CÁC TƯ THẾ VÀ CÁC NGUYÊN TẮC CỦA ĐẶT TƯ THẾ CHO TRẺ KHUYẾT TẬT.

Cập nhật lần cuối vào 08/08/2023

Tư thế cung cấp một cơ sở cho vận động và chức năng. Bài viết nằm trong loạt bài về tư thế, thao tác và đặt tư thế cho trẻ khuyết tật.

Minh Dat Rehab

Mục lục

CÁC CHỨC NĂNG LIÊN QUAN ĐẾN TƯ THẾ

Tư thế cung cấp một cơ sở cho vận động và chức năng. Suy giảm khả năng kiểm soát tư thế, hoặc trong việc đạt được hoặc duy trì một tư thế, có thể gây ra những giới hạn hoạt động. Nếu trẻ không thể duy trì kiểm soát tư thế khi ngồi nếu không chống tay, thì khả năng chơi với đồ chơi sẽ bị hạn chế. Hãy nghĩ về tư thế như một hình kim tự tháp, với tư thế nằm ngửa và nằm sấp ở đáy, tiếp theo là tư thế ngồi và tư thế đứng thẳng ở đỉnh (Hình 1). Khi trẻ có kiểm soát, đế nâng đỡ càng trở nên nhỏ hơn. Những trẻ không có khả năng giữ thăng bằng hoặc kiểm soát tư thế không tốt thường mở rộng chân đế nâng đỡ để bù đắp cho giảm độ vững. Một đứa trẻ bị giảm hoạt động cơ tư thế có thể ngồi mà không cần dùng tay đỡ để chơi nếu hai chân duỗi thẳng và dạng rộng ra. Khi chân đến nâng đỡ bị thu hẹp bằng cách đưa hai chân lại với nhau (ngồi thẳng chân sát nhau), trẻ sẽ lắc lư và thậm chí có thể ngã. Tư thế ngồi, chứ không phải là cơ thân mình của trẻ, đang mang lại độ vững cho trẻ.

Hình 1 Kim tự tháp tư thế.

Nằm ngửa và nằm sấp

Nằm ngửa và nằm sấp là mức tư thế thấp nhất mà một đứa trẻ có thể hoạt động.

Tư thế nằm ngửa được định nghĩa là nằm phẳng trên lưng trên một bề mặt nâng đỡ. Chức năng vận động ở mức này có thể bao gồm lăn, vươn bằng các chi trên, nhìn hoặc đẩy cơ thể bằng cách đẩy hai chân đang gập.

Tư thế nằm sấp bao gồm nằm trên bụng với đầu quay sang một bên hoặc nâng lên, nằm sấp trên khuỷu tay, hoặc nằm sấp trên cánh tay duỗi. Có thể di chuyển ở tư thế nằm sấp bằng cách lăn hoặc trườn người trên bụng. Nhiều trẻ đẩy người về phía sau khi nằm sấp trước khi có thể kéo người về phía trước. Trẻ có chi dưới yếu hoặc không phối hợp được thường thực hiện động tác “trườn kiểu đặc công”, chỉ sử dụng hai tay để kéo dọc theo bề mặt nâng đỡ. Động tác này còn được gọi là “trườn kiểu kéo” (drag crawling) nếu hai chi dưới không hỗ trợ tạo ra chuyển động mà bị kéo theo lực kéo của cánh tay.

Hình 2. Trườn kiểu Commando

Ngồi

Ngồi là tư thế cao nhất tiếp theo, giúp trẻ có cơ hội cử động tứ chi trong khi đầu và thân ở tư thế thẳng đứng hơn. Khi ngồi, đứa trẻ được định hướng phù hợp với môi trường xung quanh, mắt hướng theo chiều dọc và miệng theo chiều ngang. Thông thường, trẻ em phát triển tư thế ngồi vào khoảng 6 tháng tuổi. Các cơ ở cổ và thân cùng hướng với trọng lực, và việc duy trì sự thẳng hàng giữa đầu và thân ở tư thế này dễ dàng hơn so với tư thế nằm sấp hoặc nằm ngửa.

Ngồi thẳng giúp trẻ có cơ hội học cách di chuyển trên xe lăn hoặc sử dụng hai tay để ăn, tự chăm sóc và chơi đùa. Giữ tư thế ngồi thẳng đứng có hoặc không có dụng cụ trợ giúp đem lại định hướng thích hợp để tương tác xã hội trong khi trẻ chơi hoặc thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Chẳng hạn như ngồi trên băng ghế để mặc quần áo hoặc ngồi trên ghế có tay vịn để tự ăn hoặc tô màu. Một trẻ lớn có thể chỉ cần hỗ trợ tối thiểu để duy trì tư thế ngồi để thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Một số trẻ chỉ cần hỗ trợ ở phần thắt lưng để khuyến khích và duy trì tư thế ngồi thẳng (hình 3).

Hình 3. Trẻ ngồi trên ghế băng có hỗ trợ xương chậu. 

Các hình thức di chuyển thay thế dành cho trẻ ngồi được bao gồm trượt hoặc lết mông trên sàn nhà, có hoặc không có hỗ trợ tay.

Tư thế bốn điểm (Quadruped)

Đứng bốn chân/4 điểm cho phép bò, xuất hiện vào khoảng thời gian giữa tư thế ngồi độc lập và tư thế đứng thẳng. Ở trẻ em đang phát triển bình thường, tư thế bốn điểm cung cấp khả năng di chuyển nhanh chóng ở tư thế nằm sấp được sửa đổi (tức là bò), trước khi trẻ thành thạo việc di chuyển ở tư thế thẳng đứng.

Hình 4: Tư thế 4 điểm

Tư thế bốn điểm được xem là một tư thế phụ thuộc và gấp người; do đó, nó đã bị lược trong bỏ kim tự tháp tư thế. Đứa trẻ phụ thuộc vì đầu của đứa trẻ không phải lúc nào cũng hướng đúng với môi trường xung quanh, và chỉ với một vài ngoại lệ, tứ chi thì bị gấp lại. 

Trẻ có thể gặp nhiều khó khăn khi học cách bò tay chân luân phiên, vì vậy tư thế này thường bị bỏ qua như một mục tiêu trị liệu. Một số trẻ nhỏ không bò được trước khi biết đi.

Tư thế bốn điểm có thể tạo cơ hội tốt cho trẻ chịu trọng lượng qua hai vai và hông và do đó thúc đẩy sự ổn định ở các khớp gốc chi này. Những cơ hội chịu trọng lượng như vậy là cần thiết để chuẩn bị cho kiểm soát khớp gần, cần thiết để thực hiện quá trình chuyển từ tư thế này sang tư thế khác. Mặc dù tư thế bốn điểm có một số lợi ích cho sự phát triển khả năng kiểm soát thân mình, nhưng vì thân mình phải hoạt động tối đa để chống lại trọng lực, nên có thể sử dụng các hoạt động khác để vận động các cơ thân mình mà không sử dụng tư thế này. Việc đi chệch khỏi trình tự phát triển có thể cần thiết trong trị liệu vì trẻ không có khả năng hoạt động ở tư thế bốn điểm hoặc do trẻ có nguy cơ phát triển co rút do sử dụng quá mức tư thế này.

Tư thế đứng

Mức chức năng cuối cùng và cao nhất là đứng thẳng, và ở tư thế này trẻ có thể tập đi và đi. Hầu hết trẻ phát triển bình thường đạt được tư thế đứng thẳng bằng cách kéo đồ vật để đứng dậy vào khoảng 9 tháng tuổi.

Tư thế đứng có thể làm tăng mật độ khoáng của xương và tầm vận động, giảm co cứng và cải thiện sự ổn định của khớp háng (Paleg và cộng sự, 2013). Đối với trẻ em không thể tự mình đạt được hoặc duy trì tư thế đứng thẳng, một chương trình tập đứng có trợ giúp có thể mang lại lợi ích và là bước đầu tiên hướng tới sự tham gia tích cực vào môi trường.

Vào khoảng 12 – 16 tháng tuổi, hầu hết trẻ em đã biết đi một cách độc lập. Đi lại làm tăng cơ hội cho trẻ mới biết đi khám phá môi trường xung quanh của chúng. Đạt được khả năng đi lại là một trong những mục tiêu điều trị thường sử dụng trong vận động trị liệu. Có thể di chuyển ở tư thế đứng thẳng là một dấu hiệu quan trọng cho thấy một cá nhân là “bình thường”. Đối với một số bậc cha mẹ có con không thể hiện các kỹ năng vận động bình thường, mục tiêu đi lại có thể là một thành tích thậm chí còn lớn hơn, hoặc điều cuối cùng mà đứa trẻ không thể làm được. Những câu hỏi thường gặp nhất mà bạn sẽ nghe khi làm việc với trẻ nhỏ là “Con tôi sẽ đi được hay không?” và “Khi nào thì con tôi biết đi?” Đây là những câu hỏi khó, và tuỳ thuộc vào chẩn đoán cũng như khả năng hiện tại của trẻ.

MỘT SỐ NGUYÊN TẮC CỦA ĐẶT TƯ THẾ 

Các nguyên tắc đặt tư thế bao gồm căn chỉnh/thẳng hàng (alignment/), thoải mái và hỗ trợ. Các xem xét bổ sung bao gồm phòng ngừa biến dạng và sẵn sàng cho vận động. 

Sự căn chỉnh các bộ phận cơ thể

Khi đặt tư thế cơ thể hoặc một bộ phận cơ thể của bệnh nhân, phải xem xét sự căn chỉnh của bộ phận cơ thể hoặc toàn bộ cơ thể. Trong phần lớn các trường hợp, sự căn chỉnh của một bộ phận cơ thể được xem xét cùng với lý do đặt tư thế. Cơ sở của các quy tắc chi phối cách đặt tư thế cơ thể căn chỉnh phù hợp là cần phải phòng ngừa bất kỳ biến dạng tiềm ẩn nào, chẳng hạn như gập lòng bàn chân (co rút gân gót), trật khớp háng hoặc vẹo cột sống.

Ví dụ, tư thế của chi trên so với thân trên thường là ở bên cạnh thân; tuy nhiên, khi bệnh nhân không thể di chuyển cánh tay (như ở bệnh nhân liệt nửa người), nên đặt cánh tay cách xa cơ thể để phòng co rút phần mềm quanh vai (khép vai).

Đặt tư thế tạo sự thoải mái

Sự thoải mái của bệnh nhân cũng rất quan trọng để cân nhắc, bởi vì, bất kể vị trí đó “tốt” đối với chúng ta như thế nào, nếu nó không thoải mái, chúng ta sẽ chuyển sang tư thế khác. Vì vậy, cần tạo sự thoải mái cần thiết khi đặt tư thế cho trẻ, đặt biệt là trẻ khuyết tật.

Ví dụ ghế ngồi cho trẻ vẹo cột sống cần tạo dáng đỡ theo đường cong gù vẹo của thân mình, thay vì cố gắng “chỉnh thẳng”, một điều hiếm khi đạt được với vẹo cột sống cấu trúc.

Đặt tư thế để nâng đỡ, an toàn và ổn định

Đặt tư thế để nâng đỡ, hỗ trợ cũng có thể được xem là đặt tư thế để ổn định, giữ vững. Trẻ em và người lớn thường trở về một số tư thế nhất định mà họ cảm thấy an toàn. Ví dụ, người bị liệt nửa người thường định hướng hoặc chuyển trọng lượng sang bên không bị liệt của cơ thể vì nhận biết thức giác quan, kiểm soát cơ và giữ thăng bằng tốt hơn. Mặc dù tư thế này có thể ổn định, nhưng nó có thể dẫn đến khả năng rút ngắn cơ ở bên liệt và có thể làm giảm chức năng vận động. Các ví dụ khác về các tư thế mang lại sự ổn định về tư thế bao gồm tư thế ngồi chữ W, tư thế ngồi dang rộng chân và tư thế ngồi chống tay duỗi thẳng (Hình ). 

Hình 5. Các Tư Thế Ngồi. (A) Ngồi chữ W (nên tránh tư thế này). (B) Ngồi thẳng hai chân dang rộng. (C) Ngồi chống tay với hai chân dạng.

Tất cả các tư thế này đều có chân đế nâng đỡ rộng để mang lại sự ổn định, vững vàng. Tư thế ngồi chữ W không tốt vì trẻ không phải sử dụng các cơ thân mình để hỗ trợ tư thế. Tư thế ngồi không đối xứng hoặc ngồi với trọng lượng dồn nhiều hơn về một bên có thể làm cho mất cân bằng các cơ thân mình, ví dụ thường gặp là trẻ bại não liệt nửa người.

Khi can thiệp cho những trẻ bị khiếm khuyết thần kinh, thường cần phải xác định các tư thế an toàn và vững, có thể được sử dụng cho các hoạt động của cuộc sống hàng ngày. Đứa trẻ sử dụng tư thế ngồi chữ W vì tư thế này giúp cho hai tay được tự do để chơi cần được cung cấp một tư thế ngồi thay thế có cùng cơ hội để chơi. Các lựa chọn thay thế cho kiểu ngồi chữ W có thể bao gồm một số kiểu ghế ngồi thích ứng, chẳng hạn như ghế góc hoặc ghế ngồi trên sàn (Hình . Một giải pháp đơn giản có thể là cho trẻ ngồi trên ghế để chơi ở bàn thay vì ngồi trên sàn nhà.

Hình 6. Ghế góc có tựa đầu.

Đặt tư thế để tạo thuận vận động

Cân nhắc cuối cùng cho việc đặt tư thế là cung cấp một tư thế tạo thuận cho vận động. Khái niệm này có thể xa lạ với những ai đã quen can thiệp cho bệnh nhân trưởng thành. Người lớn có động lực vận động lớn hơn vì kinh nghiệm trước đó. Ngược lại, trẻ em có thể không có kinh nghiệm di chuyển và thậm chí có thể sợ di chuyển vì trẻ không thể làm như vậy với sự kiểm soát. An toàn là điều tối quan trọng trong việc áp dụng khái niệm này. Một đứa trẻ có thể an toàn trong một tư thế; nghĩa là có thể giữ tư thế và thể hiện phản ứng bảo vệ nếu trẻ bị ngã ra khỏi tư thế. Thông thường, một đứa trẻ chỉ có thể giữ tư thế ngồi nếu chống một hoặc cả hai tay. Nếu trẻ không thể giữ tư thế ngay cả khi chống tay, thì cần phải có một số hình thức nâng đỡ để đảm bảo an toàn khi trẻ ở tư thế đó. Sự hỗ trợ có thể ở dạng một dụng cụ hoặc từ một người khác. 

Bất kỳ tư thế nào bạn đặt trẻ phải cho phép trẻ có cơ hội chuyển trọng lượng trong tư thế để giảm lực đè ép. Khả năng vận động tiếp theo nên là cung cấp cho trẻ cơ hội chuyển từ tư thế ban đầu sang một tư thế khác. Nhiều bệnh nhân, bất kể tuổi tác và vì nhiều lý do, gặp khó khăn trong việc chuyển từ tư thế này sang tư thế khác. Chúng ta thường quên nguyên tắc đặt tư thế này vì chúng ta quan tâm nhiều hơn đến sự an toàn của trẻ trong một tư thế, hơn là về cách tư thế đó có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động. Vì vậy, cần phải tính đến cả khả năng vận động và sự ổn định để chọn các tư thế trị liệu. Các tư thế động là những tư thế trong đó trẻ có thể thể hiện khả năng vận động có kiểm soát; nghĩa là, chuyển trọng lượng để trọng tâm nằm trong chân đế nâng đỡ. Chẳng hạn, trong quá trình phát triển bình thường, đứa trẻ đong đưa hoặc thay đổi trọng lượng ở tư thế chống tay và đầu gối trong một thời gian dài trước khi chuyển sang giai đoạn bò. Khả năng chuyển trọng lượng có kiểm soát trong một tư thế cho thấy sự chuẩn bị và sẵn sàng chuyển từ tư thế đó sang tư thế khác. Ví dụ khi đứa trẻ chuyển từ tư thế bốn điểm sang tư thế ngồi một bên. 

Loại hoạt động mà trẻ dự kiến ​​sẽ thực hiện trong một tư thế cụ thể cũng phải được xem xét khi lựa chọn một tư thế. Ví dụ, tư thế mà trẻ được người chăm sóc cho ăn có thể khác so với tư thế được sử dụng để tự ăn hoặc chơi trên sàn nhà. Tư thế của trẻ phải được thay đổi thường xuyên trong ngày. Ví dụ, có thể cần thay đổi tư thế ngồi khi tắm, cho ăn, mặc quần áo, chơi và đi vệ sinh, tùy thuộc vào mức độ hỗ trợ mà trẻ cần đối với từng hoạt động này. 

Biên dịch bởi: Minh Dat Rehab

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này