NĂM DANH NHÂN TÂM LÝ VÀ TÂM THẦN HỌC

Hãy nghe bài viết
Getting your Trinity Audio player ready...

Cập nhật lần cuối vào 14/08/2023

Trong bài viết về 5 danh nhân y học lần này, Phục hồi chức năng Online xin giới thiệu năm danh nhân về tâm lý và tâm thần học lâm sàng, mà những công trình của họ đã vén một bức màn cho chúng ta thấy rõ hơn phần sâu thẳm của con người và đặt nền móng cho các phương pháp trị liệu tâm lý – tâm thần hiện đại.

Mục lục

Sigmund Freud (1856 – 1939).

Sigmund Freud, cha đẻ của phân tâm học (psychoanalysis) chắc chắn là một trong những nhà tâm lý y học có ảnh hưởng nhất, nhưng cũng đem lại nhiều tranh luận nhất của thế kỷ 20. Freud đã thay đổi thực hành tâm thần học và tâm lý học bằng cách thay đổi cách mà mọi người nghĩ về bản thân và cuộc sống của họ. 

Ông sinh ra ở nước Áo, ban đầu học y ở Vienna rồi sau đó tu nghiệp thêm về bệnh học thần kinh ở Paris với Jean-Martin Charcot, người cũng có chung mối quan tâm đến chứng hysteria và thôi miên. Trở về Vienna, Freud phát triển lý thuyết của ông về tâm trí vô thức, vai trò của những giấc mơ, lời nói vô thức và vai trò của xung động dục tính trong tâm lý cá nhân – những lý thuyết đã làm rung chuyển nền tảng tâm lý học và gây chấn động xã hội nói chung. Ông cũng thành lập một cơ sở hành nghề tư nhân, thăm khám và điều trị rất nhiều bệnh nhân và những trường hợp này đã giúp ông phát triển lý thuyết về phân tâm học. 

Sự ra đời của phân tâm học đã đưa ra một khuôn khổ suy nghĩ mới để nghiên cứu, hiểu và điều trị nhiều triệu chứng và tình trạng tâm lý. Quả thật, công trình  của Freud đã có tác động lớn và lâu dài đến thực hành y học và văn hóa phương Tây.

Carl Jung (1875 – 1961).

Là người sáng lập ra tâm lý học phân tích (analytical psychology), Carl Jung – nhà tâm lý học người Thuỵ Sĩ, đã có ảnh hưởng rất lớn đối với tâm lý học, tâm thần học, y học và văn hóa nói chung. Danh sách dài những nghiên cứu của ông đã cho chúng ta những khái niệm về nhân cách hướng nội, hướng ngoại và khái niệm về vô thức tập thể, cũng như những đóng góp sâu rộng trong việc nghiên cứu và giải thích tôn giáo, văn học, lịch sử và văn hóa.

Nếu theo truyền thống của gia đình, có lẽ ông đã được mong đợi trở thành một linh mục. Tuy nhiên, ông lại chọn ngành y, bắt đầu sự nghiệp của mình với tâm thần học. Xuất phát từ trường phái tư tưởng của Sigmund Freud chuyển sang các khái niệm và phương pháp trị liệu tâm lý mới, Jung đã giúp chúng ta hiểu biết hơn về tiềm thức. Ông tự xem mình là một nhà khoa học tự nhiên, và quan sát sự phát triển của con người. Một trong những khái niệm trung tâm của tâm lý học phân tích là Cá nhân hoá (Individuation) – một quá trình chuyển dạng trong đó cái vô thức cá nhân và tập thể được tích hợp vào cái ý thức (qua các giấc mơ, tưởng tượng, liên hệ tự do) để được đồng hoá vào nhân cách tổng thể. Nói cách khác, cá nhân hoá là “sự phát triển tâm lý cá nhân như một thực thể khác với tâm lý tập thể, chung”.

 Elisabeth Kübler-Ross (1926 – 2004).

Hấp hối và cái chết, từ rất lâu vẫn không được các thầy thuốc quan tâm, là chủ đề trung tâm của Elisabeth Kübler-Ross, một nhà tâm thần học người Mỹ gốc Thuỵ Sĩ.

Kübler-Ross cho rằng cái chết là một hành trình bình thường của cuộc sống, và đưa ra năm giai đoạn đau buồn mà bà tin rằng một người đang hấp hối trải qua: chối bỏ, giận dữ, thương lượng, buồn bã và chấp nhận. Cuốn sách của bà, Về cái chết và Hấp hối (On Death and Dying), xuất bản vào năm 1969, đã trở thành sách tham khảo tiêu chuẩn cho những nhân viên y tế chăm sóc cho những bệnh nhân giai đoạn cuối.

Kübler-Ross đã thay đổi cách chúng ta nói về tuổi già và cái chết, giúp giảm bớt khó khăn mà bệnh nhân, gia đình và các nhân viên y tế khi thảo luận về bệnh ở giai đoạn cuối, hấp hối và cái chết. Bà cũng có ảnh hưởng trong việc cải thiện dịch vụ chăm sóc cuối đời — cho người đang hấp hối và gia đình của họ, cũng như đội ngũ y tế chăm sóc họ.

XEM THÊM: NĂM GIAI ĐOẠN CỦA ĐAU BUỒN VÀ MẤT MÁT

Aaron Beck (1921 – 2021).

Aaron Temkin Beck (sinh ngày 18 tháng 7 năm 1921) là một bác sĩ tâm thần người Mỹ, là giáo sư danh dự tại khoa tâm thần học tại Đại học Pennsylvania. Ông được xem là cha đẻ của liệu pháp nhận thức và liệu pháp hành vi nhận thức. Các phương pháp tiên phong của ông được sử dụng rộng rãi, trong điều trị trầm cảm lâm sàng và các chứng rối loạn lo âu khác nhau. Beck cũng đưa ra các thang đo lường về trầm cảm và lo âu, đặc biệt là Bảng kiểm Trầm cảm Beck (BDI, Beck Depression Inventory), trở thành một trong những công cụ được sử dụng rộng rãi nhất để đo mức độ trầm cảm. 

Beck được chú ý với những bài viết về tâm lý trị liệu, tâm lý bệnh học, tự tử và đo lường tâm lý. Ông đã xuất bản hơn 600 bài báo chuyên ngành, và là tác giả hoặc đồng tác giả của 25 cuốn sách. Ông được mệnh danh là một trong “Người Mỹ trong lịch sử đã định hình bộ mặt của ngành tâm thần học Mỹ”, và là một trong “năm nhà trị liệu tâm lý có ảnh hưởng nhất mọi thời đại” .

Emil Kraepelin (1856 – 1926).

Được xem là cha đẻ của ngành tâm thần học, bác sĩ tâm thần người Đức, Tiến sĩ Emil Kraepelin đã nghiên cứu mối liên hệ giữa sinh học não và các bệnh tâm thần, và qua quan sát lâm sàng tin rằng “một sự kết hợp cụ thể của các triệu chứng liên quan đến diễn tiến của bệnh tâm thần, cho phép chúng ta xác định một bệnh lý riêng biệt.”

Được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1883, Bản tổng kết về Tâm thần học (Compendium of Psychiatry) cho rằng nghiên cứu tâm thần học cần dựa trên quan sát và thử nghiệm, giống như các chuyên ngành khác của y học. Công trình tiên phong này đã ảnh hưởng đến Sổ tay Thống kê và Chẩn đoán các Rối loạn Tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, DSMMD), hiện nay thường được các thầy thuốc sử dụng.

Qua các nghiên cứu về các tác dụng của các thuốc điều trị tâm thần, bác sĩ Kraepelin được xem là một trong những người sáng lập trị liệu tâm lý bằng thuốc. Ông cũng đóng góp trong lĩnh vực di truyền học bệnh tâm thần.

Một số nhà tâm lý học khác mà bạn đọc có thể biết được qua  phần tâm lý học ứng dụng:
  • B.F. Skinner, người sáng lập chủ nghĩa hành vi trong tâm lý học.
  • Carl Rogers: một trong những người sáng lập của tâm lý học nhân văn.
  • Alfred Kinsey: tâm lý tình dục.
  • Erik Erikson: một trong những người sáng lập tâm lý học phát triển.
  • Jean Piaget: tâm lý học phát triển trẻ em.
  • Albert Ellis: sáng lập các thuyết hành vi nhận thức và trị liệu  dựa trên hành vi.
  • Albert Bandura: học hỏi xã hội.

Dịch và Tổng hợp bởi Minh Đạt Rehab

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này