ĐAU CƠ KHỞI PHÁT MUỘN (DOMS)

  • Tên tiếng Anh: Delayed onset muscle soreness (DOMS)
  • Mã ICD 10: M71.1 Đau cơ (Myalgia)

Mục lục

Giới thiệu

Đau  cơ khởi phát muộn (DOMS) còn được gọi là ‘sốt cơ’. Đó là cảm giác đau, nhức nhối ở các cơ sau khi tập luyện với cường độ cao và không quen thuộc. DOMS được cho là do các tổn thương nhỏ (rách vi tế, microtear) và viêm ở trong mô cơ tạm thời. Tổn thương cơ do tập thể dục khởi phát muộn  thường khởi phát sau tập luyện 12-24 giờ (do vậy được gọi là khởi phát muộn), mức độ đau nhức cơ đạt đỉnh điểm trong khoảng 24-72 giờ, và thường hết đau sau 4 ngày. Loại bài tập thường gây loại đau cơ này là các bài tập co cơ ly tâm, nghĩa là co cơ với cơ dài ra để kiểm soát vận động.

XEM THÊM: TẬP TĂNG CƯỜNG SỨC MẠNH VÀ SỨC BỀN

Sinh lý bệnh

Các co cơ ly tâm dẫn đến sự phá vỡ các thành phần cấu trúc của cơ và mô liên kết nhiều hơn so với các bài tập đồng tâm, đó là lý do tại sao DOMS thường gặp hơn ở dạng hoạt động ly tâm cường đô cao hơn là các dạng hoạt động đồng tâm. Các nghiên cứu về mô học, kiểm tra bằng kính hiển vi điện tử và nồng độ enzyme huyết thanh đã chứng minh sự phá vỡ cấu trúc này.

Các co cơ ly tâm huy động ít đơn vị vận động hơn, và do đó lực tạo ra được phân bổ trên một diện tích mặt cắt ngang của cơ nhỏ hơn. Sức căng tăng lên trên một đơn vị diện tích này gây ra tổn thương lớn hơn cho mô. 

Co cơ ly tâm và co cơ đồng tâm

Khởi phát của tình trạng đau nhức cơ sau khi tập thể dục rất đa dạng. Khoảng thời gian không đau cho thấy DOMS không chỉ do sự gián đoạn của sợi cơ mà còn có các nguyên nhân cơ bản khác. Mô hình chấn thương thứ cấp cho rằng sau chấn thương ban đầu (tổn thương hoặc chấn thương  cơ), quá trình viêm tiếp theo có thể gây ra tổn thương thứ cấp.

Các bạch cầu trung tính và đại thực bào tiền viêm đóng vai trò rất quan trọng trong việc loại bỏ các mảnh vụn tế bào thông qua quá trình thực bào. Tuy nhiên, việc sản xuất quá mức các loài oxy phản ứng (reactive oxygen species , ROS) bởi các tế bào viêm này có thể gây ra tổn thương phụ cho các tế bào khỏe mạnh không liên quan đến chấn thương ban đầu, bằng cách làm biến tính các protein, lipid và axit nucleic là thành phần của các tế bào đó.

(Ghi chú: Các loài oxy phản ứng là các phân tử có thể tồn tại độc lập, chứa ít nhất một phân tử oxy , và một hoặc nhiều hơn các nguyên tử không ghép cặp. Chẳng hạn như các chất oxy hoá Superoxid , hydro peroxid (H2O2) và hydroxyl.)

Có nhiều cơ chế được đề xuất để giải thích cho tình trạng đau cơ khởi phát muộn này, như “thuyết tổn thương cơ” (các tổn thương vi thể ở đường Z của sarcomere của cơ, kích thích các thụ thể đau trong mô liên kết của cơ), thuyết “dòng chảy ra của enzyme” (tích tụ calcium hoạt hoá các men phân giải protein của cơ, gây viêm và đau), thuyết tổn thương các đầu tận cùng cảm thụ bản thể trong thoi cơ (Sonkidi) …

Trái ngược với suy nghĩ trước đây, cho rằng tích đọng acid lactic gây đau muộn, các nghiên cứu hiện tại cho thấy acid lactic trở lại mức bình thường trong vòng một giờ sau tập luyện, và do đó không thể gây đau hàng nhiều giờ sau. Hơn nữa, co cơ đồng tâm cũng tạo nên acid lactic, nhưng không thường gây đau khởi phát muộn như co cơ ly tâm.

Hiệu ứng lần tập lặp lại (Repeated-bout effect)

Sau khi thực hiện một bài tập ly tâm không quen thuộc và có biểu hiện đau nhức, cơ sẽ nhanh chóng thích nghi để giảm thêm tổn thương từ cùng một bài tập. Đây được gọi là “hiệu ứng lần tập lặp lại”.

Kết quả của hiệu quả này là không chỉ đau nhức giảm đi trong lần thực hiện bài tập tiếp theo, mà các dấu hiệu khá chứng tỏ tổn thương cơ như sưng, giảm sức mạnh và giảm tầm vận động cũng được phục hồi nhanh hơn. Tác dụng này hầu như đặc hiệu đối với cơ được tập luyện; dù một số tác dụng bảo vệ cũng được áp dụng cho các cơ khác. Nhìn chung, tác dụng bảo vệ kéo dài ít nhất vài tuần, và giảm dần, mất hẳn sau khoảng một năm.

Lần tập đầu tiên không nhất thiết phải có cường độ mạnh như những lần tập tiếp theo có tác dụng bảo vệ khỏi đau nhức. Ví dụ, bài tập ly tâm được thực hiện ở mức 40% sức mạnh tối đa đã được chứng minh là có khả năng bảo vệ từ 20 đến 60% khỏi tổn thương cơ do bài tập 100% sức mạnh hai đến ba tuần sau đó.  Ngoài ra, hiệu ứng lần tập lặp lại cũng xuất hiện ngay cả sau một số lần co cơ tương đối ít. Trong một nghiên cứu, lần tập đầu tiên gồm các 10, 20 hoặc 50 lần co cơ mang lại tác dụng bảo vệ tương đương cho lần tập thứ hai gồm 50 lần co cơ ba tuần sau đó.

Lý do của tác dụng bảo vệ này vẫn chưa được hiểu rõ. Một số cơ chế, và có thể kết hợp lẫn nhau, đã được đề xuất. Chúng bao gồm sự thích ứng thần kinh (cải thiện việc sử dụng và kiểm soát cơ của hệ thần kinh), thích ứng cơ học (tăng độ cứng cơ hoặc mô nâng đỡ cơ) và thích ứng tế bào (thích ứng với phản ứng viêm và tăng tổng hợp protein, v.v.).

Triệu chứng

Các triệu chứng của DOMS thường xảy ra ít nhất 12 đến 24 giờ sau khi tập luyện. Cơn đau có xu hướng đạt đến đỉnh điểm khoảng một đến ba ngày sau khi bạn tập luyện, và sau đó sẽ giảm dần. Đau và căng cơ có thể làm cho hạn chế các sinh hoạt hàng ngày, như đi bộ, chạy, hoặc thậm chí là ngồi thoải mái.

Tiến triển thời gian của DOMS

Các triệu chứng của DOMS bao gồm:

  • Căng cứng cơ
  • Đau khi vận động cơ
  • Đau khi ấn
  • Sưng ở các cơ bị ảnh hưởng
  • Giảm sức mạnh và tầm vận động ở các cơ bị ảnh hưởng.

Xử trí

  • Cơn đau nhức thường giảm đi trong vòng khoảng 72 giờ sau khi xuất hiện. Nếu muốn điều trị, bất kỳ biện pháp nào làm tăng lưu lượng máu đến cơ, chẳng hạn như hoạt động cường độ thấp, xoa bóp, tự giải phóng cân cơ (ví dụ sử dụng một trục lăn xốp- foam roller), tắm nước nóng, hoặc xông hơi đều có thể có ích.
Tự xoa bóp với trục lăn xốp
  • Ngâm nhúng trong nước mát hoặc nước đá, một biện pháp đôi khi được khuyên dùng, nhưng chưa được chứng mình có hiệu quả giảm bớt đau cơ khởi muộn, với các kết quả nghiên cứu mâu thuẫn nhau.
  • Ngược lại, việc tiếp tục tập luyện có thể tạm thời làm giảm cơn đau nhức. Tập luyện làm tăng ngưỡng đau và khả năng chịu đau. Tác dụng này, được gọi là giảm đau do tập thể dục, được nhận thấy trong quá trình rèn luyện sức bền (chạy, đạp xe, bơi lội), nhưng chưa rõ liệu nó có xảy ra trong rèn luyện kháng trở hay không. 
  • Các thuốc kháng viêm không steroid như Ibuprofen có tác dụng làm giảm đau, nhưng không chống lại sự suy giảm hoạt động của cơ do đau nhức cơ khởi phát muộn. Tuy vậy, có thể sử dụng các thuốc này, dưới dạng thuốc bôi (Voltaren) hay uống để hỗ trợ giảm đau nếu cần thiết.
  • Một số chất bổ sung, như nghệ, D-ribose được cho là có thể có tác dụng phòng ngừa hoặc giúp giảm đau cơ sau tập luyện.
Tinh chất nghệ (curcumin)

Phòng ngừa

Có thể giảm bớt hoặc phòng ngừa đau cơ khởi phát muộn bằng cách tăng dần cường độ của một chương trình tập luyện mới, nhờ đó tận dụng được hiệu ứng lần tập lặp lại.

Về mặt lý thuyết, có thể tránh được tình trạng đau nhức bằng cách giới hạn các bài tập chỉ với co cơ đồng tâm và đẳng trường. Tuy vậy, thường không thể tránh khỏi  co cơ ly tâm trong khi tập luyện, đặc biệt là khi cơ bị mỏi. 

Hoạt động thể chất trước khi tập luyện ly tâm giúp ngăn ngừa tình trạng đau cơ khởi phát muộn. Kéo giãn tĩnh hoặc khởi động cơ trước hoặc sau khi tập luyện không ngăn ngừa đau nhức. Một số bằng chứng cho thấy liệu pháp rung toàn thân trước khi tập luyện có thể làm giảm cả cơn đau và giảm tầm vận động do đau cơ khởi phát muộn.

Mang quần áo nén ép chưa được chứng minh là có tác dụng phòng ngừa đáng kể trong đau cơ khởi phát muộn.

Ý nghĩa với vật lý trị liệu

Bị đau cơ khởi phát muộn thường là một dấu hiệu tích cực sau tập luyện. Nó chứng tỏ rằng cơ đang lành lại ở một trạng thái mạnh hơn so với trước khi hoạt động, và do đó có nghĩa là việc tập luyện thực sự có hiệu quả.

Nhiều bệnh nhân vật lý trị liệu sẽ bắt đầu một chương trình tập mới hoặc sẽ thêm các bài tập mới vào chương trình tập luyện hiện tại của họ. Những bài tập này có thể “nặng” so với bệnh nhân và bệnh nhân có thể bị đau  cơ khởi phát muộn (DOMS) sau khi bắt đầu một chương trình vật lý trị liệu hoặc tập luyện. DOMS thường giảm đi sau các buổi tập tiếp theo, nhưng cơn đau đầu tiên có thể dữ dội đến mức bệnh nhân thường từ chối tiếp tục các bài tập.

Do đó, điều quan trọng là phải trấn an bệnh nhân rằng DOMS là một phần bình thường của chương trình tập thể dục mới, và giúp bệnh nhân phân biệt đau nhức cơ với các loại đau khác. Điều quan trọng cần lưu ý là mức độ trầm trọng của cơn đau không liên quan đến mức độ tổn thương cơ do tập luyện.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này