Cập nhật lần cuối vào 02/07/2021
Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim. (What Comes From the Heart, Goes to the Heart).
Samuel Taylor Coleridge
Mặc dù bị hấp dẫn bởi rất nhiều người cuối cùng chúng ta chỉ hình thành những quan hệ có ý nghĩa với tương đối ít người trong số đó mà thôi. Hơn nữa, cho dù mối quan hệ có bắt đầu như thế nào đi nữa, nó có thể diễn tiến theo nhiều đường hướng khác nhau mà ta khó có thể lường trước được.
Mục lục
CÁC MỨC ĐỘ QUAN HỆ
Để hiểu đầy đủ bản chất của những quan hệ, đầu tiên chúng ta cần phải khảo sát những mức độ quan hệ khác nhau có thể có giữa hai người. Theo nhà tâm lý học George Levinger (1974), có ba mức độ quan hệ cơ bản: nhận biết từ một bên, tiếp xúc bề mặt cả hai bên, và liên hệ qua lại (hỗ tương).
Lúc ban đầu, hai người hoàn toàn không biết gì về nhau cả. Mối quan hệ thực sự chỉ xảy ra khi đạt đến giai đoạn nhận biết. Lúc này, chúng ta xét người khác theo những đặc tính bề ngoài của họ. Những người bị chúng ta đánh giá có thể hoàn toàn không nhận thức được sự xét đoán này.
Tiếp theo, ở giai đoạn tiếp xúc bề mặt, cả hai người đều nhận biết nhau, và mỗi người hình thành những thái độ và ấn tượng riêng của mình về người kia và về chính mối quan hệ. Đa số các tương tác hàng ngay giữa chúng ta với những người khác nằm ở mức độ này, như khi ta gặp cùng một người giao hàng hay là một người các cổng trường, tuy nhiên không bao giờ hình thành được một mối quan hệ kéo dài và sâu sắc. Thật ra, đối với chúng ta, vai trò của họ quan trọng hơn chính bản thân con người họ.
Chỉ đến khi hai người đạt đến giai đoạn liên hệ hỗ tương thì mối quan hệ mới thật sự trở nên riêng tư. Ở giai đoạn này hai người chia xẻ với nhau những thông tin cá nhân, phần nào có trách nhiệm với người kia, và hình thành các chuẩn mực và quy tắc của mình về cách cư xử sao cho thích hợp. Lúc đầu trong giai đoạn hỗ tương, hai người còn ngại tiết lộ các thông tin cá nhân, riêng tư. Tuy nhiên, khi mối quan hệ càng lúc càng sâu đậm, người ta càng bộc lộ mình nhiều hơn, bày tỏ những thái độ và tình cảm thân mật, đầy ý nghĩa. Hơn nữa, họ còn nhận biết điều gì sẽ làm cho người kia hài lòng và hạnh phúc, và bắt đầu cư xử sao cho mối quan hệ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
(Ghi chú:
Nếu tính toàn bộ các giai đoạn của một mối quan hệ, Levinger đưa ra mô hình 5 giai đoạn ABCDE như sau:
- A = Acquaintance/attraction: Hấp dẫn, làm quen
- B = Build-up: Xây dựng
- C = Continuation/consolidation: Tiếp tục, bền vững
- D = Deterioration: Thoái triển
- E = Ending: Chấm dứt)
XÍCH LẠI GẦN NHAU
Có thể nói rằng không có mối quan hệ nào là hoàn toàn giống nhau cả. Tuy vậy, chúng ta có thể dự đoán được các thay đổi trong cách cư xử của hai người khi mối quan hệ của họ ngày càng tiến triển tốt đẹp (Berscheid, 1985):
- Họ gặp gỡ nhau thường xuyên hơn, lâu hơn, và trong nhiều hoàn cảnh hơn.
- Họ thích cùng đi với nhau hơn.
- Họ “cởi mở” với nhau hơn, tiết lộ những điều riêng tư bí mật của bản thân, gần gũi nhau hơn về thể xác. Họ vui lòng cùng chia sẻ những nỗi vui buồn, và sẵn sàng đưa ra các lời góp ý hoặc khen ngợi chân tình.
- Họ bắt đầu hiểu về quan điểm và cách nhìn nhận thế giới của người kia.
- Họ tăng cường đầu tư thời gian, công sức và quan tâm nhiều hơn vào mối quan hệ.
- Họ bắt đầu cảm thấy rằng hạnh phúc của họ gắn liền với hạnh phúc của người kia cũng như sự tiến triển tốt đẹp của mối quan hệ. Họ xem mối quan hệ của họ là độc nhất không gì có thể thay thế được.
- Họ bắt đầu cư xử như một cặp, thay vì là hai cá nhân riêng biệt.
Dù rằng những thay đổi trong mối quan hệ được mô tả ở trên tương đối là điển hình, thật khó mà tiên đoán được thời điểm chính xác khi vào những thay đổi này xảy ra. Một lý do quan trọng là khi mối quan hệ nảy nở và chín muồi, hai người trong mối quan hệ đó cũng đang thay đổi và lớn lên như những cá thể.
KẾT THÚC MỘT MỐI QUAN HỆ
Sự hờ hững bắt đầu như một vết nhiễm trùng, rồi trở thành căn bệnh.
Jim Rohn
Dù rằng các mối quan hệ thường bắt đầu với lòng nhiệt thành và nhiều lời hứa hẹn lâu dài, nhiều quan hệ kết thúc mà không đạt đến đỉnh cao mong đợi.
Qua những nghiên cứu trên các cặp hẹn hò, các cặp tan vỡ thường ít thân mật và gắn bó với nhau lúc ban đầu, và mối quan tâm giữa hai người không đều nhau (một người quan tâm và đáp lại nhiều hơn người kia), và nói chung hai người thường có ít điểm tương đồng.
Khảo sát nguyên nhân của sự tan vỡ này, người ta thấy nổi lên hàng đầu là sự nhàm chán, và sự khác biệt trong các mối quan tâm giữa hai người. Ngoài ra, có thể kể đến mong muốn được độc lập, khác nhau về xuất thân, xung đột về quan niệm tình dục hoặc hôn nhân, sống quá xa nhau, sự xuất hiện của người thứ ba, và áp lực từ phía bố mẹ (Hill, Rubin, Peplau, 1979).
Một câu hỏi được đặt ra ở đây là: Sự tan vỡ xảy ra như thế nào? Quả thật, kết thúc một quan hệ không đơn giản là cắt đứt đột ngột mà diễn ra lần lượt qua một số giai đoạn. Theo nhà tâm lý học Duck (1982) thì quá trình chia tay diễn ra như sau.
Giai đoạn đầu tiên là Rạn nứt (Breakdown), xảy ra khi một trong hai người nhận thấy rằng anh/cô ta không thể chịu đựng tình trạng quan hệ dài hơn được nữa. Có một điểm nào đó trong thái độ, tính tình, cách cư xử của người kia được đánh giá là gây khó chịu, không được như mong muốn.
Khi những cảm giác này trở nên mạnh hơn, anh/cô ta bước vào giai đoạn Trong tâm thức (Intrapsychic Phase), bắt đầu chú ý vào những cảm xúc tiêu cực liên quan đến mối quan hệ. Anh/cô ta xem xét cái giá của việc rút lui, đánh giá những mặt tích cực của các quan hệ thay thế, và cân nhắc là nên nói ra hay là vẫn giữ im lặng.
Trong giai đoạn tiếp theo (giai đoạn Giữa hai người, Dyadic Phase), người đó cảm thấy rằng rút lui là đúng đắn. Anh/cô ta quyết định đối mặt với người kia, chọn lựa hoặc là cố hàn gắn, định nghĩa lại, hay là chấm dứt hắn mối quan hệ. Hàn gắn có nghĩa là cố gắng giữ cho mối quan hệ vẫn như tình trạng ban đầu, trong khi định nghĩa lại bao gồm sự thay đổi về chất trong mối quan hệ (Chẳng hạn: “Chúng ta vẫn có thể là bạn của nhau”, thay vì “Anh sẽ mãi mãi yêu em”.)
Chuyển sang giai đoạn Xã hội (Social Phase), anh/cô ta tuyên bố cho mọi người biết rằng mối quan hệ đã chấm dứt và đưa ra một lời giải thích về sự việc này. Lúc này, tác động xã hội sẽ trở nên rõ rệt với cả hai người.
Cuối cùng là giai đoạn “đắp mộ” (Grave-Dressing Phase), hai người cắt đứt hẳn những quan hệ về thể chất lẫn tâm lý. Một trong những mối quan tâm chính của thời kỳ này là suy nghĩ và hồi tưởng lại về mối quan hệ, làm sao cho điều xảy ra trở nên hợp lý hơn và phù hợp với quan điểm của bản thân.
Một giai đoạn bổ sung mà Duck đưa vào sau này là giai đoạn Hồi sinh (resurrection process), trong đó cá nhân có thể học hỏi từ quá khứ và tự phát triển trưởng thành hơn.
LỜI KHUYÊN TÂM LÝ: BIẾT CHIA TAY ĐÚNG LÚC
Một điều lạ lùng là, đôi khi ở trong một quan hệ không mấy tốt đẹp còn dễ dàng hơn là chấm dứt nó.
Người ta dần dần lệ thuộc vào sự ổn định của mối quan hệ, sợ phải đối mặt với cái không chắc chắn của tương lai nếu như không có người kia (mà đôi khi ta nghĩ đó có thể là những kinh nghiệm đau đớn hơn), ngay cả khi người đó không còn đem lại điều gì đó tốt đẹp nữa. Nỗi sợ hãi có thể quá lớn làm cho họ tránh thừa nhận là mối quan hệ không còn có thể tồn tại được nữa.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thì tốt hơn cả là nên chấm dứt mối quan hệ không còn tác dụng đó.
Nếu bạn lo lắng, không hài lòng về mối quan hệ của bạn, hãy cân nhắc những lời khuyên sau.
Hãy nhớ rằng không có gì là hoàn hảo cả, ngay cả với mối quan hệ của bạn.
Mỗi người đều có những nhược điểm lỗi lầm riêng, và mỗi quan hệ đều chứa đựng những mặt tiêu cực của nó. Điều quan trọng là bạn cân nhắc những mặt lợi- hại từ mối quan hệ cũng như xem xét các chọn lựa khác có thể có.
Hãy phân tích mối quan hệ đang làm bạn lo lắng.
Cố chỉ ra những điểm cụ thể của người kia mà bạn cảm thấy không hài lòng – ngay cả khi điều này có nghĩa là liệt kê những mặt tích cực lẫn tiêu cực của tình cảnh. Một khi bạn hiểu rõ hơn về tình cảnh, bạn sẽ có thể đưa những quyết định hợp lý hơn.
Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ.
Trong nhiều trường hợp một người đứng ngoài có thể đem lại những lời khuyên hoặc giúp đỡ thích hợp, cũng như giúp bạn hiểu rõ hơn về những gì đang xảy ra.
Cần nhớ là thay đổi có thể tạo mầm mống cho sự phát triển.
Đừng sợ chia tay chỉ vì bạn lo lắng rằng chọn lựa thay thế sẽ không được như bạn mong muốn. Đối mặt với một tương lai không chắc chắn vẫn tốt hơn là tiếp tục sống trong sự chắc chắn của một quan hệ bất hạnh, ít nhất là nó cũng đem lại cho bạn một cơ hội nào đó cho những kết quả tốt đẹp hơn.