CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO. PHẦN 2: ĐIỀU TRỊ VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

Cập nhật lần cuối vào 14/05/2023

XEM LẠI: CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO. PHẦN 1: TỔNG QUAN

Mục lục

Điều trị Ban đầu

Trọng tâm ban đầu của việc điều trị bệnh nhân CTSN là giảm mức độ tổn thương thứ phát. Nếu mức chấn thương ban đầu đủ nặng, CT hoặc MRI có thể hữu ích trong việc xác định nhu cầu can thiệp phẫu thuật. Đánh giá hình ảnh học xem xét các dấu hiệu chảy máu, phù và đẩy lệch não quá mức. Nếu không có những dấu hiệu này, can thiệp y tế sẽ giải quyết tổn thương thứ phát có thể xảy ra. 

Ban đầu, cần đảm bảo thông đường dẫn khí, thở và tuần hoàn (ABC), bồi phụ dịch – điện giải và dinh dưỡng tốt, phòng và xử trí các quá trình nhiễm trùng, rối loạn giấc ngủ bao gồm ngưng thở khi ngủ và cân nhắc kỹ các loại thuốc sử dụng. Bất kỳ sự mất cân bằng nào trong các yếu tố này có thể ức chế chức năng của mô não.

  • Một số bệnh nhân bị tổn thương não có thể không thể hoặc không muốn ăn bằng đường miệng, và điều này có thể cần đến cho ăn qua ống thông hoặc truyền tĩnh mạch. Đây có thể là một vấn đề quan trọng trong giai đoạn hồi phục sau cấp tính. 
  • Cần đánh giá nguy cơ nhiễm trùng, ít nhất là đường hô hấp và tiết niệu. Ngay cả những trường hợp nhiễm trùng “dưới mức lâm sàng” cũng có thể làm gián đoạn chức năng của não bị tổn thương. Vì lý do này, những bệnh nhiễm trùng như vậy nên được điều trị như có thể có triệu chứng.
  • Một số loại thuốc có thể có tác dụng không tốt với những người bị tổn thương não. Những thuốc này cần được đánh giá lại cẩn thận để loại bỏ loại thuốc nào có thể gây cản trở cho chức năng nhận thức. Các thuốc phổ biến nhất bao gồm thuốc chống co giật, thuốc hạ huyết áp, thuốc chống co cứng, thuốc an thần kinh, thuốc giải lo, thuốc ngủ và thuốc tiêu hóa. Một số thuốc có thể không cần thiết, trong khi những thuốc khác có thể có các thuốc thay thế ít tác dụng phụ hơn.

Phục hồi chức năng

Thời điểm PHCN

  • Can thiệp PHCN sớm cải thiện kết quả với CTSN nặng về lâm sàng. Do đó, PHCN cần bắt đầu càng sớm càng tốt, ngay từ trong giai đoạn cấp tính ở đơn vị chăm sóc tích cực tại bệnh viện. Các can thiệp ở giai đoạn này chú trọng làm giảm khiếm khuyết và phòng ngừa các biến chứng thứ cấp như là co rút, suy dinh dưỡng, loét do tỳ đè và viêm phổi. 
  • Sự hồi phục thần kinh sau CTSN có thể xảy ra trong một thời gian kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm (6 tháng đến 2 năm với khiếm khuyết thể chất, và dài hơn với các vấn đề về tâm lý – xã hội). Điều quan trọng đối với các dịch vụ chăm sóc PHCN là: những người bệnh khác nhau cần các trị liệu khác nhau vào các giai đoạn khác nhau trong quá trình hồi phục của họ và đôi khi cần phải được hỗ trợ suốt đời. Các người bệnh cũng hồi phục với các tốc độ khác nhau. Một số người bệnh có thể cần phải nằm viện trong nhiều tháng.
  • Những người chăm sóc cho những người bệnh CTSN nặng cũng có thể cần được hỗ trợ trong một khoảng thời gian dài.

Các bối cảnh/giai đoạn PHCN tổn thương não:

PHCN sau tổn thương não có thể xảy ra ở các bối cảnh sau:

  • PHCN giai đoạn cấp/tối cấp tính: tại khoa hồi sức tích cực, ngoại thần kinh
  • PHCN nội trú: liên quan đến PHCN chuyên khoa tích cực cho các bệnh nhân chưa sẵn sàng trở về nhà sau xuất viện giai đoạn cấp. Thường các khoa PHCN sẽ nhận bệnh nhân khoảng 1 tuần sau chấn thương khi bệnh nhân ổn định nội khoa. Một số bệnh nhân cần nằm viện để được PHCN một thời gian khá dài, trên 3 tháng hoặc tái nhập viện. 
  • PHCN ngoại trú: một số bệnh nhân cải thiện tốt có thể về nhà và được điều trị bổ sung với hình thức bệnh nhân ngoại trú – hoặc ở bệnh viện khu vực hoặc ở một trung tâm PHCN riêng.
  • PHCN cộng đồng: Sau PHCN nội trú, một số bệnh nhân có thể được chuyển đến một đơn vị sống độc lập chuyển tiếp (nhà trung chuyển) để phát triển các kỹ năng sống độc lập, một số khác trở về nhà, có sự hỗ trợ của nhóm PHCN cộng đồng hoặc nhóm chuyên gia đa ngành.
Xem VIDEO: The Road to Recovery Following Brain Injury: Con Đường Hồi Phục Sau Chấn Thương Sọ Não

Các phương pháp PHCN

Phục hồi chức năng có thể bao gồm nhiều hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi về thể chất, nhận thức và hành vi, phòng ngừa và hạn chế ảnh hưởng của các khiếm khuyết, cải thiện hoạt động và tạo điều kiện tối ưu cho sự tham gia trở lại vào cuộc sống.

Một khía cạnh trung tâm của phục hồi CTSN là thông qua một tiếp cận nhóm được điều phối tốt. Điều này có thể đạt được bởi một nhóm các chuyên gia y tế đa chuyên ngành.

Nhóm Đa Chuyên Ngành kết hợp các kỹ năng về y học (thuốc, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, âm ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu, công nghệ trợ giúp …), điều dưỡng và các chuyên ngành sức khoẻ khác và có thể liên quan đến các dịch vụ xã hội, giáo dục và hướng nghiệp để lượng giá, điều trị, đánh giá lại định kỳ, lập kế hoạch xuất viện và theo dõi. 

Một số vấn đề cụ thể và can thiệp

Chứng Quên Sau Chấn thương (Post Traumatic Amnesia, PTA)

  • Là một trạng thái lẫn lộn xảy ra ngay sau tổn thương não do chấn thương, trong đó người bị chấn thương bị mất định hướng và không thể nhớ những sự kiện xảy ra sau chấn thương. Người bệnh có thể không thể nói được tên của mình, nơi chốn, và thời gian hiện tại.
  • Trong khi PTA tiếp diễn, các sự kiện mới không thể được lưu trữ trong bộ nhớ.
  • Sự lẫn lộn và mất định hướng có thể dẫn đến tình trạng bồn chồn, kích động, gây hấn bằng lời nói và hành động và người bệnh thường đi lang thang.
  • Khi trí nhớ liên tục trở lại, PTA được xem là đã kết thúc.
  • Các nghiên cứu chứng tỏ rằng thời gian PTA càng dài thì khiếm khuyết về trí tuệ càng nặng và càng ít có khả năng trở lại làm việc.

Lượng giá

  • Thang điểm Quên Sau Chấn thương Westmead.

Can thiệp

  • Phương pháp can thiệp PTA tốt nhất là tuân thủ các nguyên tắc điều trị hành vi trong đó đội ngũ nhân viên y tế tạo một môi trường giảm thiểu sự kích động. Các môi trường ồn ào và kích thích quá mức có xu hướng làm cho người bệnh đang bị PTA kích động do đó cần tạo một môi trường yên tĩnh, an toàn. Người bệnh nên ở phòng riêng và dành nhiều thời gian ở đó để làm quen với môi trường của họ. Những người bệnh CTSN trong trạng thái này mà có thể đi lại được nên được phép đi dạo với sự giám sát. Có đội ngũ nhân viên cố định, các bức ảnh gia đình và bảng chỉ đường cũng làm cho người bệnh quen với môi trường của họ.
  • Cần hạn chế số người thăm viếng và khuyến cáo họ tiếp xúc với người bệnh CTSN trong khoảng thời gian ngắn.
  • Người bệnh đang bị PTA thường mệt mỏi và cần ngủ nhiều hơn, và cần khuyến khích họ thực hiện điều này
  • Cần trấn an gia đình/ người chăm sóc và có thể cung cấp các thông tin tài liệu cho gia đình/người chăm sóc tại thời điểm này.

Phục hồi chức năng Nhận thức

  • Các khiếm khuyết nhận thức có thể bao gồm:
    • các khó khăn trong việc hiểu và/hoặc tạo lời nói;
    • các khó khăn với chú ý, trí nhớ và khả năng tập trung;
    • các khó khăn với việc bắt đầu và lập kế hoạch hoạt động hàng ngày; và
    • các khiếm khuyết trong các nhiệm vụ nhận thức khác như suy luận, phán đoán, bắt đầu, lập kế hoạch, giải quyết vấn đề và ra quyết định. 
  • Các khiếm khuyết nhận thức mặc dù nhẹ cũng có thể có ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động chức năng.

Lượng giá: 

Can thiệp:

  • Trong giai đoạn cấp, can thiệp trong một môi trường được sắp xếp và không gây sao nhãng, với các chương trình tăng cường sự chú ý và các kỹ năng xử lý thông tin  cho những người bệnh có khó khăn về chức năng điều hành.
  • Trong giai đoạn bán cấp, các can thiệp cho các khiếm khuyết hành vi nên được áp dụng trong một chương trình PHCN tâm lý thần kinh toàn diện (cả về nhận thức, cảm xúc và hành vi), hướng mục tiêu nhằm cải thiện hoạt động chức năng trong các hoạt động có ý nghĩa hàng ngày.
  • Hướng dẫn các kỹ thuật bù trừ ví dụ như là các biện pháp bù trừ trí nhớ chú trọng vào việc cải thiện hoạt động hàng ngày thay vì khiếm khuyết trí nhớ. Có thể sử dụng các dụng cụ trợ giúp trí nhớ đơn giản và/hoặc phức tạp.
  • Cần cung cấp thông tin và hỗ trợ liên tục cho gia đình và người chăm sóc nếu cần thiết để giúp họ hiểu các vấn đề về nhận thức và hành vi, hướng dẫn cách tương tác phù hợp với người bị CTSN và cách tiếp cận các dịch vụ chăm sóc.

Phục hồi chức năng các vấn đề về Hành vi

  • Một người bệnh bị CTSN có thể có những những ảnh hưởng về mặt tâm lý/hành vi do chấn thương.
  • Các biểu hiện này có thể bao gồm:
    • những thay đổi bên ngoài về tính tình và hành vi có thể phát hiện được, chẳng hạn như tăng kích thích, kích động, bốc đồng, mất ức chế và gây hấn bằng lời nói và/hoặc hành động. Họ cũng có xu hướng đi lang thang.
    • Có thể có những thay đổi về tâm trạng, với các biểu hiện như dễ thay đổi cảm xúc, trầm cảm, lo lắng, muốn tự sát, và những khó khăn về tình dục.
    • Cũng có thể có những thay đổi trong các mối quan hệ của người bệnh với người khác, và người bệnh có xu hướng xem mình là trung tâm và cô lập hơn.
  • Những thay đổi hành vi này thường gây ra các phản ứng tiêu cực từ gia đình, bạn bè và những người khác mà người bệnh CTSN tiếp xúc, và điều này có thể cản trở sự hồi phục của người bệnh.
  • Lưu ý là hành vi kích động ở bệnh nhân tổn thương não đôi khi có thể không phải là do chính tổn thương não mà phản ánh những yếu tố khác như nhân cách trước chấn thương, nhiễm độc hoặc cai rượu/thuốc phiện, rối loạn tâm trạng, lo lắng, đau, bí tiểu, táo bón. Các nguyên nhân nội khoa có thể điều trị này cần phát hiện và xử lý trước khi tiến hành các can thiệp khác.
  • Những người bệnh CTSN bị kích động cần được lượng giá và can thiệp tâm lý. Các gia đình cũng có thể cần được giải thích về các vấn đề hành vi này và hướng dẫn để can thiệp thích hợp.

Các vấn đề về Rối loạn chức năng Tình dục

  • Nên sớm tạo cơ hội thảo luận các vấn đề liên quan đến tình dục sau chấn thương sọ não nặng, cả với người bệnh và bạn tình của họ. Điều này nên được bắt đầu bởi các chuyên gia y tế.
  • Tư vấn về tình dục cần bao gồm khía cạnh thể chất (ví dụ như tư thế, các khiếm khuyết về cảm giác, rối loạn chức năng cương, thuốc) và cả các khía cạnh tâm lý (ví dụ như giao tiếp, sợ hãi, thay đổi vai trò và cảm giác hấp dẫn).
  • Gia đình/người chăm sóc cần được trấn an rằng hành vi tình dục không thích hợp không phải là bất thường ở những người bệnh CTSN đang hồi phục ở giai đoạn đầu và nó sẽ cải thiện dần theo thời gian và họ cần được hướng dẫn để tránh vô tình khuyến khích loại hành vi này.
  • Nếu hành vi tình dục không thích hợp nặng nề, nguy hiểm hoặc kéo dài, nó cần phải được giải quyết như là một phần của chương trình PHCN cho người bệnh.

Trầm cảm và Lo âu

  • Trầm cảm và các rối loạn lo âu là phổ biến sau CTSN, đặc biệt là trầm cảm, và có thể ảnh hưởng không tốt đến kết quả của PHCN và hoạt động chức năng và chất lượng cuộc sống của người bệnh CTSN và cả người chăm sóc.
  • Do đó điều quan trọng là phải nhận biết và điều trị trầm cảm ở người bệnh CTSN. Các vấn đề chính cần được cân nhắc là xác định xem:
    • Trầm cảm có nặng nề đến mức ảnh hưởng đến sức khoẻ hoặc cản trở sự phục hồi hay không?
    • Trầm cảm có khả năng đáp ứng tốt hơn với thuốc chống trầm cảm hay là các can thiệp khác.
    • Thuốc chống trầm cảm có an toàn và có thể chấp nhận được cho người bệnh hay không?
    • Làm thế nào để theo dõi hiệu quả của điều trị?
    • Cần tiếp tục điều trị trong bao lâu?
  • Chẩn đoán và điều trị cần bao gồm đánh giá lâm sàng bởi một chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm trong xử lý người bệnh CTSN. Điều quan trọng là phải xem các dịch vụ tâm lý là hữu ích cho gia đình, vì căng thẳng đối với những cá nhân này có thể rất lớn.

Rối loạn Nuốt

  • Cần lượng giá sớm khả năng nuốt an toàn và can thiệp cho bệnh nhân rối loạn nuốt.
  • Xử lý khó nuốt có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì dinh dưỡng và cung cấp dịch cũng như phòng ngừa các biến chứng, như nhiễm trùng hô hấp. Xử lý chứng khó nuốt sau CTSN thường kết hợp các kỹ thuật bù trừ, các bài tập phục hồi và thay đổi thích hợp kết cấu của chế độ ăn uống.
    • Các kỹ thuật bù trừ được thiết kế để cho phép ăn qua đường miệng mặc dù có các khiếm khuyết về nuốt; ví dụ như, thay đổi tư thế hoặc kỹ thuật nuốt để nuốt an toàn hơn.
    • Các bài tập phục hồi nhằm mục đích trực tiếp cải thiện sinh lý nuốt, ví dụ như các bài tập nhằm tăng cường sức mạnh của lưỡi để cải thiện vận chuyển thức ăn ở miệng.
    • Thay đổi kết cấu thức ăn được thực hiện khi nuốt an toàn chỉ có thể đạt được với các kết cấu thức ăn riêng biệt, như chế độ ăn với thức ăn được xay nhỏ khi khả năng nhai bị suy giảm.

Vấn đề về giao tiếp

  • Thất ngôn do CTSN thường mang tính hỗn hợp: vừa là thất ngôn tiếp nhận vừa là diễn đạt, đặc trưng bởi những hạn chế về ngôn ngữ, khái niệm, và nhận thức.
  • Do vậy, có thể phải sử dụng các kỹ năng giao tiếp hỗ trợ khác như: bảng chữ cái, bảng tranh, hay giao tiếp bằng dấu và các hệ thống máy tính khi thích hợp.

Vấn đề việc làm

  • Sau khi hồi phục từ CTSN, không nên vội vàng trở lại làm việc quá sớm. Làm như vậy có thể làm cho những triệu chứng đã được khắc phục có thể bùng phát một lần nữa. Có thể cần một thời gian đào tạo lại và có thể cần sự thích nghi với nơi làm việc. Về việc làm, nhiều nghiên cứu cho thấy chỉ có 10% BN CTSN nặng có thể đi làm trở lại. Còn nhóm CTSN vừa, khả năng này có thể tới 50-65%.
  • Trở lại làm việc hoặc tìm một nghề nghiệp thay thế là một mục tiêu chính và là một yếu tố quan trọng trong việc khôi phục chất lượng cuộc sống cho những người bệnh CTSN. Nếu họ không thể trở lại công việc làm trước đây hoặc có được một công việc thay thế, sẽ có những vấn đề về kinh tế quan trọng cũng như những hậu quả sâu xa khác cho người bệnh và gia đình họ.
  • Cần lượng giá các người bệnh CTSN về nhu cầu PHCN nghề nghiệp để giúp họ quay trở lại làm việc, hoặc đối với những người trước đây chưa làm việc thì họ có thể tham gia lao động có việc làm, và cung cấp PHCN nghề nghiệp cho những người có nhu cầu.

Các thương tật thứ phát: như co rút, loét ép, cốt hoá lạc chỗ …

XEM THƯ MỤC: CÁC TÌNH TRẠNG VÀ BIẾN CHỨNG THỨ PHÁT

MỘT SỐ THUỐC ĐIỀU TRỊ TRIỆU CHỨNG CÓ THỂ CÂN NHẮC SỬ DỤNG

Độ tỉnh táo (Arousal)

  • Đối với một người bị chấn thương sọ não, độ tỉnh táo sẽ dao động trong ngày. Mệt mỏi có thể trở thành một vấn đề lâu dài. Có thể cần nghỉ ngơi và ngủ trưa thường xuyên, thậm chí hơn 1 năm sau chấn thương.
  • Có thể sử dụng một số loại thuốc với tình trạng giảm tỉnh táo và mệt mỏi quá mức, như amantadine, bromocriptine, carbidopa / levodopa, methylphenidate, modafinil, atomoxetine, amphetamine, nortriptyline và protriptyline. Trong một thử nghiệm lâm sàng mù đôi, amantadine đã được chứng minh là có tác dụng đẩy nhanh tốc độ hồi phục chức năng ở những bệnh nhân bị chấn thương não nặng. 

Sự chú ý (Attention)

  • Các loại thuốc thần kinh cho giảm chú ý tương tự như những thuốc sử dụng để tỉnh táo. Chúng bao gồm các chất kích thích thần kinh, chẳng hạn như methylphenidate, modafinil, và atomoxetine, và các thuốc dopaminergic, bao gồm amantadine, bromocriptine và carbidopa / levodopa.
  • Thuốc chống trầm cảm (bao gồm các chất ức chế tái hấp thu serotonin hỗn hợp cũng như chọn lọc) có thể có ích nếu trầm cảm gây cản trở cho nhận thức. 

Trí nhớ (Memory)

  • Vì trí nhớ cần cả sự tỉnh táo và chú ý, các loại thuốc đã được thảo luận trước đây để cải thiện sự chú ý có thể cải thiện khả năng học. Một số loại thuốc khác như donepezil, memantine, rivastigmine cũng được thử nghiệm.
  • Có thể tăng cường trí nhớ qua việc sử dụng các chiến lược và dịch vụ bù trừ, thông qua các hướng dẫn của kỹ thuật viên âm ngữ trị liệu/hoạt động trị liệu hoặc các dụng cụ trợ giúp trí nhớ đơn giản hoặc phức tạp.

Kích động (Agitation)

  • Vì kích động là một vấn đề thường gặp và thường gây phiền nhiễu với những bệnh nhân đang hồi phục sau CTSN, cần chọn lựa các loại thuốc cẩn thận để phòng ngừa chấn thương, cho phép tập trung vào phục hồi chức năng và giảm căng thẳng cho người chăm sóc.
  • Các thuốc được lựa chọn cần giúp kiểm soát hành vi, đồng thời ít gây rối loạn nhận thức nhất.
  • Vì các thuốc họ benzodiazepine được cho là có thể ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của não đang bị tổn thương, nên những chất này không được khuyến cáo sử dụng trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục. Do đó, các loại thuốc khác được sử dụng làm thuốc đầu tay. Để giải lo âu, buspirone có vẻ thích hợp hơn.
  • Có thể sử dụng thuốc chống chống co giật để ổn định tâm trạng (ví dụ: natri divalproex, carbamazepine), thuốc chống loạn thần mới hơn (ví dụ, risperidone, quetiapine), thuốc chẹn beta (ví dụ, propranolol) và các thuốc chống trầm cảm cho bệnh nhân lo lắng hoặc kích động.
  • Vì không chú ý đến môi trường có thể dẫn đến kích động hành vi, các loại thuốc như amantadine và methylphenidate cũng nên được xem là những tác nhân hữu ích. 

Động kinh (Seizures)

  • Việc sử dụng thuốc chống động kinh không được khuyến cáo nếu không có cơn co giật nào xảy ra trong vòng tuần đầu tiên sau tổn thương não.
  • Nếu bệnh nhân bị co giật sau 1 tuần, có thể cần sử dụng thuốc chống co giật trong thời gian kéo dài cho đến khi bệnh nhân hết co giật trong thời gian từ 2 đến 5 năm; bệnh nhân sau đó sẽ được đánh giá lại và quản lý theo hướng dẫn tiêu chuẩn cho bệnh nhân bị động kinh mới mới khởi phát.
  • Các thuốc sử dụng phụ thuộc vào loại động kinh và thường là carbamazepine, valproic acid, và gabapentin

Co cứng (Spasticity)

  • Co cứng là một vấn đề thường gặp ở bệnh nhân tổn thương não, đôi khi kèm đa động. Nếu không được giải quyết, co cứng có thể dẫn đến co rút khớp sớm.
  • Bước đầu tiên của can thiệp là tìm cách giảm các kích thích độc hại (những kích thích gây đau, khó chịu, nhiễm trùng,..).
  • Cần đặt tư thế tốt và tập vận động (kéo dãn), có thể bao gồm nẹp và bó bột liên tiếp.
  • Các loại thuốc có thể sử dụng bao gồm tizanidine, clonidine, dantrolene, diazepam và baclofen. Tất cả các thuốc này đều có tác dụng phụ tiềm ẩn và cần được sử dụng một cách thận trọng. Dantrolene là duy nhất ở chỗ không có tác dụng trung ương, nhưng thường dẫn đến rối loạn chức năng gan cấp tính. 
Triệu chứng Thuốc Liều ban đầu Liều cuối cùng 
kích thích Amantadine50 mg, 8 giờ sáng và 2 giờ chiều100 mg, 8 giờ sáng và 2 giờ chiều
Bromocriptine1,25 mg, 8 giờ sáng và 2 giờ chiều5,0 mg, 8 giờ sáng và 2 giờ chiều
Carbidopa / levodopa10 mg / 100 mg tid50 mg / 100 mg tid 
Methylphenidate 2,5 mg, sáng và 2 giờ chiều 20 mg, sáng và 2 giờ chiều
Modafinil 100 mg mỗi ngày 100 mg 8 giờ sáng và 2 giờ chiều
Dextroamphetamine5 mg mỗi ngày30 mg, sáng và 2 giờ chiều
Chú ý Methylphenidate2,5 mg, sáng và 2 giờ chiều20 mg, sáng và 2 giờ chiều
Adderall5 mg bid20 mg bid
Modafinil100 mg, sáng100 mg, sáng và chiều
Amantadine100 mg, sáng150 mg, sáng và 2 giờ chiều
Bromocriptine1,25 mg, sáng50 mg, 8 giờ sáng và 2 giờ chiều
Carbidopa / levodopa10 mg / 100 mg tid50 mg / 100 mg tid 
Sertraline50 mg mỗi ngày200 mg mỗi ngày
Citalopram20 mg mỗi ngày40 mg
Donepezil2,5 mg mỗi ngày5 mg mỗi ngày
Memantine5 mg mỗi ngày10 mg mỗi ngày
Atomoxetine20 mg mỗi ngày60 mg mỗi ngày
Kích động Buspirone 7,5 mg bid 30 mg  bid 
Carbamazepine200 mg  bid 600 mg  bid 
Risperidone1 mg  bid 6 mg  bid 
Propranolol 10 mg mỗi ngàygiới hạn bởi hạ HA
Quetiapine25 mg mỗi ngày800 mg mỗi ngày
Trí nhớDonepezil5 mg10 mg
Memantine5 mg10 mg bid
BẢNG: CÁC THUỐC ĐIỀU TRỊ TRIỆU CHỨNG TRONG CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO

NB: Bài viết không đề cập đến các các tình trạng rối loạn ý thức như tình trạng thực vật…

XEM THÊM: CASE STUDY PHYSIOTHERAPY 1.5 CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG DÀI HẠN

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này