BỆNH LÝ TUỶ CỔ DO THOÁI HOÁ: LƯỢNG GIÁ VÀ HƯỚNG XỬ TRÍ.

Cập nhật lần cuối vào 09/12/2023

Mã ICD 10: M50.0

Mục lục

1. Định nghĩa:

Bệnh lý tuỷ cổ do thoái hoá (Degenerative Cervical Myelopathy (DCM) (còn được gọi là CSM: Cervical Spondolytic Myelopathy) là một quá trình thoái hoá liên quan đến các thành phần của cột sống cổ, làm hẹp ống sống và dẫn đến chèn ép tuỷ sống.

2. Nguyên nhân và dịch tễ:

DCM là nguyên nhân thường gặp nhất của tình trạng rối loạn chức năng tuỷ sống ở người lớn trên 55 tuổi, là chẩn đoán hay gặp nhất của tình trạng yếu hai chân, tứ chi co cứng không do chấn thương. Tình trạng này thường gặp ở nam hơn nữ.

Thường gặp nhất là đoạn C5 đến C7.

DCM là do các thay đổi thoái hoá của cột sống cổ, bao gồm đốt sống, các khớp mỏm bên, đĩa đệm, dây chằng (phì đại dây chằng vàng, cốt hoá dây chằng dọc sau) và mô liên kết. Tình trạng này thường phát triển từ từ, nhưng có thể nặng lên sau chấn thương.

Hẹp ống sống bẩm sinh làm tăng khả năng bệnh lý tuỷ sống sau chấn thương nhẹ hoặc thay đổi thoái hoá.

Hẹp cột sống cổ mắc phải do bệnh thoái hoá đĩa đệm và khớp facet liên quan đến tuổi tác, với phì đại mấu bên, dày dây chằng vàng, lồi ra sau của dây chằng dọc sau.  Hẹp bẩm sinh liên quan đến các bất thường xương (cuống cung bị ngắn…).

Các yếu tố góp phần vào bệnh lý tuỷ:

  • Các yếu tố tĩnh: Các yếu tố thoái hoá, phì đại, gai xương kể trên
  • Các yếu tố động: Ở tư thế gập cổ, tuỷ sống bị kéo căng và có thể bị ép với các gai xương và đĩa đệm. Ở tư thế ưỡn cổ, tuỷ sống có thể bị chèn ép phía trước bởi bờ sau của đốt sống hoặc đĩa đệm lồi ra sau và dây chằng vàng phì đại ở phía sau.

3. Lượng giá

Xác định DCM: có ít nhất một dấu hiệu cơ năng, và ít nhất một triệu chứng thực thể, kèm theo MRI có dấu hiệu chèn ép tuỷ sống.

Hỏi bệnh:

Các triệu chứng phụ thuộc vào mức độ và tính chất mạn tính của rối loạn chức năng tuỷ sống. Các triệu chứng giai đoạn sớm bao gồm đau và cứng cổ, giảm khéo léo bàn tay và các thay đổi trong thăng bằng và dáng đi do tăng trương lực, giảm điều hợp và hoặc yếu chân. Bệnh nhân có thể đến khám vì lý do thường xuyên bị ngã. Các than phiền về cảm giác ban đầu thường là ở hai tay.

Đau đầu vùng chẩm, đau cổ và /hoặc chi trên do bệnh lý rễ thường gặp.

Các bất thường chức năng bàng quang và đường ruột ít gặp và xảy ra khi bệnh nặng.

Khám bệnh:

Hạn chế tầm vận động cổ do thoái hoá.

Có thể có dấu Lhermitte: Cảm giác như giật điện chạy dọc xuống cột sống khi gập cổ (dấu hiệu này thường gặp trong Xơ cứng rải rác).

Khám vận động: 

  • Bệnh nhân bị DCM và tổn thương do quá duỗi cổ thường biểu hiện với hội chứng tuỷ trung tâm (yếu cơ hai tay nhiều hơn so với chân).
  • Dấu hiệu ngón tay trốn thoát (finger escape sign): yêu cầu bệnh nhân duỗi và khép các ngón tay, ngón út dạng tự nhiên, không khép được do yếu các cơ nội tại bàn tay.
Dấu hiệu ngón tay trốn thoát (Wartenberg) tay trái
  • Thử nghiệm nắm và thả: yêu cầu bệnh nhân nắm và thả tay 20 lần trong 10 giây, bệnh nhân khó hoàn thành động tác này do yếu cơ, giảm linh hoạt bàn tay.
  • Các dấu hiệu thần kinh vận động trên: Yếu hạ chi co cứng, phản ánh ảnh hưởng lên các bó vỏ-gai; Các phản xạ bệnh lý như Hoffman, Babinski, tăng phản xạ gân xương, rung giật bàn chân.
Positive Hoffmann's sign (finger flexor reflex) in ... | GrepMed
Dấu Hoffman dương tính
  • Có thể kèm theo các dấu hiệu bệnh lý rễ ở mức chèn ép (như nghiệm pháp Spurling, teo cơ nội tại bàn tay, rung giật thớ cơ…).
  • Dáng đi và thăng bằng: đánh giá dáng đi, đi gót chạm mũi chân, test Romberg (ngã người khi nhắm mắt, chứng tỏ tổn thương cảm thụ bản thể/cột sau).

Khám cảm giác: các thay đổi về cảm giác rung và cảm thụ bản thể là thường gặp. Rối loạn chức năng cột sau có thể gây thất điều cảm giác. Trường hợp bệnh nhân bị tổn thương ở trung tâm tuỷ có giảm cảm giác đau và nhiệt độ, hai tay yếu nhiều hơn chân (hội chứng tuỷ trung tâm).

Cận lâm sàng:

  • Hình ảnh học: X quang cột sống cổ,  Cộng hưởng từ (MRI), CT (thoái hoá, hẹp ống sống, thoát vị, chèn ép tuỷ và rễ…)
  • Đo điện cơ …

Đường kính trước sau (DAP) bình thường trong khoang cột sống cổ C3-C7 là 17-18 mm. Hẹp tuyệt đối được định nghĩa là khoảng này <10mm, hẹp tương đối khi <13 mm. 

Figure 2.
Đo đường kính ống sống (A) và tỉ lệ đường kính ống sống/đốt sống (A/B) ở C5 (<0,8 trong hẹp bẩm sinh)
Figure 5a:
Hình ảnh cộng hưởng từ bệnh nhân nữ 53 tuổi với rối loạn cảm giác và bàn tay vụng về. Biểu hiện hẹp ống sống gây chèn ép tuỷ và tăng tín hiệu trong tuỷ mức C4-5 ở T2
Cervical Myelopathy - Spine - Orthobullets
Tỉ lệ chèn ép CR <0,4 chứng tỏ tiên lượng xấu

Lượng giá hoạt động chức năng:

  • Lượng giá dáng đi, thăng bằng và nguy cơ ngã
  • Đánh giá cơ lực nắm bàn tay với lực kế
  • Lượng giá sinh hoạt hàng ngày và mức trầm trọng của bệnh:

Hệ thống tính điểm của Hiệp hội Chỉnh hình Nhật bản có chỉnh sửa (mJOA, The modified Japanese Orthopaedic Association (mJOA) là thang đo đánh giá 4 phần: vận động của tay, vận động của chân, cảm giác của tay, kiểm soát cơ tròn. Điểm số thay đổi từ 0 đến 18, trong đó điểm từ 15-17 là nhẹ, 12-14 là vừa, 0-11 là nặng.

XEM THANG ĐO:

  • Các thang đo khác: Chỉ số khuyết tật bệnh lý tuỷ sống (myelopathy disability index (MDI), NDI, Nurick Score…

Thang điểm Nurick đánh giá chủ yếu khả năng đi lại (0 đến 5 điểm)

GradeMô tả
0Dấu hiệu và triệu chứng ảnh hưởng rễ không ảnh hưởng đến tuỷ sống
1Dấu hiệu và triệu chứng bệnh lý tuỷ sống không gây khó khăn khi đi lại
2Khó khăn khi đi lại nhẹ không cản trở làm việc toàn thời gian
3Khó khăn khi đi lại cản trở làm việc toàn thời gian hoặc việc hàng ngày nhưng không cần trợ giúp khi đi
4Đi lại với trợ giúp
5Nằm giường- ghế
Nurick Score

4. Tiến triển và can thiệp:

Tiến triển tự nhiên của DCM rất thay đổi và khó xác định.

  • Khởi phát thường ngấm ngầm nhưng cũng có thể cấp tính (như sau khi ngã với tổn thương quá duỗi).
  • Một số bệnh nhân có tiến triển lâm sàng lành tính, cải thiện các triệu chứng thần kinh nhưng khỏi hoàn toàn ít gặp.
  • Nhiều bệnh nhân không cải thiện tự phát và tiến triển năng lên, hoặc theo kiểu từng bậc (triệu chứng nặng lên với các giai đoạn ổn định xen kẽ), hoặc nặng dần (ít gặp hơn).
  • Các triệu chứng vận động thường tiến triển nhiều hơn và ít có khả năng cải thiện hơn so với các bất thường cảm giác.

Can thiệp:

  • Bảo tồn, phục hồi chức năng với các trường hợp nhẹ.
  • Cân nhắc phẫu thuật giải phóng chèn ép trong các trường hợp vừa đến nặng.

Xem thêm hướng dẫn can thiệp:

A Clinical Practice Guideline for the Management of Degenerative Cervical Myelopathy: Introduction, Rationale, and Scope. Global Spine J. 2017 Sep; 7(3 Suppl): 21S–27S. tại https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5684844/

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này