ĐẠI CƯƠNG DỤNG CỤ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

Cập nhật lần cuối vào 13/05/2023

Các dụng cụ PHCN đóng một vai trò hết sức quan trọng nhằm giúp người bệnh dễ dàng hơn trong việc tự di chuyển, sinh họat, làm việc, giao tiếp và hòa nhập xã hội.

Tùy theo mục đích sử dụng mà có nhiều loại dụng cụ khác nhau:

  • dụng cụ tập luyện,
  • dụng cụ trợ giúp,
  • dụng cụ chỉnh hình,
  • dụng cụ thay thế.

Bài viết liệt kê những dụng cụ thường sử dụng cho người khuyết tật trong PHCN và cộng đồng.

Mục lục

DỤNG CỤ TẬP LUYỆN

Dụng cụ tập tầm vận động

Ví dụ: thang tường, ròng rọc tập vai, gậy…

Dụng cụ tập cơ lực 

Ví dụ: tạ tay, băng thun (dây đàn hồi), ròng rọc, bao cát… dùng để tập chi trên; bao cát, ghế tập cơ lực, xe đạp tập để tập chi dưới.

Dụng cụ tập thăng bằng- điều hợp. 

Ví dụ: ván thăng bằng (bập bênh), bóng tập, cầu thăng bằng, xích đu, ngựa gỗ, sân quay

Dụng cụ tập vận động- di chuyển: 

Thanh song song tập đi, khung tập đi, cầu thang tập, thảm lăn…

Dụng cụ tập sức bền tim phổi

Ví dụ: thảm lăn, xe đạp tập tay, xe đạp tập chân …

Dụng cụ tập chức năng bàn tay, họat động- sinh họat, giao tiếp … 

Ví dụ: bộ xếp hình, đất nặn, khung dệt, ..

DỤNG CỤ TRỢ GIÚP

Dụng cụ trợ giúp tư thế 

Là những DCTG giữ tư thế đúng trong nằm, ngồi, đứng. Ví dụ:

  • Trợ giúp nằm: Các gối chêm (đầu, thân, tay, chân)
  • Trợ giúp ngồi: Ghế ngồi (trẻ bại não)
  • Trợ giúp đứng: khung đứng
Ghế ngồi cho trẻ bại não

Dụng cụ trợ giúp dịch chuyển

Như ván trượt, thanh vịn giường, vải

Dụng cụ trợ giúp đi lại

Các DCTG đi lại (gậy, nạng, khung đi) cung cấp bộ phận nối dài cho tay để giúp chuyển một phần trọng lượng cơ thể lên tay và nâng đỡ cho người bệnh. Cần loại dụng cụ đi lại nào phụ thuộc vào nhu cầu trợ giúp thăng bằng và khả năng chịu trọng lượng đến mức nào. Bệnh nhân càng giảm khả năng thường đòi hỏi dụng cụ càng phức tạp hơn. Khung đi nâng đỡ nhiều nhất, gậy nâng đỡ ít nhất. 

Gậy

– Gậy mở rộng chân đế và và giảm tải lên chân đối diện (khoảng 25% trọng lượng cơ thể). Các loại gậy có thể được làm từ mây, tre, gỗ, hoặc nhôm. Gậy có thể là một chân, hoặc 3-4 chân. 

– Chiều dài của gậy cần phù hợp với người bệnh. Xác định chiều dài gậy thích hợp bằng cách đo từ đầu gậy đến mức mấu chuyển lớn khi bệnh nhân đứng (hoặc đến mức cổ tay). 

– Cách sử dụng:

  • Di chuyển: Cầm gậy bên lành và đưa gậy về phía trước cùng lần với chân bệnh, lưu ý chịu trọng lượng qua tay đúng yêu cầu
  • Leo cầu thang: lên với chân lành và xuống với chân bệnh

Nạng 

– Nạng có hai điểm tiếp xúc với cơ thể, do đó nạng vững hơn gậy. Có hai loại nạng: nạng nách và nạng khuỷu. Loại nạng thường được sử dụng là nạng nách. 

– Thuận lợi chính của nạng nách là cho phép chuyển đến 80% trọng lượng cơ thể. Do đó, nạng được sử dụng phổ biến để hỗ trợ đi lại, cho những người đau yếu một hoặc hai chân. Có nhiều dáng đi nạng khác nhau phụ thuộc vào tình trạng khuyết tật của người bệnh.

Hình: Dáng đi ba điểm

XEM THÊM: NẠNG VÀ CÁC DÁNG ĐI VỚI NẠNG

Khung đi

– Chỉ định 

  • Phù hợp nhất cho bệnh nhân có dáng đi không an toàn bởi vì thăng bằng kém (như bệnh nhân liệt nửa người, bệnh nhân thất điều, yếu hai chân) 
  • Luyện đi lại sớm sau phẫu thuật

– Thuận lợi: nâng đỡ tối đa cho bệnh nhân 

– Bất lợi: Dáng đi chậm và dễ tạo thói quen tư thế và đi xấu, chỉ giới hạn trong nhà 

– Các loại khung đi: phổ biến nhất là khung đi tiêu chuẩn và khung đi có bánh xe

Xem thêm bài Dụng cụ trợ giúp đi lại: Khung đi

Dụng cụ trợ giúp di chuyển ở tư thế ngồi

Xe lăn và xe lắc là những DCTG di chuyển phổ biến cho những người tàn tật chân nặng (liệt hai chi dưới hoàn toàn, liệt nửa người nặng…), đặc biệt tại cộng đồng. 

Người bệnh có thể đòi hỏi sự trợ giúp hoàn toàn trong di chuyển hoặc có thể tự mình di chuyển nếu hai tay đủ mạnh/trợ giúp bằng động cơ.

Có nhiều kiểu xe lăn khác nhau tuỳ theo mức độ khuyết tật và nhu cầu của người bệnh cũng như điều kiện kinh tế.

Việc sử dụng xe lăn đòi hỏi phải tăng cường tập luyện chi trên, đặc biệt là các cơ giữ vững vai, cơ duỗi khuỷu và cổ tay, cơ gấp ngón. Cần lưu ý phòng loét do đè ép vùng ụ ngồi cho những bệnh nhân sử dụng các dụng cụ này, nhất là những bệnh nhân mất cảm giác.

Xem thêm bài: Dụng cụ trợ giúp di chuyển: Xe lăn

Dụng cụ trợ giúp sinh hoạt hàng ngày- hoạt động: 

Ví dụ như các dụng cụ trợ giúp ăn uống, vệ sinh, cầm nắm, trợ giúp viết, giải trí, học tập… 

Có thể chỉnh sửa các dụng cụ có sẵn sao cho dễ cầm nắm, thao tác hơn.

Dụng cụ trợ giúp và tăng cường giao tiếp:

Như sách, tranh ảnh chữ, ký hiệu, bảng giao tiếp, dụng cụ phát âm …

DỤNG CỤ CHỈNH HÌNH

Dụng cụ chỉnh hình (DCCH) là các loại máng, nẹp, đai để giữ chân hoặc các bộ phận khác của cơ thể ở tư thế thích hợp.

Máng nẹp thường nhằm 2 mục đích:

  • Để chống đỡ hoặc giữ vững chắc các khớp yếu, đau. Ví dụ trẻ bị bại liệt, yếu cơ duỗi gối.
  • Giúp đề phòng hoặc sữa chữa các biến dạng, co rút. Ví dụ bàn chân khoèo

Đó là những dụng cụ bên ngoài hệ cơ xương được dùng cho những người có bệnh lý hệ thần kinh cơ.

DCCH chi dưới

Giày chỉnh hình, DCCH cổ -bàn chân (máng đỡ bàn chân): AFO, DCCH gối-cổ -bàn chân (nẹp dài trên gối): KAFO, DCCH háng-gối-cổ -bàn chân (nẹp dài trên gối có đai chậu): HKAFO và các dụng cụ bảo vệ khớp…

Nẹp cổ bàn chân (AFO): dụng cụ chỉnh hình hỗ trợ dáng đi

DCCH cột sống: 

Gồm các loại áo nhựa, nẹp chỉnh hình chuyên biệt trong trường hợp vẹo cột sống, đai thắt lưng trong các bệnh lý vùng thắt lưng (như đau), nẹp cổ (dùng trong trường hợp chấn thương cột sống cổ).

Áo chỉnh vẹo cột sống

DCCH chi trên: 

Các loại máng nẹp có mục đích nâng đỡ các khớp, giữ tư thế đúng (nẹp cố định) hoặc hỗ trợ chức năng (nẹp động)

DỤNG CỤ THAY THẾ

Là những dụng cụ nhân tạo nhằm thay thế cho một phần cơ thể hay cơ quan bị thiếu hụt hoặc khiếm khuyết, bao gồm chân giả và tay giả.

Chân giả: 

Tuỳ theo mức đoạn chi mà có các loại chi giả khác nhau. Các loại chi giả thường gặp là:

  • Chân giả dưới gối: dành cho cắt cụt dưới gối.  Thường sử dụng nhất là chi giả PTB (Patellar Tendon Bearing) là loại chi giả chịu trọng lượng ở gân bánh chè. 
  • Chân giả trên gối: dành cho cắt cụt trên gối. 
Chân giả PTB

Tay giả: 

Tay giả có mục đích thay thế phần nào chức năng của chi trên hoặc chỉ có mục đích thẩm mỹ. Do sự phức tạp của chức năng chi trên (đặc biệt là bàn tay) nên khả năng bù đắp của tay giả thường là rất hạn chế. Vì thế, nguyên tắc cắt cụt của chi trên là bảo tồn chiều dài tối đa.

Mặc dù vậy, với sự tiến bộ của khoa học-công nghệ, hiện đã một số nơi sản xuất những loại tay giả tinh vi, mô phòng khá tốt chức năng cầm nắm của bàn tay. 

QUY TRÌNH CHỌN LỰA – CUNG CẤP DỤNG CỤ

Việc chọn lựa, cung cấp dụng cụ cho người khiếm khuyết thường được thực hiện qua các bước sau:

  1. Phát hiện nhu cầu cần dụng cụ trợ giúp: có thể do người khuyết tật tự tìm đến hoặc thông qua các cuộc điều tra, thăm khám cộng đồng.
  2. Thu thập thông tin: ngoài những thông tin chung về người bệnh và lượng giá về thể chất, cần thu thập thông tin về nhu cầu đặc thù của người bệnh, về môi trường trong đó dụng cụ sẽ được sử dụng.
  3. Chỉ định loại dụng cụ phù hợp với nhu cầu và tình trạng của người bệnh, khả năng tài chính của người bệnh hoặc tổ chức tài trợ, khả năng sản xuất của cơ sở.
  4. Sản xuất dụng cụ, bao gồm cả chỉnh sửa.
  5. Cung cấp dụng cụ và huấn luyện sử dụng.
  6. Theo dõi, sửa chữa, thay thế định kỳ. Ví dụ 6 tháng/lần.

KẾT LUẬN

Dụng cụ PHCN rất đa dạng và phong phú, nhằm mục đích phục hồi hoặc bù đắp tối đa khả năng của người khuyết tật. Việc sản xuất và sử dụng các dụng cụ này ở cộng đồng cần phải tính đến tính sẵn có, dễ kiếm, dễ làm ngay tại cộng đồng nhưng cũng không quên tính chức năng và thẩm mỹ của nó. Mục đích của các dụng cụ này không nằm ngoài nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

MinhdatRehab.

(Bài giảng Đại cương dụng cụ phục hồi chức năng soạn cho sinh viên Y khoa)

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này