Bài viết đề cập đến các sinh hoạt hàng ngày cần thiết (IADL) và một số hoạt động quan trọng khác với trẻ trong Hoạt động Trị liệu Nhi khoa.
XEM LẠI: CÁC HOẠT ĐỘNG. PHẦN 1: CÁC SINH HOẠT HÀNG NGÀY
Mục lục
IADL:Các Sinh hoạt hàng ngày cần thiết
Các Sinh hoạt hàng ngày cần thiết (Instrumental Activities of Daily Living), hay là quan trọng là những hoạt động phức tạp của cuộc sống hàng ngày cần thiết để hoạt động sống độc lập ở nhà, trường học hoặc cộng đồng. Hộp 1 liệt kê tất cả các danh mục có trong IADL.
Hộp 1. Các sinh hoạt hàng ngày cần thiết (IADL)
• Chăm sóc người khác • Chăm sóc thú cưng • Nuôi dưỡng trẻ • Quản lý giao tiếp (Communication management) • Di chuyển cộng đồng (Community mobility) • Quản lý tài chính (Financial management) • Quản lý và duy trì sức khỏe (Health management and maintenance) • Xếp đặt và quản lý nhà cửa (Home establishment and management) • Chuẩn bị và dọn dẹp bữa ăn (Meal preparation and cleanup) • Tham dự các buổi lễ tôn giáo (Religious observance) • Giữ an toàn và đáp ứng khẩn cấp (Safety and emergency maintenance) • Mua sắm |
Trong thời thơ ấu, trẻ em học các nhiệm vụ quản lý nhà giúp các em tham gia vào các sinh hoạt thường ngày của gia đình và các kỹ năng di chuyển trong cộng đồng giúp các em hoạt động khi ở bên ngoài nhà. Khi lớn lên, chúng có thể được giao trách nhiệm chăm sóc người khác, như các em bé hơn.
Các kỹ năng sẵn sàng (Readiness Skills)
Các kỹ năng sẵn sàng là cần thiết để tham gia thành công vào việc quản lý nhà ở, di chuyển cộng đồng và chăm sóc các hoạt động của người khác. Kỹ năng sẵn sàng cụ thể có liên quan đến các nhiệm vụ cụ thể.
Phân tích hoạt động (chia hoạt động thành các bước) có thể xác định các kỹ năng sẵn sàng cần thiết để thực hiện một nhiệm vụ cụ thể.
- Ví dụ, việc dọn giường đòi hỏi sự phối hợp của cả hai tay, kỹ năng sắp xếp thứ tự (sequencing skills), và cầm nắm tinh kiểu búp – búp (pad-to-pad pich).
- Việc dọn bàn ăn đòi hỏi sự sắp xếp theo trình tự, giữ thăng bằng và khéo léo khi mang và đặt chén đĩa, thức ăn.
- Các kỹ năng sẵn sàng với các nhiệm vụ khác nhau thì khác nhau. Ví dụ chăm một em nhỏ sẽ khác với chăm sóc thú cưng.
- Bối cảnh và môi trường mà trẻ tham gia hàng ngày quyết định các kỹ năng sẵn sàng mà trẻ em và thanh thiếu niên thu nhận được.
Quản lý nhà (Home Management)
Các hoạt động quản lý nhà cửa là những nhiệm vụ cần thiết để có được và duy trì tài sản cá nhân và gia đình của một cá nhân. Bối cảnh ảnh hưởng đáng kể đến sự tham gia của trẻ vào các nhiệm vụ quản lý nhà cửa. Độ tuổi của trẻ em và môi trường thể chất, xã hội và văn hóa quyết định vai trò của chúng trong lĩnh vực này. Trẻ em có thể có những công việc mà chúng phải thực hiện theo lịch trình thường xuyên. Ví dụ về các công việc nhà bao gồm dọn giường, dọn bàn ăn, quét nhà, nhổ cỏ.
Di chuyển cộng đồng
Di chuyển trong cộng đồng bên ngoài nhà là rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Trong những năm học nhà trẻ, mẫu giáo, di chuyển trong cộng đồng có thể có nghĩa là phải đi cùng cha mẹ; trong thời niên thiếu, nó có thể là đạp xe để mua đồ vặt. Các yếu tố môi trường có tác động đến khả năng di chuyển có thể là đông người, ngã tư đường, giao thông công cộng và các rào cản về kiến trúc. Những kỳ vọng của gia đình và văn hóa cũng quyết định độ tuổi và tính độc lập của các kỹ năng di chuyển trong cộng đồng.
Chăm sóc người khác/ vật nuôi
Chăm sóc người khác đề cập đến việc bảo vệ và nuôi dưỡng vật nuôi hoặc con người khác. Cũng như việc quản lý nhà, việc chăm sóc người khác cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi bối cảnh hoạt động. Trong những gia đình đông người, anh chị có thể phải giúp đỡ cha mẹ trong việc chăm sóc em hoặc ông bà. Tuỳ hoàn cảnh, trẻ có thể hỗ trợ gia đình việc cho ăn và chăm sóc các vật nuôi như gà, lợn, hoặc chó mèo…
XEM THÊM:
Thang đo Sinh hoạt hàng ngay VnRAs 2.0
Nghỉ ngơi và ngủ (Rest and Sleep)
- Trẻ sơ sinh sẽ ngủ khoảng 16 đến 17 giờ mỗi ngày, thường thành các khoảng kéo dài từ 3 đến 4 giờ.
- Từ 2 tuần tuổi cho đến 3 đến 4 tháng, trẻ thường quấy khóc vào cuối ngày. Trẻ sơ sinh mệt mỏi suốt cả ngày, trở nên không thể điều chỉnh phản ứng của mình đối với các yếu tố gây căng thẳng về môi trường.
- Đến 3 đến 4 tháng, bé bắt đầu thích nghi với chu kỳ ngủ-thức của cha mẹ (và dạ dày đang phát triển và chứa được nhiều sữa hơn), và có thể ngủ mỗi lần tới 7 hoặc 8 tiếng.
- Trẻ từ 4 đến 7 tháng tuổi sẽ ngủ từ 9 đến 18 giờ mỗi ngày (trung bình là 13 giờ mỗi ngày). Hầu hết các bé ở độ tuổi này đều ngủ ngắn một lần vào buổi sáng và một lần nữa sau bữa trưa.
- Trẻ em trong độ tuổi đi học thường cần ngủ từ 10 đến 12 giờ mỗi đêm, và thanh thiếu niên thường cần ngủ 8 – 9 tiếng mỗi ngày.
- Việc đi ngủ có thể khó khăn, đặc biệt nếu trẻ rất mệt hoặc nếu các anh chị hoặc người lớn vẫn còn thức. Cách tốt nhất để chuẩn bị là thiết lập thói quen đi ngủ đúng giờ. Thói quen này có thể bao gồm tắt tất cả các thiết bị điện tử 1 giờ trước khi đi ngủ, chơi lặng lẽ trong phòng, chọn một cuốn sách để đọc và khi đọc xong cuốn sách đó, tắt đèn và đi ngủ.
Học tập
Các hoạt động giáo dục là những cơ hội tạo điều kiện thuận lợi trẻ học tập. Những hoạt động này có thể chính thức hoặc không chính thức. Các hoạt động giáo dục chính thức là những hoạt động có tổ chức, cấu trúc và có thể được luật pháp quy định cho các nhóm tuổi cụ thể. Những hoạt động này được cung cấp trong các môi trường như chương trình mầm non, trung tâm chăm sóc ban ngày, trường học. Các hoạt động giáo dục không chính thức ít có cấu trúc hơn và diễn ra ở nhiều môi trường khác nhau. Ví dụ về các hoạt động mà trẻ nhỏ tham gia bao gồm chơi ở trường với anh chị lớn và chơi trò chơi mua sắm với các bạn cùng lứa tuổi. Thanh thiếu niên thường xuyên cùng học với nhau, tạo cơ hội học tập không chính thức.
Kỹ năng sẵn sàng
Kỹ năng sẵn sàng là những khả năng thực hiện cần thiết để tham gia hiệu quả vào các hoạt động giáo dục và học nghề. Sẵn sàng là một giai đoạn chuẩn bị cho “điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”. Các kỹ năng sẵn sàng khác nhau cần thiết cho các nhiệm vụ khác nhau. Kỹ năng sẵn sàng phải được xem xét trong bối cảnh thời gian và môi trường. Độ tuổi theo thời gian của trẻ có liên quan trực tiếp đến các kỹ năng sẵn sàng cần thiết. Ví dụ, kỹ năng sẵn sàng được mong đợi ở học sinh mẫu giáo khác với các kỹ năng được mong đợi ở học sinh trung học. Môi trường xã hội, văn hóa và thể chất cũng ảnh hưởng đến các mong đợi về sự sẵn sàng.
Kỹ năng sẵn sàng cho trẻ mầm non
Trẻ bước vào chương trình mầm non cần có những kỹ năng sẵn sàng nhất định, bao gồm độc lập trong việc đi vệ sinh với sự hỗ trợ tối thiểu để cài quần áo, độc lập ăn uống và hành vi chơi hợp tác. Trẻ học mầm non cũng cần phải hiểu các quy tắc và lịch trình. Các cháu cần thể hiện sự bắt đầu trưởng thành về hành vi và cảm xúc (như là kiểm soát tính tình và thay đổi tâm trạng).
Kỹ năng sẵn sàng vào mẫu giáo
Trẻ đi học mẫu giáo cần có những kỹ năng sẵn sàng của một trẻ mầm non thông thường kèm theo các kỹ năng chuẩn bị cho học tập. Trẻ phải có khả năng ngồi yên khi nghe kể chuyện và phải có đủ kỹ năng vận động tinh để tô màu và thao tác với các đồ vật nhỏ. Trẻ phải có các kỹ năng vận động thô như chạy, nhảy và có thể nhận biết được chữ và số.
Kỹ năng sẵn sàng ở trường tiểu học
Trẻ em học tiểu học được mong đợi sẽ có tính tự lập và kỹ năng hoạt động tốt hơn so với trẻ mẫu giáo. Với trẻ học nội trú, độc lập vệ sinh và ăn uống là cần thiết. Trẻ phải ngồi trên ghế lớp học trong thời gian dài. Mong đợi về kỹ năng đọc, viết, đánh vần và làm toán tăng dần theo cấp lớp. Trẻ đang học tiểu học cần có đủ kỹ năng nhận thức và vận động để tham gia các trò chơi và các môn thể thao có tổ chức.
Kỹ năng sẵn sàng cho thanh thiếu niên
Các kỹ năng sẵn sàng giáo dục cho trẻ học phổ thông được xây dựng dựa trên những năng lực đạt được trong các giai đoạn trước đó. Cần có các kỹ năng xã hội và cách cư xử phù hợp, đồng thời tăng cường kỹ năng tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề và phát triển ý tưởng. Trẻ học cách viết văn biểu cảm trong giai đoạn này và phải sẵn sàng thực hiện các hoạt động nhận thức và vận động. Trong thời kỳ này, trẻ em và thanh thiếu niên cũng bắt đầu tìm kiếm sự độc lập. Các em đặt câu hỏi với các thầy cô nhưng phải học cách làm việc với họ một cách hiệu quả trong môi trường giáo dục.
Các Hoạt động NGHỀ NGHIỆP/việc làm
Để chuẩn bị bước vào thế giới việc làm khi trưởng thành, thanh thiếu niên tham gia vào nhiều hoạt động nghề nghiệp khác nhau. Các hoạt động nghề nghiệp này có thể chính thức (như việc làm), hoặc không chính thức (như làm phụ thêm, bán hàng …). Giống như quản lý nhà cửa và chăm sóc người khác, các hoạt động dạy nghề mà trẻ em hoặc thanh thiếu niên có thể tham gia bị ảnh hưởng đáng kể bởi bối cảnh hoạt động của cá nhân đó.
Kỹ năng sẵn sàng cho các hoạt động nghề nghiệp rất đa dạng. Để tham gia thành công vào các hoạt động nghề nghiệp chính thức, các kỹ năng như sự nhanh nhẹn, trang phục phù hợp và giao tiếp hiệu quả với đồng nghiệp và người giám sát là rất quan trọng. Phân tích hoạt động có ích khi xem xét các hoạt động nghề nghiệp phù hợp.
Hoạt động vui chơi/giải trí
Chơi là nghề của trẻ. Thông qua vui chơi, trẻ học các kỹ năng nhận thức, cảm xúc xã hội, vận động và ngôn ngữ. Ở tuổi trưởng thành, vui chơi thường dưới hình thức các hoạt động giải trí, không gắn liền với các nghĩa vụ và trách nhiệm tốn thời gian. Trong các hoạt động vui chơi và giải trí, trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn rèn luyện các kỹ năng, thư giãn, suy nghĩ và tham gia vào hoạt động sáng tạo. Trẻ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và tính linh hoạt cũng như kỹ năng vận động trong khi chơi. Một điều quan trọng là trẻ cần nhiều kỹ năng khác nhau để tham gia chơi, chẳng hạn như kỹ năng vận động (ví dụ: điều hợp, sức mạnh, thăng bằng, thời gian, trình tự), kỹ năng xã hội (ví dụ: chia sẻ, thương lượng, giao tiếp) và kỹ năng nhận thức (ví dụ: giải quyết vấn đề, sáng tạo, lập kế hoạch).
Vui chơi bao gồm nhiều kỹ năng khác nhau và chiếm phần lớn thời gian trong ngày của trẻ. Vì vậy, các KTV HDTL phải có hiểu biết vững vàng về sự phức tạp của nó.
Định nghĩa của trò chơi
Các học giả đã đấu tranh trong nhiều thế kỷ để định nghĩa hơi. Trò chơi được xem như là:
- Phương pháp giải phóng năng lượng dư thừa
- Mối liên hệ trong quá trình biến đổi tiến hóa từ động vật sang con người.
- Một phương pháp để thực hành các kỹ năng sống
- Một thái độ hoặc tâm trạng.
Khung Thực hành Hoạt Động Trị liệu định nghĩa các hoạt động vui chơi hoặc giải trí là “bất kỳ hoạt động tự phát hoặc có tổ chức nào mang lại sự thích thú, giải trí, vui vẻ hoặc tiêu khiển.”
Các lý thuyết gần đây hơn khẳng định rằng vui chơi mang lại sự kích thích cần thiết để thỏa mãn nhu cầu sinh lý nhằm đạt được sự kích thích tối ưu. Các nhà lý thuyết mô tả vui chơi dưới góc độ phát triển các kỹ năng nhận thức, cảm xúc, xã hội, ngôn ngữ và vận động. Các nhà lý thuyết này cho rằng chơi phát triển khi trẻ học những kỹ năng cần thiết. Ví dụ,
- Piaget đề xuất rằng trò chơi của trẻ em được phát triển từ trò chơi cảm giác vận động (thực hành) đến trò chơi biểu tượng và các trò chơi có quy tắc khi trẻ thu được các kỹ năng nhận thức. Bảng 1 mô tả các giai đoạn chơi của Piaget.
- McCune-Nicolich đề xuất rằng trẻ em nên tham gia nhiều hơn vào các trò chơi tưởng tượng khi kỹ năng ngôn ngữ của chúng phát triển. (Bảng 2 cung cấp mô tả về tiến trình của trò chơi tượng trưng hoặc trò chơi tưởng tượng.)
- Các nhà lý thuyết ban đầu như Erikson và Freud tin rằng trẻ em giải quyết được những xung đột cảm xúc trong khi chơi. Các nhà phân tâm học cũng đưa ra giả thuyết rằng trò chơi có thể được sử dụng để đánh giá các xung đột.
- Các nhà lý thuyết phát triển đã mô tả những thay đổi trong trò chơi về mặt tiến triển kỹ năng vận động. Họ chia trò chơi thành các loại chức năng (vận động cảm giác), xây dựng (thao tác), đóng kịch (“giả vờ”) và hình thức (được chi phối bởi quy tắc).
- Parham đã xác định các khía cạnh xã hội của chơi khi tăng tiến từ chơi đơn độc đến chơi song song và chơi theo nhóm.
BẢNG 1. Các giai đoạn chơi của Piaget
TUỔI (năm) | GIAI ĐOẠN | ĐẶC ĐIỂM |
0–2 | Vận động cảm giác | Thực hành các trò chơi, hành vi khám phá, hành vi phản xạ, lặp lại |
2–6 | Tượng trưng | Sử dụng đồ vật tưởng tượng, chơi giả vờ |
6–10 | Trò chơi có luật | Tham gia các môn thể thao, hoạt động đồng đội (nhóm) với các luật, mục tiêu linh hoạt |
BẢNG 2. Chơi tượng trưng (symbolic play)
TUỔI (tháng) | ĐẶC ĐIỂM CHƠI |
12 | Chơi hướng tới bản thân Bắt chước pat-a-cake và các vận động khác Trò chơi giả vờ đơn giản hướng tới bản thân (ăn, ngủ) Bắt chước hành động quen thuộc |
18–24 | Chơi nhập vai với đồ vật (chẳng hạn như cho búp bê ăn) Sử dụng các đồ vật phi thực tế để giả vờ |
24–36 | Tham gia vào các tình huống nhiều bước (chẳng hạn như tắm cho búp bê, mặc quần áo cho búp bê và đặt búp bê lên giường) |
36–48 | Sử dụng ngôn ngữ trong khi chơi Kế hoạch trước và phát triển câu chuyện Diễn xuất các trình tự bằng hình ảnh thu nhỏ |
48 | Trò chơi tưởng tượng Nhập vai toàn bộ kịch bản Xây dựng câu chuyện với các nhân vật “giả vờ” |
Học kỹ năng Chơi
Trẻ em có được các kỹ năng vui chơi khi trẻ trưởng thành và phát triển, đồng thời vui chơi tạo cơ hội cho sự phát triển. Ví dụ, một đứa trẻ cần giữ thăng bằng và phối hợp để đi xe đạp. Đồng thời, việc đạp xe giúp cải thiện khả năng giữ thăng bằng và phối hợp của trẻ.
Bảng 3 cung cấp thông tin tóm tắt về các đồ chơi và hoạt động vui chơi phù hợp với các nhóm tuổi khác nhau.
BẢNG 3. Đồ chơi và hoạt động vui chơi dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau
TUỔI (năm) | ĐỒ CHƠI VÀ HOẠT ĐỘNG |
0–1 | Thao tác, giác quan: lục lạc, âm thanh âm nhạc, chuông, xích đu, đồ chơi mềm, hộp, xoong chảo, thìa gỗ, sách |
1–2 | Vận động, thao tác, giác quan: đồ chơi kéo đẩy, quả bóng, hạt xâu chuỗi, đồ chơi bật lên, điện thoại đồ chơi, sách nhạc, đồ chơi ồn ào, đồ chơi cưỡi lên, xe tải, đồ chơi nhân quả |
2–4 | Chơi giả vờ, vận động, thao tác, giác quan: búp bê, xe tải, nhân vật hành động, đất nặn, bút đánh dấu, chơi dưới nước, bóng, hình khối, Lego, sách, đồ chơi hóa trang, mũ, giày, quần áo, xe ba bánh |
4– 6 | Chơi giả vờ, hoạt động thủ công, vận động: xích đu, tập thể dục, xe đạp, xe ba bánh, trò chơi bóng, hạt, vẽ tranh, đất nặn, nghệ thuật và thủ công, búp bê, nấu ăn, trò chơi nhóm |
6–8 | Chơi giả vờ, hoạt động thủ công, vận động: chơi thể dục, nhảy dây, trò chơi phối hợp (ví dụ: tránh xa bóng), nghệ thuật và thủ công, bộ dụng cụ bằng gỗ, máy bay mô hình, vẽ tranh, vẽ, trượt băng, đạp xe, bơi lội |
8–10 | Vận động, trò chơi nhóm, vận động: bóng rổ, bóng chày, bóng đá, đạp xe, trượt ván, quần vợt, bơi lội, bóng chuyền, nghệ thuật và thủ công đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn, nấu ăn, sưu tầm |
10 | Vận động, trò chơi thử thách, vận dụng khéo léo để tạo ra các sản phẩm: thi đấu thể thao, may vá, đan lát, chế biến gỗ, bowling, đi bộ, đi chơi ở biển, thả diều, chèo thuyền, cắm trại, đọc sách |
Ý nghĩa phát triển của vui chơi và giải trí
Vui chơi đóng vai trò quan trọng trong từng giai đoạn phát triển. Nó mang đến cho trẻ cơ hội phát triển các kỹ năng vận động, cảm xúc xã hội, nhận thức và ngôn ngữ. Vui chơi còn cho phép trẻ tương tác với người khác, thử thách bản thân và xác định điểm mạnh, điểm yếu của bản thân; do đó, vui chơi góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Vui chơi và giải trí vẫn quan trọng trong suốt cuộc đời của một người. Mọi người tham gia vào các hoạt động vui chơi và giải trí vì họ thích chúng và có động cơ bên trong để tham gia vào trò chơi.
XEM THÊM: CHƠI VÀ VUI ĐÙA. PHẦN 1. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA CHƠI.
Tham gia xã hội (Social Participation)
Sự tham gia xã hội bao gồm các mẫu hành vi có tổ chức được mong đợi khi một đứa trẻ tương tác với những người khác trong một hệ thống xã hội nhất định, chẳng hạn như gia đình, nhóm bạn bè hoặc cộng đồng. Trẻ khuyết tật hoặc trẻ có nhu cầu đặc biệt là thành viên của một (hệ thống) gia đình của trẻ. Những can thiệp có tác động đến một thành viên trong hệ thống gia đình cũng có tác động đến tất cả các thành viên của hệ thống đó. Vì vậy, điều quan trọng là những KTV HDTL phải hiểu được hệ thống gia đình. Tương tự như vậy, bạn bè cùng lứa có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến sự sẵn sàng thực hiện một nhiệm vụ của trẻ. Ví dụ: nếu bạn bè chế nhạo một dụng cụ trợ giúp, thiết bị thích ứng, trẻ sẽ không sử dụng dụng cụ này. Cân nhắc các thói quen xã hội cũng như bối cảnh văn hóa và vật lý của trẻ rất quan trọng trong việc xác định các kỹ thuật can thiệp thích hợp. Hiểu được các vấn đề mà trẻ khuyết tật hoặc trẻ có nhu cầu đặc biệt phải đối mặt có thể giúp những KTV HDTL giải quyết tốt hơn các nhu cầu tham gia xã hội của trẻ.
Trẻ em có thể bị hạn chế tiếp cận các hoạt động vì khuyết tật. Nhiều phụ huynh không cho phép con mình tham gia các hoạt động ngoài giờ vì cho rằng thiếu sự giám sát đầy đủ. Khi trẻ phát triển mong muốn hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa ở xa gia đình, các vấn đề mới sẽ nảy sinh. Ví dụ, các hoạt động và thể thao mang tính cạnh tranh trở nên có giá trị hơn trong những năm trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tuy nhiên, trẻ em có nhu cầu đặc biệt có thể bị loại khỏi các hoạt động này. Các vấn đề khác cản trở sự tham gia xã hội của trẻ khuyết tật bao gồm thiếu phương tiện đi lại, chi phí quá cao và không thể tiếp cận sự kiện. Ví dụ, trẻ em ngồi xe lăn cần có phương tiện di chuyển đặc biệt mà có thể không có sẵn ở các cộng đồng, nông thôn.
Minh Dat Rehab. Lược dịch từ: Pediatric Skills for Occupational Therapy Assistants. 4th edition. Elservier. 2016. Có sửa đổi, bổ sung.