Cập nhật lần cuối vào 03/06/2021
“Không thầy đố mày làm nên!”
Câu châm ngôn trên có lẽ đúng với hầu hết các môn học, đặc biệt là với ngành y, môn học mà kinh nghiệm quý báu của thầy là kim chỉ nam cho trò trước biển kiến thức mênh mông của khoa học sức khỏe con người. Thầy giỏi – trò giỏi. Người thầy đã, đang và sẽ là tấm gương sáng không những về kiến thức, tài năng mà cả về tấm lòng nhân hậu, thương yêu người bệnh, quý mến đồng nghiệp… Những kiến thức mà thầy truyền thụ đôi lúc sẽ trở nên mờ nhạt hoặc cũ kỹ theo thời gian nhưng lòng tôn kính về nhân phẩm đạo đức của trò với thầy vẫn mãi còn tồn tại. Nói như vậy không có nghĩa là phủ định những gì thầy đã dạy, mà muốn nói rằng sự lĩnh hội kiến thức của trò từ thầy nên và luôn cần phải gắn liền với sự tự tìm tòi, học hỏi về khoa học con người luôn biến đổi theo thời gian.
“Học thầy không tày học bạn“.
Trong những năm tháng miệt mài dưới mái trường thân yêu của mình, ít ai lại không có bạn, đặc biệt là bạn thân. Người đó có thể lớn tuổi hoặc nhỏ tuổi hơn, nhưng chia sẻ cùng một niềm đam mê như bạn – mong muốn có được những kiến thức và kỹ năng cần thiết để chăm sóc, chữa trị người bệnh. Người bạn thân có thể giỏi hơn hoặc không giỏi bằng bạn, nhưng ắt hẳn có những cái gì đó mà bạn quý mến, những điểm mạnh mà bạn phải học hỏi. Tình bạn học đường thật trong sáng, lành mạnh. Có những lúc bạn được chỉ một dấu chứng lạ trên bệnh nhân. Có lúc bạn được “dò bài” (khi đó người bạn như là người thầy đang kiểm tra kiến thức). Có khi lại đố nhau, cùng thi đua. Rồi có lúc bạn được chia một mẩu bánh, được chở đi đến viện khi xe bị hỏng, hoặc được chép bài khi ốm đau… Qua người bạn, cái quý nhất bạn học được đó là sự tương trợ thân ái của đồng nghiệp tương lai, và tình đồng nghiệp này thực sự hữu ích khi bạn bước chân vào đời.
Học thầy, học bạn và học cả … người bệnh.
Đã xa rồi ngày ấy, khi mà bệnh nhân được xem như là “con bệnh”, và điều trị bệnh nhân được hiểu theo một cách rất thụ động, chỉ chú trọng đến phần bệnh chứ không chú trọng đến phần cơ bản nhất – phần người. Ngày nay, người bệnh được xem là trung tâm, và như thế, dù cùng một chứng bệnh nhưng với những bệnh nhân – người khác nhau thì rõ ràng là các triệu chứng lâm sàng, cách diễn tiến bệnh, đáp ứng với chữa trị, cũng như những thích nghi tâm lý – xã hội ở họ cũng hoàn toàn khác nhau. Chính vì thế, mỗi bệnh nhân đối với chúng ta – những người phục vụ – là những người thầy bằng xương bằng thịt về những điều mà chúng ta đã được dạy ở giảng đường, qua trang sách và cả những điều mà ta chưa từng được dạy.
Điều trước tiên mà người bệnh dạy cho bạn, đó là khả năng giao tiếp. Càng tiếp xúc với nhiều người bệnh, với đủ mọi thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp, giới tính càng giúp bạn trau dồi khả năng trao đổi thông tin chính xác với người bệnh. Đó là sự tự tin trước những câu hỏi đôi lúc rất hóc búa từ những người bệnh “khó tính”. Đó là sự tế nhị trước những vấn đề thầm kín của một nữ bệnh nhân hay là cách dỗ dành một cháu bé để có thể dễ dàng thăm khám hơn. Từ những cuộc giao tiếp đơn lẻ với một, rồi nhiều bệnh nhân, mà bạn có thể nâng tầm cao của giao tiếp lên thành một thứ nghệ thuật thực sự, và đó sẽ là chìa khóa không thể thiếu cho thành công của bạn trong cuộc đời hành nghề y của mình.
Học từ người bệnh, bạn sẽ học được sự thật về các triệu chứng. Khi bạn được học về triệu chứng học, đó là từ những từ sáo rỗng, nó nằm trên trang sách, nó vô tri vô giác, nhưng khi nó được bạn phát hiện trên người bệnh, bạn sẽ thấy được triệu chứng đó thực sự là gì, nó có nghĩa như thế nào với họ và khi đó nó mới ăn sâu vào tiềm thức của bạn. Hẳn bạn đã từng có lúc ngạc nhiên khi người bệnh đọc vanh vách các triệu chứng, như thể bạn đã từng đọc được ở đâu đó trong y văn. Khi đó người bệnh mang dáng dấp của một người thầy – mô tả cho bạn cả những nét chung và những nét riêng của bệnh. Bạn cũng đã được học về cách điều trị đối với các chứng bệnh, nhưng chỉ khi thực hiện trên một người bệnh cụ thể thì bạn sẽ nhận thấy sự thành công hay thất bại của nó, và nhiệm vụ của bạn là phải tìm ra một phương pháp điều trị vừa an toàn, vừa hiệu quả, vừa kinh tế. Bài toán này thật không dễ giải quyết, nhưng kết quả của nó lại chính là quan tòa phán quyết cho những quyết định của bạn. Đôi khi từ những sai lầm (mong rằng không đáng tiếc) trên người bệnh mà bạn sẽ học được những kinh nghiệm quý báu không thể nào quên được.
Cái mà người bệnh và mọi người mong muốn ở bạn đó là cái tâm. Nhiều lúc cuộc sống quá khó khăn, hoặc công việc quá máy móc đã che phủ phần nào lương tâm, lòng trắc ẩn của bạn đối với con người, và nhất là đối với người bệnh -những người đang chịu đau khổ về thể xác lẫn tâm hồn. Sự cảm thông, chia sẻ – đó là điều mà tất cả người bệnh cần – chứ không phải là lòng thương hại, thái độ ban ơn. Bạn sẽ khó có được sự cảm thông nếu tấm lòng bạn không rộng mở. Nếu bạn sẵn sàng mở rộng tâm hồn thì bạn sẽ có cơ hội học được nhiều đức tính từ chính những bệnh nhân của mình. Đó có thể là lòng can đảm khi đối đầu với một căn bệnh hiểm nghèo. Đó có thể là sự vị tha của những người khuyết tật trước sự thờ ơ của những người lành lặn hơn họ. Đó có thể là tình mẫu tử của người mẹ trẻ chăm sóc đứa con bé bỏng, hay lòng hiếu thảo của người con với người cha già ốm yếu…
Những người thầy, những người bạn, những người bệnh … là những nhân vật không thể thiếu được trong vở kịch cuộc đời của bạn. Những kiến thức mà bạn có được từ họ sẽ bồi đắp cái tài, trong khi những tình cảm mà bạn nảy nở với họ sẽ vun xới cái đức của bạn. Sử dụng đúng đắn cái tài, cái đức, chắc chắn rằng càng ngày bạn sẽ càng tiến xa hơn trên con đường y thuật của mình.
Huế, một ngày đông lạnh giá, 2005
Mạc Đình