Cập nhật lần cuối vào 15/10/2023
Tư thế cung cấp một cơ sở cho vận động và chức năng. Bài viết nằm trong loạt bài về tư thế, thao tác và đặt tư thế cho trẻ khuyết tật.
Minh Dat Rehab
Kiểm soát đầu và thân mình đều là những thành phần cần thiết để ngồi và đứng. Bài viết sau thảo luận về các tư thế và thao tác can thiệp hỗ trợ kiểm soát đầu.
Có một số cách khác nhau để khuyến khích kiểm soát thân mình. Những can thiệp này có thể được sử dụng để thúc đẩy sự phát triển khả năng kiểm soát thân mình ở những trẻ không thể hiện khả năng kiểm soát thân mình đầy đủ, và có thể được sử dụng trong quá trình trị liệu hoặc là một phần của chương trình tại nhà.
Mục lục
ĐẶT TƯ THẾ ĐỂ NGỒI ĐỘC LẬP
Như đã nêu trước đây, ngồi là tư thế hoạt động của các chi trên, hẳng hạn như các hoạt động tự chăm sóc (ăn, mặc quần áo và tắm rửa …), cũng như khi chơi với các đồ vật. Tư thế ngồi độc lập có thể quan trọng với trẻ hơn là tư thế đứng, nhất là khi trẻ khó có thể đạt được chức năng đi lại.
Có thể đạt được ngồi độc lập bằng nhiều cách. Tư thế ngồi tựa tay có thể là ngồi độc lập, nhưng sẽ không hỗ trợ hoạt động trừ khi một hoặc cả hai tay được tự do để thực hiện các hoạt động có ý nghĩa. Tham khảo tăng tiến ngồi dựa trên mức độ khó khăn ở bảng 1.
Bảng 1. Tăng tiến của các tư thế ngồi dựa trên mức độ khó khăn
1 | Ngồi tựa (về phía) trước trên cả hai tay |
2 | Ngồi tựa về phía trước trên một tay |
3 | Ngồi tựa sang bên trên cả hai tay |
4 | Ngồi tựa sang bên trên một tay |
5 | Ngồi không chống tay |
6 | Ngồi bên chống một tay |
7 | Ngồi bên không chống tay |
Ngồi tựa về phía trước trên cả hai tay.
Tư thế bắt đầu là ngồi, với trẻ chịu trọng lượng trên cánh tay duỗi đặt ở phía trước. Có thể sử dụng một số tư thế ngồi khác nhau, chẳng hạn như tư thế ngồi dang thẳng hai chân, ngồi vòng tròn hoặc ngồi theo kiểu của thợ may. Trẻ phải có khả năng chịu trọng lượng trên hai tay. Các hoạt động chuẩn bị có thể bao gồm tạo đáp ứng duỗi bảo vệ ra phía trước hoặc đẩy lên từ tư thế nằm sấp chống khuỷu. Có thể áp dụng nén ép nhẹ nhàng qua hai vai xuống bàn tay để củng cố tư thế. Chịu trọng lượng khuyến khích phản ứng nâng đỡ từ các cơ của đai vai và hai tay để giữ tư thế.
Ngồi tựa về phía trước trên một tay.
Tư thế bắt đầu là ngồi, như được mô tả trong đoạn trước. Khi có thể tựa bằng hai tay, tập chuyển trọng lượng (sang từng tay) ở tư thế này có thể khuyến khích giải phóng một tay để vươn tới hoặc chỉ tay và do đó cho phép chỉ tựa trên một cánh tay.
Ngồi tựa sang một bên trên một tay.
Nếu đứa trẻ không thể đỡ toàn bộ trọng lượng của mình trên một cánh tay đặt ở một bên, thì có thể đặt một chiếc gối hoặc miếng đệm giữa sàn và tay nâng đỡ của trẻ (Hình). Có thể tập chịu trọng lượng nhiều hơn bằng cách để trẻ với tay bằng tay kia về phía tay chống. Khi vị trí của đồ vật thay đổi, trẻ sẽ chuyển trọng lượng và thậm chí có thể cố gắng thay đổi tư thế ngồi.
Ngồi không chống tay.
Có thể khuyến khích chuyển từ ngồi chống một tay sang ngồi không cần chống tay bằng cách để trẻ chuyển trọng lượng hướng ra khỏi tay chống và sau đó để trẻ cố gắng với tới bằng tay chống. Ban đầu có thể tập chống tay trên các đồ vật và cuối cùng là trên thân mình của trẻ để cho trọng lượng chuyển về giữa chân đế. Cho trẻ vỗ tay hoặc đập bóng bay cũng có thể tạo cơ hội để giải phóng tay chống đỡ. Một cách khác để chuyển từ ngồi chống hai tay, sang chống một tay, sau đó sang không chống tay là ngồi gấp chân và tựa lên hai bàn chân.
Ngồi bên chống lên một tay.
Ngồi bên (side sitting) là một tư thế ngồi khó để trẻ chơi hơn vì cần phải xoay thân mình để giữ tư thế để hai tay tự do chơi. Một số trẻ chỉ có thể đạt được và giữ tư thế này nếu trẻ chống một tay, do đó chỉ cho phép chơi bằng một tay và làm trẻ không chơi hoặc phối hợp bằng hai tay. Có thể sử dụng một tấm đệm để giúp duy trì tư thế ngồi bên chống tay dễ dàng hơn. Tư thế ngồi bên không đối xứng có thể được sử dụng để thúc đẩy chịu trọng lượng lên một hông mà trẻ tránh chịu trọng lượng, như trong trường hợp liệt nửa người. Hai chân được đặt không đối xứng. Chân dưới xoay ra ngoài và dạng ra trong khi chân trên xoay vào trong và khép.
Ngồi bên không tựa tay.
Có thể khuyến khích trẻ đạt được tư thế ngồi bên độc lập theo cách tương tự như đã mô tả ở trên.
CÁC VẬN ĐỘNG DỊCH CHUYỂN KHUYẾN KHÍCH XOAY THÂN MÌNH VÀ KIỂM SOÁT THÂN MÌNH
Một khi trẻ đã tương đối ổn định trong một tư thế, trẻ cần bắt đầu phát triển khả năng kiểm soát (khi vận) động. Một trong những điều đầu tiên cần thực hiện là chuyển trọng lượng trong các tư thế theo các hướng khác nhau, đặc biệt là những hướng được sử dụng để thực hiện dịch chuyển (hoặc chuyển từ tư thế này sang tư thế khác). Sau đây là những mô tả chung về các vận động dịch chuyển thường được sử dụng trong các hoạt động chức năng. Những vận động chuyển tiếp này có thể được sử dụng trong quá trình trị liệu và cũng có thể là một phần quan trọng của một chương trình tại nhà.
Lăn từ nằm ngửa sang nằm sấp bằng chi dưới.
Tư thế bắt đầu là nằm ngửa (Hình). Bàn tay phải của bạn nắm lấy cẳng chân trái của trẻ phía trên cổ chân và nhẹ nhàng đưa đầu gối của trẻ về phía ngực. Tiếp tục di chuyển chân của trẻ qua thân mình để bắt đầu vận động lăn cho đến khi trẻ nằm nghiêng hoặc nằm sấp. Thay đổi bên mà bạn xoay đứa trẻ. Ban đầu, trẻ nhỏ cuộn người như một khúc gỗ hoặc như một khối. Khi lớn hơn, trẻ xoay hoặc lăn theo từng đoạn. Nếu sử dụng chi dưới để bắt đầu vận động, xương chậu và thân dưới sẽ xoay trước thân trên và hai vai. Khi trẻ thực hiện nhiều vận động hơn, bạn cần giảm dần hỗ trợ, cho đến khi trẻ có thể bị dụ lăn lật (bằng cách sử dụng âm thanh hoặc hình ảnh) bằng cách vươn với một tay.
Chuyển từ nằm ngửa Sang NgồI
Tư thế bắt đầu là nằm ngửa. Người hỗ trợ ở một bên của trẻ. Đưa tay ngang qua cơ thể trẻ và nắm lấy bàn tay ở bên kia. Đưa cánh tay của trẻ ngang qua cơ thể để trẻ quay sang một bên và đẩy lên bằng tay kia. Giữ cố định hai chân của trẻ để xoay xảy ra ở thân mình và tách biệt với xoay chân.
XEM THÊM VIDEO:
Chuyển từ nằm sấp Sang Ngồi.
Bắt đầu với tư thế nằm sấp. Kéo dài thân mình bên mà bạn sẽ lăn trẻ. Tạo thuận cho lăn sang nằm nghiêng và tiếp tục như chuyển sang tư thế ngồi từ tư thế nằm nghiêng như được mô tả trong đoạn tiếp theo.
Chuyển từ nằm nghiêng Sang Ngồi.
Tư thế ban đầu là trẻ nằm nghiêng sang một bên, quay mặt ra khỏi người tập. Hai chân của trẻ gấp lại. Nếu muốn tách hai chi dưới ra, chân dưới của trẻ gấp, và chân trên có thể duỗi thẳng. Ấn nhẹ lên phần trên của vai trẻ theo hướng xuống dưới và ra ngoài. Đầu của trẻ phải nghiêng ra ngoài và trẻ phải tựa lên khuỷu tay của tay bên dưới. Nếu trẻ gặp khó khăn khi chuyển sang tư thế tựa trên một khuỷu tay, hãy sử dụng một tay để hỗ trợ cánh tay phía dưới vào đúng tư thế. Lúc này, tay phía trên của bạn có thể di chuyển đến hông trên của trẻ để hướng chuyển trọng lượng theo đường chéo lên háng đang gấp trong khi bàn tay dưới của bạn hỗ trợ trẻ đẩy lên trên cánh tay phía dưới.
Có thể ngừng vận động của trẻ bất cứ lúc nào trong tiến trình chuyển tư thế để cải thiện kiểm soát trong tầm độ đó và để khuyến khích các thành phần riêng biệt của vận động. Cuối cùng trẻ sẽ ngồi có chống tay hoặc không, hoặc tay chống có thể đặt lên một bục nhỏ/nửa trục lăn nếu cần nâng đỡ nhiều hơn. Tư thế ngồi của trẻ có thể thay đổi từ ngồi dạng thẳng chân (long abducted sitting), ngồi chống tay ra trước với một hoặc hai tay, ngồi xếp tròn (half-ring sitting ) có chống tay hoặc không.
Chuyển từ ngồi sang nằm sấp.
Quá trình dịch chuyển này được sử dụng để trở lại sàn sau khi chơi ở tư thế ngồi. Có thể xem đây là đảo ngược của chuyển từ nằm nghiêng sang ngồi. Cụ thể là, trẻ chuyển trọng lượng sang một bên, đầu tiên lên một cánh tay duỗi thẳng, và sau đó sang khuỷu tay. Cuối cùng, trẻ lật cánh tay và hạ xuống tư thế nằm sấp.
Một số trẻ(như trẻ mắc hội chứng Down) dang rộng hai chân để hạ người xuống tư thế nằm sấp. Chúng cúi người về phía trước trên hai tay dang rộng, và tiếp tục đưa hai chân ra ngoài và ra phía sau để chuyển sang nằm sấp. Trẻ bị liệt nửa người có xu hướng chuyển từ tư thế ngồi sang tư thế nằm sấp bằng cách di chuyển qua bên không bị liệt. Cần khuyến khích các trẻ này chuyển trọng lượng về phía và qua bên bị liệt và dồn càng nhiều trọng lượng lên tay liệt càng tốt. Trẻ bị ảnh hưởng hai bên cần tập chuyển sang cả hai bên.
Nằm sấp sang bốn điểm.
Tư thế bắt đầu nằm sấp. Cách dễ nhất để tạo thuận vận động từ tư thế nằm sấp sang tư thế bốn điểm là sử dụng kết hợp các tín hiệu hỗ trợ ở hai vai rồi đến hông, như thể hiện trong hình dưới đây.
Đầu tiên, đưa hai bàn tay lên phần lưng trên của trẻ và nhấc lên nhẹ nhàng. Cánh tay của trẻ gấp và dọc thân trên khi bắt đầu vận động. Bằng cách nâng hai vai, trẻ có thể đưa cẳng tay xuống dưới thân mình ở tư thế chống khuỷu tay (hoặc tư thế chó con). Tiếp tục nâng cho đến khi trẻ có thể đẩy lên bằng cách duỗi hai tay. Chịu trọng lượng trên cánh tay duỗi là điều kiện tiên quyết để đạt tư thế chống lên hai bàn tay và hai gối (bốn điểm). Nếu trẻ cần hỗ trợ để giữ cho cánh tay duỗi thẳng, người chăm sóc có thể hỗ trợ trẻ ở khuỷu tay hoặc có thể sử dụng nẹp hơi dành cho trẻ em.
Tiếp theo, nâng hai hông của trẻ lên và đưa về phía bàn chân, vừa đủ để đạt được tư thế bốn điểm. Nếu trẻ cần hỗ trợ thêm dưới bụng, có thể sử dụng một miếng đệm, bục nhỏ hoặc gối để giúp giữ tư thế. Hãy nhớ rằng, bốn điểm có thể chỉ là một tư thế chuyển tiếp mà đứa trẻ sử dụng để chuyển sang tư thế quỳ hoặc ngồi. Không phải tất cả trẻ phát triển bình thường đều học bò bằng hai bàn tay và hai gối.
Tùy thuộc vào loại trương lực cơ chiếm ưu thế, tập bò có thể quá với một số trẻ biểu hiện tăng trương lực cơ gấp ở tư thế nằm sấp. Trẻ chậm phát triển và có trương lực tư thế bất thường nhẹ có thể được huấn luyện tập bò.
Bốn điểm sang ngồi bên.
Tư thế bắt đầu là bốn điểm. Khi trẻ có thể giữ tư thế chống lên hai bàn tay và hai gối, hãy chuyển sang tư thế ngồi bên. Quá trình này dựa trên kiểm soát hạ thấp thân mình trong khi trẻ ở tư thế xoay người . Cũng có thể tập phân tách vận động của thân dưới với vận động của thân trên. Một điều kiện quan trọng là để trẻ có thể kiểm soát hoặc chịu được chịu trọng lượng theo chiều chéo mà không bị ngã. Nhiều khi, trẻ có thể chuyển trọng lượng về phía trước và phía sau, nhưng không phải theo đường chéo.
Nếu không thể chuyển trọng lượng theo chiều chéo, cuối cùng trẻ thường sẽ ngồi trên hai gót chân hoặc giữa hai bàn chân (chữ W). Tư thế ngồi W có thể có ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của xương và khớp chi dưới.
Bốn điểm sang quỳ.
Tư thế bắt đầu là bốn điểm. Thực hiện động tác quỳ bằng cách dịch chuyển trọng lượng về phía sau, tiếp theo là duỗi háng để dựng thẳng thân mình (xem hình). Một số trẻ bại não cố gắng bắt đầu vận động này bằng cách duỗi đầu. Nên bắt đầu duỗi ở hông và tiến dần về phía đầu.
Có thể hỗ trợ trẻ đạt được tư thế quỳ thẳng đứng (quỳ cao, high kneeling) bằng cách đặt hai cánh tay duỗi thẳng lên ghế băng hoặc bục dài với độ cao tăng dần để hỗ trợ chuyển trọng lượng về phía hai háng. Bằng cách này, trẻ có thể thực hành duỗi háng ở tầm vận động nhỏ hơn trước khi phải di chuyển qua hết tầm.
Quỳ là một tư thế duỗi vì lưng và hai háng của trẻ duỗi. Quỳ cũng là một tư thế phân ly bởi vì trong khi hai háng duỗi, hai gối gấp và hai cổ chân gấp lòng thụ động để tăng thêm chân đế và tạo ra một cánh tay đòn dài hơn.
Quỳ Sang Ngồi Bên.
Tư thế bắt đầu là quỳ. Hạ xuống từ tư thế quỳ đòi hỏi sự kiểm soát ly tâm của cơ tứ đầu. Nếu việc hạ thấp này diễn ra theo chiều thẳng đứng, trẻ sẽ ngồi trên hai bàn chân của mình. Nếu thân mình xoay, hạ thấp có thể cho phép trẻ đạt được tư thế ngồi bên.
XEM THÊM VIDEO:
Quỳ Sang Nửa Quỳ.
Tư thế bắt đầu là quỳ thẳng. Chuyển sang tư thế nửa quỳ là một trong những điều khó thực hiện nhất. Trẻ em đang phát triển bình thường thường dùng tay hỗ trợ để đạt được tư thế này.
Để chuyển từ tư thế quỳ sang nửa quỳ, trẻ phải thả lỏng/ không chịu trọng lượng một chi dưới. Điều này thường được thực hiện bằng cách thực hiện chuyển trọng lượng sang một bên.
Thân mình ở phía chuyển trọng lượng sẽ dài ra trong khi thân mình ở phía đối diện sẽ ngắn lại theo phản ứng chỉnh thế. Thân phải xoay ra khỏi phía cơ thể về phía mà trọng lượng được chuyển sang để hỗ trợ vận động đưa một chân ra trước và bàn chân đặt lên sàn. Kết quả là một tư thế phân ly (tách rời), trong đó chân phía trước gấp ở các khớp gối và háng, trong khi chân chịu trọng lượng gấp gối và duỗi háng. Tư thế nửa quỳ độc lập là một tư thế khó do hai chân phân ly và chân đế nhỏ.
Chuyển Sang đứng.
Tư thế bắt đầu là ngồi. Ban đầu trẻ phải lăn sang sấp, chuyển sang tư thế chống tay và gối (bốn điểm), bò tới một người hoặc đồ vật, và kéo đứng dậy qua tư thế nửa quỳ.
Một chuyển tiếp khác bổ sung thêm tư thế ngồi xổm (từ tư thế bốn điểm), và vịn người hoặc đồ vật để kéo người lên. Cuối cùng, trẻ 18 tháng tuổi thường có thể đứng dậy từ tư thế ngồi xổm mà không cần trợ giúp (Hình). Khi các cơ bụng khỏe hơn, đứa trẻ nằm ngửa quay một phần sang một bên, dùng một tay đẩy để ngồi dậy, sau đó chuyển sang tư thế ngồi xổm và tiếp tục chuyển sang tư thế đứng. Kiểu đứng dậy trưởng thành nhất là ngồi dậy từ tư thế nằm ngửa mà không xoay thân, chuyển sang tư thế ngồi xổm rồi đứng dậy. Từ tư thế nằm sấp, mẫu trưởng thành nhất là đẩy lên sang tư thế bốn điểm, quỳ và nửa quỳ, sau đó là đứng.
XEM THÊM VIDEO: