QUẢN LÝ ĐAU Ở TRẺ EM

Cập nhật lần cuối vào 25/04/2022

PHI LỘ:

Nhân nghiên cứu về đau ở trẻ bại não, người dịch tham khảo một số tài liệu, hướng dẫn về hiện có. Dưới đây là bản dịch fact sheet Quản lý Đau ở trẻ em của Hiệp hội Nghiên cứu Đau Quốc tế, Xuất bản ngày 9 tháng 7 năm 2021.

Do trẻ em phụ thuộc vào người lớn trong việc lượng giá, phòng ngừa và điều trị đau, trẻ em từ 0-17 tuổi là nhóm dễ bị tổn thương và cần được quan tâm đặc biệt về quản lý đau. 

Các trải nghiệm đau, bao gồm cấp tính và mạn tính, thường gặp ở trẻ nhũ nhi, thiếu nhi và thanh thiếu niên. Dữ liệu từ các bệnh viện nhi cho thấy đau ở bệnh nhi là phổ biến, không được nhận biết và điều trị đầy đủ [3,15,35,38,47,50,54]. Một đánh giá tổng quan hệ thống gần đây cho thấy trẻ sơ sinh ở các đơn vị chăm sóc tích cực thường phải chịu trung bình từ 7 đến 17 thủ thuật gây đau đớn mỗi ngày, trong đó các thủ thuật thường xuyên nhất là chọc tĩnh mạch, lấy máu ở gót chân và đặt ống thông tĩnh mạch ngoại vi [3]. Ở hầu hết trẻ sơ sinh, không có chiến lược giảm đau nào đã được sử dụng [33]. Ngoài ra, trẻ em mắc các bệnh lý nặng nề thường xuyên phải tiếp xúc với các thủ thuật chẩn đoán gây đau đớn (ví dụ như chọc hút tủy xương, chọc hút dịch tủy sống). Hơn nữa, ngay cả những trẻ khỏe mạnh cũng phải trải qua nhiều thủ thuật y tế gây đau trong suốt thời kỳ trẻ em. Tiêm chủng là thủ thuật kim tiêm được thực hiện phổ biến nhất trong thời kỳ trẻ em, và đau là lý do phổ biến cho ngại tiêm vắc xin [9,25,41]. 

Tiếp xúc với đau dữ dội mà không được quản lý đau đầy đủ có những hậu quả tiêu cực lâu dài, bao gồm tăng tỷ lệ mắc bệnh (ví dụ, xuất huyết não thất) và tử vong [2,42]. Tiếp xúc với đau ở trẻ sinh non có liên quan đến tỷ lệ tự đánh giá mức độ đau cao hơn khi tiêm tĩnh mạch ở độ tuổi đi học [52], nhận thức và chức năng vận động kém hơn [19]. Nghiên cứu cho thấy rằng việc tiếp xúc với đau sớm trong cuộc đời có hậu quả lâu dài về việc tăng nguy cơ phát triển các vấn đề ở tuổi trưởng thành (đau mạn tính, rối loạn lo âu và trầm cảm). Quản lý đầy đủ đau ở trẻ nhũ nhi và trẻ em là điều bắt buộc [5,21,53]. 

Mục lục

Quản lý đau do kim tiêm ở trẻ em 

Đau do kim tiêm không được điều trị, gây ra bởi các thủ thuật như tiêm chủng, lấy máu, tiêm chích, đặt ống thông tĩnh mạch, v.v., có thể để lại hậu quả lâu dài bao gồm chứng sợ kim tiêm, lo lắng trước khi làm thủ thuật, tăng cảm giác đau và tránh chăm sóc sức khỏe, dẫn đến tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong [39,40]. Bằng chứng hiện tại [39,44,46], được hỗ trợ bởi các hướng dẫn từ Hiệp hội Nhi khoa Canada [6,23], HELPinKids [1,29,30,43], và gần đây được đưa ra bởi các chiến dịch truyền thông từ khoa học đến xã hội (“Hãy Ngọt ngào với Bé” /“Be Sweet to Baby ”[8] và đặc biệt là“ Không Cần Phải Gây Đau”/ It doesn’t Have to Hurt ” của Chambers và cộng sự [7]), đề xuất mạnh mẽ rằng bốn phương thức đi kèm nên được cung cấp cho các thủ thuật kim lựa chọn để giảm hoặc loại bỏ cơn đau mà trẻ cảm nhận [13].

Nói chung, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và phụ huynh nên sử dụng những từ ngữ trung tính và tránh những ngôn ngữ có thể làm tăng nỗi sợ hãi và có thể tạo sự trấn an giả tạo (ví dụ: “đau sẽ chóng qua”; “cháu sẽ ổn thôi”). Một đánh giá gần đây của Cochrane đã xác định đủ bằng chứng về hiệu quả của Liệu pháp Nhận thức Hành vi, các can thiệp thở, đánh lạc hướng và thôi miên để giảm đau và hoặc sự sợ hãi do kim tiêm cho trẻ em [4]. Cung cấp bốn bước đơn giản (và không chỉ một số bước trong số này) cho tất cả các thủ thuật dùng kim tiêm cho tất cả trẻ em hiện đã được triển khai một cách hệ thống tại các bệnh viện nhi và phòng khám bác sĩ nhi khoa ở một số châu lục [13,31]. 

Hộp 1: Phòng ngừa và điều trị đau do kim tiêm 

Cung cấp một gói gồm 4 phương thức dựa trên bằng chứng cho tất cả trẻ em: 
(1) Thuốc tê tại chỗ, “Làm tê da,” (đối với trẻ từ 36 tuần tuổi đã được điều chỉnh tuổi thai trở lên). Thuốc tê tại chỗ bao gồm kem lidocain 4% [45], kem EMLA hoặc sử dụng lidocain không cần kim qua J-tip® (một dụng cụ tiêm vô trùng, dùng một lần, sử dụng khí nén để đẩy thuốc qua da) [27,28 ]. 
(2) Đường sucrose [16,37] hoặc bú mẹ [34] cho trẻ nhũ nhi 0-12 tháng [8]. 
(3) Đặt tư thế thoải mái, “Đừng giữ cố định trẻ lại”. Việc giữ cố định trẻ khi thực hiện các thủ thuật không được ủng hộ, tạo ra trải nghiệm tiêu cực, đồng thời làm tăng lo lắng và đau [24]. Đối với trẻ nhỏ, hãy cân nhắc đến bao bọc, giữ ấm, tiếp xúc chạm da hoặc tạo thuận tư thế gấp người (facilitated tucking). Đối với trẻ từ sáu tháng tuổi trở lên, hãy đặt trẻ ở tư thế ngồi thẳng lưng, cha mẹ ôm trẻ vào lòng hoặc ngồi gần đó. 
(4) Đánh lạc hướng phù hợp với lứa tuổi, [51] chẳng hạn như sử dụng các đồ chơi, sách, thổi bong bóng hoặc chong chóng, bóp bóng đàn hồi và sử dụng các ứng dụng, video hoặc trò chơi trên các thiết bị điện tử.
Hình 1: Bao bọc và tiếp xúc chạm da
Hình 2. Ở Tạo thuận tư thế gấp người (Facilitated Tucking), cha mẹ giữ bé ở tư thế gấp như bào thai

Quản lý đau cấp tính ở trẻ em 

Đau do cảm thụ có thể do tổn thương mô do bệnh lý, chấn thương, phẫu thuật, các can thiệp và / hoặc trị liệu điều trị bệnh. Đau cấp tính nếu không được điều trị có thể dẫn đến sợ hãi và thậm chí tránh các thủ thuật y tế trong tương lai. 

Giảm đau đa mô thức/multimodal analgesia(xem Hộp 2) là cách tiếp cận hiện nay để giải quyết đau cấp tính phức tạp. Chỉ dùng thuốc (bao gồm giảm đau cơ bản, các thuốc giảm đau nhóm opioid, thuốc giảm đau bổ trợ) có thể không đủ để điều trị trẻ bị đau cấp tính. Việc bổ sung và tích hợp các phương thức, chẳng hạn như gây tê vùng, phục hồi chức năng, can thiệp tâm lý xã hội hiệu quả [43], tâm lý, tâm linh, cũng như các phương thức tích hợp (“không dùng thuốc”), có tác động hiệp đồng để kiểm soát đau ở trẻ em hiệu quả hơn (không dùng thuốc dạng thuốc phiện) với ít tác dụng phụ hơn so với thuốc giảm đau hoặc phương thức đơn lẻ [12,34]. 

Hộp 2: Phòng ngừa và điều trị đau cấp tính: Giảm đau đa mô thức 

Giảm đau đa phương thức có tác dụng hiệp đồng để kiểm soát đau ở trẻ em hiệu quả hơn với ít tác dụng phụ hơn so với thuốc giảm đau đơn lẻ hoặc theo phương thức 
(1) Các loại thuốc (tùy thuộc vào tình huống lâm sàng) có thể bao gồm:
– Thuốc giảm đau cơ bản (như là paracetamol/acetaminophen, NSAID, các thuốc ức chế COX-2) 
– Các thuốc giảm đau nhóm opioid (ví dụ: tramadol, morphin, methadone) 
– Thuốc giảm đau bổ trợ (ví dụ: gabapentin, clonidin, amitriptylin) 
(2) Gây tê vùng (ví dụ truyền trụ trục thần kinh [ngoài màng cứng], phong bế thần kinh ngoại vi / đám rối, phong bế huỷ thần kinh , bơm nội tủy) 
(3) Phục hồi chức năng (ví dụ vật lý trị liệu, tưởng tượng vận động từng mức (graded motor imagery) [32], hoạt động trị liệu) 
(4) Tâm lý (ví dụ: liệu pháp hành vi nhận thức) 
(5) Tâm linh (ví dụ như tuyên úy) 
(6) Các phương thức tích hợp (“không dùng thuốc”) (ví dụ: các kỹ thuật cơ thể tâm trí như thở hoành, thổi bong bóng, tự thôi miên, thư giãn cơ tuần tiến, phản hồi sinh học kết hợp cộng với xoa bóp, liệu pháp hương thơm, bấm huyệt, châm cứu

Quản lý đau mạn tính ở trẻ em 

Đau mạn tính ở trẻ em là một vấn đề đáng quan tâm ảnh hưởng từ 20% ​​đến 35% trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới với các ước tính thận trọng [17,26,36]. Đau ở các bệnh viện nhi đồng được biết là thường gặp, không được nhận biết và điều trị đầy đủ, với hơn 10% trẻ nhập viện có biểu hiện đau mạn tính [15,38,47,55]. Mặc dù phần lớn trẻ em báo cáo đau mạn tính không bị khuyết tật nặng vì đau [22], khoảng 3% bệnh nhân đau mạn tính ở trẻ em cần được phục hồi chức năng tích cực [20]. 

Tuyên bố của Hiệp hội Đau Hoa Kỳ năm 2012, “Lượng Giá Và Quản Lý Trẻ Em Bị Đau Mạn Tính”, chỉ ra rằng đau mạn tính ở trẻ em là kết quả của sự tích hợp động của các quá trình sinh học, các yếu tố tâm lý và các biến văn hóa xã hội, được xem xét trong một quỹ đạo phát triển [11 ]. Không giống như trong y học người lớn, đau mạn tính ở trẻ em không nhất thiết phải được định nghĩa bằng cách sử dụng các thông số thời gian bất kỳ (ví dụ: 3 tháng), mà sử dụng một định nghĩa chức năng hơn như “đau kéo dài ngoài thời gian lành dự kiến” và “do đó không có chức năng cảnh báo cấp tính của cảm thụ đau sinh lý” [48,49]. 

Một tiếp cận liên ngành kết hợp (1) phục hồi chức năng; (2) y học tích hợp / các kỹ thuật cơ thể – tâm trí tích cực; (3) tâm lý học; và (4) trở lại bình thường (bình thường hoá) các hoạt động ngày như đi học, thể thao, đời sống xã hội và giấc ngủ dường như có hiệu quả. Nhờ chức năng được phục hồi, đau được cải thiện và thường khỏi. Các thuốc opioid không được chỉ định cho các rối loạn đau nguyên phát (bao gồm hội chứng đau bụng do trung ương, đau đầu nguyên phát [đau đầu do căng thẳng / đau nửa đầu] và đau cơ xương khớp lan rộng) và các loại thuốc khác  thường không phải là liệu pháp đầu tay, với một vài trường hợp ngoại lệ. 

Một đánh giá gần đây của Cochrane kết luận rằng các phương pháp điều trị tâm lý trực diện có thể có hiệu quả trong việc giảm các kết quả đau cho trẻ em và thanh thiếu niên bị đau đầu và các dạng đau mạn tính khác [10]. Các phương pháp điều trị tâm lý cũng đã được chứng minh là có hiệu quả trong giảm thiểu tình trạng khuyết tật liên quan đến đau ở trẻ em và thanh thiếu niên bị các tình trạng đau mạn tính hỗn hợp khi kết thúc điều trị và theo dõi, và đối với trẻ em bị đau đầu khi theo dõi. Các loại phương pháp điều trị tâm lý nhận được sự quan tâm nghiên cứu nhiều nhất là Liệu pháp Nhận thức-Hành vi (Cognitive-Behavioral Therapy) và Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (Acceptance and Commitment Therapy). 

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng điều quan trọng là phải nhắm vào những suy nghĩ nặng nề/thảm hoạ hoá của cha mẹ, sự đau khổ của cha mẹ và các hành vi của cha mẹ liên quan đến tình trạng đau của trẻ (ví dụ, các hành vi bảo vệ), điều này đã dẫn đến các khuyến nghị kết hợp cha mẹ trong điều trị đa ngành [18]. 

Hộp 3: Điều trị đau mạn tính và các rối loạn đau nguyên phát [14] 

(1) Phục hồi chức năng (ví dụ vật lý trị liệu, tưởng tượng vận động từng mức [32], Hoạt động trị liệu) 
(2) Các phương thức tích hợp (“không dùng thuốc”) (ví dụ: các kỹ thuật cơ thể tâm trí như thở hoành, thổi bong bóng, tự thôi miên, thư giãn cơ tuần tiến, phản hồi sinh học kết hợp cộng với xoa bóp, liệu pháp hương thơm, bấm huyệt, châm cứu
(3) Tâm lý (ví dụ: liệu pháp hành vi nhận thức, liệu pháp chấp nhận và cam kết) 
(4) Bình thường hóa Cuộc sống (thường thì cuộc sống trở lại bình thường trước, sau đó đau giảm – không phải ngược lại) Thể thao / tập thể dục Vệ sinh giấc ngủ Đời sống xã hội Đi học
(5) Thuốc (có thể cần hoặc không):
– Thuốc giảm đau cơ bản (ví dụ như paracetamol / acetaminophen, NSAIDs, chất ức chế COX-2 
– Thuốc giảm đau bổ trợ (ví dụ như gabapentin, clonidine, amitriptyline) 
Lưu ý: Các thuốc opioid trong trường hợp không có tổn thương mô mới, ví dụ như ly thượng bì bóng nước (epidermolysis bullosa), bệnh tạo xương bất toàn, thường KHÔNG được chỉ định

Tác giả và tài liệu tham khảo

Các tác giả:

  • TS Liesbet Goubert, Giáo sư về Tâm lý Sức khỏe Lâm sàng, Khoa Tâm lý Học Sức khỏe và Thực nghiệm-Lâm sàng, Đại học Ghent, Bỉ 
  • BS Stefan J. Friedrichsdorf, Hội viên Hiệp hội Nhi khoa Hoa kỳ, Giám đốc Y khoa, Khoa Y học Giảm đau, Chăm sóc Giảm nhẹ và Y học Tích hợp, Bệnh viện và Phòng khám Trẻ em Minnesota, Phó Giáo sư Khoa Nhi, Đại học Minnesota Minneapolis, Hoa Kỳ

Tài liệu tham khảo

Xem ở bản tiếng Anh, tại đây

Ghi chú: Hình ảnh do người dịch bổ sung

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này