Cập nhật lần cuối vào 25/04/2024
Tất cả mọi người đều mong tìm hạnh phúc, ngay cả với những người sắp bị treo cổ.
Pascal
Mục lục
NHU CẦU THÀNH ĐẠT
Bạn thích những loại thử thách nào? Nếu bạn thường tìm những nhiệm vụ không quá dễ, nhưng cũng không quá khó để giảm đi cơ hội thành công, thì có thể bạn có một nhu cầu thành đạt cao. Nhu cầu thành đạt là một đặc tính mà ta học trong quá trình sống và tương đối ổn định, biểu hiện một mong muốn đạt được một tiêu chuẩn cao hay mức xuất sắc nào đó để cảm thấy hài lòng. Không như quan điểm rộng về động cơ của Maslow, nhu cầu thành đạt được lý thuyết hóa thành một thuộc tính ổn định riêng của một cá nhân.
Những người có nhu cầu thành đạt cao luôn cố tìm những hoàn cảnh để họ có thể tranh đua với một tiêu chuẩn cao nào đó và đạt đến tiêu chuẩn đó. Bản chất riêng của nhiệm vụ – cho dù là đạt điểm cao, kiếm được nhiều tiền, hay chơi cờ giỏi – thường ít quan trọng so với thử thách thành công. Với những người có nhu cầu thành đạt cao, điều quan trọng là nhiệm vụ được cảm nhận như thế nào, họ luôn tránh những, nhiệm vụ mà họ cảm thấy quá dễ hoặc quá khó, thay vào đó họ tìm kiếm những nhiệm vụ có độ khó trung bình. Điều này khá dễ hiểu vì những nhiệm vụ dễ dàng thì không phải là một thử thách đúng nghĩa, trong khi các nhiệm vụ quá khó thì khó mà thành công.
Ngược với những người có nhu cầu thành đạt cao, những người có nhu cầu thành đạt thấp thường bị thúc đẩy bởi một ước muốn tránh thất bại. Họ có thể chọn những nhiệm vụ hoặc là rất dễ hoặc là rất khó, và tránh các nhiệm vụ có mức khó khăn trung bình. Với các nhiệm vụ dễ họ chắc chắn là thành công (và do đó tránh thất bại); với những nhiệm vụ khó khăn thì hầu hết mọi người đều thất bại (làm cho các hậu quả của sự thất bại trở nên tương đối nhỏ).
Có lẽ khuynh hướng muốn thành công hay tránh thất bại ở trên khá là dễ hiểu và quen thuộc với chúng ta. Tuy nhiên, một số người lại có một khuynh hướng đáng ngạc nhiên hơn: sợ “bị” thành công. Theo Horner (1972), một số người, đa số là phụ nữ, lo lắng rằng thành công thái quá có thể đem lại một số hậu quả không tốt. Lấy ví dụ, phụ nữ thường lo lắng rằng thành công sẽ làm cho họ có vẻ ít nữ tính hơn và thường nghĩ rằng xã hội sẽ có cái nhìn xấu về những thành công của họ. Trong trường hợp như vậy thì một số phụ nữ có thể tránh thành công quá mức.
NHU CẦU NHẬP HỘI (Affiliation)
Một số người ít đo sự thành công của mình bằng những thành đạt mà bằng số những tình bạn của họ có, sự thân mật trong các mối quan hệ, và mức độ chia xẻ và tình cảm giữa họ với những người khác. Những người có các nhu cầu chú trọng vào quan hệ giữa các cá nhân được xem là có nhu cầu nhập hội cao, nghĩa là quan tâm nhiều đến việc hình thành và duy trì các mối quan hệ với những người khác. Dù phần lớn mỗi người trong chúng ta đều có một vài cố gắng kết bạn nào đó, những người có nhu cầu nhập hội cao đặc biệt lo lắng về các mối quan hệ với những người khác. Khi còn đi học, những người đó quan tâm đến bạn bè hơn là bài vở, xem trọng giữ vững tình bạn hơn là đạt điểm cao. Khi đi làm, họ có thể lo lắng đến việc làm sao cho hợp với các đồng nghiệp hơn là làm tốt công việc.
Người có nhu cầu nhập hội cao rất dễ bị cô đơn, cảm thấy rằng không thể có một mức độ bạn bè như mong muốn. Mặc dù có nhiều loại cô đơn, ta có thể phân biệt hai loại cô đơn chính; xuất phát từ sự cô lập về mặt xã hội hay cô lập về cảm xúc. Trong cô lập về mặt xã hội, con người cảm thấy bị tách rời khỏi những nâng đỡ của gia đình và bạn bè như khi họ bắt đầu một việc làm mới hay xa nhà lần đầu tiên. Ngược lại, cô lập về cảm xúc xảy ra khi một người thiếu một mối quan hệ thân mật, gần gũi, ổn định với một người khác.
Cũng cần nhớ là ở một mình không phải là một điều luôn luôn, gây khó chịu. Ngay cả những người có nhu cầu nhóm bạn cao có thể có những lúc ở một mình trong một thời gian khá dài mà vẫn không cảm thấy cô đơn. Có lẽ điều quan trọng là sự cảm nhận, giải thích của người đó về tình trạng ở một mình. Nếu người đó cho rằng sự cách ly là hậu quả của những yếu tố tương đối tạm thời, có thể kiểm soát được (Học kỳ này có quá nhiều bài vở, nên không ai rảnh rỗi để gặp nhau.) họ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn là nếu sự cách ly được cho là do thiếu sót của chính bản thân họ (Tôi cô đơn vì tôi là một người vô duyên, đáng ghét).
CÁC NHU CẦU AN TOÀN VÀ ỔN ĐỊNH
Tất cả chúng ta đều cố gắng tìm hiểu thế giới xung quanh. Một phần của điều này là do nhu cầu được an toàn trong một thế giới đầy điều ngạc nhiên và nguy hiểm. Nhờ hiểu được những sự kiện và con người xung quanh, chúng ta có thể dự đoán tốt hơn những điều sẽ xảy ra, và có được một cảm giác kiểm soát với tình huống.
Quả thật, mong muốn được kiên định quá mạnh làm cho chúng ta luôn đấu tranh vì một thế giới trật tự hơn, tránh những bất đồng trong nhận thức. Bất đồng nhận thức là một tình trạng căng thẳng tâm lý trong đó đầu óc ta chứa hai hoặc nhiều hơn các ý nghỉ hay thái độ xung đột lẫn nhau.(Festinger,1957, cognitive dissonance theory).
Có nhiều tình huống có thể gây ra sự bất đồng nhận thức này. Chẳng hạn, những người nghiện thuốc lá vẫn biết rằng hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ, tuy vậy họ vẫn tiếp tục hút, và do đó có một sự bất đồng giữa hai ý nghĩ : Hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ.” và “Tôi hút thuốc”. Để làm giảm sự bất đồng này, họ phải thay đổi một hoặc cả hai nhận thức. Có thể họ thay đổi một nhận thức (cho rằng thật sự họ không hút nhiều đến thế), thay đổi tầm quan trọng của một nhận thức (bằng chứng về mối liên hệ giữa hút thuốc và bệnh tật không vững chắc), thêm một nhận thức khác (họ đã tập thể dục nhiều nên có thể bù lại mức độ có hại của thuốc lá), hoặc đơn giản là chối phắt bất đồng này (hút thuốc thật sự không liên quan đến bệnh tật).
Rõ ràng là nhu cầu được an toàn và kiên định không luôn luôn làm cho ta suy nghĩ và cư xử hoàn toàn hợp lý. Đôi khi chúng có thể làm chúng ta nhận thức sai lầm bản chất của sự vật hiện tượng. Dù vậy, chúng có thể làm giảm đi sự lo lắng và căng thẳng tâm lý và do đó có thể đóng một vai trò quan trọng: trong cuộc sống hàng ngày.
NHU CẦU HAM TÌM HIỂU VÀ SÁNG TẠO
Chúng ta có nhu cầu được an toàn và kiên định để giảm mức căng thẳng và duy trì một trạng thái ổn định nhưng chúng ta cũng có nhu cầu ham tìm hiểu và sáng tạo nữa. Nhu cầu ham tìm hiểu (ước muốn khám phá thế giới và thu nhận những kích thích mới lạ) và nhu cầu sáng tạo (nhu cầu tạo ra những ý tưởng, sản phẩm mới lạ độc đáo) là những nhu cầu mà khi thực hiện lại có thể làm tăng sự căng thẳng tâm lý và sự không chắc chắn.
Động cơ ham tìm hiểu có thể quan sát rõ nhất là ở trẻ em, chúng thường tò mò, thích khám phá thế giới mới lạ xung quanh. Tuy vậy, khi trưởng thành, mức độ ham tìm hiểu lại thay đổi mỗi người một khác.
Nhu cầu ham tìm hiểu liên hệ đến một loại nhu cầu khác: nhu cầu sáng tạo. Nhu cầu ham tìm hiểu thúc giục ta khám phá thế giới xung quanh rồi qua đó cho ta kinh nghiệm để hoạt động một cách sáng tạo, sắp xếp những ý tưởng mới theo những cách lạ thường. Chính nhu cầu này tạo nên những điều mới lạ độc đáo – dù là nghệ thuật, phát minh… – đem lại cho ta một cảm giác đã hoàn thành được một điều gì đó đặc biệt và tự hào về đóng góp độc nhất của mình.
LỜI KHUYÊN TÂM LÝ: HÃY HƯỚNG DẪN ĐỘNG CƠ CỦA BẠN QUA VIỆC ĐẶT RA CÁC MỤC TIÊU
Đa số các xung năng thứ cấp hình thành chủ yếu ở lứa tuổi rất sớm thông qua quá trình xã hội hóa của môi trường (cha mẹ, anh chị, thầy cô, các cá nhân có ý nghĩa khác). Vì vậy, chúng tương đối khó thay đổi. Tuy nhiên những điều được ghi nhớ có thể được làm quên đi, và có những loại động cơ mới xuất hiện khi con người lớn lên. Ngoài ra, cấu trúc động cơ có thể thay đổi do các đòi hỏi của môi trường.
Thay vì ngồi yên chờ cho những đòi hỏi của môi trường làm thay đổi cấu trúc động cơ, bạn có thể chủ động tự khám phá và thay đổi bản chất của những nhu cầu làm cơ sở cho hành vi của mình.
Bạn có thể xem xét và tiến hành theo những bước sau:
Xác định bạn muốn thực hiện điều gì.
Thay vì bị động đứng nhìn và sống từng ngày một, hãy có một thái độ chủ động hơn: xác định những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bạn là gì, dựa trên những giá trị và đánh giá về mặt mạnh và mặt yếu của cá nhân..
Hãy đặt ra những mục tiêu ưu tiên.
Có thể bạn không thể hoàn thành tất cả mọi mục tiêu, nhưng ít nhất là xác định mục tiêu nào là quan trọng nhất với bạn và cố gắng đạt được nó.
Đừng đầu tư quá nhiều công sức vào các mục tiêu dài hạn, điều quan trọng là bạn có được cảm giác hài lòng từ các hoạt động ngắn hạn, hàng ngày.
Hãy chọn các mục tiêu dài hạn nào có thể thực hiện được qua các hoạt động hàng ngày mà đem lại cho bạn niềm vui thích. Nếu một mục tiêu dài hạn chỉ có thể đạt được bằng cách phải làm việc vất vả nhọc nhằn, có lẽ bạn nên xem lại nó có xứng như vậy hay không.
Thường xuyên xem lại điều gì là quan trọng và không quan trọng với bạn.
Các mục tiêu của bạn không nên cứng ngắc. Khi bạn tiếp tục lớn lên thì các mối quan tâm và ưu tiên của bạn có thể sẽ thay đổi. Bạn nên mềm dẻo để hướng theo những điều bạn quan tâm thích thú – ngay cả nếu điều này có nghĩa là từ bỏ một mục tiêu mà bạn đầu tư quá nhiều thời gian và công sức.