THOÁI HOÁ KHỚP GỐI

Cập nhật lần cuối vào 25/01/2024

Tên tiếng Anh: Knee Osteoarthritis

Từ đồng nghĩa: thoái hoá khớp khớp gối, viêm khớp thoái hoá khớp gối, 

Mã ICD-10: 

  • M17.0: Thoái hóa khớp gối nguyên phát hai bên
  • M17.1: Thoái hoá khớp gối, 1 bên
  • M17.4: Thoái hóa khớp gối thứ phát hai bên khác
  • M17.5: Thoái hóa khớp gối thứ phát một bên khác

Mục lục

BỆNH LÝ

Dịch tễ học

  • Thoái hóa khớp (osteoarthritis, OA) là nguyên nhân gây ra khuyết tật phổ biến nhất cho những người trên 65 tuổi. 
  • Khớp gối là khớp thường gặp nhất của thoái hoá khớp ở chi dưới. 
  • Thoái hoá khớp gối thường gặp ở nữ hơn nam giới.
  • Ước tính rằng gần một nửa người trưởng thành sẽ bị thoái hoá khớp gối có triệu chứng trong cuộc đời của họ. 
  • Ngoài số bệnh nhân cao tuổi bị thoái hoá khớp gối ngày càng tăng, nhiều cựu vận động viên bị chấn thương đầu gối trước đó có thể bị thoái hoá khớp gối sau chấn thương. 

Yếu tố nguy cơ

  • Lệch trục là yếu tố nguy cơ quan trọng gây thoái hoá các cấu trúc của khớp gối. Bằng cách tăng thêm lực tải khu trú, sự lệch trục tạo nên một vòng luẩn quẩn tổn thương khớp mà cuối cùng có thể dẫn đến phá hỏng khớp. 
  • Béo phì như một yếu tố nguy cơ đã được ghi nhận rõ với thoái hoá khớp gối. Một nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc bệnh thoái hoá khớp gối ở những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên cao gấp 7 lần so với những người có chỉ số khối cơ thể dưới 25,5. Ngoài ra, phụ nữ (có chiều cao trung bình) giảm 5 kg cân nặng có thể giảm 50% nguy cơ bị thoái hoá khớp gối có triệu chứng.
  • Các chấn thương thể thao và hoạt động thể chất mạnh được xem là yếu tố nguy cơ quan trọng trong thoái hoá khớp gối. Ví dụ chơi bóng đá, làm các công việc liên quan đến gập gối, ngồi xổm, quỳ gối, hoặc sử dụng khớp lặp đi lặp lại. 

Giải phẫu – sinh lý bệnh 

  • Thoái hóa khớp gối là do các yếu tố cơ học và vô căn. Mặc dù thoái hóa khớp hiện nay được cho là một tình trạng phức tạp liên quan đến toàn bộ khớp, nhưng dấu hiệu đặc trưng của thoái hóa khớp là sự thay đổi sự cân bằng giữa quá trình thoái giáng và tổng hợp của sụn khớp và xương dưới sụn.
  • Thoái hoá khớp có thể liên quan đến bất kỳ hoặc tất cả ba khoang đầu gối chính: khoang trong, khoang ngoài và bánh chè – đùi. Khoang trong thường bị ảnh hưởng nhiều nhất, dẫn đến hẹp khe khớp trong và do đó dẫn đến biến dạng khớp gối vẹo trong (genu varum). Thoái hoá khớp ở khoang ngoài có thể dẫn đến biến dạng khớp gối vẹo ngoài (genu valgum). Thoái hoá khớp trong một khoang cuối cùng có thể dẫn đến thoái hoá một khoang khác do các thay đổi sinh cơ học.
  • Thoái hoá khớp ảnh hưởng đến tất cả các cấu trúc bên trong và xung quanh khớp. Có sự mất sụn hyaline của khớp. Quá trình tu sửa xương xảy ra, cùng với sự kéo căng của bao khớp và sự yếu đi của các cơ quanh khớp. Trong một số trường hợp, có thể xuất hiện tình trạng viêm bao hoạt dịch, lỏng lẻo dây chằng hoặc các tổn thương trong tủy xương. 
  • Thoái hoá khớp thường ảnh hưởng đến khớp theo cách không đồng dạng và khu trú. Các vùng mất sụn khu trú có thể làm tăng lực ép cục bộ lên khớp, dẫn đến mất sụn nhiều hơn. Với một diện tích sụn bị mất đủ lớn hoặc do quá trình tái tạo xương, khớp bị nghiêng và hình thành lệch trục.
Đặc điểm của thoái hoá khớp với mất sụn, hẹp khe khớp, hình thành gai xương

CHẨN ĐOÁN, LƯỢNG GIÁ

Triệu chứng

  • Thoái khớp gối được đặc trưng bởi đau khớp, đau khi ấn, giảm tầm vận động, tiếng lạo xạo, thỉnh thoảng tràn dịch và viêm ở các mức độ khác nhau. Các triệu chứng ban đầu của thoái hóa khớp thường nhẹ, với khởi phát dần dần và mơ hồ. 
  • Đau thường ở quanh đầu gối, đặc biệt là khi chịu trọng lượng, có xu hướng nặng hơn vào cuối ngày và giảm khi nghỉ ngơi. Khi bệnh tiến triển, đau có thể kéo dài ngay cả khi nghỉ ngơi. Đau cũng có thể lan sang các vị trí lân cận, khi thoái hoá khớp gián tiếp làm thay đổi sinh cơ học của các cấu trúc giải phẫu khác như dây chằng, cơ, dây thần kinh.
  • Cứng khớp có thể xảy ra sau thời gian không hoạt động, chẳng hạn như sau khi thức dậy vào buổi sáng hoặc ngồi lâu, nhưng thường dưới 30 phút. Người bệnh thường bị hạn chế vận động do khớp bị cứng hoặc sưng. Nhiều bệnh nhân khai có cảm giác “bị khoá” hoặc “bị kẹt” (gối bị khóa thực sự thường liên quan đến rách sụn chêm), có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm các mảnh vụn từ sụn hoặc sụn chêm bị thoái hóa bên trong khớp. Cứng khớp làm cản trở vận động, từ đó dẫn đến teo yếu cơ, giảm chức năng và tăng đau.
  • Những thay đổi khí áp (như những thay đổi liên quan đến thời tiết ẩm ướt, mưa) thường sẽ làm tăng cường độ đau. 
  • Đôi khi bệnh nhân thấy bị sụm chân, cảm giác không vững.

Khám lâm sàng

Khám bệnh nhân bao gồm kiểm tra các nguyên nhân khác có thể gây đau đầu gối. Do đó, cần khám toàn bộ chân, từ háng đến cổ bàn chân, cùng với chân đối diện. 

Nhìn:

  • Quan sát dáng đi để phát hiện dáng đi khập khiễng, chênh lệch chiều dài chi chức năng, (chân bị thoái hoá thường ngắn hơn do co rút khớp gối) hoặc bị ưỡn gối. 
  • So sánh khớp gối bị đau với đầu gối bên lành. Gối có thể to hơn do tràn dịch hoặc phì đại xương.
  • Gối vẹo trong (thường gặp) hoặc vẹo ngoài thường được đánh giá tốt hơn khi bệnh nhân đứng.
  • Cần phát hiện yếu hoặc teo cơ tứ đầu, co rút khớp gối và khớp háng, và các bất thường ở bàn chân như quay sấp quá mức. 

Sờ:

  • Có thể sờ thấy gai xương dọc theo các lồi cầu xương đùi, đặc biệt là lồi cầu trong.
  • Sờ có thể phát hiện đau khi ấn xương bánh chè hoặc cạnh xương bánh chè, đau khi ấn dọc theo đường khớp trong hoặc tại bao hoạt dịch các cơ chân ngỗng (pes anserine). 
  • Tiếng lạo xạo khi gập hoặc duỗi gối.

Vận động:

  • Tầm vận động khớp gối có thể bị giảm do tràn dịch, gai xương, co rút.
  • Đau khi gập gối thụ động hoặc chủ động

Nghiệm pháp:

  • Phát hiện tràn dịch nhẹ
  • Khám có thể phát hiện sự lỏng lẻo của dây chằng bên hoặc dây chằng chéo (mất vững trong – ngoài). 

Khám thần kinh:

  • Thường bình thường, ngoại trừ giảm sức mạnh cơ, đặc biệt là ở cơ tứ đầu, do không sử dụng hoặc bảo vệ thứ phát do đau.

Chức năng

  • Tư thế: ảnh hưởng đến ngồi xổm, quỳ
  • Dịch chuyển: hạn chế khả năng dịch chuyển từ tư thế ngồi sang tư thế đứng, đặc biệt là từ ghế thấp hoặc lên xuống xe
  • Di chuyển: ảnh hưởng đến dáng đi, tốc độ và quãng đường đi bộ, lên xuống cầu thang.

Cận lâm sàng

Hình ảnh học

Thoái hoá khớp được chẩn đoán lâm sàng dựa trên bệnh sử và khám thực thể. Tuy nhiên, hình ảnh có thể được sử dụng để xác nhận chẩn đoán và loại trừ các tình trạng khác. 

X quang: 
  • Những thay đổi trên phim X quang bao gồm hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn và các nang xương ở các vùng chịu trọng lượng của khớp và gai xương ở các vùng ít áp lực, đặc biệt là dọc theo các vùng rìa của khớp. Hẹp khe khớp là dấu hiệu đầu tiên, tiếp theo là đặc xương dưới sụn, sau đó là gai xương và cuối cùng là các nang có rìa đặc xương (gọi là các nang hoạt dịch, nang dưới sụn, giả nang dưới khớp hoặc giả nang hoại tử).
  • Các dấu hiệu X quang thoái hoá khớp không tương quan chặt chẽ với các triệu chứng; tuy nhiên, sự hiện diện của gai xương và đặc xương dưới sụn có mối liên hệ chặt chẽ với đau đầu gối, trong khi hẹp khe khớp không liên quan đến đau. Mức độ đau đầu gối là yếu tố quyết định suy giảm chức năng quan trọng hơn so với mức độ nghiêm trọng trên phim chụp X quang.
  • Các chỉ định chụp phim X quang thường quy bao gồm chấn thương, tràn dịch, các triệu chứng không thể giải thích được bằng kết quả khám lâm sàng, đau nhiều, để lập kế hoạch trước phẫu thuật và thất bại trong điều trị bảo tồn . 
Cộng hưởng từ 
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) tốn kém và thường ít có giá trị bổ sung. 
  • Chụp cộng hưởng từ có thể phát hiện những phát hiện ngẫu nhiên, chẳng hạn như rách sụn chêm, thường gặp ở người tuổi trung niên trở lên có đau đầu gối hoặc không.
Siêu âm
  • Siêu âm có khả năng phát hiện ăn mòn xương, viêm màng hoạt dịch, bệnh lý gân cơ và bệnh lý điểm bám gân. Ưu điểm của siêu âm là khả năng dung nạp tốt cho bệnh nhân và khả năng thực hiện trên nhiều khớp trong thời gian ngắn. Một số nghiên cứu cho thấy siêu âm có độ tin cậy và giá trị tốt trong phát hiện thoái hoá khớp gối, mặc dù hiện vẫn chưa có định nghĩa chuẩn hoá về các thay đổi bệnh lý trên siêu âm.

Xét nghiệm:

  • Các kết quả xét nghiệm thường bình thường, nhưng có thể chỉ định để loại trừ các tình trạng khác như viêm khớp dạng thấp. 
  • Thường không tiến hành phân tích dịch khớp trừ khi nghi ngờ viêm khớp phá hủy, tinh thể hoặc nhiễm trùng.
Hình : X quang khớp gối cho thấy gai xương (mũi tên) và hẹp khe khớp bên trong phù hợp với thoái hoá khớp.

Các tiêu chuẩn chẩn đoán

Có 3 tiêu chuẩn phân loại của ACR American College of Rheumatology, Hội Thấp khớp học Mỹ) cho thoái hoá khớp gối, hữu ích cho mục đích nghiên cứu, bao gồm:

Tiêu chuẩn Phân loại Lâm sàng ACR cho thoái hoá khớp gối:

Là phương pháp phân loại thoá hoá khớp gối thường dùng. Phân loại là thoái hoá khớp gối khi có đau gối kèm với ít nhất 3 trong 6 tiêu chuẩn sau:

  • Tuổi >50
  • Cứng khớp buổi sáng <30 phút
  • Tiếng lạo xạo khi vận động gối
  • Đau xương khi ấn
  • Phì đại xương
  • Sờ không thấy nóng

Tiêu chuẩn phân loại dựa vào Lâm sàng và X quang:

Phân loại là thoái hoá khớp khi có đau gối với ít nhất 1 trong 3 tiêu chuẩn sau, kèm với có gai xương trên X quang:

  • Tuổi > 50
  • Cứng khớp buổi sáng <30 phút
  • Tiếng lạo xạo khi vận động gối

Tiêu chuẩn phân loại dựa vào Lâm sàng và Xét nghiệm:

Phân loại là thoái hoá khớp gối khi có đau gối kèm theo ít nhất 5 trong 9 tiêu chuẩn sau đây:

I

  • Tuổi >50
  • Cứng khớp buổi sáng <30 phút
  • Tiếng lạo xạo khi vận động gối
  • Đau xương khi ấn
  • Phì đại xương
  • Sờ không thấy nóng
  • Tốc độ máu lắng (VS, ESR) < 40 mm/hr
  • RF <1
  • Dịch khớp phù hợp với thoái hoá (dịch trong, độ quánh bình thường, bạch cầu <2000/mm3, ít hơn 25% là bạch cầu đa nhân)

Chẩn đoán phân biệt

Phân biệt các nguyên nhân gây đau đầu gối theo nhóm tuổi

Trẻ em và thanh thiếu niên
  • Bán trật xương bánh chè
  • Bệnh Osgood-Schlatter
  • Viêm gân bánh chè/đau bánh chè đùi
  • Đau lan (ví dụ: trượt chỏm xương đùi)
  • Viêm xương sụn bóc tách 
  • Gãy xương dưới sụn
  • Khiếm khuyết di truyền hoặc bẩm sinh 
  • Viêm khớp nhiễm trùng
  • Khối u
Người lớn
  • Hội chứng đau xương bánh chè đùi
  • Hội chứng nếp gấp bên trong (medial plica)
  • Viêm bao hoạt dịch các cơ chân ngỗng
  • Chấn thương: tổn thương dây chằng, Rách sụn chêm
  • Bệnh khớp viêm: viêm khớp dạng thấp, hội chứng Reiter
  • Viêm khớp nhiễm trùng
  • Bệnh lý rễ thắt lưng (L3)
  • Khối u
Người cao tuổi
  • Thoái hoá khớp
  • Bệnh viêm khớp do tinh thể: bệnh gút, giả gút 
  • Viêm khớp dạng thấp 
  • Nang kheo chân (Baker)
  • Khối u

Phân biệt các nguyên nhân gây đau đầu gối theo vị trí giải phẫu

  • Đau đầu gối phía trước
    • Bán trật/trật xương bánh chè hoặc viêm gân
    • Các viêm túi thanh dịch quanh xương bánh chè
    • Osgood-Schlatter
    • Viêm gân cơ tứ đầu
    • Hội chứng đau bánh chè đùi
  • Đau đầu gối bên trong
    • Tổn thương dây chằng bên trong 
    • Rách sụn chêm trong
    • Viêm bao hoạt dịch chân ngỗng
    • Hội chứng nếp gấp bên trong
  • Đau đầu gối bên ngoài
    • Tổn thương dây chằng bên ngoài
    • Rách sụn chêm ngoài
    • Viêm gân dải chậu chày
  • Đau đầu gối phía sau
    • Nang khoeo chân (nang Baker) 
    • Tổn thương dây chằng chéo sau

XỬ TRÍ

Ban đầu

Giảm đau: 

  • Acetaminophen (nên sử dụng đầu tiên)
  • Thuốc chống viêm không steroid đường uống và tại chỗ. 
  • Các phương thức vật lý, châm cứu

Tư thế đúng

Cần giáo dục đặt tư thế đúng, đặc biệt là khi bệnh nhân đang ngủ. Tránh chêm gối dưới đầu gối vì dẫn đến co rút gập gối, và tình trạng này có thể làm tăng đáng kể áp lực lên đầu gối trong khi đi. 

Chế độ vận động, sinh hoạt:

  • Thay đổi hoạt động để giảm lực đè ép lên khớp gối. Tránh đứng lâu, leo cầu thang, quỳ, gập đầu gối quá mức;
  • Nghỉ ngơi tương đối hoặc các khoảng thời gian nghỉ hợp lý trong ngày

Giảm cân

  • Cần tư vấn chế độ tiết thực dinh dưỡng, vận động hợp lý để giảm cân, đặc biệt là bệnh nhân thừa cân/béo phì (BMI >25).

(Lưu ý: Glucosamine và chondroitin sulfate được cho là các chất bổ sung thực phẩm. Các chất này là thành phần của sụn khớp và được cho là có thể hỗ trợ cho sụn bị tổn thương. Tuy nhiên bằng chứng hiện tại không cho thấy hiệu quả rõ rệt của bổ sung các thực phẩm chức năng này trong thoái hoá khớp gối.)

Phục hồi chức năng

Các phương thức vật lý 

  • Kích thích dây thần kinh bằng điện qua da (TENS) hoặc các dòng giảm đau khác, 
  • Các phương thức nhiệt nóng, nhiệt lạnh, siêu âm …

Tập luyện 

Tập luyện là phương pháp chính trong điều trị thoái hóa khớp gối không dùng thuốc và không phẫu thuật. Các nghiên cứu ngẫu nhiên hoàn toàn ủng hộ lợi ích của tập luyện (ngay cả khi tập luyện tại nhà) đối với đau, chức năng và chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân thoái hoá khớp gối. 

Các chương trình tập luyện cho thoái hoá khớp gối thường bao gồm các bài tập:

  • Kéo dãn chi dưới, đặc biệt là cơ tứ đầu và cơ hamstring
  • tăng cường sức mạnh của chi dưới, tập trung vào cơ tứ đầu nhưng cũng chú ý đến cơ hamstring và các cơ vùng háng
  • tập sức bền với xe đạp tĩnh, máy chạy bộ, thể dục nhịp điệu dưới nước …
  • các bài tập thăng bằng/rối loạn thăng bằng (perturbation) và cảm thụ bản thể.

Một số lưu ý:

  • Cần điều chỉnh chương trình tập và mức kháng trở dựa theo các đợt bùng phát và mức độ đau của bệnh nhân. 
  • Với những bệnh nhân bị đau nhiều hơn, bắt đầu với các bài tập tĩnh như gồng cơ tứ đầu đùi hoặc tập dưới nước. 
  • Nên ưu tiên các bài tập chuỗi động đóng như bài tập lunge và trượt tường hơn các bài tập chuỗi mở, vì chúng cho phép vận động khớp gối có kiểm soát hơn. 
  • Mức kháng trở cho tập sức mạnh: Các hướng dẫn được đề xuất sử dụng lực tải bên ngoài lớn hơn 40% của một lần lặp lại tối đa (RM), lặp lại 8 đến 12 lần trong 2 đến 4 hiệp. Tăng dần mức kháng trở dần theo thời gian nếu có thể. (Hướng dẫn của Hiệp hội Y học Thể thao Hoa kỳ, ACSM, American College of Sports Medicine).
  • Nên tập xe đạp và đi bộ để tăng cường sức bền chung. 
  • Nên tránh gập gối nhiều khi có tràn dịch. Sử dụng đá lạnh để kiểm soát cơn đau trong quá trình tập

Cần duy trì hoạt động để duy trì chức năng. Ngay cả những bệnh nhân được lên kế hoạch thay khớp gối toàn phần cũng nên tập mạnh cơ và sức bền tim mạch trước phẫu thuật để dễ dàng phục hồi chức năng sau phẫu thuật.

Dụng cụ trợ giúp và thích ứng

  • Các dụng cụ trợ giúp đi lại, như gậy hoặc khung tập đi, có thể giảm tải cho khớp háng hoặc khớp gối, do đó giảm đau. Các dụng cụ này cũng có thể làm giảm nguy cơ té ngã ở những bệnh nhân bị mất thăng bằng. 
  • Nẹp gối: mục đích giảm triệu chứng, cải thiện chức năng thông qua giảm tải lên khoang khớp bị ảnh hưởng. Hiện vẫn còn ít nghiên cứu về hiệu quả của nẹp trong thoái hoá khớp gối.
  • Điều chỉnh giày dép: Ở các bệnh nhân thoái hoá khớp có lệch trục, có thể xem xét điều chỉnh giày dép ( như miếng chêm giày – dày hơn ở phía ngoài- trong gối vẹo trong)
  • Nẹp giữ xương bánh chè hoặc băng dán trong trường hợp nghiêng hoặc lệch xương bánh chè có thể gây đau xương bánh chè. Sắp xếp lại xương bánh chè bằng cách sử dụng nẹp 
  • Miếng chêm nâng gót chân hoặc đi giày cao gót nếu có chênh lệch chiều dài chi.
  • Các thay đổi, điều chỉnh môi trường nhà và nơi làm việc, chẳng hạn như nâng cao bệ ngồi trong nhà vệ sinh, thanh vịn, thanh kẹp cán dài, v.v.

Thủ thuật

Tiêm corticosteroid nội khớp:

  • Tiêm corticoid nội khớp có thể giúp giảm viêm cục bộ và cải thiện triệu chứng với đợt cấp thoái hoá khớp có viêm. Đáp ứng thường nhanh chóng, giảm đau kéo dài đến sáu tuần sau khi tiêm. 
  • Vì tiêm corticosteroid trực tiếp nên ít tác dụng phụ toàn thân. Mặc dù tiêm corticosteroid nội khớp không đã được chứng minh là gây tổn thương sụn, không khuyến cáo tiêm nội khớp > 3 lần mỗi năm. 
  • Do tác dụng ngắn hạn và hạn chế về số lần tiêm, tiêm corticosteroid thường được sử dụng như một liệu pháp bổ sung cho các đợt bùng phát triệu chứng cấp tính hoặc nghiêm trọng. 

Tiêm hyaluronic acid (hyaluronan)

  • Mục đích là hỗ trợ tác dụng cho chất hoạt dịch, bao gồm hấp thụ sốc, phân tán năng lượng và làm trơn bề mặt sụn khớp. 
  • Axit hyaluronic được tiêm vào khớp gối theo cách tương tự như tiêm steroid nội khớp. Có thể tiêm liên tiếp ba mũi mỗi tuần (lọ 2 mL) hoặc một lần với lượng lớn hơn. Điều trị thường được lặp lại hai đến ba lần mỗi năm. 
  • Các thử nghiệm lâm sàng về bổ sung chất nhầy cho thấy hiệu quả hạn chế trong việc giảm đau. So với tiêm corticoid, tác dụng của axit hyaluronic có vẻ ít rõ rệt hơn nhưng bền hơn.
  • Các tác dụng phụ bao gồm viêm cục bộ và tăng đau tại chỗ tiêm. Không có bằng chứng cho thấy việc tiêm hyaluronan ở người làm thay đổi các quá trình sinh học hoặc tiến triển của tổn thương sụn. 
  • Lưu ý rằng bệnh nhân có thể không thấy bất kỳ cải thiện lâm sàng nào cho đến năm tuần sau tiêm. 

Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): 

  • Các tiểu cầu chứa các yếu tố tăng trưởng và cytokine khác nhau được cho là khởi động quá trình chữa lành và thúc đẩy tái tạo mô theo nhiều cách, bao gồm kích thích sao chép tế bào, thúc đẩy tân sinh mạch máu và kích thích dòng thác viêm trong các bệnh cơ xương khớp mạn tính. 
  • Tiêm PRP trong điều trị thoái hoá khớp gối được cho là có hiệu quả điều trị tương đương hoặc tốt hơn tiêm chất nhầy. 
  • Nói chung, thủ thuật này hiệu quả hơn đối với thoái hoá khớp nhẹ đến trung bình và đã được sử dụng khi tất cả các phương pháp điều trị bảo tồn khác đối với thoái hoá khớp không hiệu quả hoặc khi phẫu thuật thay khớp gối bị chống chỉ định.

Y học cổ truyền

  • Châm cứu
  • Tập dưỡng sinh

Phẫu thuật 

  • Phẫu thuật làm sạch khớp qua nội soi
    • Phẫu thuật này bao gồm rửa và loại bỏ các mảnh vụn, mảnh sụn khớp di động, sụn chêm bị rách không ổn định và gai xương gây đụng chạm. Một số phẫu thuật viên còn kết hợp thêm khoan, chỉnh hình sụn, gây gãy xương vi thể (microfracture), lấy bỏ gai xương, cắt bao hoạt dịch …. 
    • Chỉ định trong trường hợp thoái hoá khớp có các dấu hiệu và triệu chứng sụn chêm, viêm bao hoạt dịch, đụng chạm do gai xương, và khớp bị khóa hoặc kẹt do các thể tự do trong khớp sẽ có kết quả tốt hơn. 
    • Các yếu tố tiên lượng kém là mất vững, lệch trục đáng kể, các dấu hiệu thoái hóa khớp nặng trên X quang.
    • Mặc dù phẫu thuật nội soi khớp đã được sử dụng rộng rãi cho thoái hoá khớp gối, hiện vẫn còn thiếu bằng chứng khoa học chứng minh hiệu quả của nó. Hầu hết các y văn về chỉnh hình ủng hộ áp dụng phương pháp này đều dựa trên các nghiên cứu hồi cứu. Tuy nhiên, trong một thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát, phẫu thuật nội soi khớp cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối không mang lại lợi ích bổ sung nào cho vật lý trị liệu và điều trị nội khoa tối ưu.
  • Các phẫu thuật cắt chỉnh xương (xương đùi hoặc xương chày) để giảm tải lên khoang khớp bị ảnh hưởng (đặc biệt là khoang trong): giảm triệu chứng thường không hoàn toàn, thời gian hồi phục kéo dài.
  • Thay khớp gối một phần (UKR). Có thể áp dụng ở bệnh nhân trung niên, ảnh hưởng chủ yếu đến khoang trong và ít ảnh hưởng đến khoang ngoài, khớp gối vững và không đau nhiều ở trước gối, biến dạng vẹo trong có thể điều chỉnh được. Ưu điểm bảo tồn các dây chằng chéo.
  • Thay khớp gối toàn phần (TKR). Chỉ định trong trường hợp thoái hoá khớp gối nặng cả ba khoang, Kết quả thường tốt cho hầu hết bệnh nhân. 
  • Phẫu thuật làm dính khớp gối ngày nay thường được dành cho những bệnh nhân phẫu thuật thay khớp gối thất bại và ở độ tuổi tương đối trẻ hơn với mức độ chức năng cao hơn và khả năng duỗi gối kém.
Thay khớp gối một phần và toàn phần
XEM THÊM: CHƯƠNG TRÌNH PHCN SAU PHẪU THUẬT THAY KHỚP GỐI TOÀN PHẦN

Tài liệu tham khảo chính:

ESSENTIALS OF PHYSICAL MEDICINE AND REHABILITATION: MUSCULOSKELETAL DISORDERS, PAIN, AND REHABILITATION, FOURTH EDITION. Elsevier, Inc. 2019

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

6 bình luận về “THOÁI HOÁ KHỚP GỐI”

  1. thầy cho em hỏi lại câu này “các hướng dẫn được đề xuất sử dụng lực tải bên ngoài lớn hơn 40% của một lần lặp lại tối đa (RM), lặp lại 8 đến 12 lần trong 2 đến 5 hiệp” nghĩa là gì, theo em hiểu thì đã 1 lần RM rồi còn thêm 40% nữa thì làm sao lặp lại 8 đến 12 lần, em cám ơn!

    Bình luận
    • Chào em,
      Rất vui vì em đã quan tâm đọc kỹ bài viết. Xin lỗi ghi khi biên soạn, muốn gọn gàng, nên một số ý không giải thích rõ.
      Về câu hỏi của em, khuyến cáo là của ACSM, Hiệp hội Y học Thể thao Hoa kỳ. Mức này tương đương đương với mức cường độ tập sức mạnh rất nhẹ hoặc nhẹ mà thôi. Em có thể xem thêm bài Tập sức mạnh và sức bền ở PHCN Online về RM.
      Có thể tính như sau: giả sử
      Nếu một người có thể đá 10 kg được 10 lần,
      thì 1RM là 13,3 kg.
      50% của 1RM là 6,7 kg, với lực cản này thì người đó có thể đá được 30 lần.
      Giả sử chọn mức 6,7 kg (hơn 40%), thì người đó chỉ tập đá 8 – 12 lần, mức rất nhẹ đó.
      (Mức 10 kg thì sẽ có thể đá được 10 lần).
      Không biết giải thích vây OK không?
      PS. Nhân tiện, Ad đã add cách tính 1 RM ở trang Y học phục hồi

      Bình luận

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này