Đây là ca phẫu thuật ghép cả hai tay đầu tiên trong lịch sử y khoa.
Steven Gallagher, một người đàn ông 48 tuổi sống ở Anh vừa trở thành bệnh nhân xơ cứng bì đầu tiên trên thế giới được ghép đôi bàn tay mới từ người hiến tặng. Căn bệnh quái ác trước đó đã khiến cả hai bàn tay của Gallagher bị liệt cứng.
Các bác sĩ đã hỏi ông ấy liệu có muốn tháo khớp để bỏ 2 bàn tay vô dụng ấy đi không? Bù lại, họ có thể ghép cho ông 2 bàn tay mới có chức năng và có thể làm việc được. Ban đầu, Gallagher nghĩ rằng đó chỉ là một trò đùa và làm gì có thứ phép màu nào kỳ diệu như vậy được.
Nhưng các bác sĩ cuối cùng cũng thuyết phục được ông ấy rằng ca phẫu thuật là khả thi đối với y học ở thời điểm này. Gallagher sau đó đã đồng ý. Ông được đưa tới Bệnh viện Leeds ở Anh và trải qua một ca phẫu thuật kéo dài 12 tiếng đồng hồ ở đây.
Một ekip gồm 30 bác sĩ và y tá đã làm việc để giúp Gallagher ghép một đôi bàn tay mới vào tháng 12 năm ngoái. Người đàn ông tiếp tục trải qua quá trình theo dõi và điều trị vật lý trị liệu kéo dài 5 tháng.
Để đến thời điểm này, ca phẫu thuật được chính thức công nhận đã thành công. “Đôi bàn tay đã cho tôi một cuộc sống mới“, Gallagher nói. “Nó thật sự rất tuyệt vời”.
Mục lục
Xơ cứng bì: Một căn bệnh quái ác
Câu chuyện của Gallagher bắt đầu vào năm 2009, đó là lần đầu tiên ông phát hiện một vết phát ban bất thường trên da mặt của mình. Vết phát ban sau đó lan từ má lên mũi của ông, cộng thêm một cảm giác đau ở cánh tay phải. Gallagher khi đó mới 35 tuổi, ông đi khám và nhận chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng bì (scleroderma).
Xơ cứng bì là một bệnh tự miễn, một tập hợp của nhiều căn bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch nhận nhầm các tế bào trong cơ thể là mầm bệnh và tấn công chúng. Đối với xơ cứng bì, các tế bào hay bị tấn công nhất là lớp nội mạc trên da mặt và các chi.
Căn bệnh phá hủy các mạch máu, chặn dòng oxy và dinh dưỡng tới nuôi các tế bào da. Dần dần, tế bào da chết đi để lại sẹo bên trong lớp nội mạc và bắt đầu khiến phần da bị ảnh hưởng trở nên bì và cứng.
Bệnh nhân sau đó sẽ bị những cơn đau hành hạ khi các mảnh da và dây thần kinh bị co kéo. Đối với Gallagher, đó là những cơn đau khủng khiếp xảy ra ở hai bên bàn tay của ông.
“Hai tay tôi dần dần bị kéo co quắp lại, về cơ bản chúng đã trở thành hai nắm đấm. Tôi không thể sử dụng bất kỳ một bàn tay hay ngón tay nào cả. Việc duy nhất mà tôi có thể làm là nhấc đồ vật lên bằng cả hai tay”, Gallagher nhớ lại.
Trước khi bị xơ cứng bì, Gallagher đang là một thợ lợp mái nhà. Căn bệnh sau đó đã khiến ông phải nghỉ việc. Gallagher chuyển sang một công việc bàn giấy nhẹ nhàng, nhưng cuối cùng hai bàn tay xơ cứng nặng cuối cùng đã khiến ông không thể làm được gì nữa.
“Đến ngay cả việc mặc quần áo đối với tôi cũng trở nên khó khăn”, Gallagher nói. “Tôi không còn có thể cầm nắm bất cứ thứ gì nữa cả”.
Về cơ bản, các bác sĩ cho biết hiện không có bất kể một phương pháp điều trị hiệu quả nào cho bệnh xơ cứng bì. Họ chỉ có thể cho bệnh nhân uống thuốc ức chế miễn dịch để làm dịu các cuộc tấn công vào tế bào da. Ngoài ra, phương pháp tiếp cận chỉ là làm giảm các triệu chứng.
Nhưng đối với một bệnh nhân có đôi tay đã bị xơ cứng tới liệt như Gallagher, chữa trị triệu chứng có nghĩa là phải giúp đôi tay của ông ấy hoạt động trở lại. Điều này là bất khả thi với các loại thuốc, trừ khi, ông ấy được ghép một đôi tay hoàn toàn mới.
Ghép tay người này sang tay người khác: Các bác sĩ thực hiện nó như thế nào?
Kỷ nguyên cấy ghép nội tạng từ người sang người đã bắt đầu từ khoảng 70 năm về trước, khi các bác sĩ thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên trên thế giới vào năm 1954. Ba thập kỷ sau đó, lần lượt các cơ quan nội tạng khác như gan, phổi, tụy và thận đã có thể được hiến tặng và cấy ghép.
Cùng khoảng thời gian này, các bác sĩ đã thử thực hiện ca cấy ghép tay đầu tiên vào năm 1964, nhưng nó cuối cùng đã thất bại. Phải đợi tới hơn 30 năm sau là vào năm 1998, một nhóm các bác sĩ người Pháp, Anh và Australia mới lần đầu tiên thực hiện thành công ca ghép tay cho một tù nhân ở có tên là Clint Hallam.
Về cơ bản, các ca ghép tay sẽ được thực hiện theo trình tự như sau: Đầu tiên, các bác sĩ sẽ thăm khám vết mỏm cụt, kích thước tay, cơ bắp, nhóm máu, loại mô, màu da và độ tuổi của bạn để sàng lọc trong số những người hiến tặng (thường là người chết não) một bàn tay phù hợp.
Trong thời gian chờ đợi (thường không chắc chắn và tùy vào độ phổ biến hoặc độ hiếm mà bàn tay bạn sở hữu), các bác sĩ sẽ tiến hành giải thích cho bạn cơ chế mà ca ghép tay được thực hiện nhằm giúp bạn yên tâm.
Đầu tiên, họ cắt phần mỏm cụt trên tay ra, để nối phần xương ở đó vào xương của bàn tay mới, bằng cách sử dụng đinh và các tấm kim loại nhỏ. Sau đó, lần lượt các gân, động mạch, dây thần kinh và tĩnh mạch sẽ được khâu nối tỷ mỉ dưới kính hiển vi và bằng một loại chỉ khâu đặc biệt.
Sẽ mất khoảng 12 cho đến 24 giờ để các bác sĩ làm công việc đó. Xong xuôi, phần da ngoài bàn tay mới được khâu liền lại với nhau và bạn sau đó sẽ được chuyển sang phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) để hồi phục.
Một kỹ thuật viên viên vật lý trị liệu/hoạt động trị liệu sẽ theo sát và hướng dẫn bạn tập luyện bàn tay của mình từ thời điểm này. Thông thường chỉ sau khoảng 7 ngày, bạn đã có thể điều khiển bàn tay mới để cầm nắm đồ vật, ví dụ như lấy một chai nước và uống.
Ngoài tập vật lý trị liệu, trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật ghép tay, bệnh nhân cũng sẽ được được chăm sóc bởi một bác sĩ tâm lý, người sẽ giúp họ giảm các các cơn lo lắng và thích nghi với cảm giác “kỳ lạ” khi sở hữu một bàn tay của người khác.
Trên thực tế, chăm sóc tâm lý là đặc biệt quan trọng, bởi khác với các ca ghép tạng trong đó bệnh nhân không thể nhìn thấy quả thận, lá gan hay trái tim họ được ghép, những bệnh nhân ghép tay sẽ nhìn thấy bàn tay mới của họ mỗi ngày.
Điều này có thể tạo ra tâm lý bất ổn. Chính Clint Hallam, bệnh nhân được ghép tay đầu tiên trên thế giới đã không chịu được điều đó và tự mình yêu cầu các bác sĩ tháo bàn tay mới ra khỏi người mình vào năm 2001, nghĩa là chỉ sau 3 năm nhận được nó.
Đôi bàn tay của Steven Gallagher bây giờ đã hồi phục khá tốt.
Khác với một cuộc phẫu thuật gắn chi bị đứt lìa của chính mình, việc cấy ghép một bàn tay mới từ người hiến tặng đòi hỏi bệnh nhân phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời, để ngăn hệ miễn dịch tấn công và làm hoại tử bàn tay mới.
Trong 2 thập kỷ qua, các bác sĩ trên thế giới đã thực hiện hàng trăm ca ghép tay và tỷ lệ thành công của chúng tương đối cao. Bệnh nhân sau khi phục hồi đã có chất lượng cuộc sống tốt hơn với bàn tay mới.
Mặc dù nó không thể phục hồi toàn bộ chức năng, nhưng người ghép tay hoàn toàn có thể dùng nó để nhặt các đồ vật, cầm nắm vật nặng như một bình sữa đầy, buộc dây giày, sử dụng dao dĩa hoặc thậm chí bắt bóng.
“Đôi bàn tay đã cho tôi một cuộc sống mới”
Đó là những gì mà Steven Gallagher đã nói vào tháng thứ 5 sau khi ông được ghép cả hai bàn tay mới từ người hiến tặng. Gallagher đã trở thành bệnh nhân xơ cứng bì và cũng là người đầu tiên trên thế giới được thực hiện thủ thuật này.
“Sau ca phẫu thuật, tôi tỉnh dậy và thấy khá kỳ quái vì trước khi phẫu thuật tôi vẫn còn tay và sau đó khi tỉnh dậy, tôi vẫn thấy bàn tay trên người mình. Trong đầu tôi nghĩ rằng tôi chưa từng mất bàn tay nào cả”, ông nói.
“Và đôi bàn tay mới này thì thật tuyệt vời, mọi thứ diễn ra quá nhanh. Từ thời điểm tôi thức dậy sau ca phẫu thuật, tôi đã có thể cử động chúng“. Quan trọng là với Gallagher lúc này, những cơn đau từ bệnh xơ cứng bì ở tay ông đã biến mất.
Ông bây giờ đã có thể lấy lại chức năng bàn tay của mình, có thể sử dụng nó để làm những việc đơn giản những trước nay không thể như cầm nắm, mở vòi nước và vuốt ve chú chó cưng của mình.
Các bác sĩ đánh giá triển vọng hồi phục của Gallagher là rất tốt. Mặc dù cũng giống như các bệnh nhân khác, ông sẽ phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời. Nhưng những bằng chứng hiện tại cho thấy những người được ghép tay như Gallagher sẽ có thể quản lý bàn tay mới của mình trong hàng chục năm mà không gặp vấn đề thải ghép.
Gallagher bây giờ đang lên kế hoạch kiếm một công việc phù hợp với mình ở tuổi 48. Đó là để bù lại số tiền mà ông và gia đình đã chi ra cho ca phẫu thuật, lên tới hơn nửa triệu USD (tương đương 12 tỷ VNĐ).
Phải nói rằng đó là một chi phí không dễ tiếp cận với nhiều bệnh nhân xơ cứng bì và bệnh nhân không may bị mất tay khác trên thế giới. Tuy nhiên, ca cấy ghép này là một minh chứng cho thấy sự tiến bộ của y học nói chung và kỹ thuật ghép tay nói riêng.
Trong tương lại sẽ còn có nhiều bệnh nhân được hưởng lợi từ thủ thuật này.
Theo THANH LONG, Tri Thức Trẻ