THĂM KHÁM CỔ CHÂN VÀ BÀN CHÂN P1. CÁC BƯỚC CƠ BẢN

Cập nhật lần cuối vào 16/03/2023

Nhiều thầy thuốc cảm thấy khó khăn khi thăm khám những bệnh nhân bị các vấn đề ở cổ và bàn chân. Một phần có lẽ liên quan đến sự phức tạp và đa dạng của các khớp ở phần cơ thể này.

Có 26 xương hình dạng không đều, 30 khớp hoạt dịch, hơn 100 dây chằng và 30 cơ ở mỗi bàn chân. Tính trung bình, chúng ta đi 10.000 bước mỗi ngày, 1.000.000 bước mỗi năm. Chân chịu trọng lượng gấp 3-4 lần trọng lượng cơ thể trong khi chạy.

Xin xem Bài Giải phẫu chức năng Cổ và Bàn chân. Xương và khớp

Mục lục

HỎI BỆNH

Các lý do phổ biến khiến bệnh nhân phải đến khám bàn chân và cổ chân là: Đau, sưng, biến dạng, cứng, khớp không vững và / hoặc dáng đi bất thường.

Đau

Yêu cầu bệnh nhân chỉ ngón tay chính xác vào vị trí đau. Nếu đau lan tỏa và không khu trú tại một vị trí, hãy xác định vùng/phía có cảm giác khó chịu tối đa và nhận định cấu trúc giải phẫu liên quan. Hỏi về thời gian xuất hiện (đã bao lâu), vị trí chính xác của đau, tính chất của đau (chói, âm ỉ hoặc nóng rát), mức độ trầm trọng của đau (0-10), kiểu (liên tục / ngắt quãng), liên quan với chịu trọng lượng (các thay đổi thoái hóa, gãy xương hoặc các tình trạng viêm như viêm cân gan chân), hướng lan (hướng đến ngón chân hoặc lên cẳng chân), ngăn cản hoạt động, thức dậy vào ban đêm, thời gian (đau vào sáng sớm hoặc ban đêm làm rối loạn giấc ngủ), các yếu tố làm nặng thêm (như khoảng cách đi bộ , đi bộ trên sàn bằng phẳng hoặc không bằng phẳng; đi lên và xuống cầu thang; liên quan với giày dép), và những yếu tố làm giảm nhẹ (nghỉ ngơi, thuốc giảm đau, loại giày ưa thích).

Biến dạng

Hỏi về thời gian xuất hiện và vị trí, biến dạng có tiến triển không và liệu nó có liên quan đến các triệu chứng khác hay không (ví dụ, loét da, đau, nhiễm trùng tái phát, giày dép nhanh mòn).

Sưng nề

Sưng khu trú ở một vùng hoặc toàn bộ cẳng chân hoặc cổ chân, một bên hay hai bên, liên quan đến các hoạt động nào, tần suất và thời gian sưng. Sưng toàn bộ cổ và bàn chân hai bên thường liên quan đến bệnh lý hệ thống, chẳng hạn như các bệnh lý về tim hoặc thận. Sưng xung quanh khớp cổ chân có thể liên quan đến khớp sên- gót (như thoái hóa hoặc viêm khớp). Sưng khu trú có nhiều khả năng là do một bệnh lý cục bộ (như sưng phía trước đầu dưới xương mác có thể do tổn thương mãn tính của dây chằng sên-mác trước).

Cổ chân không vững

Hỏi xem không vững cổ chân hoặc bong gân bắt đầu khi nào, tần suất xảy ra và hoạt động nào có thể thúc đẩy tình trạng này.

Tiền sử chấn thương

Tiền sử chấn thương với các triệu chứng ngay sau chấn thương và điều trị, phẫu thuật, nhiễm trùng.

Các triệu chứng kèm theo

Cần phải chú ý đến các triệu chứng cờ đỏ như đổ mồ hôi ban đêm, sốt hoặc giảm cân, có thể liên quan đến nhiễm trùng hoặc ung thư. Các triệu chứng thần kinh như tê, yếu hoặc cảm giác rát bỏng thường liên quan đến vấn đề cột sống hoặc bệnh thần kinh ngoại biên.

Tiền sử bệnh tổng quát và các yếu tố liên quan

  • Nghề nghiệp, thể thao, các hoạt động hàng ngày liên quan đến cổ bàn chân (đứng, đi, ngồi xổm…)
  • Tiền sử đau thắt lưng, đau chân, bệnh khớp, đái tháo đường, bệnh thần kinh ngoại biên…

KHÁM LÂM SÀNG

Khám lâm sàng bắt đầu ngay từ lúc gặp bệnh nhân bằng cách quan sát dáng đi và xem họ có sử dụng dụng cụ trợ giúp đi lại nào hay không. Bộc lộ hai chân bệnh nhân tốt nhất đến đùi và để chân trần.

Thường thì khám theo trình tự từ đứng đi đến ngồi nằm trừ khi bệnh nhân không thể đứng đi vì đau.

Nhìn (Look)

  • Nhìn chung: Tổng trạng chung (béo phì?),
  • Nhìn giày dép (độ và kiểu mòn của đế giày), miếng đệm trong giày, các dụng cụ chỉnh hình, dụng cụ trợ giúp di chuyển…
  • Nhìn tư thế đứng: trục hai chân (vẹo trong và vẹo ngoài khớp gối, trục bàn chân sau (xương chày-gót) ), các cung (vòm) gan chân.
  • Quan sát dáng đứng hai chân, đứng một chân, dáng đi, quay người, đi nhón gót, đi nhón mũi chân,…
  • Quan sát kỹ hơn ở tư thế ngồi thỏng chân và so sánh với chân lành.
    • Hình dáng, màu sắc, các bất thường ở da (đỏ, bầm tím, sẹo, vết chai, loét, thay đổi lông và móng chân…), biến dạng lệch trục xương hoặc khớp, u cục, sưng nề, teo cơ
  • Các biến dạng bàn chân thường gặp: bàn chân hõm, bàn chân bẹt, bàn chân ngựa, bàn chân vặn trong, biến dạng ngón chân (ngón cái vẹo ngoài…)
Đánh giá trục bàn chân sau. Bình thường góc vẹo ngoài 0-6 độ.
Cung dọc trong bàn chân bình thường và bàn chân bẹt, bàn chân hõm
Ngón cái vẹo ngoài (bunion)

Sờ (Feel)

  • Nhiệt độ, mạch mu chân và chày sau,
  • Sờ, ấn phát hiện các điểm đau (mắt cá trong, ngoài, đường khớp cổ chân, các dây chằng bên trong, bên ngoài, các gân cơ (gân gót, gân cơ mác), cân gan chân, các xương và khớp bàn ngón chân.

Vận động (Move)

Tầm vận động khớp:

  • Đánh giá tầm vận động khớp chủ động và thụ động
  • Tầm vận động khớp cổ chân:
    • Gấp mu (0-20º), gấp lòng (0-50°)
    • Vặn trong/ngửa (0-35º), vặn ngoài/sấp (0-15º)
  • Tầm vận động phần giữa bàn chân: dạng, khép
  • Sấp và ngửa là các vận động ba mặt phẳng. Ngửa là kết hợp của vặn trong, gấp lòng và khép. Sấp là kết hợp của vặn ngoài, gấp mu và dạng.
  • Tầm vận động các khớp bàn ngón chân và gian ngón (gấp duỗi, dạng khép)
Tầm Vận động cổ chân

Cơ lực:

  • Đánh giá cơ lực gập mu bàn chân, gập lòng bàn chân, vặn trong, vặn ngoài, gấp duỗi các ngón
Đánh giá cơ lực gập mu bàn chân (cơ chày trước)
Đánh giá cơ lực gập lòng bàn chân ở tư thế nằm sấp (thắng trọng lượng)
Xem lại bài: Giải phẫu chức năng vùng cổ chân và bàn chân. Cơ và hoạt động cơ

Chức năng:

(Đánh giá này thường được thực hiện trong bước nhìn)

Yêu cầu bệnh nhân đứng dậy, quan sát ở tư thế đứng và dáng đi, quay người, lên xuống cầu thang, đi nhón gót, đi nhón mũi chân, ngồi xổm, chạy nhảy…

Xem tiếp Thăm khám cổ và bàn chân Phần 2: Các nghiệm pháp đặc biệt

Xem thêm Slideshow Phân tích dáng đi

Video thăm khám cổ bàn chân cơ bản:

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này