TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG: SỰ HÀI LÒNG VỚI VIỆC LÀM

Trên thế gian này, không có điều gì vĩ đại được thực hiện mà không có lòng say mê.

– Hegel

Mục lục

NHỮNG YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN SỰ hài lòng VỚI VIỆC LÀM

Không ai muốn làm một công việc mà họ không thích. Đã từ lâu, các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm hiểu những yếu tố nào đã tạo ra sự hài lòng khi con người làm việc. Đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản, vì mức độ hài lòng của một người làm việc không chỉ phụ thuộc vào bản chất của công việc mà còn phụ thuộc vào mối tương quan phức tạp giữa công việc với các nhu cầu của cá nhân, các đặc điểm nhân cách, cũng như mức độ kỹ năng của người đó nữa. (Để có một khái niệm về mức độ hài lòng công việc của mình, bạn hãy thực hiện bài THỰC HÀNH sau.)


THỰC HÀNH: Đánh Giá Mức Độ hài lòng với Công Việc

Một phương pháp gián tiếp để đo mức độ hài lòng với công việc là đánh giá cách đối xử của người làm việc công việc của họ. Để hiểu cách tiếp cận này, bạn hãy trả lời những câu hỏi sau theo việc làm hiện có của bạn (có thể là hoạt động học tập của một sinh viên hay một công việc nào khác).

STTCâu hỏiKhông
1Sáng sớm khi thức dậy, bạn có cảm thấy miễn cưỡng phải đi làm việc hay không?
2Có bao giờ bạn cảm thấy miễn cưỡng phải trở về nhà sau khi làm việc vào buổi chiều vì niềm thích thú đang có từ công việc hay không?
3Bạn có thích có nhiều giờ giải lao hơn khi làm việc hay không?
4Có bao giờ bạn muốn mình có thể làm việc cả vào buổi tối hay vào ngày nghỉ cuối tuần không?
5Thỉnh thoảng, bạn có cảm thấy miễn cưỡng phải rời công việc để đi nghỉ hay không?
6Khi bạn đang đi nghỉ, bạn có bao giờ mong muốn trở về với công việc hay không?
7Có bao giờ bạn thức dậy vào ban đêm với sự thôi thúc phải làm việc ngay lúc đó hay không?
8Bạn có bao giờ muốn những ngày nghỉ lễ và những ngày nghỉ cuối tuần có thể chấm dứt để bạn có thể trở lại làm việc hay không?
9Nếu bạn có thể chọn lựa lại nghề nghiệp của mình, bạn vẫn chọn theo đuổi công việc hiện tạihay không?
10Bạn có khuyên một người có cùng mối quan tâm và trình độ học vấn như bạn chọn lựa nghề nghiệp giống bạn hay không?

Kết quả : Bạn hãy cộng những câu phù hợp với kết quả sau: 1 – Không; 2 – Có; 3 – Không; 4 – Có; 5 – Có; 6 – Có; 7 – Có; 8 – Có; 9 – Có; 10 – Có.

Số điểm của bạn càng cao chứng tỏ bạn càng hài lòng với công việc mà mình đang có.


Rõ ràng là có một số yếu tố chính liên quan đến sự hài lòng công việc. Ví dụ như mức lương thưởng và cơ hội thăng tiến có tầm quan trọng chính yếu. Tuy nhiên, sự hài lòng do tiền lương đem lại không chỉ trong một nghĩa tuyệt đối mà còn trong một nghĩa tương đối – so với công sức mà ta bỏ ra và so với mức lương của đồng nghiệp.

Dĩ nhiên là sự thỏa hài lòng không chỉ đến từ lương bổng và cơ hội thăng tiến. Mức hài lòng gia tăng khi người công nhân có thể tham gia đề ra các mục tiêu làm việc và linh hoạt trong thời gian làm việc (sự tự chủ). Nghiên cứu cho thấy những công nhân có thể tham gia quyết định bản chất lẫn số lượng sản phẩm của họ tỏ ra hài lòng hơn khi so với những công nhân có mục tiêu do người khác quy định. 

Theo lý thuyết về động cơ của Maslow, con người luôn khao khát cảm giác được chấp thuận và thuộc về một tổ chức/nhóm hoạt động. Mối liên hệ giữa các cá nhân trong khi làm việc cũng là một yếu tố quan trọng trong sự hài lòng với công việc. Sự liên hệ có thể áp dụng cho nhiều khía cạnh trong công việc của cá nhân, từ việc họ có cảm thấy tin tưởng cấp trên / cấp dưới của mình hay không đến việc họ cảm thấy mình là một phần của một tổ chức hay không.

Sử dụng tháp Maslow trong hài lòng với việc làm

Tính cách con người có thể là một phần quan trọng trong xác định mức độ hài lòng trong công việc. Nếu đặt câu hỏi yếu tố tính cách nào là quan trọng nhất; một trong những câu trả lời có thể là “tính chủ động” (proactive). Những người chủ động trước thường tham gia nhiều hơn, hài lòng hơn và tạo năng suất cao hơn trong công việc vì họ có xu hướng ‘điều chỉnh công việc’ (job crafting) (Bakkar, Tims, & Derks, 2012). Điều chỉnh công việc, về cơ bản, đó là chủ động sáng tạo thiết kế lại cách bạn làm việc. Việc chỉnh sửa công việc cho phép mọi người tạo ra một cách tiếp cận được cá nhân hóa đối với các nhiệm vụ, các mối quan hệ nghề nghiệp và thậm chí cả ý nghĩa của công việc của họ nói chung. Và điểm cuối cùng này thường là mục đích: định hình lại một công việc và nhận ra ý nghĩa tích cực hơn từ công việc đó.

Những công việc có sự xung đột vai trò (các yêu cầu mâu thuẫn mà người chủ đặt ra cho người làm công) cao dễ dẫn đến sự không hài lòng với công việc. Khi có xung đột vai trò, một người làm việc muốn đáp ứng một nhóm yêu cầu này có thể sẽ không hài lòng được một số các yêu cầu khác mà có thể có cùng tầm quan trọng. Chẳng hạn, một giám đốc muốn các nhân viên của mình làm việc hiệu quả với, năng suất cao, đồng thời, với mức sáng tạo cao nhất, có thể cảm thấy rằng đã ông ta đã không đạt được như mong muốn, vì nếu ông ta dành cho nhân viên của mình nhiều thời gian hơn để sáng tạo thì hiệu quả năng suất sẽ giảm, nhưng nếu ông ta ép họ làm việc hăng say hơn để nâng cao năng suất thì khả năng sáng tạo của họ có thể bị giảm đi.

Trong một số trường hợp, xung đột có thể xảy ra giữa vai trò nghề nghiệp của một cá nhân với vai trò ngoài nghề nghiệp của họ. Chẳng hạn, một phụ nữ vừa đi làm, vừa đảm nhiệm vai trò làm mẹ và chăm lo việc nhà sẽ chịu những đòi hỏi rất lớn về thời gian và sức lực. Nếu người mẹ có việc phải đi công tác xa, cùng lúc đó cháu nhỏ ở nhà đang bị ốm, xung đột sẽ xảy ra và người mẹ đứng trước một tỉnh thế lưỡng nan (hoặc là rời xa con lúc cháu đang ốm, hoặc là phải hoãn chuyến đi). Cho dù chị có quyết định một lựa chọn nào đi nữa, chị vẫn có thể bị xung đột và có cảm giác phạm lỗi.

Cuối cùng, mức hài lòng với việc làm dĩ nhiên là có liên quan đến nội dung cụ thể của chính công việc đó. Những công việc tạo nên cảm giác thử thách, thú vị, và có thể hoàn thành được đem lại nhiều hài lòng hơn là những công việc được cảm giác là là lập đi lập lại, đơn điệu, tẻ nhạt. Môi trường có thể cho phép cá nhân bộc lộ khả năng, điểm mạnh tốt nhất của mình sẽ hấp dẫn hơn, làm cá nhân đó làm việc hết sức mình và làm hài lòng họ nhất. Các điểm mạnh này có thể là về trí tuệ, tình cảm, mối liên hệ hoặc năng lực của bản thân. Công việc được cho là có ý nghĩa (như giúp đỡ người khác) làm cho người làm việc cảm thấy tự hào, hài lòng hơn.  Tính có ý nghĩa có liên quan đến động lực làm việc, hành vi, hiệu suất và sự gắn bó, cùng với sự hoàn thiện bản thân và thậm chí cả sự phát triển nghề nghiệp.

Điều đáng nói về kết luận này là chính cảm nhận của người làm việc với công việc của họ mới là quan trọng. Loại công việc cụ thể nào đó không nhất thiết làm người ta hài lòng với nó. Chính xác hơn, sự hài lòng với công việc phụ thuộc vào học vấn, năng lực…, và quan điểm về thế giới của người làm việc. Có lẽ yếu tố chính quyết định sự hài lòng với việc làm là sự tương hợp giữa bản chất của công việc và các kỹ năng riêng biệt của mỗi cá nhân.

ẢNH HƯỞNG CỦA hài lòng với VIỆC LÀM ĐẾN HIỆU SUẤT LAO ĐỘNG

Trên một số mặt nào đó một người hài lòng với việc mình làm là một người làm việc tốt. Họ ít có thói quen bỏ việc không có lý do hơn, và có tỷ lệ quay vòng công việc thấp hơn.

Tuy nhiên, hài lòng với công việc không luôn luôn đem lại hiệu suất cao hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy chúng chỉ có hệ số tương quan khoảng 0,3, yếu hơn nhiều so với mong đợi (Judge, Thoresen, Bono, & Patton, 2001). Có lẽ năng suất lao động chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác như là khả năng tăng lương hay thăng chức vì đã làm việc tốt. Ngay cả khi người ta không hài lòng với việc mình làm, họ vẫn có thể sẵn sàng chăm chỉ làm việc nếu điều này đem lại những ích lợi khác, cụ thể hơn, đặc biệt là nếu như họ ít có khả năng tìm được một nghề hay một việc làm nào khác.

Một điều chắc chắn là có việc làm thì tốt hơn là không. Nói chung, người thất nghiệp thường có sức khỏe kém – về thể chất lẫn tâm thần – so với người có việc làm. Mất việc thường gây ra lo lắng, buồn chán, mất ngủ,dễ kích động, mất tự tin, thiếu tập trung. 

“Nhàn cư vi bất thiện”, sự thừa thãi thời gian rỗi ở người thất nghiệp thường mang lại những hậu quả không tốt. Nghiên cứu cho thấy những người thất nghiệp thường ít tham gia vào những hoạt động tình nguyện, ít đọc sách báo, và ý thức về thời gian của họ dường như bị ảnh hưởng (như ăn ngủ không đúng giờ, hay lỗi hẹn). Vì công việc đóng nhiều chức năng quan trọng trong cuộc sống của con người, những phản ứng tiêu cực như thế do mất việc gây ra không có gì khiến chúng ta ngạc nhiên.

LỜI KHUYÊN TÂM LÝ : Nâng Cao Mức hài lòng Với công việc của Bạn

Có lẽ ai cũng mong muốn được hài lòng với việc làm. Mặc dù không có một công thức đơn giản nào để làm được điều này, bạn có thể thấy những lời khuyên sau có ích:

Hãy sáng suốt khi chọn nghề.

Khó có thể hài lòng với một công việc mà không phù hợp với bạn về năng lực, phẩm chất. Bạn có thể tham khảo cách thức chọn nghề đã bàn ở các bài viết trước.

Hãy tái thiết kế công việc để nó phù hợp với bạn.

Bạn có thể dùng biện pháp mở rộng công việc – bằng cách gia tăng số lượng và chủng loại các nhiệm vụ của công việc hoặc tìm cách gia tăng tính tự chủ và trách nhiệm với công việc để cảm thấy hài lòng hơn.

Hãy tự thay đổi để thích hợp với công việc

Có thể không có công việc bảo là hoàn hảo cả và ước vọng tìm thấy một việc làm như thế chỉ tự tìm lấy thất bại mà thôi. Nếu bạn thường cảm thấy tốt về công việc của mình và không thể thay đổi những khía cạnh nào đó của nó đang làm bạn khó chịu, thì cố gắng thay đổi nhận thức của bạn về những mặt tiêu cực của công việc đó là một điều hoàn toàn hợp lý.

Ví dụ, bạn có thể thay đổi nhận thức và phản ứng của bạn ở với công việc. Gặp mặt thân mật với các đồng nghiệp để cùng nhau chia xẻ những quan tâm về công việc có thể đem lại một cách nhìn mới về nó, cho phép bạn dễ dung hòa với những mặt tiêu cực của công việc hơn.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này