GIẢI PHẪU THẦN KINH: DÂY THẦN KINH NÁCH

Cập nhật lần cuối vào 09/01/2024

Tên tiếng Anh: Axillary Nerve

Dây thần kinh nách là dây thần kinh ngoại biên lớn của chi trên, xuất phát từ đám rối cánh tay.

XEM THÊM: GIẢI PHẪU CHỨC NĂNG HỆ THẦN KINH: ĐÁM RỐI CÁNH TAY

Mục lục

Tổng quan

  • Rễ: C5 và C6, đôi khi chỉ có đơn độc C5.
  • Chức năng vận động: phân bố cho cơ tròn bé và cơ delta
  • Chức năng cảm giác: cho nhánh bì cánh tay ngoài trên, chi phối cảm giác cho vùng dưới của cơ delta (vùng da bao trùm đầu dài cơ tam đầu, gọi là vùng phù hiệu trung đoàn – regimental badge area)
Hình 1: Đường đi của dây thần kinh nách.

Giải phẫu đường đi và phân nhánh 

Dây thần kinh nách được hình thành trong vùng nách của chi trên. Nó là sự tiếp nối trực tiếp của bó sau từ đám rối cánh tay – và chứa các sợi từ rễ thần kinh C5 và C6.

Ở nách, dây thần kinh nách nằm phía sau động mạch nách và phía trước cơ dưới vai. Nó đi ra khỏi nách ở bờ dưới cơ dưới vai qua lỗ tứ giác, thường đi kèm với động mạch và tĩnh mạch mũ cánh tay sau.

Dây thần kinh nách sau đó đi vào trong tới cổ phẫu thuật của xương cánh tay, nơi nó chia thành ba nhánh tận cùng:

  • Nhánh tận sau – cung cấp sự phân bố vận động cho phần sau của cơ delta và cơ tròn bé. Nó cũng phân bố thần kinh cho da ở phần dưới của cơ delta, là dây thần kinh bì cánh tay ngoài trên.
  • Nhánh tận trước – quấn quanh cổ phẫu thuật của xương cánh tay và chi phối vận động cho mặt trước của cơ delta. Nó kết thúc bằng các nhánh da tới phía trước và trước ngoài của vai.
  • Nhánh khớp – phân bố cho khớp ổ chảo cánh tay

CHỨC NĂNG

Chức năng vận động

Dây thần kinh nách chi phối cơ tròn bé và cơ delta.

  • Cơ tròn bé (Teres minor) – là một phần của các cơ chóp xoay có tác dụng ổn định khớp ổ chảo cánh tay. Nó có tác dụng xoay ngoài khớp vai và được chi phối bởi nhánh tận sau của dây thần kinh nách.
  • Cơ delta – nằm ở phía trên của vai. Cơ có tác dụng gấp, duỗi và dạng vai (khớp ổ chảo cánh tay) và được chi phối bởi nhánh tận trước của dây thần kinh nách.

Lưu ý: Có một số bằng chứng từ nghiên cứu trên tử thi cho thấy dây thần kinh nách cũng có thể chi phối đầu ngoài của cơ tam đầu cánh tay.

Chức năng cảm giác

Thành phần cảm giác của dây thần kinh nách được dẫn truyền qua nhánh tận sau của nó.

Sau khi nhánh tận sau của dây thần kinh nách đã phân bố vào cơ tròn bé, nó tiếp tục là dây thần kinh bì cánh tay ngoài trên. Nó phân bố cho da ở phần dưới của cơ delta (“vùng huy hiệu trung đoàn”).

Ở bệnh nhân bị tổn thương dây thần kinh nách, cảm giác ở vùng huy hiệu trung đoàn có thể bị suy giảm hoặc mất. Bệnh nhân cũng có thể bị dị cảm (như kim châm) trong sự phân bố của dây thần kinh nách.

Liên hệ lâm sàng

Tổn thương dây thần kinh nách do chấn thương

Dây thần kinh nách có thể bị tổn thương do chấn thương ở đầu trên xương cánh tay hoặc đai vai. Nó thường biểu hiện cùng với các tổn thương đám rối cánh tay khác.

Các cơ chế chấn thương thường gặp bao gồm gãy cổ phẫu thuật xương cánh tay, trật khớp vai hoặc chấn thương do thầy thuốc trong khi phẫu thuật vai.

Biểu hiện:

  • Chức năng vận động – cơ delta và cơ tròn bé sẽ bị ảnh hưởng, khiến bệnh nhân không thể dạng cánh tay bị ảnh hưởng quá 15 độ. Yếu các động tác gấp, dạng, duỗi và xoay ngoài vai.
  • Chức năng cảm giác – dây thần kinh da bên trên của cánh tay sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến mất cảm giác ở phần dưới cơ delta (‘vùng huy hiệu trung đoàn’).
  • Các nghiệm pháp lâm sàng bao gồm trễ duỗi cơ delta và trễ xoay ngoài. Tổn thương mạn tính của dây thần kinh nách có thể dẫn đến tê kéo dài ở vùng ngoài vai, teo cơ và đau thần kinh.
Hình 4: Vùng huy hiệu quân đoàn
Hình 5: Tổn thương dây thần kinh nách do trật khớp vai

Chèn ép ở lỗ tứ giác

Lỗ (khoang) tứ giác (Quadrangular Space): là một khoảng trống trong các cơ của vùng bả vai sau. Đó là con đường để các cấu trúc mạch máu thần kinh di chuyển từ nách ra phía sau vai và cánh tay. Nó được giới hạn bởi:

  • Bờ trên – mặt dưới của cơ tròn bé
  • Bờ dưới – mặt trên của cơ tròn lớn
  • Bờ ngoài – cổ phẫu thuật của xương cánh tay.
  • Bờ trong – đầu dài của cơ tam đầu cánh tay
  • Phía trước – Cơ dưới vai
Hình 6: Mặt sau của vùng vai, thể hiện lỗ tứ giác. Cơ dưới vai nằm ở phía trước nên không thể nhìn thấy được.)

Dây thần kinh nách, động mạch và tĩnh mạch mũ cánh tay sau đi qua lỗ tứ giác. Những cấu trúc này có thể bị chèn ép do chấn thương, phì đại cơ hoặc tổn thương chiếm chỗ; dẫn đến yếu kém của cơ delta và cơ tròn bé. Điều này đặc biệt phổ biến ở các vận động viên thực hiện các hoạt động đưa tay qua đầu.

Bệnh liệt Erb ở trẻ sơ sinh

Liệt Erb là tình trạng do tổn thương các rễ C5 và C6 của đám rối cánh tay. Do đó, dây thần kinh nách bị ảnh hưởng và người bệnh thường không thể dạng hoặc xoay ngoài vai. Nó thường xảy ra do kéo căng quá mức cổ và vai khi đẻ, làm căng các rễ thần kinh. 

XEM THÊM: TỔN THƯƠNG ĐÁM RỐI THẦN KINH CÁNH TAY Ở TRẺ SƠ SINH

Tham khảo chính: Teach Me Anatomy: Axillary nerve

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này