GIẢI PHẪU CHỨC NĂNG THẦN KINH: DÂY THẦN KINH QUAY

Tên tiếng Anh: Radial nerve

Dây thần kinh quay là dây thần kinh ngoại biên chính của chi trên.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét giải phẫu của dây thần kinh quay – đường đi cũng như các chức năng vận động và cảm giác của nó. Chúng ta cũng sẽ xem xét hậu quả lâm sàng của tổn thương dây thần kinh quay.

XEM THÊM: GIẢI PHẪU CHỨC NĂNG HỆ THẦN KINH: ĐÁM RỐI CÁNH TAY

Mục lục

Tổng quan

  • Rễ thần kinh – C5-T1.
  • Cảm giác – Chi phối hầu hết da ở mặt sau của cẳng tay, mặt ngoài của mu bàn tay và mặt lưng của ba ngón rưỡi ngoài.
  • Vận động – Phân bố cho cơ tam đầu cánh tay (triceps brachii) và các cơ duỗi ở cẳng bàn tay.

Giải phẫu Đường đi và LIÊN QUAN

Dây thần kinh quay là sự tiếp nối tận cùng của bó sau đám rối cánh tay. Do đó nó chứa các sợi từ rễ thần kinh C5 – T1.

Dây thần kinh phát sinh ở vùng nách, nằm ở phía sau động mạch nách. Nó đi ra khỏi nách ở phía dưới, ra sau (qua khoảng tam giác cánh tay tam đầu) và phân các nhánh đến các đầu dài và đầu ngoài của cơ tam đầu cánh tay.

Ghi chú: Khoảng tam giác (triangular interval) có bờ trong là đầu dài cơ tam đầu, bờ trên là cơ tròn lớn, và bờ ngoài là xương cánh tay.

Sau đó, dây thần kinh quay đi xuống cánh tay, chếch xuống dưới và ra ngoài, trong một đường rãnh nông trên mặt sau xương cánh tay, được gọi là rãnh thần kinh quay.

Khi đi xuống, dây thần kinh phân một nhánh cho đầu trong của cơ tam đầu cánh tay. Trong hầu hết đường đi của nó trong cánh tay, dây thần kinh quay đi kèm với nhánh sâu của động mạch cánh tay (động mạch cánh tay sâu).

Đến mặt ngoài cánh tay, dây thần kinh quay chọc qua vách gian cơ ngoài để ra trước. Sau đó, thần kinh quay đi xuống qua mỏm trên lồi cầu ngoài xương cánh tay, chia thành hai nhánh tận (nhánh nông và nhánh sâu), tiếp tục qua hố trụ và đi xuống cẳng tay và bàn tay.

  • Nhánh sâu (vận động) – chi phối các cơ ở khoang sau của cẳng tay.
  • Nhánh nông (cảm giác) – góp phần vào sự phân bố thần kinh ở da của mu bàn tay và các ngón tay.

Hình 1 – Dây thần kinh quay

Chức năng vận động

Dây thần kinh quay chi phối các cơ nằm ở cánh tay sau và cẳng tay sau.

  • Ở cánh tay, nó chi phối cho 3 đầu của cơ tam đầu cánh tay, và cơ khuỷu, có tác dụng duỗi khuỷu tay. 
  • Sau khi qua rãnh xoắn, dây thần kinh quay phân nhánh phân bố cho:
    • phần nhỏ ngoài của cơ cánh tay (cơ này chủ yếu được phân bố bởi dây thần kinh cơ bì)
    • cơ cánh tay quay: gấp khuỷu và quay sấp hoặc ngửa cẳng tay, tuỳ theo tư thế của cẳng tay;
    • cơ duỗi cổ tay quay dài: duỗi cổ tay.
  • Nhánh tận của dây thần kinh quay, nhánh sâu, chi phối cho cơ ngửa, cơ duỗi cổ tay quay ngắn, và các cơ còn lại của cẳng tay sau (cơ duỗi các ngón tay, cơ duỗi ngón út, cơ duỗi cổ tay trụ, cơ dạng dài ngón cái, cơ duỗi ngắn ngón cái, cơ duỗi dài ngón cái, cơ duỗi ngón trỏ). Nói một cách khái quát, các cơ này có tác dụng duỗi ở các khớp cổ tay và ngón tay, và quay ngửa cẳng tay.

Hình 2. Phân bố vận động dây thần kinh quay

Lưu ý: Khi nhánh sâu của dây thần kinh quay xuyên qua cơ ngửa của cẳng tay, nó được gọi là dây thần kinh gian cốt sau (posterior interosseous nerve, PIN) trong phần còn lại của đường đi.

Ở 30-50% người bình thường có một dải sợi ở vòng cung cơ ngửa (vòm Frohse) ở đầu gần của cơ ngửa. Dây thần kinh gian cốt sau xuất hiện từ cơ ngửa và có thể bị kẹt ở lối ra cơ ngửa khi nó tiếp giáp với vòm cung này hoặc bên trong cơ ngửa.

Hình 3 – Nhánh sâu của dây thần kinh quay xuyên qua cơ ngửa và được đổi tên thành dây thần kinh gian cốt sau.

Chức năng cảm giác

Có bốn nhánh của dây thần kinh quay phân bố thần kinh cho da của chi trên. Ba trong các nhánh này phát sinh ở cẳng tay:

  • Dây thần kinh bì cánh tay ngoài dưới – Chi phối mặt ngoài của cánh tay, phía dưới điểm bám tận của cơ delta.
  • Dây thần kinh bì cánh tay sau – Chi phối mặt mặt sau của cánh tay (ở dưới cơ delta).
  • Dây thần kinh bì cẳng tay sau– Chi phối cho một dải da ở giữa mặt sau cẳng tay.
  • Nhánh thứ tư – nhánh nông – là nhánh tận của thần kinh quay. Nó chi phối cho mặt lưng của ba ngón rưỡi ngoài (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, nửa ngoài ngón nhẫn) và vùng liên quan trên mu bàn tay.
Hình 4 – Sự phân bố ở da của dây thần kinh quay.

Liên quan đến lâm sàng: Tổn thương dây thần kinh quay

Tổn thương dây thần kinh quay có thể được phân loại thành bốn nhóm – tùy thuộc vào vị trí xảy ra tổn thương (và do đó thành phần nào của dây thần kinh bị ảnh hưởng).

Ở vùng nách

Dây thần kinh quay có thể bị tổn thương ở vùng nách do trật khớp vai hoặc gãy đầu trên xương cánh tay. Đôi khi, nó bị tổn thương do đè ép quá mức lên dây thần kinh ở nách (ví dụ như do nạng nách quá cao).

  • Chức năng vận động – cơ tam đầu cánh tay và các cơ ở khoang sau bị ảnh hưởng. Bệnh nhân không thể duỗi được ở cẳng tay, cổ tay và các ngón tay. Bàn tay “rũ cổ cò”.
  • Chức năng cảm giác – tất cả bốn nhánh da của dây thần kinh quay đều bị ảnh hưởng. Sẽ có mất/giảm cảm giác ở mặt ngoài và mặt sau của cánh tay, mặt sau của cẳng tay và mặt lưng của ba ngón rưỡi ngoài.
liet ru co tay
Hình 5 – Cổ tay rũ do liệt dây thần kinh quay.

Trong rãnh thần kinh quay 

Dây thần kinh quay được giữ chặt trong rãnh xoắn của xương cánh tay. Vì vậy, nó dễ bị tổn thương khi bị gãy thân xương cánh tay.

Chức năng vận động

Cơ tam đầu cánh tay có thể bị yếu đi nhưng không bị liệt (các nhánh của đầu dài và đầu ngoài của cơ tam đầu phát sinh phía trên rãnh thần kinh quay).

Các cơ của cẳng tay sau bị ảnh hưởng. Bệnh nhân không thể duỗi cổ tay và các ngón tay. Gấp cổ tay không có lực chống lại, gây dấu hiệu cổ tay rũ (wrist-drop).

Chức năng cảm giác  

Các nhánh da đến cánh tay và cẳng tay đã phân nhánh. Nhánh nông của dây thần kinh quay sẽ bị tổn thương, dẫn đến mất cảm giác ở mặt sau của ba ngón rưỡi ngoài và vùng liên quan ở mu bàn tay.

Ở cẳng tay

Hội chứng đường hầm dây thần kinh quay (Radial Tunnel Syndrome):

Đường hầm thần kinh quay là vùng nằm giữa khớp cánh tay – quay và bờ trên của cơ ngửa, dài khoảng 5 cm, gần với nguyên uỷ các nhánh của dây thần kinh quay ở cẳng tay.

Hội chứng chèn ép này ít gặp, nguyên nhân thường do các vận động sấp ngửa cẳng tay lập lại.

Biểu hiện mỏi, đau nhức ở đầu trên cẳng tay khi hoạt động (do ảnh hưởng đến nhánh nông). Ít khi gặp yếu cơ ngửa hoặc duỗi cổ bàn tay.

Tổn thương các nhánh tận:

Có hai nhánh tận của dây thần kinh quay nằm ở cẳng tay. Cơ chế chấn thương điển hình và ảnh hưởng của tổn thương của chúng khác nhau:

Nhánh nông(Hội chứng Wartenberg)Nhánh sâu (tổn thương PIN)
Cơ chế
Đâm xuyên hoặc rách cẳng tay, đè ép ở cổ tay do vòng bít

Chấn thương gây gãy chỏm quay hoặc trật xương quay ra sau. Viêm, u.
Chức năng vận độngKhông cóPhần lớn các cơ ở cẳng tay sau bị ảnh hưởng. Không bị rũ cổ tay do cơ duỗi cổ tay quay dài không bị ảnh hưởng, và vẫn duy trì được một phần duỗi cổ tay
Chức năng cảm giácMất/giảm cảm giác ảnh hưởng đến 3 ngón rưỡi ngoài và vùng liên quan ở mu bàn tay.Không có

XEM THÊM: KHÁM CÁC DÂY THẦN KINH CHI TRÊN

THAM KHẢO CHÍNH: Teachmeanatomy, và các tài liệu khác

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này