THAI NHI CÓ THỂ KHÓC NGAY KHI CÒN Ở TRONG BỤNG MẸ HAY KHÔNG?

Mục lục

THAI NHI CÓ KHÓC HAY KHÔNG?

Bắt đầu từ quý thứ hai của thai kỳ, các bậc cha mẹ sắp sinh có thể cảm thấy đứa con trong bụng của họ đạp, lăn lộn và thậm chí nấc cụt. Nhưng liệu thai nhi có thể bắt đầu khóc trước khi ra đời hay không?

Nghiên cứu bây giờ cho thấy những đứa trẻ sơ sinh đã khóc ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ. Mặc dù các bậc phụ huynh không cảm nhận được hành vi tinh tế này, khoảnh khắc những bào thai khóc đã được ghi nhận trên màn hình siêu âm.

Từ năm 2005, một nghiên cứu trên tạp chí Archives of Disease in Childhood – Fetal and Neonatal Edition đã báo cáo một thai nhi 33 tuần tuổi biểu hiện nét mặt như đang khóc.

Và sau khi các nhà khoa học tạo ra các kích thích rung động và tiếng ồn, thai nhi sẽ mở rộng hàm, hóp vào cằm và thở ra ba hơi lớn liên tiếp. Cùng lúc, lồng ngực đứa trẻ nhô lên và đầu ngửa ra sau. Động tác kết thúc bằng một cái rung cằm và những chuyển động này được nhìn thấy ở 10 thai nhi (khoảng 6% tổng số trẻ sơ sinh được siêu âm).

Ảnh siêu âm này cho thấy một đứa trẻ đang thực hiện một loạt các động tác khóc, ngoại trừ tiếng khóc không được nghe thấy.
Ảnh siêu âm này cho thấy một đứa trẻ đang thực hiện một loạt các động tác khóc, ngoại trừ tiếng khóc không được nghe thấy.

NÓ PHỤ THUỘC VÀO CÁCH BẠN ĐỊNH NGHĨA: KHÓC LÀ GÌ?

Nhà tâm lý học phát triển Nadja Reissland đến từ Đại học Durham, Vương quốc Anh cho biết: “Nếu bạn sử dụng định nghĩa khóc là ‘một tiếng hét lớn không ra câu từ hoặc một tiếng hét thể hiện một cảm giác hay cảm xúc mạnh mẽ’, thì bạn có thể nói khá chắc chắn rằng trẻ sơ sinh không khóc trong bụng mẹ”.

Ở trong bụng mẹ, cụ thể là môi trường đầy chất lỏng của túi ối, thai nhi chưa thể hít thở. Khi phổi chưa chứa không khí, nó cũng không thể làm rung dây thanh âm để phát ra tiếng khóc – mặc dù đúng là âm thanh có thể truyền đi trong nước và thậm chí còn truyền trong chất lỏng nhanh hơn trong không khí.

Nhưng một tiếng khóc vang lên trong bụng mẹ về cơ bản là không thể. Không có cơ chế vật lý nào cho phép dây thanh âm của bào thai rung động và phát ra tiếng. Tất cả điều đó phải đợi sau khi đứa trẻ chào đời, đẩy hết nước ối ra khỏi đường hô hấp thì chúng mới có thể khóc thành tiếng.

Tuy nhiên, một đứa trẻ trong bụng mẹ vẫn có thể thực hiện mọi hành vi giống như chúng đang khóc, ngoại trừ phát ra tiếng khóc thật. Các nhà khoa học định nghĩa đây là trạng thái 5F của thai nhi, bên cạnh 4 trạng thái hành vi mà họ đã xác định trước đó bao gồm: yên tĩnh, hoạt động, ngủ và thức.

5F là một tập hợp của các động tác:

  • Kéo dài lưỡi
  • Phối hợp các động tác thở phức tạp
  • Mở hàm
  • Di chuyển miệng
  • Rung cằm
  • Nuốt

Những đứa trẻ từ 20 tuần tuổi trở lên có thể bắt đầu thực hiện hành vi 5F, và trong một định nghĩa, Reissland coi là chúng đang khóc.

Nghiên cứu của Reissland sử dụng kỹ thuật siêu âm 4D ghi lại được nét mặt của một thai nhi khi đang khóc.
Nghiên cứu của Reissland sử dụng kỹ thuật siêu âm 4D ghi lại được nét mặt của một thai nhi khi đang khóc.

Khóc là một cột mốc phát triển quan trọng của trẻ, thể hiện sự nỗ lực phối hợp giữa nhiều hệ thống trong cơ thể. Thai nhi bắt đầu phát triển tất cả các giác quan, từ xúc giác, khứu giác, thính giác cho tới thực hành các chuyển động ngay cả khi còn trong bụng mẹ. Tất cả các kỹ năng cho phép trẻ bắt chước tiếng khóc đã được phát triển sau tuần thai thứ 20“, các nhà khoa học cho biết.

TẠI SAO LẠI CẦN BIẾT THAI NHI KHÓC?

Nhưng tại sao chúng ta lại cần biết một đứa trẻ đang khóc trong bụng mẹ, ngay khi nó không phát ra tiếng động?

Về cơ bản, khóc là một cơ chế sinh tồn. Nó đảm bảo đứa trẻ có thể báo hiệu cho người chăm sóc rằng chúng cần được giúp đỡ, đang gặp nạn hoặc cần được di chuyển ra khỏi hoàn cảnh bị đe dọa.

Tuy nhiên, trẻ khóc trong bụng mẹ là một hành vi rất mới mẻ mà các nhà khoa học mới bắt đầu tìm hiểu và quan sát. Những thai nhi có thể khóc, nhưng không phát ra tiếng. Các cử động này cũng quá tinh tế đến nỗi người mẹ không thể phát hiện được.

Vậy thì liệu đó chỉ là một hình thức tập luyện hay đúng là những đứa trẻ đang muốn khóc thật? Trong nghiên cứu vào năm 2005, các nhà khoa học đã sử dụng những tiếng động mạnh khiến thai nhi trong bụng mẹ giật mình và chúng đã khóc trong 15-20 giây.

Vì vậy, có thể trẻ khóc trong bụng mẹ cũng là một dấu hiệu phản ứng với kích thích khó chịu về mặt thính giác. Ở chiều ngược lại, họ quan sát thấy khi người mẹ nói chuyện nhẹ nhàng và âu yếm với thai nhi trong bụng sẽ khiến chúng bình tĩnh hơn.

Các nhà khoa học đang cố gắng giải thích hành vi khóc của bào thai, để xem nó có liên quan đến trạng thái buồn, đầy hơi hay các phản ứng với tình huống khó chịu khác hay không? Đặc biệt là cảm giác đau khi có điều gì đó không ổn với chúng, bởi trẻ có thể đã bắt đầu biết đau từ tam cá nguyệt thứ ba, hay tuần tuổi thứ 28 của thai kỳ.

thai nhi trong bụng mẹ

Nói tóm lại, tùy vào định nghĩa, bạn có thể nói một đứa trẻ khi còn trong bụng mẹ có khóc được hay không. Các nhà khoa học nói rằng: Có, chúng khóc theo định nghĩa của họ. Và việc phát hiện một thai nhi đang khóc có thể giúp tìm hiểu điều gì không ổn đang xảy ra với chúng.

Thế nhưng, các bậc phụ huynh cũng không cần phải quá lo lắng. Họ sẽ không bao giờ bị đánh thức giữa đêm bởi tiếng khóc của thai nhi, trừ khi chúng đã ra đời. Nhưng ngược lại, bạn có thể bắt đầu nói chuyện và dỗ dành đứa bé của mình ngay từ khi còn trong bụng. Vì vậy, hãy dành thời gian quý báu của mình chạm vào và nói chuyện với bé.

Tham khảo Sciencealert, Verywellfamily

THANH LONG,   THEO PHÁP LUẬT & BẠN ĐỌC

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này