy trì kiểm soát đầu, bởi vì hướng của đầu trùng với đường trọng lực. Tư thế đầu và lực hấp dẫn song song với nhau, trong khi ở tư thế nằm ngửa hoặc nằm sấp, trọng lực vuông góc với tư thế của đầu khi bắt đầu nâng đầu lên. Do đó, nâng đầu từ tư thế nằm ngửa hoặc nằm sấp khó hơn so với việc giữ đầu khi trẻ được giữ thẳng đứng hoặc giữ ngồi thẳng có trợ giúp.

HỘP 1. Tiến triển của tư thế ngồi được hỗ trợ
1. Ngồi trong góc của ghế sofa
2. Ngồi trên ghế góc hoặc túi đậu
3. Ngồi bên với một cánh tay chống trên một trục lăn hoặc nửa trục lăn
4. Ngồi đưa hai tay về phía trước và chống lên một đồ vật, chẳng hạn như một cái gối hoặc một quả bóng
5. Ngồi trên ghế cao

Đây là lý do tại sao trẻ nhũ nhi bị trễ ngửa đầu ra sau hoàn toàn khi bạn kéo trẻ ngồi dậy, nhưng một khi trẻ đã ngồi, đầu trẻ dường như vững hơn trên hai vai. Trẻ ở tư thế nằm ngửa hoặc nằm sấp chỉ sử dụng các cơ gập hoặc duỗi cổ để nâng đầu lên. Ở tư thế thẳng đứng, sự cân bằng của cơ gấp và cơ duỗi là cần thiết để giữ tư thế đầu. Sự khác biệt duy nhất giữa việc được giữ thẳng đứng ở tư thế giữ thẳng đứng và được giữ ngồi thẳng có được trợ giúp là thân mình được nâng đỡ ở tư thế thứ hai và do đó cung cấp đầu vào cảm nhận bản thể bằng nén ép lên cột sống và xương chậu. Các điểm tiếp xúc bằng tay dưới hoặc xung quanh hai vai được sử dụng để nâng đỡ đầu (Hình). 

Hình. Kiểm soát đầu sớm khi ngồi có hỗ trợ.

Giao tiếp bằng mắt với trẻ cũng giúp ổn định đầu vì nó cung cấp thông tin thị giác ổn định để định hướng trẻ sang tư thế dựng thẳng. Để khuyến khích khả năng kiểm soát đầu hơn nữa, có thể đặt trẻ trong tư thế ngồi được hỗ trợ trên ghế dành cho trẻ nhũ nhi hoặc ghế cho trẻ ăn như một tư thế cố định, nhưng cần lưu ý để đảm bảo an toàn cho trẻ ở ghế như vậy. Không bao giờ để trẻ ngồi trên ghế dành cho trẻ nhũ nhi hoặc loại ghế ngồi khác mà không có dây an toàn và/hoặc dây đai đỡ vai để giữ cho trẻ không bị ngã về phía trước.

Chuyển trọng lượng từ tư thế ngồi thẳng được hỗ trợ.

Tư thế bắt đầu là trẻ ngồi trên đùi của kỹ thuật viên hoặc người chăm sóc và được đỡ dưới nách hoặc quanh vai. Cần nâng đỡ chắc chắn để tạo sự ổn định cho phần thân trên mà không gây khó chịu cho trẻ. Vì đầu của trẻ vốn đã ổn định ở tư thế này, nên chuyển trọng lượng nhỏ ra xa đường giữa sẽ thúc đẩy trẻ giữ đầu ở đường giữa. Nếu được, chỉ cần thu hút trẻ nhìn là đủ để giúp trẻ giữ tư thế của đầu hoặc chỉnh thẳng đầu khi chuyển trọng lượng. Khi trẻ có thể thực hiện được các thử thách này, có thể tạo dịch chuyển lớn hơn.

Bế trẻ ở tư thế sấp.

Tư thế ban đầu của trẻ là nằm sấp. Vì nằm sấp là tư thế dễ nâng đầu lên nhất, nên khi bế trẻ ở tư thế sấp có nâng đỡ dọc thân mình, tư thế này có thể khuyến khích trẻ nâng đầu lên, như thể hiện trong hình dưới đây. Vận động được tạo ra bởi người đang bế trẻ cũng có thể kích thích nâng đầu lên do tác động của hệ thống tiền đình lên các cơ tư thế. 

Trong trường hợp trẻ bị co cứng gấp, người chăm sóc có thể đặt một cẳng tay dưới nách của trẻ để giữ cho cánh tay của trẻ hướng về phía trước và đặt cẳng tay còn lại giữa đùi trẻ, đồng thời giữ một bên hông thẳng.

Một tư thế nằm sấp khác để bế trẻ có thể được sử dụng trong trường hợp trẻ bị co cứng cơ gấp. Một cẳng tay của người chăm sóc được đặt dưới nách của trẻ để giữ cho cánh tay hướng về phía trước, trong khi cẳng tay kia được đặt giữa hai đùi của trẻ để giữ cho một bên hông thẳng. Một số động tác xoay thân dưới đạt được khi xương chậu bị xoay khỏi trọng lượng của chân thỏng xuống (Hình dưới).

Bế ở tư thế dựng thẳng người.

Tư thế bắt đầu là dựng thẳng. Để khuyến khích sử dụng các cơ cổ cho kiểm soát đầu, có thể bế trẻ ở tư thế thẳng đứng. Phần sau đầu và thân mình của trẻ có thể được tựa vào ngực của người chăm sóc (Hình).

Hình: Khi bế trẻ ở tư thế thẳng đứng, phần sau đầu của đứa trẻ tựa vào ngực của người chăm sóc.

Có thể mang trẻ với địu hoặc đai, quay mặt về phía trước. Với những trẻ có khả năng kiểm soát đầu kém hơn một chút, người chăm sóc có thể đỡ xung quanh phía sau hai vai và đầu của trẻ trong tư thế khuỷu tay nâng cao, như minh hoạ ở hình sau. Trẻ lớn hơn cần ở tư thế dựng thẳng người hơn, với đầu được nâng đỡ.

Một số hình ảnh minh hoạ bồng bế tại cộng đồng để khuyến khích trẻ kiểm soát đầu.

Nằm sấp trên võng hoặc trên xích đu.

Tư thế bắt đầu nằm sấp. Kích thích vận động bằng cách sử dụng võng hoặc đu treo để kích thích đầu vào tiền đình để tạo thuận cho kiểm soát đầu khi trẻ ở tư thế nằm sấp. Khi sử dụng võng lưới, bạn nên đặt những chiếc gối vào trong võng và đặt trẻ lên trên những chiếc gối đó. Đầu của trẻ nên được hỗ trợ khi trẻ không thể nhấc đầu lên từ đường giữa . Khi khả năng kiểm soát của đầu cải thiện, có thể dần dần giảm nâng đỡ đầu. Khi sử dụng kích thích tiền đình, cần đảm bảo thay đổi hướng và tốc độ của vận động.

Lưu ý: Luôn theo dõi các dấu hiệu chứng tỏ kích thích quá mức, chẳng hạn như đỏ bừng mặt, đổ mồ hôi, buồn nôn hoặc nôn. Cũng có thể sử dụng kích thích tiền đình với trẻ dễ bị co giật, nhưng cần phải cẩn thận trường hợp trẻ bị động kinh gây ra do kích thích thị giác (trường hợp này có thể bịt mắt hoặc đội mũ trùm mắt để tránh kích thích thị giác).

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này