HỘI CHỨNG MỆT MỎI MẠN TÍNH (CFS)

Cập nhật lần cuối vào 21/02/2022

PHI LỘ:

Đại dịch Covid không những đáng sợ với những trường hợp bệnh nặng và con số tử vong, mà cả “hội chứng hậu covid”, đặc biệt là mệt mỏi mạn tính. Ước tính 1/10 trường hợp nhiễm covid có những triệu chứng của mệt mỏi mạn tính. Bài viết trình bày về hội chứng mệt mỏi mạn tính, một tình trạng bệnh lý đa hệ thống thường gặp, nặng nề, phức tạp và hiện vẫn chưa được hiểu một cách rõ ràng.

Tên tiếng Anh: Chronic Fatigue Syndrome (CFS)

Từ đồng nghĩa

  • Viêm não tủy đau cơ (Myalgic encephalomyelitis, ME)
  • Bệnh mất dung nạp tập thể dục toàn thể (Systemic exercise intolerance disease, SEID)
  • Hội chứng mệt mỏi mạn tính và rối loạn chức năng miễn dịch (Chronic fatigue and immune dysfunction syndrome)
  • Hội chứng suy nhược thần kinh (Neurasthenia)
  • Hội chứng mệt mỏi sau nhiễm virus (Post-viral fatigue syndrome)
  • Bệnh Iceland 

Mã ICD-10: R53.82 hội chứng mệt mỏi mạn tính

Mục lục

Đại cương

Định nghĩa

  • Hội chứng mệt mỏi mạn tính (Chronic fatigue syndrome, CFS) là một bệnh lý đa hệ thống phức tạp, mạn tính, trầm trọng, và thường gây hạn chế các hoạt động và sự tham gia của những người bệnh. Đặc trưng của hội chứng mệt mỏi mạn tính là một tình trạng mệt mỏi nghiêm trọng, không giải thích rõ về y học kéo dài hơn 6 tháng và các khiếm khuyết chủ quan nhất là về khả năng tập trung, trí nhớ ngắn hạn và giấc ngủ cũng như đau cơ xương.
  • Tình trạng này cũng còn được gọi là viêm não tuỷ đau cơ (myalgic encephalomyelitis, ME), đôi khi được viết tắt là ME/CFS. Thuật ngữ được đưa ra gần đây là bệnh mất dung nạp với tập luyện hệ thống (SEID).

Dịch tễ học

  • Tỷ lệ hiện mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính thay đổi tuỳ theo định nghĩa và vùng địa lý (khoảng 3,28% đối với đánh giá tự báo cáo và 0,76% đối với đánh giá lâm sàng). 
  • Bệnh thường gặp hơn ở nữ giới, các nhóm thiểu số và những người có trình độ học vấn thấp.
  • Lứa tuổi thường gặp từ tuổi thanh niên đến tuổi trung niên, nhưng cũng có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào.

Nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng

Nguyên nhân của hội chứng mệt mỏi mạn tính vẫn chưa được biết rõ. Hội chứng mệt mỏi mạn tính có thể khởi phát dần dần hoặc đột ngột. Trong trường hợp đột ngột, nó thường được kích hoạt bởi một bệnh nhiễm virus như cúm hoặc bệnh tương tự. 

  • Các yếu tố làm dễ (predisposing factors): nhân cách (như hướng nội), các yếu tố lối sống, ít hoạt động khi còn nhỏ, ảnh hưởng di truyền
  • Các yếu tố thúc đẩy, khởi phát (triggering or precipitating factors): Một số bệnh truyền nhiễm nhất định (ví dụ: nhiễm vi-rút Epstein-Barr, cúm), các bệnh lý cơ thể (ví dụ: chấn thương nặng) và sang chấn (ví dụ: các biến cố nghiêm trọng trong cuộc sống). 
  • Các yếu tố làm kéo dài (perpetuating factors): Nhận thức, quy kết nguyên nhân của bệnh tật và niềm tin của bệnh nhân có thể khuyến khích việc tránh đối phó và làm kéo dài tình trạng bệnh.

Sinh lý bệnh

Một số bất thường sinh lý đã được nhận thấy ở những bệnh nhân bị hội chứng mệt mỏi mạn tính. 

  • Ở cấp độ tế bào, rối loạn chức năng ty thể và suy giảm điều hoà miễn dịch với tăng tổng hợp cytokine, cũng như viêm, ức chế miễn dịch và sản xuất quá mức men tổng hợp nitric oxide (NO) bởi các tế bào lympho ngoại vi, được tìm thấy có liên quan đến căn bệnh này. 
  • Ở cấp độ mô, một số bằng chứng cho thấy có sự hấp thụ oxy thấp hơn của các tế bào cơ, tăng nhiễm toan trong cơ với các co cơ tự ý tối đa và sự phục hồi pH chậm cũng như sự giảm hoạt tính của trục dưới đồi-tuyến yên-thượng thận với phản ứng cortisol thấp hơn bình thường.

Không có bằng chứng thuyết phục nào chứng tỏ hội chứng mệt mỏi mạn tính là một bệnh nhiễm vi rút kéo dài. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng trong một nhóm lớn bệnh nhân mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính, có hiện tượng nhạy cảm hoá trung tâm (central sensitization) với tăng cảm giác đau lan toả, chậm kiểm soát ức chế đau và giảm ức chế nội sinh trong khi tập luyện phối hợp với một số ảnh hưởng tâm lý lên chứng bệnh. 

Lượng giá và chẩn đoán

Triệu chứng

Bệnh nhân hội chứng mệt mỏi mạn tính thường biểu hiện với nhiều triệu chứng có thể trùng lặp với các triệu chứng của hội chứng chức năng dạng cơ thể, bao gồm hội chứng ruột kích thích, đau xơ cơ, nhạy cảm với nhiều hóa chất, đau vùng chậu mạn tính, rối loạn chức năng khớp thái dương hàm.

Bệnh nhân biểu hiện với tình trạng mệt mỏi nặng nề, cả về tinh thần và thể chất, nặng hơn khi gắng sức và không thuyên giảm hoàn toàn khi nghỉ ngơi. Mệt mỏi có bản chất chủ quan, đa hướng (thể chất, tinh thần …), thay đổi và không nhất thiết là triệu chứng nặng nề nhất trong bệnh lý này.

Ngoài mệt mỏi, bệnh nhân thường than phiền có những triệu chứng đa hệ thống không đặc hiệu và thay đổi cả về bản chất và mức độ trầm trọng theo thời gian. Những biểu hiện này có thể nặng nề ngang với mệt mỏi và được tóm tắt thành nhiều nhóm khác nhau: 

  • Tình trạng uể oải sau gắng sức. Bệnh nhân báo cáo một đợt nặng lên và kéo dài của các triệu chứng sau gắng sức về thể chất và tinh thần. Họ cảm thấy rã rời về thể chất và /hoặc tinh thần sau khi hoạt động nhẹ hoặc gắng sức dù nhỏ. Khởi phát có thể muộn so với yếu tố kích hoạt. Các hoạt động càng đòi hỏi nhiều thì các triệu chứng càng trầm trọng và kéo dài.
  • Suy giảm nhận thức. Bệnh nhân hội chứng mệt mỏi mạn tính có thể bị hay quên, đãng trí, lú lẫn, khó suy nghĩ, mất định hướng, không có khả năng tập trung và xử lý thông tin, các vấn đề với việc ra quyết định và “mệt mỏi về tinh thần” hoặc “sương mù não” (brain fog). Những vấn đề này có thể trở nặng hơn khi gắng sức, nỗ lực, căng thẳng về cảm xúc hoặc áp lực về thời gian.
  • Không dung nạp tư thế đứng. Bệnh nhân phàn nàn về tình trạng choáng váng, chóng mặt hoặc mất định hướng về không gian. Các triệu chứng này nặng hơn khi ở tư thế đứng thẳng và cải thiện khi nằm.
  • Các tình trạng đau, bao gồm đau đầu, đau cơ, và đau nhiều khớp. Bệnh nhân cũng có thể báo đau ở xương, mắt và tinh hoàn; đau bụng và ngực; ớn lạnh; và da nhạy cảm với đau.
  • Ngủ và nghỉ ngơi không đem lại sảng khoái, lại sức là dấu hiệu của hội chứng mệt mỏi mạn tính, và chứng mất ngủ cũng rất thường gặp. Bệnh nhân cho biết họ cảm thấy không khoẻ mặc dù đã ngủ nhiều giờ và bị rối loạn giấc ngủ như khó đi vào giấc ngủ, giấc ngủ bị gián đoạn nhiều hơn và ngủ trưa nhiều hơn. Nhiều bệnh nhân cực kỳ khó khăn duy trì một thời gian biểu giấc ngủ. Tập thể dục, không giống như ở những người khỏe mạnh, làm trầm trọng thêm các triệu chứng mất ngủ và ngủ không ngon giấc.
  • Tiền sử nhiễm trùng khởi phát trước đó — điển hình là nhiễm trùng như virus, đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa – mà bệnh nhân không hồi phục hoàn toàn. Bệnh nhân có thể báo cáo thêm rằng họ ít nhiều dễ bị nhiễm trùng.
  • Bệnh nhân hội chứng mệt mỏi mạn tính có thể biểu hiện những bất thường về tâm lý như cảm xúc không ổn định, lo lắng, tâm trạng trầm cảm, dễ bị kích thích, và đôi khi “phẳng” về cảm xúc do kiệt sức. Những bệnh nhân có các triệu chứng tâm thần từ trước có thể báo cáo rằng những triệu chứng này nặng hơn khi bắt đầu có hội chứng mệt mỏi mạn tính. Điều trị các triệu chứng tâm thần đơn thuần không làm giảm các triệu chứng thể chất của hội chứng mệt mỏi mạn tính, cho thấy rằng căn bệnh này không chỉ có bản chất tâm lý.
  • Các triệu chứng khác thường được báo cáo bao gồm tình trạng quá mẫn cảm nói chung và kiểm soát nhiệt độ kém; bao gồm sốt nhẹ, sợ ánh sáng, chóng mặt, buồn nôn, dị ứng, bốc hỏa và phát ban.

Khám lâm sàng

Khám lâm sàng nhằm mục đích xác định xem các triệu chứng có phải do các bệnh lý nào khác gây ra hay không. 

  • Khám sức khỏe tổng quát và khám thần kinh nói chung là bình thường. 
    • Bệnh nhân có thể bị sốt nhẹ với nhiệt độ từ 37,5 °C đến 38,5 °C, viêm họng không tiết dịch và hạch sưng đau ở cổ hoặc ở nách có đường kính tới 2 cm. 
    • Có thể có hạ huyết áp nhẹ, phát hiện khi thử nghiệm trên bàn nghiêng. Một số bệnh nhân bị hạ huyết áp tư thế đứng với huyết áp dao động rộng dẫn đến ngất cũng như tăng huyết áp từng đợt.
    • Những than phiền về dị cảm thường khó giải thích với cảm giác: bệnh nhân cảm thấy tê ở các xương hoặc cơ hoặc những mảng tê tê hoặc dị cảm thay đổi trên vùng ngực, mặt hoặc mũi. Một số bệnh nhân tường thuật nhìn mờ hoặc giống như nhìn đôi. Trong cả hai trường hợp, khám đều không có phát hiện bất thường nào xác thực cho các trải nghiệm thay đổi về giác quan.
    • Bệnh nhân có thể không vững ở tư thế đứng khi nhắm mắt.
  • Khám cơ xương khớp thường là bình thường ngoại trừ yếu và đau mỏi cơ. Ở những bệnh nhân hội chứng mệt mỏi mạn tính có đau khớp và đau cơ, phải loại trừ sưng và viêm khớp và các tình trạng gây đau khác, như viêm bao hoạt dịch, viêm gân và bệnh lý rễ. 
  • Cần khám kỹ tâm thần để loại trừ bất kỳ rối loạn tâm thần loại trừ nào. Khám tâm thần có thể phát hiện những bất thường về tâm trạng, chức năng trí tuệ, trí nhớ, khả năng tập trung và tính cách. Cần đặc biệt chú ý đến lo lắng, các suy nghĩ hủy hoại bản thân và các dấu hiệu có thể quan sát được như chậm phát triển tâm thần vận động.

Hạn chế chức năng

Mức độ mất chức năng rất khác nhau giữa các bệnh nhân hội chứng mệt mỏi mạn tính. Trong khi một số bệnh nhân có thể có một cuộc sống tương đối bình thường, những bệnh nhân khác hoàn toàn nằm trên giường và không thể tự chăm sóc bản thân. Trong lượng giá phục hồi chức năng, các chức năng cơ thể đại diện cho các triệu chứng chủ quan cốt lõi của bệnh nhân có thể cho thấy sự suy giảm rõ rệt nhất; đó là năng lượng và động lực, đau, giấc ngủ, sự chú ý, cảm xúc, trí nhớ và khả năng dung nạp với tập luyện. Chức năng của cơ và sức bền tim phổi có thể bị suy giảm ở những bệnh nhân này. Hành vi né tránh (do bệnh nhân từng trải qua các triệu chứng nặng hơn sau tập luyện) và chứng sợ vận động (kinesiophobia, nỗi sợ hãi thái quá, phi lý với vận động và hoạt động thể chất do cảm giác dễ bị đau do chấn thương hoặc tái chấn thương) có thể làm bệnh nhân ít vận động.

Bệnh nhân bị hội chứng mệt mỏi mạn tính có thể khởi đầu nhưng không hoàn thành các hoạt động thể chất hoặc tinh thần mà trước đó họ dễ dàng thực hiện. Các khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi về thể chất, như đi bộ hoặc các công việc gia đình, có thể làm hạn chế các sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Các khó khăn khi thực hiện những nhiệm vụ đòi hỏi nhận thức như tập trung chú ý, giải quyết vấn đề, xử lý căng thẳng, đưa ra quyết định, thực hiện nhiều nhiệm vụ hoặc lái xe, có thể hạn chế bệnh nhân thực hiện các công việc hàng ngày của họ, đặc biệt là học tập, làm việc. Nhiều bệnh nhân phải thay đổi hoặc từ bỏ các sở thích thể chất và tập thể dục và thấy mình không thể làm việc toàn thời gian hoặc hoàn toàn không thể làm việc được. Các thay đổi trong quan hệ (vợ chồng, gia đình, bạn bè, xã hội …) cản trở bệnh nhân tham gia vào đời sống xã hội và công việc.

Cận lâm sàng

Không có xét nghiệm chẩn đoán được chấp nhận cho hội chứng mệt mỏi mạn tính. Các xét nghiệm nhằm phát hiện các rối loạn khác chứ không phải để tìm xem bệnh nhân có hội chứng mệt mỏi mạn tính hay không.

Các xét nghiệm cận lâm sàng được khuyến nghị để loại trừ các bệnh gây mệt mỏi mạn tính:

  • Sinh hoá máu và huyết thanh (điện giải huyết thanh, nitơ urê máu, glucose, creatinin, canxi)
  • Tốc độ lắng máu
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Chức năng tuyến giáp, nồng độ cortisol huyết thanh
  • Kháng thể kháng nhân, yếu tố dạng thấp, nồng độ immunoglobulin, 
  • Test lao, HIV, 
  • Chụp MRI sọ não (để loại trừ bệnh xơ cứng rải rác)
  • Đồ thị giấc ngủ (polysomnography) (để loại trừ chứng rối loạn giấc ngủ)
  • Các xét nghiệm tùy chọn được sử dụng khi có chỉ định lâm sàng
    • Định lượng tế bào diệt tự nhiên
    • Định lượng nhóm con tế bào T 
    • Phản ứng của tế bào T với kích thích phân bào
    • Đo lường quá mẫn chậm
    • Sản xuất và đáp ứng với cytokine
    • Xét nghiệm hấp thụ miễn dịch liên kết với enzym / xét nghiệm tế bào hoạt hóa 
    • Xét nghiệm huyết thanh đối với Candida albicans
    • Xét nghiệm hoạt tính enzym RNase L hoặc Định lượng protein RNase L
    • Dịch não tuỷ tìm các ít dòng (oligoclonal band)
    • Nghiệm pháp bàn nghiêng (tilt table)
    • Xét nghiệm catecholamine
    • Các nghiên cứu về dẫn truyền thần kinh bao gồm đo điện cơ
    • Các kháng thể thụ thể kháng acetylcholine
    • Thiếu vitamin B12
    • Các phức hợp miễn dịch lưu hành bao gồm CD3 và CD4
    • Huyết thanh vi rút

Sửa đổi từ Craig T, Kakumanu S. Chronic fatigue syndrome: evaluation and treatment. Am Fam Physician. 2002;65:1083–1090; and Wikipedia 2007/results from an NIH consensus conference.

Chẩn đoán

Chẩn đoán hội chứng mệt mỏi mạn tính chủ yếu dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân phù hợp với các định nghĩa trường hợp về hội chứng mệt mỏi mạn tính, nhằm mục đích phân biệt hội chứng mệt mỏi mạn tính với các loại mệt mỏi không rõ nguyên nhân khác, đồng thời loại trừ các bệnh lý có triệu chứng tương tự (xem chẩn đoán phân biệt). 

Tiêu chuẩn định nghĩa trường hợp của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ 

Là tiêu chuẩn được ủng hộ rộng rãi nhất.  Tiêu chuẩn này bao gồm:

  • Đặc trưng bởi tình trạng mệt mỏi mạn tính kéo dài hoặc tái phát không giải thích được
    • Mệt mỏi kéo dài ít nhất 6 tháng
    • Mệt mỏi mới khởi phát hoặc xác định
    • Mệt mỏi không do các bệnh thực thể hoặc gắng sức liên tục
    • Mệt mỏi không thuyên giảm khi nghỉ ngơi
    • Mệt mỏi dẫn đến giảm đáng kể các hoạt động cá nhân, xã hội, học tập và nghề nghiệp 
    • Có 4 hoặc hơn các triệu chứng sau, xuất hiện đồng thời >= 6 tháng: 
      • giảm trí nhớ hoặc tập trung
      • đau họng
      • hạch cổ hoặc hạch nách đau khi ấn
      • đau cơ
      • đau nhiều khớp
      • đau đầu mới xuất hiện
      • giấc ngủ không sảng khoái
      • uể oải sau gắng sức
  • Tiêu chuẩn loại trừ
    • Các bệnh lý nội khoa giải thích tình trạng mệt mỏi
    • Rối loạn trầm cảm nặng (rối loạn tâm thần) hoặc rối loạn lưỡng cực
    • Tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ hoặc rối loạn ảo tưởng
    • Chán ăn tâm thần, 
    • Lạm dụng rượu hoặc chất kích thích
    • Béo phì nghiêm trọng

Modified from Fukuda K, Straus SE, Hickie I, et al.; International Chronic Fatigue Syndrome Study Group. The chronic fatigue syndrome: a comprehensive approach to its definition and study. Ann Intern Med. 1994;121:953–959; and Prins JB, van der Meer JW, Bleijenberg G. Chronic fatigue syndrome. Lancet. 2006;367:346–355.

Tiêu chuẩn và thuật toán chẩn đoán do NAM (National Academy of Medicine, Viện Quốc gia Y học Mỹ) đề xuất (2015)

Tiêu chuẩn này có lẽ cho phép xác định bệnh nhân hội chứng mệt mỏi mạn tính kịp thời hơn (hình 1). Các tiêu chuẩn mới này tập trung nhiều hơn vào các triệu chứng chính của bệnh và chẩn đoán yêu cầu bệnh nhân có tất cả ba triệu chứng sau đây:

  • Giảm hoặc khiếm khuyết đáng kể khả năng tham gia vào các hoạt động của cá nhân, nghề nghiệp, học tập, xã hội so với mức độ trước khi bị bệnh, kéo dài hơn sáu tháng và kèm theo mệt mỏi, thường rõ rệt, không phải mới khởi phát hoặc xác định (cũng không kéo dài suốt đời), không phải là hậu quả của gắng sức quá mức liên tục và về không thuyên giảm đáng kể khi nghỉ ngơi,
  • Tình trạng uể oải khó chịu (malaise) sau gắng sức (cần lượng giá tần suất và mức độ trầm trọng của các triệu chứng – chẩn đoán của hội chứng mệt mỏi mạn tính sẽ khó đưa ra nếu bệnh nhân không có những triệu chứng này ít nhất một nửa thời gian với cường độ trung bình, đáng kể hoặc nặng),
  • Ngủ không sảng khoái, không “lại sức”.
  • Ngoài ra, để thiết lập chẩn đoán hội chứng mệt mỏi mạn tính, cần thêm một trong hai tiêu chuẩn khác : “Suy giảm nhận thức” (Cognitive impairment) hoặc “Không dung nạp tư thế đứng” (Orthostatic intolerance) .

 

Hình 1: Thuật toán chẩn đoán CFS, theo NAM, 2015.)

Các lượng giá bổ sung

  • Lượng giá mệt mỏi: Các bác sĩ điều trị có thể gặp khó khăn trong chẩn đoán hội chứng mệt mỏi mạn tính, đặc biệt là do không thừa nhận chẩn đoán mệt mỏi khi mệt mỏi khởi phát diễn ra từ từ hoặc bởi sự đa dạng của các báo cáo về mệt mỏi của bệnh nhân. Một số công cụ được phát triển để đánh giá mức độ mệt mỏi, như Checklist Individual Strength (Bảng kiểm Sức mạnh Cá nhân), the Chalder Fatigue Scale (Thang đo Mệt mỏi Chalder), và the Krupp Fatigue Severity Scale (Thang đo Mức độ Mệt mỏi Krupp), được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu và có thể giúp các bác sĩ đánh giá mệt mỏi một cách khách quan và thiết lập chẩn đoán.
  • Một số công cụ lượng giá khác: sàng lọc chẩn đoán tâm thần (như Composite International Diagnostic Interview), uể oải sau vận động (CDC Inventory for CFS), giấc ngủ (Epworth Sleepiness Scale, Centre for Sleep and Chronobiology Sleep Assessment Questionnaire)
  • Lượng giá chức năng theo ICF cung cấp một bức tranh tổng thể về ảnh hưởng của bệnh lên hoạt động và tham gia của bệnh nhân bị hội chứng mệt mỏi mạn tính. 

Hình 2: Minh hoạ một số Lượng giá CFS

Chẩn đoán phân biệt

  • Các bệnh về máu: Thiếu máu, Nhiễm sắc tố
  • Các bệnh nhiễm trùng: nhiễm virus Epstein-Barr, cúm, viêm gan, HIV, Bại liệt, hội chứng sau bại liệt, Lao, Viêm nội tâm mạc, Áp xe ẩn, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm nấm, 
  • Các bệnh tự miễn: viêm da cơ, lupus, viêm đa động mạch, viêm đa cơ, hội chứng Reiter, viêm khớp dạng thấp, viêm mạch … 
  • Bệnh lý các cơ quan: Bệnh gan, Bệnh tim mạn tính, Bệnh phổi mạn tính
  • Bệnh lý chuyển hóa và nhiễm độc 
  • Bệnh nội tiết: Đái tháo đường, Cường giáp và suy giáp, Bệnh Addison, Hội chứng Cushing, Suy tuyến yên, suy buồng trứng 
  • Bệnh lý ác tính 
  • Bệnh lý thần kinh cơ, đau xơ cơ, nhược cơ, xơ cứng rải rác, Parkinson, chấn thương sọ não, mất trí
  • Các bệnh lý tâm thần 
  • Rối loạn giấc ngủ, ngưng thở khi ngủ
  • Khác: Tác dụng phụ của thuốc, nghiện và thuốc phiện, thay đổi cân nặng (béo phì nghiêm trọng hoặc sụt cân rõ rệt)

Điều trị

Nếu không điều trị, sự hồi phục hiếm khi xảy ra, với tỷ lệ hồi phục trung bình là 5% và tỉ lệ cải thiện là khoảng 40%. Các đợt hồi phục dễ xảy ra hơn ở những bệnh nhân mệt mỏi ít trầm trọng hơn và nếu bệnh nhân không quy kết mệt mỏi là do các nguyên nhân thể chất. 

Mặc dù chưa có phương pháp chữa lành bệnh, người thầy thuốc, với khả năng truyền đạt kiến thức và sự cảm thông, có thể làm thay đổi chất lượng cuộc sống của bệnh nhân; bởi vì sự sợ hãi, hoặc cảm giác bị bỏ rơi, có thể làm gia tăng nỗi thất vọng và suy giảm chức năng. 

Điều trị bước đầu

Điều trị hội chứng mệt mỏi mạn tính chủ yếu là triệu chứng và nhằm mục đích cải thiện tình trạng mệt mỏi và các tình trạng kèm theo, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm và các triệu chứng đau.

Điều trị nhằm vào chữa bệnh thường mang lại kết quả thất vọng trong hầu hết các trường hợp. Một số thuốc đã được thử nghiệm với các kết quả khác nhau:

  • Thuốc điều biến miễn dịch: Rintatolimod tiêm tĩnh mạch đã được nghiên cứu có hiệu quả trong việc tăng khả năng dung nạp tập luyện, có thể cải thiện chức năng và giảm các loại thuốc được sử dụng để giảm triệu chứng ở bệnh nhân hội chứng mệt mỏi mạn tính nặng. 
  • Thuốc điều trị virus: Valganciclovir đã được chứng minh là có hiệu quả cải thiện tình trạng mệt mỏi ở những bệnh nhân hội chứng mệt mỏi mạn tính có nồng độ kháng thể cao (nghĩ đến nhiễm virus)
  • Nortriptyline) được sử dụng trước khi đi ngủ giúp cải thiện giấc ngủ và giảm đau, mặc dù lợi ích của những loại thuốc này chưa được chứng minh trong hội chứng mệt mỏi mạn tính. 
  • Thuốc giảm đau: acetaminophen, thuốc chống viêm không steroid và thuốc họ thuốc phiện ở những bệnh nhân có biểu hiện đau đầu hoặc đau nhức cơ xương khớp.
  • Các loại thảo dược, thực phẩm chức năng, các chất bổ sung, vitamins, chế độ ăn uống đặc biệt, vi lượng đồng căn, chữa bệnh bằng năng lượng. Hiệu quả của những phương pháp này cần được nghiên cứu đầy đủ hơn.

Phục hồi chức năng

PHCN hiện nay được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân hội chứng mệt mỏi mạn tính, kết hợp đa chuyên ngành và phương pháp can thiệp khác nhau. Một số can thiệp có thể đem lại kết quả khả quan là:

  • Liệu pháp nhận thức-hành vi (Cognitive-behavioral therapy, CBT) cho hội chứng mệt mỏi mạn tính giải quyết sự thay đổi nhận thức và hành vi liên quan đến tình trạng bệnh và kết hợp hai yếu tố: (1) một yếu tố nhận thức tập trung vào việc thay đổi suy nghĩ và niềm tin được cho là có liên quan đến quá trình bệnh và (2) yếu tố hành vi bao gồm tăng dần mức độ hoạt động. Nghiên cứu cho thấy CBT có hiệu quả trong việc cải thiện cả hoạt động thể chất và các triệu chứng như mệt mỏi, lo lắng và tâm trạng so với liệu pháp chăm sóc thông thường hoặc liệu pháp thư giãn. 
  • Trị liệu với tập luyện tăng dần (graded exercise therapy, GET), từng mức, được thiết kế để khắc phục tình trạng suy giảm vận động và tăng cường sức mạnh cũng như sức khỏe tim mạch. Có thể kết hợp đạp xe đạp tập, bơi lội hoặc đi bộ tùy theo sở thích của bệnh nhân. Tập luyện tăng dần nghĩa là người bị bệnh học cách bắt đầu ở một mức độ hoạt động thích hợp (dựa trên tần suất, cường độ và thời lượng), được tăng dần lên, với tốc độ không làm nặng triệu chứng một cách đáng kể. Nếu các triệu chứng trở nặng sau khi tập luyện, kéo dài hơn 24 giờ, cần giảm cường độ tập luyện phù hợp.
    • Bởi vì các tác dụng có lợi/hại của GET trên bệnh nhân CFS trong các nghiên cứu hiện tại thay đổi đáng kể (một số nghiên cứu nhận thấy có hại nhiều hơn có lợi), các hướng dẫn hiện tại không khuyến cáo bệnh nhân tự tham gia vào các chương trình tập luyện không được thiết kế và giám sát bởi chuyên gia như các chương trình tập luyện chung cho người bình thường, không sẵn sàng tham gia tập luyện và tăng tiến hoạt động thể chất hiện tại .
    • Nếu một bệnh nhân ME/CFS đồng ý tham gia vào một chương trình tập luyện hoặc hoạt động thể chất cá nhân hoá, kỹ thuật viên hướng dẫn tập luyện cần đảm bảo:
      • Thiết lập mức hoạt động thể chất cơ sở mà không làm nặng thêm các triệu chứng
      • Bắt đầu bằng giảm mức hoạt động dưới mức cơ sở này
      • Duy trì thành công mức hoạt động này trong một khoảng thời gian trước khi thử tăng hạn mức
      • Mềm dẻo điều chỉnh hoạt động thể chất của bệnh nhân (lên hoặc xuống nếu cần thiết) để giúp họ dần dần cải thiện khả năng thể chất trong khi vẫn ở trong các mức năng lượng của họ
      • Nhận biết sớm các đợt bùng phát (flare-up) hoặc tái phát và xử trí phù hợp (NICE guideline for M.E./CFS, 2021).
  • Giáo dục bệnh nhân về những gì đã biết và chưa biết về hội chứng mệt mỏi mạn tính, tác động của bệnh đối với chức năng ở nhà và nơi làm việc, và tiên lượng của bệnh. Giáo dục bệnh nhân về các chiến lược tự quản lý (self-management strategies), là những thay đổi tự khởi xướng và/hoặc được tạo thuận bởi chuyên gia y tế về niềm tin sức khỏe, ý định hành vi, các quá trình ra quyết định, niềm tin khả năng thực hiện (self-efficacy) và khả năng ứng phó. Bệnh nhân nên được chuẩn bị tốt hơn để đối phó trên cơ sở hàng ngày, có những mong đợi thực tế hơn và suy nghĩ rằng nhân viên y tế không thờ ơ với những lo lắng của họ. Ngoài ra, cần thông báo cho bệnh nhân việc đánh giá lại định kỳ để xác định những bệnh lý nguyên nhân có thể điều trị được nếu thích hợp. Điều này có thể giúp làm giảm sự lo lắng của người bệnh về việc bị bỏ rơi. Tránh các bữa ăn quá no, rượu, cà phê và nghỉ ngơi hoàn toàn. 
Hình 3. Minh hoạ hoạt động tăng dần (theo nhịp), từ từ tăng dần hoạt động – sử dụng hạn mức – từng bước một

Các thủ thuật

Các thủ thuật điều trị triệu chứng để giảm đau điểm, chóng mặt, nhức đầu hoặc các triệu chứng khác có thể được áp dụng. Các kỹ thuật như là châm cứu, thuỷ châm, tiêm thống điểm với thuốc tê hoặc corticoid, phun lạnh kết hợp kéo dãn (spray and stretch techniques) có thể có hiệu quả với bệnh nhân đau điểm.

Kỹ thuật phun lạnh kết hợp kéo dãn cơ hamstring điều trị đau điểm

ESSENTIALS OF PHYSICAL MEDICINE AND REHABILITATION: MUSCULOSKELETAL DISORDERS, PAIN, AND REHABILITATION, FOURTH EDITION. Elsevier, Inc. 2019

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này