CÁC CAN THIỆP THÚC ĐẨY SINH HOẠT HÀNG NGÀY: CHĂM SÓC KHI ĐI VỆ SINH

DẪN NHẬP

Bài viết là một phần của loạt bài viết về các can thiệp sinh hoạt hàng ngày trong Hoạt động Trị liệu Nhi khoa.
XEM THÊM: CÁC CAN THIỆP THÚC ĐẨY SINH HOẠT HÀNG NGÀY: ĂN VÀ CHO ĂN

Mục lục

CHĂM SÓC KHI ĐI VỆ SINH 

Nghiên cứu trường hợp

Kara là một cô bé 13 tuổi bị tai nạn xe máy cách đây một tháng. Cháu bị gãy xương đầu trên xương cánh tay phải và hiện đang được điều trị hoạt động trị liệu ngoại trú. Vì hiện tầm vận động của tay phải bị hạn chế nên cháu cần được hỗ trợ chăm sóc khi đi vệ sinh. Cháu cảm thấy xấu hổ vì cần phải có ai đó giúp cháu thực hiện nhiệm vụ cá nhân này và hỏi người KTV xem liệu có thể làm gì để giúp cháu nhanh chóng độc lập hơn trong thực hiện nhiệm vụ hay không.

KTV cho rằng giới hạn tầm vận động chỉ là tạm thời do bị gãy xương. KTV hướng dẫn sử dụng áo quần thích ứng bằng cách gợi ý trẻ mặc loại quần không đòi hỏi phải sử dụng cả hai tay để buộc hoặc cởi quần áo, và quần áo có thể cởi ra dễ dàng. Cô còn cung cấp cho Kara một số mẹo về cách sử dụng một tay để chăm sóc khi đi vệ sinh. Klara quyết định mang theo khăn lau của riêng mình để đảm bảo có thể tự lau sạch. Bằng cách để khăn lau trong túi, trẻ không cần phải với tay lấy giấy vệ sinh. Sau khi gợi ý các mẹo riêng, KTV yêu cầu Kara vào phòng vệ sinh và thử chúng. Những lời khuyên giúp giải quyết những vấn đề mà Kara lo lắng, giúp cháu  cảm thấy tự tin khi xử lý việc chăm sóc khi đi vệ sinh của mình.

Chăm sóc khi đi vệ sinh (Toilet hygiene) bao gồm nhiều hoạt động, bao gồm “lấy và sử dụng vật dụng để đi vệ sinh, xử lý điều chỉnh quần áo, giữ tư thế khi đi vệ sinh, dịch chuyển đến và đi từ tư thế khi đi vệ sinh, làm sạch cơ thể và chăm sóc các nhu cầu kinh nguyệt và đại tiểu tiện (bao gồm ống thông, hậu môn nhân tạo và xử lý thuốc đạn), cũng như hoàn thành việc kiểm soát việc đi tiêu và đi tiểu một cách có chủ ý và, nếu cần, sử dụng thiết bị hoặc thuốc để kiểm soát bàng quang.”

Huấn luyện đi vệ sinh có thể là một quá trình đầy khó khăn với người chăm sóc. Các KTV HDTL có thể hỗ trợ trẻ gặp khó khăn trong việc chăm sóc khi đi vệ sinh bằng cách làm cho quá trình quan trọng này dễ dàng hơn. KTV sẽ xem xét tất cả các yếu tố có thể cản trở các hoạt động này. 

Khi “tập ngồi bô” cho trẻ, trước tiên KTV phải thiết lập thói quen sinh hoạt của gia đình và lên lịch cho trẻ đi vệ sinh. Khuyến khích trẻ chăm sóc đi vệ sinh thành công với lời khen, nhãn thưởng. 

Trước khi tham gia vào chương trình đi vệ sinh, KTV phải đảm bảo rằng trẻ đã sẵn sàng. Bước đầu tiên của bất kỳ chương trình đi vệ sinh nào là để trẻ biết và báo là mình đang bị ướt hoặc bẩn. Vì vậy có thể khuyên trẻ mặc tã vải để trải nghiệm cảm giác khó chịu. 

Bắt đầu chương trình bằng cách khuyến khích trẻ uống nước và ăn thức ăn mặn có thể giúp tạo thuận cho thôi thúc đi tiểu. Vào lúc bắt đầu chương trình, cha mẹ được khuyến khích đưa trẻ đi vệ sinh thường xuyên và làm cho sự kiện đi vệ sinh trở nên vui vẻ và thoải mái. Khi trẻ đã thành công, cha mẹ có thể giảm thời gian đi vệ sinh và bắt đầu yêu cầu trẻ quyết định khi nào nên đi vệ sinh. Giảm dần nhắc nhở cho phép trẻ độc lập hơn. Giữ quần áo không bị ướt suốt đêm là một trong những thành phần cuối cùng mà trẻ có thể thực hiện. Hơn nữa, một số trẻ khó ngủ và không tự thức dậy vào ban đêm để đi vệ sinh. KTV HDTL cũng khuyến khích các gia đình khuyến khích đa dạng hoá các hoạt động chăm sóc khi đi vệ sinh khi trẻ có thể đạt được kỹ năng.

Hình 1. “Tập ngồi bô” (Potty training) là một phần tự nhiên của tuổi thơ.

Nhiều loại thiết bị thích ứng có thể hữu ích để nâng cao tính độc lập trong việc chăm sóc khi đi vệ sinh. Thanh vịn và khung an toàn trong nhà vệ sinh hỗ trợ thêm cho việc dịch chuyển vào/ra bệ vệ sinh. Ghế vệ sinh nâng lên hoặc hạ xuống cũng có thể được chỉ định, tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của trẻ. Một số trẻ cần bô vệ sinh cạnh giường. Gương kiểm tra da có thể hữu ích cho những người gặp khó khăn khi lau sạch. Nhiều loại dụng cụ hỗ trợ khăn giấy vệ sinh cho phép những người bị hạn chế tầm vận động có thể tự lau sạch.

XEM THÊM: 11 LỜI KHUYÊN GIÚP BÉ GÁI NGỒI BÔ

Quản lý ĐƯỜNG ruột và bàng quang

Quản lý đường ruột và bàng quang bao gồm kiểm soát đi tiêu và đi tiểu tự ý cũng như sử dụng các phương pháp thay thế để hỗ trợ kiểm soát bàng quang.

Trẻ nhũ nhi và trẻ mới biết đi bắt đầu phát triển khái niệm về chức năng đường ruột và bàng quang bên cạnh việc xử lý các cảm giác trước khi phát triển khả năng điều khiển vận động để kiểm soát hành động đại tiểu tiện của mình một cách có chủ ý. Trẻ nhỏ cần các tác động bên ngoài như hướng dẫn, hỗ trợ của người chăm sóc, học hỏi từ các anh chị bạn bè cùng lứa và thiết lập thể chất để hỗ trợ phát triển các kỹ năng chức năng. Trong những năm đi học, trẻ phát triển và tham gia vào một thói quen (tiêu tiểu) nhất quán. Việc điều chỉnh liên tục được thực hiện phù hợp với nhu cầu hàng ngày hoạt động theo kế hoạch trong suốt tuổi thiếu niên.

Nghiên cứu trường hợp

Destiny là một bé gái 11 tuổi đang theo học tại một trường tư thục dành cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt, bao gồm các vấn đề về hành vi và cảm giác. Chẩn đoán y tế và giáo dục chính của Destiny là khiếm thị, khiếm thính và tự kỷ. Cháu chủ yếu dựa vào hệ thống cảm giác xúc giác, cảm giác bản thể và tiền đình để biết thông tin về vị trí của mình trong không gian cũng như khoảng cách với những người và đồ vật khác. Ngoài hoạt động trị liệu, cháu còn nhận được các dịch vụ ngôn ngữ trị liệu và vật lý trị liệu. Destiny cũng làm việc với một chuyên gia về định hướng và di chuyển có bằng cấp, người chuyên dạy cho những người khiếm thị và khiếm thính.

Các thành viên trong nhóm giáo dục của Destiny lo ngại về những hành vi mới của cháu. Đây là ngày thứ ba liên tiếp cháu có những hành vi không nhất quán liên quan đến việc quản lý đường ruột và bàng quang. Cô giáo nói rằng việc Destiny yêu cầu đi vệ sinh không phù hợp với những hành vi trước đây của cháu. Trước đây, cháu chỉ cần đăng ký, nhưng bây giờ cháu cần giám sát trực tiếp liên tục vì các hành vi tìm kiếm xúc giác của mình, bao gồm cả việc bôi phân lên tường phòng tắm. Các thành viên trong nhóm cũng báo cáo rằng phân của cháu bị lỏng và cô ấy đã gặp nhiều “sự cố” trong ngày. Họ yêu cầu KTV HĐTL hướng dẫn vì các hành vi tìm kiếm cảm giác của Destiny cản trở sự an toàn và vệ sinh của cháu. KTV HĐTL liên hệ với người chăm sóc của trẻ và được báo rằng cuối tuần qua Destiny gặp khó khăn trong kiểm soát đường ruột do táo bón. Người chăm sóc báo cáo rằng đã cho Destiny dùng thuốc làm mềm phân không kê đơn; việc đọc sai hướng dẫn sử dụng dẫn đến uống quá nhiều thuốc và hậu quả là đi phân lỏng trong 3 ngày qua. Theo người chăm sóc, đây là lần đầu tiên Destiny gặp khó khăn về đường ruột kể từ khi cháu phát triển khả năng tự kiểm soát đường ruột và bàng quang. Bác sĩ nhi khoa của cháu đề nghị ngừng dùng thuốc làm mềm phân và khuyến khích Destiny uống nhiều nước trong ngày.

Các KTV HĐTL làm việc với trẻ gặp khó khăn trong quản lý đường ruột và bàng quang. Các triệu chứng phổ biến như tăng tần suất đi tiểu, thiếu kiểm soát tự ý đường ruột và giảm cảm nhận liên quan đến các bệnh lý khác nhau như tổn thương não, tủy sống và/hoặc dây thần kinh. Các giải pháp có thể là cải thiện và/hoặc bù trừ.

Nghiên cứu trường hợp

Ashley là một cô bé 10 tuổi bị tai nạn ô tô, đã được phẫu thuật chăm sóc và phục hồi chức năng giai đoạn cấp. Sau một thời gian điều trị, cháu được xuất viện và chuyển đến khoa nhi của bệnh viện PHCN địa phương. Cháu bị tổn thương tuỷ sống không hoàn toàn ở mức C6-C7, bị mất cảm giác và kiểm soát tự ý chức năng của cả đường ruột và bàng quang. Ngoài ra, cháu còn bị mất trí nhớ ngắn hạn do chấn thương sọ não. Cháu sẽ trở lại trường học toàn thời gian sau 1 tháng nữa. Ashley cần có chiến lược để nhớ lại các bước trong chương trình đường ruột và bàng quang của mình. Ashley đặc biệt lo ngại rằng cô sẽ quên các bước quản lý đường ruột và bàng quang tối ưu và cảm thấy hoang mang.

Ở giai đoạn nhũ nhi và chập chững biết đi, cần giáo dục cha mẹ các kỹ thuật quản lý và thao tác với đường ruột và bàng quang. Đối với những trẻ đã trải qua chấn thương cấp tính, việc thảo luận về việc tự đặt ống thông hoặc nhờ người chăm sóc hoàn thành nhiệm vụ cho chúng có thể gây ra cảm giác bối rối và thất vọng. Cần chú ý đến sự riêng tư và phẩm giá trong can thiệp

Các kỹ thuật cải thiện để quản lý đường ruột và bàng quang có thể bao gồm thao tác trị liệu trong khi thay tã để xử lý các thay đổi của trương lực cơ, phát triển một chương trình đi vệ sinh cá nhân hoá và thực hiện một chương trình khen thưởng hành vi. 

Các chiến lược bù trừ bao gồm sử dụng tã lót, tã bỉm và lịch trình theo thời gian do người chăm sóc nhắc nhở. Một bệnh nhi bị gãy xương hông có thể cần được nâng cao bệ toilet lên để tránh bị gập hông. Các trẻ lớn có thể cần được hướng dẫn cách đặt ống thông tiểu ngắt quãng.

Minh Dat Rehab. Lược dịch từ: 
Pediatric Skills for Occupational Therapy Assistants. 4th edition. Elservier. 2016. 
Có sửa đổi, bổ sung.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này