Cập nhật lần cuối vào 29/08/2023
Tư thế cung cấp một cơ sở cho vận động và chức năng. Bài viết nằm trong loạt bài về tư thế, thao tác và đặt tư thế cho trẻ khuyết tật.
Minh Dat Rehab
Mục lục
Sự sẵn sàng tư thế VÀ CĂN CHỈNH TƯ THẾ phù hợp
Sự sẵn sàng tư thế (postural readiness) là chuẩn bị thông thường cho vận động. Đó là khả năng của các cơ thể hiện đủ trương lực lúc nghỉ để hỗ trợ vận động. Trương lực lúc nghỉ đầy đủ thể hiện qua khả năng trẻ giữ sự căn chỉnh tư thế thích hợp của cơ thể trước, trong và sau khi thực hiện một nhiệm vụ vận động.
Cần phải căn chỉnh thân mình trước khi cố gắng tạo ra vận động. Ví dụ khi bạn ngồi rũ người trên ghế, tư thế này của bạn không sẵn sàng để hỗ trợ cho vận động đứng dậy. Khi xương chậu bị nghiêng trước hoặc sau quá mức, thân mình sẽ không được đặt ở tư thế thuận lợi để đáp ứng bằng các phản ứng chỉnh thế thích hợp đối với bất kỳ sự dịch chuyển trọng lượng nào.
Khi bạn quan sát thấy trẻ đang nằm hoặc ngồi không đối xứng, hãy đặt tư thế trẻ lại để căn chỉnh thích hợp. Để thúc đẩy chịu trọng lượng lên bàn tay hoặc bàn chân, cần chú ý đến tư thế của các chi. Khi một chi bị xoay quá mức, chi đó có thể bị khoá cứng ở một tư thế, thay vì tạo cơ hội cho các cơ của trẻ tham gia vào giữ tư thế. Ví dụ như một trẻ bị giảm trương lực có khuỷu tay ở tư thế xoay quá mức khi đang cố gắng giữ tư thế chống lên hai bàn tay và hai gối (tư thế bốn điểm).
LỰA CHỌN TƯ THẾ THÍCH HỢP
Ở những trẻ bị khiếm khuyết thần kinh, một số tư thế có thể thuận lợi cho vận động, trong khi những tư thế khác có thể làm tăng bất thường các phản xạ trương lực. Tư thế không phù hợp có thể làm thay đổi trương lực cơ (thông qua các phản xạ nguyên thuỷ), hoặc làm cơ thể không được căn chỉnh phù hợp, vận động sẽ khó khăn hơn, kém hiệu quả hơn và ít có khả năng thành công hơn.
Tư thế nằm ngửa
Ưu điểm
- Có thể bắt đầu chịu trọng lượng sớm qua hai chân khi hai gối gập và bàn chân đặt lên nền. Đặt tư thế của đầu và thân trên gấp về phía trước có thể làm giảm tác dụng của STLR (supine tonic labyrinthine reflex, Phản xạ mê đạo trương lực nằm ngửa).
- Có thể tạo thuận cho sử dụng chi trên khi chơi hoặc khám phá đồ vật. Các chi dưới có thể được đặt tư thế gấp trên một trục lăn, quả bóng hoặc miếng đệm.
Nhược điểm
- Ảnh hưởng của STLR có thể mạnh và không dễ vượt qua.
- Nằm ngửa có thể gây mất định hướng (đây là tư thế nằm ngủ). Mức độ kích thích thấp nhất ở tư thế này, vì vậy có thể khó thu hút trẻ tham gia vào hoạt động có ý nghĩa hơn
Tư thế nằm nghiêng
Ưu điểm
- Rất tốt để làm giảm tác dụng của hầu hết các phản xạ trương lực vì tư thế trung gian của đầu; kéo vai và và xương chậu ra trước; tách thân trên và thân dưới; kéo dài thân mình ở phía dưới; phân tách bên phải và bên trái của cơ thể; và thúc đẩy sự ổn định của thân mình bằng phân ly thân mình trên và dưới.
- Là tư thế tốt để thúc đẩy các vận động chức năng, chẳng hạn như lăn và ngồi dậy, hoặc là chuyển tiếp từ ngồi sang nằm ngửa hoặc nằm sấp.
Nhược điểm
- Có thể khó giữ tư thế này nếu không có hỗ trợ từ bên ngoài hoặc dụng cụ riêng biệt, chẳng hạn như giá đỡ nằm nghiêng.
- Các cơ thân trên có thể bị rút ngắn nếu trẻ luôn nằm nghiêng ở cùng một bên.
Tư thế nằm Sấp
Ưu điểm
- Thúc đẩy chịu trọng lượng thông qua các chi trên (nằm sấp trên khuỷu tay hoặc với tay duỗi thẳng); kéo dài các cơ gấp háng và gối, đồng thời tạo thuận cho khả năng duỗi chủ động của cổ và thân trên.
- Ở trẻ nhỏ hoặc trẻ khuyết tật phát triển nặng, tư thế này có thể tạo thuận cho phát triển khả năng kiểm soát đầu và có thể thúc đẩy mối phối hợp tay-mắt.
- Có thể thúc đẩy các phản ứng bảo vệ ở chi trên nếu bổ sung một mặt phẳng di chuyển được.
- Là tư thế di chuyển trườn, bò
Nhược điểm
- Có thể làm tăng tư thế gấp người do ảnh hưởng của PTLR (Prone tonic labyrinthine reflex, Phản xạ mê đạo trương lực nằm sấp).
- Một số trẻ có thể khó thở hơn do ức chế cơ hoành, mặc dù thông khí có thể tốt hơn.
- Tư thế nằm sấp không được khuyến nghị để ngủ cho trẻ nhỏ vì có liên quan đến gia tăng tỷ lệ mắc hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ.
Tư thế ngồi
Ưu điểm
- Thúc đẩy kiểm soát chủ động đầu và thân mình; có thể chịu trọng lượng qua các chi trên và chi dưới; giải phóng hai tay để chơi; hỗ trợ cho ăn uống, thu nhận thông tin thị giác và tiền đình. Thân mình duỗi được tách ra khỏi hai chân gập.
- Là tư thế tốt để tạo thuận cho các phản ứng chỉnh thế đầu và thân, các phản ứng thăng bằng của thân mình và duỗi bảo vệ của chi trên.
- Ngồi một bên thúc đẩy sự kéo dài và xoay của thân mình.
Nhược điểm
- Trẻ có thể không giữ được khả năng duỗi thân mình vì yếu cơ duỗi hoặc tăng trương lực cơ gấp quá mức. Có thể khó đạt được tư thế ngồi ghế tối ưu (90-90-90) và trẻ có thể cần hỗ trợ bên ngoài.
- Một số tư thế ngồi trên sàn, chẳng hạn như ngồi chéo chân và ngồi chữ W có thể làm dễ co rút các cơ chi dưới.
Tư thế Bốn điểm
Ưu điểm
- Chịu trọng lượng qua cả tứ chi với thân mình hoạt động chống lại trọng lực.
- Cung cấp một cơ hội rất tốt để phân ly và tạo các vận động luân phiên của các chi, và như một tư thế chuyển tiếp sang tư thế ngồi một bên nếu có thể xoay thân.
Nhược điểm
- Có thể khó giữ tư thế gấp do ảnh hưởng của STNR (symmetric tonic neck reflex, Phản xạ trương lực cổ đối xứng), điều này có thể khuyến khích trẻ di chuyển theo kiểu thỏ nhảy (bunny hopping).
- Khi không thể xoay thân mình được để ngồi một bên, trẻ thường trở lại tư thế ngồi chữ W.
Tư thế Quỳ
Ưu điểm
- Quỳ là một tư thế phân ly; thân mình và hai háng duỗi trong khi hai gối gập. Giúp kéo dãn các cơ gập háng.
- Có thể phát triển khả năng kiểm soát hông và xương chậu ở tư thế này.
- Đây có thể là tư thế chuyển tiếp sang và từ tư thế ngồi một bên hoặc nửa quỳ và đứng.
Nhược điểm
- Quỳ có thể khó kiểm soát, và trẻ khuyết tật nặng thường không có khả năng duỗi háng hoàn toàn để quỳ.
Tư thế Đứng
Ưu điểm
- Cho phép chịu trọng lượng qua hai chân và kéo dãn các cơ gấp háng và gấp gối, cũng như các cơ gấp lòng bàn chân; có thể thúc đẩy kiểm soát chủ động đầu và thân mình.
- Tư thế thu nhận thông tin thị giác.
- Tư thế chức năng đi lại
Nhược điểm
- Có thể cần nhiều hỗ trợ từ bên ngoài;
- Có thể không phải là một lựa chọn lâu dài cho trẻ khuyết tật nặng
Tiếp xúc bằng tay (Manual Contacts)
Sử dụng tiếp xúc bằng tay tại các khớp gần để hướng dẫn vận động hoặc củng cố một tư thế. Thường được sử dụng nhất là vai và hông, riêng biệt hoặc kết hợp với nhau, để hướng dẫn vận động từ tư thế này sang tư thế khác. Lựa chọn tiếp xúc bằng tay là một phần của chuẩn bị vận động. Khi đặt vị trí tiếp xúc bằng tay càng gần gốc chi, bạn càng kiểm soát vận động của trẻ nhiều hơn. Di chuyển các vị trí tiếp xúc xa hơn đến khuỷu tay hoặc đầu gối hoặc đến bàn tay và bàn chân đòi hỏi trẻ phải kiểm soát nhiều hơn.
XEM THÊM: CÁC KỸ THUẬT THAO TÁC VÀ KÍCH THÍCH CẢM GIÁC TẠO THUẬN VẬN ĐỘNG
Xoay (Rotation)
Vận động chậm, nhịp nhàng của thân mình và tứ chi thường hữu ích để làm giảm co cứng cơ (Can thiệp 1). Một số trẻ không thể cố gắng thay đổi tư thế nếu không chuẩn bị như vậy. Khi sử dụng các vận động chậm, nhịp nhàng, bạn cũng nên bắt đầu ở các khớp gần.
CAN THIỆP 1. Xoay thân
Ví dụ, nếu có biểu hiện căng ở các chi trên, thì có thể sử dụng lực ép chậm, luân phiên lên thành ngực trước, tiếp theo là kéo xương bả vai ra trước và hạ vai xuống (thường bị nâng lên). Tay của trẻ được xoay ngoài chậm và nhịp nhàng trong khi cánh tay được dạng ra khỏi cơ thể và nâng lên. Dạng và nâng cao cánh tay cho phép kéo dài thân mình, điều này có thể hữu ích trước khi lăn hoặc chuyển trọng lượng khi ngồi hoặc đứng. Luôn bắt đầu từ các khớp gần nhất sẽ mang lại cơ hội thành công cao hơn.
Có thể sử dụng nhiều cách cầm nắm khác nhau khi di chuyển chi trên. Cách cầm nắm thường được sử dụng là cầm nắm kiểu bắt tay, giống như cách nắm ngón tay cái và mô ngón trỏ (Hình vẽ).
Duỗi khớp cổ bàn tay của ngón tay cái của trẻ cũng làm giảm trương lực ở bàn tay. Hãy cẩn thận tránh tạo lực ép vào lòng bàn tay nếu trẻ vẫn có phản xạ nắm ở lòng bàn tay. Đừng cố gỡ ngón tay cái đang bị mắc kẹt trong một bàn tay nắm chặt mà không trước hết cố gắng thay đổi tư thế của toàn bộ chi trên.
Khi trẻ bị tăng trương lực cơ ở chi dưới, hãy bắt đầu bằng ấn luân phiên vào xương chậu (gai chậu trước trên), đầu tiên ở bên này rồi sau đó bên kia (Can thiệp 2). Khi bạn tiếp tục đung đưa xương chậu của trẻ một cách chậm rãi và nhẹ nhàng, hãy xoay khớp háng ra ngoài ở phần đùi trên. Khi trương lực giảm đi, hãy nâng chân của trẻ để gấp chân vì gấp háng và gối có thể làm giảm đáng kể xu hướng duỗi chân. Với hai gối của trẻ gập lại, tiếp tục xoay chậm, nhịp nhàng một hoặc cả hai chân và đặt hai chân vào tư thế nằm móc (nằm gấp gối háng). Có thể tạo lực ép từ hai gối hướng vào khớp háng và vào bàn chân để củng cố tư thế gấp chân này. Hai háng và gối càng gấp thì khả năng chân bị duỗi cứng càng thấp, vì vậy trong trường hợp tăng trương lực cơ quá mức, có thể đưa hai gối đến phía ngực bằng cách tiếp tục xoay chậm hai gối đang gấp qua thân mình. Bằng cách đặt đầu và thân trên của trẻ gấp lại ở tư thế nằm ngửa, bạn cũng sẽ dễ dàng gấp hai chân hơn. Có thể sử dụng nệm tam giác, miếng đệm hoặc gối để hỗ trợ phần thân trên của trẻ ở tư thế nằm ngửa.
CAN THIỆP 2. Ép lên xương chậu Luân phiên.
Người chăm sóc nên tránh đặt trẻ nằm ngửa mà không gấp đầu và phần thân trên, vì hai chân có thể bị duỗi cứng do phản xạ mê đạo trương lực khi nằm ngửa. Xoay thân dưới bắt đầu bằng một hoặc cả chân của trẻ cũng có thể được sử dụng như một hoạt động chuẩn bị trước khi thay đổi tư thế, chẳng hạn như lăn từ nằm ngửa sang nằm sấp (Can thiệp 3).
CAN THIỆP 3. Xoay thân dưới và Lăn từ Nằm ngửa sang nằm sấp.
Nếu háng và đầu gối của trẻ bị gấp và khép vào quá mức, hãy lắc nhẹ xương chậu của trẻ bằng cách di chuyển hai chân sang tư thế dạng bằng cách tạo một lực ép lên mặt trong của hai gối hướng ra ngoài, và lực ép từ hai gối hướng xuống hai háng để cho phép bạn từ từ duỗi ra và dạng chân của trẻ ra (Can thiệp 4).
CAN THIỆP 4. Xoay thân dưới và đong đưa xương chậu.
Khi trẻ bị tăng trương lực toàn thể, chẳng hạn như ở trẻ bại não liệt tứ chi, việc đung đưa chậm trong khi trẻ nằm sấp trên quả bóng có thể làm giảm trương lực đủ để cho phép bắt đầu vận động dịch chuyển, chẳng hạn như lăn sang một bên hoặc nâng đầu khi nằm sấp (Can thiệp 5).
CAN THIỆP 5. Sử dụng bóng để làm giảm trương lực cơ và nâng đầu.
XEM VIDEO: