LƯỢNG GIÁ KHẢ NĂNG GIAO TIẾP

Cập nhật lần cuối vào 17/01/2022

Lưu ý: Bài viết chỉ trình bày các bước cơ bản cần thực hiện để lượng giá một bệnh nhân có vấn đề về giao tiếp dành cho những bác sĩ, kỹ thuật viên không chuyên về lĩnh vực này. Nếu có thể được, nên giới thiệu những bệnh nhân có vấn đề về giao tiếp đến các chuyên viên âm ngữ trị liệu, sử dụng các thang đo lượng giá chi tiết riêng để có thể thực hiện chẩn đoán chính xác, can thiệp phù hợp.

XEM THÊM: TIẾP CẬN VÀ THĂM KHÁM BỆNH NHÂN CÓ VẤN ĐỀ VỀ THẦN KINH

Mục lục

đại cương

Các khái niệm cơ bản

Thuật ngữ giao tiếp (communication) bao gồm tất cả các hành vi mà con người sử dụng để nhận, truyền tải thông tin và tương tác với những người khác. Thuật ngữ ngôn ngữ (language) đề cập đến hành vi gần như tự động trong việc lựa chọn từ vựng và cấu trúc câu trước khi truyền đạt một thông điệp. Hiểu những gì được nói cần thính giác đầy đủ và khả năng nhận, phân biệt và hình thành khái niệm các suy nghĩ của người nói khi được truyền tải qua các thông điệp lời nói.

Lời nói (speech) bao gồm một chuỗi các sự kiện cảm giác và vận động tinh tế và nhanh chóng đòi hỏi hoạt động phối hợp của một số bộ phận của cơ thể. Việc sử dụng lời nói để giao tiếp liên quan đến nhiều cấp độ hoạt động của con người, từ sự phối hợp vận động tinh của các thành phần của hệ thống vận động miệng đến các sắc thái tinh vi của ý nghĩa xảy ra ở cấp độ nhận thức / ngữ nghĩa. Các cử chỉ, vẻ mặt, và các hành vi ngôn ngữ không lời, chẳng hạn như thay đổi phiên, cũng là những yếu tố thiết yếu của giao tiếp.

Giao tiếp hiệu quả giữa hai người đòi hỏi các thông điệp phải được diễn đạt một cách dễ hiểu và những thông điệp đó được tiếp nhận đúng như dự định. Trong giao tiếp thông thường, điều này liên quan đến: chức năng vận động của lời nói; quá trình cảm nhận của thính giác; và các quá trình nhận thức về hiểu từ, giải thích từ (liên kết ý nghĩa với thông điệp), và tạo từ. Rối loạn trong bất kỳ hoặc tất cả các quá trình này có thể có ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của một cá nhân.

Các khiếm khuyết giao tiếp thường do rối loạn chức năng hoặc bệnh lý của hệ thần kinh, chẳng hạn như đột quỵ, chấn thương sọ não, bệnh Parkinson hoặc bại não. Rối loạn chức năng nhận thức cũng có thể gặp ở những tình trạng này, làm cho việc đánh giá bệnh nhân càng khó khăn hơn. Các tình trạng khác, chẳng hạn như khối u ở miệng hoặc họng, sứt môi hoặc hở hàm ếch, hoặc chấn thương, cũng có thể dẫn đến khó khăn trong giao tiếp. 

Các loại rối loạn giao tiếp thường gặp

Một bác sĩ hoặc kỹ thuật viên không phải âm ngữ trị liệu thường không chẩn đoán và điều trị các rối loạn giao tiếp. Tuy nhiên, việc nhận biết những đặc điểm của các rối loạn giao tiếp thường gặp giúp bác sĩ/kỹ thuật viên có thể giới thiệu bệnh nhân đến chuyên gia âm ngữ, thính học (nếu có) và/hoặc có phương pháp để giao tiếp với bệnh nhân hiệu quả hơn.

Có nhiều dạng rối loạn giao tiếp khác nhau trên lâm sàng. Có ba dạng thường gặp nhất là rối loạn vận ngôn, rối loạn giọng nói, và thất ngôn, được mô tả ngắn gọn như sau:

Rối loạn vận ngôn (dysarthria) 

Biểu hiện những khó khăn về lời nói do khả năng kiểm soát vận động (cơ) của một hoặc nhiều cấu trúc kiểm soát lời nói (lưỡi, vòm miệng, môi và hầu) bị suy giảm. Các nguyên nhân phổ biến của rối loạn vận ngôn bao gồm yếu liệt do tổn thương của hệ thần kinh trung ương hoặc ngoại biên (như tổn thương dây thần kinh sọ não), bệnh Parkinson, bệnh xơ cứng cột bên teo cơ (ALS) và các bệnh lý của tiểu não. Các từ thường bị nói lắp, giọng mũi hoặc không rõ ràng. Mức độ nghiêm trọng có thể bao gồm từ rối loạn giọng nói không thường xuyên đến lời nói hoàn toàn không thể hiểu được. Vì rối loạn vận ngôn là do khiếm khuyết về vận động, bệnh nhân vẫn có khả năng hiểu từ bình thường và họ có phản ứng nhận thức phù hợp khi được hỏi. Khó khăn của bệnh nhân nằm ở việc hình thành từ để nói ra những gì đang nghĩ.

Rối loạn giọng nói (dysphonia) 

Là khó khăn trong việc tạo ra giọng nói (âm lượng, chất lượng hoặc cao độ). Tình trạng này có thể do viêm tại chỗ, chẳng hạn như trong viêm thanh quản. Các nguyên nhân khác có thể dẫn đến suy giảm chức năng kép dài hơn hoặc thậm chí vĩnh viễn bao gồm khối u thanh quản hoặc rối loạn chức năng của dây thần kinh phế vị (dây thần kinh X) phân bố cho thanh quản. Rối loạn giọng nói do co thắt (Spasmodic dysphonia) là một rối loạn gây ra co thắt không tự chủ của các cơ thanh quản. Những cơn co thắt này chỉ xảy ra khi người đó cố gắng nói và khiến giọng bị vỡ ra hoặc nghe căng, gắng hoặc nhỏ thì thầm.

Thất ngôn/Mất ngôn ngữ (aphasia) 

Là một rối loạn thần kinh nhận thức dẫn đến khó hoặc không có khả năng tạo hoặc hiểu ngôn ngữ. Thất ngôn thường là kết quả của tổn thương ở bán cầu não trội, thường là bên trái. Do đó những bệnh nhân bị đột quỵ liệt nửa người bên phải (tổn thương bán cầu não trái) dễ bị thất ngôn hơn bệnh nhân liệt nửa người trái. Các nguyên nhân thường gặp khác bao gồm chấn thương sọ não hoặc khối u não, mặc dù thất ngôn cũng có thể do nhiễm trùng hoặc mất trí nhớ.

Có một số loại thất ngôn khác nhau đã được xác định, với hai loại thường gặp nhất là thất ngôn tiếp nhận (Wernicke) và thất ngôn diễn đạt (Broca), bảng 1. Thất ngôn toàn thể (Global aphasia) đề cập đến tình trạng rối loạn chức năng cả tiếp nhận lẫn và diễn đạt; thường là kết quả của một tổn thương rộng ở não trái (bao gồm vùng Broca và vùng Wernicke) và thường khiến bệnh nhân hoàn toàn không thể giao tiếp được.

Hình 1: Vùng Wernicke và vùng Broca ở bán cầu não trái.

BẢNG 1 So sánh Thất ngôn tiếp nhận và Thất ngôn diễn đạt

Thất ngôn Wernicke (tiếp nhận) Thất ngôn Broca (diễn đạt)
Vị trí tổn thươngThuỳ thái dương sau trênThuỳ trán sau dưới
Các đặc điểm của lời nói tự phátCó thể nói những câu dài không có nghĩa; có thể sáng tạo ra các từ mới hoặc thêm các từ không cần thiết khi nói. Giọng nói thường nhanh và dễ dàng nhưng thường không hợp ngữ cảnh. Bệnh nhân hường không nhận thức được những lỗi trong lời nói của mình (họ không hiểu những gì họ nghe thấy từ miệng của họ, nhưng trong tâm trí của họ, lời nói có thể có ý nghĩa).Nhiều người nói những cụm từ ngắn, có nghĩa nhưng phải rất cố gắng. Thường bỏ qua các từ nhỏ (“là,” “một”, “và”). Bệnh nhân thường có thể hiểu được lời nói của người khác nhưng nhận thức được những khó khăn và sai lầm trong diễn đạt của bản thân và do đó dễ thất vọng vì năng giao tiếp kém. 
Độ lưu loát (fluency)Thường tốtKhông lưu loát, chậm, nhiều cố gắng, ảnh hưởng đến biến điệu (giọng đơn điệu)
Hiểu từKémThường tốt, có thể khiếm khuyết nhẹ
Lập lạiKémKém
Gọi tên đồ vậtKémKhiếm khuyết; nhận ra nhưng không thể nói bằng lời tên đồ vật
Đọc hiểuKémThường tốt
ViếtKémKém

LƯỢNG GIÁ GIAO TIẾP KHÔNG CHÍNH THỨC

Đánh giá giao tiếp chính thức (forrmal) và chi tiết thường không được thực hiện trong buổi khám bình thường của bác sĩ và/hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu. Tuy nhiên, khi trò chuyện với bệnh nhân hoặc khi quan sát một bệnh nhân đang trò chuyện với một người khác, chúng ta có thể thực hiện đánh giá không chính thức. Sau đây là các khía cạnh của giọng nói và ngôn ngữ mà có thể đánh giá trong khi thăm khám ban đầu. 

  • Nghe: Bệnh nhân có bị giảm thính lực hay không? Nếu có, bệnh nhân có sử dụng ngôn ngữ dấu hiệu hay không? Bệnh nhân có đọc môi? Bệnh nhân có đeo máy trợ thính? Bạn có cần nói to khi giao tiếp hay không?
  • Số lượng lời: Bệnh nhân nói nhiều hay tương đối im lặng? Bệnh nhân chỉ trả lời những câu hỏi trực tiếp hay có thể tự đưa ra những bình luận?
  • Tốc độ và âm lượng giọng nói: Bệnh nhân nói nhanh hay chậm? Nhỏ hay to?
  • Phát âm từ (Word articulation): Các từ của bệnh nhân có được phát âm rõ ràng và tách bạch hay không? Các từ có bị líu nhíu hay các âm tiết bị trộn lẫn?
  • Sự lưu loát (Fluency): Liên quan đến tốc độ, sự trôi chảy và giai điệu của lời nói. 
  • Cũng nên xem xét nội dung và cách sử dụng các từ ngữ. Chú ý đến:
    • Các khoảng trống hoặc sự ngập ngừng trong cách diễn đạt ngôn từ
    • Thiếu biến giọng bất thường (giọng nói đều đều?)
    • Sử dụng quá nhiều các từ “bổ sung” để lấp đầy (à, ừ, …)
    • Sử dụng nói vòng vo, là những cụm từ thay thế cho những từ mà người bệnh không thể nghĩ ra (ví dụ, nói “vật dùng để viết” thay vì “bút”, “vật để mở cửa” thay vì “chìa khoá”)

Khi bệnh nhân có biểu hiện rối loạn vận ngôn hoặc rối loạn giọng nói, cần đánh giá vận động miệng, họng, lưỡi và các cản trở cơ học nếu có. Ghi lại mức độ nghiêm trọng của tình trạng này và các đặc điểm cụ thể trong giao tiếp của bệnh nhân vào hồ sơ. Nếu bệnh nhân không bị kèm theo các khiếm khuyết về nhận thức, bệnh nhân sẽ có thể hiểu các câu hỏi thông thường khi hỏi bệnh hoặc làm theo các mệnh lệnh phức tạp; tuy nhiên, có thể cần điều chỉnh cách giao tiếp của mình (chẳng hạn như sử dụng nhiều câu hỏi đóng hơn) để bệnh nhân không phải vất vả trả lời các câu hỏi của bạn.

Những bệnh nhân bị rối loạn vận ngôn, giọng nói cần được lượng giá bổ sung về rối loạn nuốt và các thăm dò họng- thanh quản. 

Nếu bệnh nhân có biểu hiện  thất ngôn, có thể thực hiện các đánh giá đơn giản để hiểu rõ hơn khả năng giao tiếp của bệnh nhân:

  • Khả năng hiểu câu hỏi: Hỏi bệnh nhân tên và địa chỉ. Nếu bệnh nhân trả lời đúng, hãy chuyển sang các câu hỏi phức tạp hơn (“Hãy tả ngôi nhà của anh chị”).
  • Hiểu từ: Yêu cầu bệnh nhân làm theo lệnh một bước (“Mở miệng” hoặc “Chạm tay vào cằm”). Nếu tốt, hãy thử mệnh lệnh hai bước (“Chạm ngón tay vào tai rồi chạm vào đầu gối”).
    • Những người bị thất ngôn diễn đạt có thể thực hiện được điều này; những người bị thất ngôn tiếp nhận thì không.
  • Lặp lại: Yêu cầu bệnh nhân lặp lại một cụm từ gồm các từ một âm tiết (“Tôi ăn cơm” …).
    • Những người bị thất ngôn tiếp nhận sẽ không thể làm được điều này.
    • Những người bị thất ngôn diễn đạt có thể lặp lại một hoặc hai từ một cách chính xác hoặc có thể không thể làm được điều này.
  • Gọi tên (định danh): Yêu cầu bệnh nhân xác định các đồ vật thông thường khác nhau (ví dụ: đồng hồ, bút, sách hoặc giày) và tiến dần đến các đồ vật khó hơn (ví dụ: nến, kẹp giấy hoặc vòng tay).
    • Những người bị thất ngôn tiếp nhận sẽ không thể làm được điều này.
    • Những người bị thất ngôn diễn đạt có thể không nói thành từ, nhưng có thể gật đầu đồng ý một cách chính xác nếu được hỏi, “Đây có phải là một cây bút hay không?”
  • Viết: Yêu cầu bệnh nhân viết một câu ngắn. 
    • Những người bị một trong hai loại thất ngôn sẽ không thể làm được điều này.

các đánh giá ngôn ngữ hình thức

Các test đánh giá ngôn ngữ thường được thực hiện bởi các chuyên gia âm ngữ trị liệu có kinh nghiệm:

  • Một số test thất ngôn dựa trên khả năng thực hiện các nhiệm vụ ngôn ngữ học: như Boston Diagnostic Aphasia Examination (BDAE), Western Aphasia Battery, Aphasia Communication Outcome Measure.
  • Một số test thất ngôn đánh giá giao tiếp chức năng: như The Functional Communication Profile (FCP), Communicative Activities of Daily Living (CADL), Communicative Effectiveness Index, ASHA’s Functional Assessment of Communication Skills (ASHA FACS),Communication Outcome After Stroke (COAST).
  • Một số công cụ dùng để xác định tác động của khiếm khuyết giao tiếp lên chất lượng cuộc sống: như Functional Life Scale [FLS], Aphasic Depression Rating Scale [ADRS], Frenchay Activities Index, Barthel Index, Stroke and Aphasia Quality of Life Scale–39 [SAQOL-39]).

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này