Cập nhật lần cuối vào 16/03/2023
Có thể tách một người ra khỏi quê hương họ, nhưng không thể tách quê hương ra khỏi trái tim họ.
– Dos Passos.
Mục lục
ĐẶC TÍNH LÃNH THỔ CỦA CON NGƯỜI
Mỗi người chúng ta đều có một hay nhiều địa điểm ưa thích của riêng mình. Đó có thể là ghế đá công viên, một chỗ đậu xe quen thuộc, hoặc một vị trí đặc biệt ở bàn ăn, mà ta xem như là “của tôi” dù trên phương diện luật pháp, ta hoàn toàn không có quyền làm chủ chúng. Quả thật, chúng ta xem chúng như là lãnh thổ của mình, và cố gắng bảo vệ ngăn cản những người khác xâm phạm.
Các nhà nghiên cứu cho rằng có ba loại lãnh thổ, và mức độ chúng ta sẽ bảo vệ chúng tùy theo chúng thuộc loại nào (Altman, 1975).
Các lãnh thổ sơ cấp/cốt yếu (primary territories)
Đây là những vùng mà ta kiểm soát hoàn toàn, lâu dài, được xem như là của ta bởi chính chúng ta và cả những người khác. Ví dụ như ngôi nhà, “pháo đài bất khả xâm phạm” của mỗi người. Ngoài ra, các phòng làm việc và phòng ký túc xá cũng đại diện cho lãnh thổ nguyên phát, sự xâm nhập của kẻ khác mà không được cho phép được xem là một loại “vi phạm chủ quyền” nghiêm trọng. Bản sắc của chúng ta thường gắn liền với lãnh thổ nguyên phát của mình.
Lãnh thổ thứ cấp /phụ (secondary territories)
Đây là những vùng mà ta thường xuyên sử dụng như nhưng ít kiểm soát hơn, và trong một ngày những người khác cũng có thể sử dụng chúng. Ví dụ như một chiếc ghế ở thư viện. Ta có quyền với nó khi đang sử dụng, nhưng hết quyền đó khi rời đi. Tuy nhiên, nếu ta quay trở lại ta có thể tạm thời đòi lại quyền đó như là của mình.
Lãnh thổ công cộng (public territories)
Loại lãnh thổ cuối cùng là lãnh thổ công cộng, là những vùng mà ta chỉ có thể kiểm soát tạm thời, và những người khác có thể sử dụng chúng vào bất kỳ lúc nào. Chẳng hạn, một trạm điện thoại công cộng hay là một ghế đá công viên. Bất cứ ai cũng có quyền sử dụng chúng và hết quyền hạn với chỗ đó ngay khi họ rời đi.
Bảng 1: Các khía cạnh của Lãnh thổ (theo Altman và Chemers, 1984)
Người hoạt động | Phạm vi | Loại | Chức năng |
---|---|---|---|
Cá nhân | Đồ vật | Cốt yếu/Sơ cấp | Bản sắc cá nhân |
Nhóm nhỏ | Phòng, Nhà | Phụ/Thứ cấp | Hệ thống điều hoà Xã hội |
Nhóm lớn | Cộng đồng, Quốc gia | Công cộng |
CÁC DẤU ẤN LÃNH THỔ
Bạn có lẽ cũng biết một chú chó đánh dấu lãnh thổ của nó như thế nào: nó tiểu vào bờ rìa lãnh thổ của nó. Tuy nhiên, con người sử dụng các phương tiện tinh vi tế nhị hơn để chứng tỏ lãnh thổ của họ, cho dù ý định bảo vệ lãnh thổ khỏi sự xâm nhập của những vị khách không mời mà đến thì chẳng khác gì mấy.
Người ta thường sử dụng nhiều loại dấu ấn lãnh thổ khác nhau. Đó là các vật thể hay hành vi dùng để nhân cách hóa và bảo vệ lãnh thổ của họ. Một trong những loại dấu ấn chính là các hàng rào, bờ dậu, khóa, dây xích, và những bảng hiệu “cấm vào”. Những dấu ấn này chứng tỏ vùng được bảo vệ là lãnh thổ nguyên phát và những xâm phạm khu vực đó có thể bị xử lý nghiêm.
Những dấu ấn với lãnh thổ thứ phát, công cộng thì tinh vi hơn, vì những vùng đó thật sự không thuộc quyền sở hữu của người sử dụng như ở lãnh thổ nguyên phát. Ví dụ tại một bàn thư viện, bạn có thể áp dụng chiến thuật trải các vật dụng (như sách vở, cặp, áo khoác…) khắp bàn ghế để giữ chỗ. Người ta nhận thấy rằng các vật dụng thuộc cá nhân – như áo quần tỏ ra hữu hiệu hơn những vật dụng không thuộc cá nhân trong việc ngăn cản người khác xâm phạm một vị trí trong những điều kiện đông đúc.
NHỮNG MỤC ĐÍCH CỦA ĐẶC TÍNH LÃNH THỔ
Việc chúng ta hăng hái bảo vệ lãnh thổ của mình chứng tỏ rằng chúng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn, đặc tính lãnh thổ giúp ta tổ chức và hiểu thế giới xung quanh. Ở cấp độ thấp nhất, cảm giác về lãnh thổ ngăn cản những người khác không đi lang thang qua nhà chúng ta vào bất cứ thời điểm nào, ngày cũng như đêm. Ngoài ra, nó còn cho phép ta dự đoán được hành động của người khác trong một tình huống nào đó. Ví dụ, nếu như ta không có khái niệm lãnh thổ ở bàn ăn, thì cứ mỗi bữa ăn mọi người sẽ phải thương lượng về chỗ ngồi.
Lãnh thổ cũng là một phương tiện để xác định và duy trì tổ chức xã hội. Có thể xác định vai trò và địa vị xã hội của một người qua lãnh thổ mà họ chiếm giữ. Chẳng hạn, kích thước bàn ghế và văn phòng thường nói lên tầm quan trọng của một cá nhân trong một tổ chức, và việc thăng chức thường không chỉ kèm với tăng tiền lương mà còn tăng cả kích thước văn phòng của người đó nữa.
Có lẽ vai trò chính của đặc tính lãnh thổ liên quan đến bản sắc của nhóm và cá nhân. Bạn hãy nghĩ về những câu hỏi khi bạn gặp một người nào đó lần đầu tiên một trong số những câu thường được hỏi nhất sẽ là “Anh sống ở đâu?”, “Anh sinh ra ở nơi nào?”. Một trong những lý do là các câu hỏi như thế phần nào cho ta khái niệm về bản sắc nhóm và cá nhân của người kia. Những người cùng sống trong một lãnh thổ thường có cùng kinh nghiệm và hình thành cùng một cơ sở kiến thức chung: họ mua sắm ở cùng một cửa hiệu, học cùng trường, cùng chia sẻ những lo toan về thời tiết, khí hậu, giá cả, tình trạng ô nhiễm môi trường… Do cùng chia sẻ những kinh nghiệm, họ có thể hình thành một bản sắc chung, có thể thấy được qua cùng chung giọng nói, cách ăn mặc, cùng lễ hội hè,…
Ngoài việc góp phần hình thành một bản sắc nhóm, đặc tính lãnh thổ cũng góp phần tạo nên bản sắc cá nhân. Người ta thường tự hào gán cho mình những tên gọi địa lý như “Tui là dân Sài Gòn”, “Mình là người Huế”, “ Tớ là dân Hà nội”. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của đặc tính lãnh thổ trong việc xác định bản sắc cá nhân. Ngoài ra, biết một người từ đâu đến có thể làm ta gán họ với những ý tưởng rập khuôn. Chẳng hạn, một người chọn sống ở Đà Lạt có thể có những đặc tính rất khác với người chọn sống ở Sài gòn. Người ta cũng thường cho là người Sài gòn bộc trực vô tư, người Huế trầm lặng, người Hà nội khéo giao tiếp…
Tầm quan trọng của lãnh thổ trong việc xác định bản sắc cá nhân cũng được chứng tỏ qua việc chúng ta thường tìm cách cá nhân hóa lãnh thổ của mình. Chẳng hạn, trẻ em vào tuổi niên thiếu thường hay dán tranh, ảnh,… ở xung quanh giường ngủ, góc học tập của chúng. Ở ký túc xá cũng vậy, các sinh viên thường trang điểm căn phòng của mình ngay khi họ dời đến ở, bằng cách dán tranh ảnh, sắp xếp đồ đạc, hoặc trang trí khác. Qua hành động này, họ có thể làm cho căn phòng phản ánh rõ hơn những sở thích, thái độ, giá trị của họ.
LỜI KHUYÊN TÂM LÝ: ĐỂ THỰC HIỆN ĐƯỢC TÍNH LÃNH THỔ
Mặc dù ít ai trong chúng ta có thể tự mình thiết kế không gian sống của mình ngay từ đầu, cần nhớ một số nguyên tắc để có thể ứng dụng khi có cơ hội chuyển nhà, thuê một căn hộ, hay mua nhà mới (Fisher, Bell, Baum, 1984):
Nên có những khu vực được thiết kế dành riêng cho lãnh thổ nguyên phát, thứ phát, và công cộng.
Thay vì để cho cách sử dụng quyết định loại lãnh thổ của một không gian nào đó, các nhà thiết kế xây dựng nên quyết định trước khi xây không gian nào sē làm gì.
Các lãnh thổ nên tạo điều kiện cho sự cá nhân hóa.
Các căn hộ và phòng ký túc xá nên tránh những quy định nghiêm ngặt cấm đán, treo những vật dụng lên tường vì việc cho phép người ở có thể cá nhân hóa một khu vực thuộc quyền sử dụng của họ làm cho họ cảm thấy hài lòng hơn với không gian sống của mình.
Nên thiết kế lãnh thổ sao cho người ở có một cảm giác kiểm soát với môi trường.
Người ta luôn mong muốn những đặc tính thiết kế cho phép họ có thể thực hiện những thay đổi trong lãnh thổ của họ tùy theo sở thích. Do đó, nếu bạn có thể chọn lựa giữa một căn phòng với đồ đạc có thể di chuyển được và một căn phòng với các đồ đạc gắn chặt vào sàn nhà thì hầu như luôn luôn bạn sẽ chọn căn phòng đầu tiên.
Trích đoạn từ Vượt qua thử thách- Ứng dụng tâm lý học trong cuộc sống,
Minh Đạt Rehab biên soạn và dịch thuật.