Cập nhật lần cuối vào 17/10/2021
Hôn nhân là một cuốn tiểu thuyết mà nhân vật chính đã chết ngay từ chương đầu.
H.L. Mencken
Không phải ai cũng quyết định lập gia đình theo kiểu hôn nhân truyền thống. Ngày nay, xã hội có nhiều cách thức sống khác nhau mà bạn có thể tự mình chọn lựa.
Mục lục
SỐNG CHUNG (COHABITATION)
Đây là tình trạng một người nam và một người nữ cùng sống chung và có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng không kết hôn. Hiện nay, tỷ lệ sống chung càng ngày càng gia tăng, nhất là ở những nước phát triển.
Theo thống kê mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Mỹ, tỷ lệ người lập gia đình đã giảm nhẹ, từ 58% vào năm 1995 thành 53% vào năm 2019. Trong thời gian này, tỷ lệ người sống chung với một người khác mà không kết hôn đã tăng từ 3% lên 7%. Trong khi tỷ lệ sống chung vẫn nhỏ hơn nhiều so với tỷ lệ kết hôn, tỷ lệ sống chung ở nhóm tuổi 18-44 (59%) đã vượt qua tỷ lệ sống có kết hôn (50%) tính trong giai đoạn 2013-2017.
Tình trạng hai người sống chung mà không kết hôn cũng được chấp nhận hơn: 69% nhận thấy sống chung có thể chấp nhận được dù hai người không có kế hoạch kết hôn, và chỉ có 14% số người được hỏi không chấp nhận tình trạng này.
Thông thường, người ta hình dung những người sống chung là những người trẻ tuổi, vô trách nhiệm và không quan tâm đến những chuẩn mực truyền thống của xã hội. Tuy nhiên, trên nhiều mặt, quan niệm như thế không hoàn toàn đúng nữa. Có những người ở mọi lứa tuổi khác nhau cùng sống chung mà không kết hôn (bao gồm cả người già), không có bằng chứng rằng họ có ít hay là nhiều trách nhiệm hơn những người khác và thật ra họ tương đối nhạy cảm với các chuẩn mực xã hội truyền thống. Nói chung thì các cặp sống chung mà trước đó chưa từng kết hôn thường có trình độ học vấn cao hơn các cặp đã cưới và thường tập trung ở các thành phố lớn.
Tại sao các cặp này lại chọn mô hình sống chung? Một số người cảm thấy đời sống hôn nhân có quá nhiều bấp bênh, nguy hiểm cho nên họ cần phải “thực nghiệm” trước bằng sống chung, qua đó có thể tin chắc rằng “người ấy” chính là người mà họ muốn cùng chia sẻ quãng đời còn lại. Thống kê vào năm 1996 cho thấy có hơn ⅔ số cặp kết hôn ở Mỹ nói rằng họ đã sống chung với nhau trước khi cưới.
Một lý do quan trọng là kinh tế. Khoảng ⅔ những người sống chung cho rằng vấn đề tài chính của họ hoặc người kia là nguyên nhân tại sao họ không kết hôn.
Những người khác sống chung với nhau vì đã từng trải qua nỗi đau của ly dị, sợ phải quay trở lại với những ràng buộc của đời sống vợ chồng, cảm thấy rằng cắt đứt một mối quan hệ không hôn thú thì dễ dàng, ít đau đớn hơn.
Một số người khác lại không muốn bị ràng buộc về mặt luật pháp, sống chung với nhau để tránh trách nhiệm “làm vợ”, “làm chồng”.
Một điều không mấy ngạc nhiên là các cặp đôi sống chung lâu dài cũng giống như các cặp vợ chồng lâu năm – cảm thấy khó chia tay nhau. Thật vậy, sống chung cũng không khác gì nhiều so với hôn nhân, vì bản chất sống chung đòi hỏi phải chọn lựa và phân chia các vai trò, trách nhiệm với nhau, cũng như với con cái (nếu có).
ĐÁM CƯỚI MỞ
Một số người cảm thấy hôn nhân theo truyền thống đòi hỏi phải chung thủy về mặt tình cảm lẫn tình dục với một người bạn đời duy nhất là quá khắt khe. Để vượt qua những hạn chế này, Nena và George O’Neill đề xuất khái niệm đám cưới mở (open marriage) để mô tả những hôn nhân chấp nhận quan hệ tình dục với người ngoài.
Theo O’Neill (1972), đám cưới mở lý tưởng khác với hôn nhân truyền thống ở những điểm sau:
- Chú trọng đến hiện tại, chứ không đặt nặng vào mục đích lâu dài như trong hôn nhân truyền thống.
- Tôn trọng sự riêng tư của cá nhân hơn là trong hôn nhân truyền thống, cho phép cá nhân có một cuộc sống riêng không nhất thiết cảm thấy cần phải chia sẻ với người kia.
- Mềm dẻo hơn về vai trò bổn phận.
- Các cặp này thường có những quan hệ bạn bè rộng rãi. Điều này có thể làm nảy sinh những mối liên hệ tình cảm sâu sắc, và ngay cả tình dục, với người ngoài hôn nhân.
- Có sự bình đẳng hơn về quyền lực và trách nhiệm.
Mặc dù cũng có một số người tán đồng với triết lý đám cưới mở này, tuy nhiên rất ít người thật sự tuân thủ với mọi nguyên tắc của nó. Cản trở lớn nhất là về mặt tình cảm và tình dục. Phần lớn các cặp vợ chồng không thể chấp nhận người kia “cởi mở” với những người ngoài mà không ghen tuông hoặc xung đột.
SỐNG ĐỘC THÂN
“Just as a fever makes cold feel colder, love can make loneliness feel lonelier.”
— Andrea Cremer
Trong một nghiên cứu điều tra về các chiều hướng hôn nhân ở Mỹ (Bennet, Craig, Bloom, 1986), kết quả thu được khiến mọi người đều thấy bất ngờ.
Theo kết quả của nghiên cứu này, những phụ nữ da trắng có trình độ đại học được sinh ra trong những năm 1950 mà vẫn chưa lấy chồng ở tuổi 30 thì chỉ có 25% cơ hội kết hôn; ở tuổi 35, cơ hội này giảm xuống chỉ còn 5%; và vào lứa tuổi 40 thì trúng số còn dễ hơn khi tỷ lệ kết hôn chỉ còn 2,6% mà thôi
Với những phụ nữ đang trì hoãn việc kết hôn với suy nghĩ rằng họ sẽ cưới khi gặp thời gian thích hợp hơn thì các con số thống kê này thật là một cú sốc không mấy dễ chịu. Nhiều phụ nữ cảm thấy bị buộc phải kiếm một tấm chồng khi tuổi đã ngoài ba mươi trong khi những phụ nữ khác đành chịu cảnh sống độc thân suốt quãng đời còn lại. Ngược lại, với những phụ nữ đã chọn kiểu sống độc thân, kết quả này không mấy tác động.
Hiện có rất ít con số thống kê với nam giới. Phần thì người ta ít làm thống kê về họ, phần thì nam giới được xã hội ưu đãi, cho phép mềm dẻo hơn về tình trạng hôn nhân so với nữ giới. Trong khi một ông già cưới một phụ nữ trẻ đẹp là điều “có thể chấp nhận được”, thì người ta thường không đồng tình với những cuộc hôn nhân mà cô dâu lại quá lớn tuổi so với chú rể. Ngay cả từ ngữ dùng để diễn đạt tình trạng chưa kết hôn ở hai giới cũng hàm ý xấu hơn với người phụ nữ. Chẳng hạn, ở nam giới thường được gọi là “trai độc thân” chưa vợ, trong khi phụ nữ thường được gọi là “gái già” chưa chồng.
Mặc dù đời sống độc thân có nhiều khó khăn, một số người vẫn chọn kiểu sống một mình vì họ thấy có được nhiều ích lợi. Nhiều người cảm thấy được tự do hơn, mềm dẻo hơn, không bị ràng buộc về mặt luật pháp và xã hội như khi đã kết hôn. Sống độc thân cũng phần nào được tự do hơn về tình dục, chẳng hạn có thể quan hệ với nhiều người mà không cần phải giữ chung thủy như là vợ chồng.
Tuy vậy, cuộc sống người độc thân cũng có nhiều mất mát so với cuộc sống gia đình có hôn thú. Những người sống độc thân không có một mái ấm gia đình truyền thống để chia sẻ những niềm vui nỗi buồn, không có những gắn kết tình cảm lâu dài sâu đậm. Đôi khi, họ cảm thấy rằng hình như họ đã đánh mất một điều gì đó hết sức quý giá, đầy ý nghĩa của một cuộc sống gia đình bình thường.
LỜI KHUYÊN TÂM LÝ : DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI MUỐN SỐNG CHUNG
Mặc dù không nhiều lắm, nhưng có lẽ số người quyết định sống chung với nhau đang gia tăng (nhất là với những người trẻ tuổi sống xa nhà). Quyết định sống chung thật là một quyết định quan trọng. Vì thế, trước khi bạn chọn lựa điều này, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng mọi mặt, nhất là những vấn đề sau :
Bạn không nên quyết định sống chung với một người khác một cách bất chợt, tùy hứng.
Ít ra là hai người cũng phải có một mối quan hệ yêu đương mạnh mẽ, lâu dài. Quyết định sống chung là một quyết định cùng chia xẻ của cả hai người, vì thế bạn không nên thuyết phục người kia, hoặc để mình bị thuyết phục trong khi bạn chưa thật lòng mong muốn.
Cần đặt ra những lề luật căn bản trước khi bạn dọn nhà ở chung.
Quản lý tiền bạc ra sao? Phân chia việc nhà như thế nào? Mời những bạn bè nào đến chơi?…
Bạn hãy xem xét cẩn thận các niềm tin về tôn giáo, đạo đức của bạn.
Ngay cả khi bạn cảm thấy rằng việc sống chung có thể chấp nhận được về mặt đạo đức, bạn vẫn có thể cảm thấy mình có tội nếu bạn cho rằng bạn đang công khai chống lại những chuẩn mực đạo đức quan trọng được dạy bảo ở thời niên thiếu.
Hãy suy nghĩ về phản ứng của gia đình với hành động của bạn.
Nếu bạn ở gần gia đình, và họ không tán thành quyết định của bạn, có thể nảy sinh nhiều xung đột khi bạn quyết định sống chung.
Trích đoạn từ Vượt qua thử thách- Ứng dụng tâm lý học trong cuộc sống,
Minh Đạt Rehab biên soạn và dịch thuật.