CASE STUDY PT 3.01: BỆNH NHÂN GIÃN PHẾ QUẢN NGOẠI TRÚ

Cập nhật lần cuối vào 14/10/2023

Mục lục

LƯỢNG GIÁ CHỦ QUAN

Than phiền hiện tại

  • Bệnh nhân nữ 35 tuổi
  • Đến phòng khám bệnh giãn phế quản đa chuyên ngành định kỳ theo hẹn

Bệnh sử

Được chẩn đoán giãn phế quản cách đây 6 tháng sau khi nhập viện nội trú với bệnh viêm phổi mắc phải tại cộng đồng ở thùy dưới phổi phải. Tình trạng này dẫn đến sự hình thành các thay đổi giãn phế quản. Kể từ khi chẩn đoán, bệnh nhân khai rằng khạc nhiều chất nhầy mủ và ho và cảm giác mệt hàng ngày.

Tiền sử bệnh

  • Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng
  • Trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh sử XH

  • Đã kết hôn và có hai con 
  • Không hút thuốc
  • Là đại diện một công ty dược phẩm, làm việc toàn thời gian, thường xuyên đi công tác
  • Thường có lối sống năng động, đến phòng tập thể dục 2-3 lần mỗi tuần, mặc dù giảm trong 3 tháng qua

Bệnh sử dùng Thuốc 

Omeprazole

Trao đổi của tư vấn (Consultant handover)

Bệnh nhân hiện đã ổn định nhưng lo ngại về tác động của ho và khạc đờm nhiều lên cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là liên quan đến công việc của cô, thường phải thuyết trình ở nơi trang trọng.

LƯỢNG GIÁ KHÁCH QUAN

Hô hấp

Thông khí

Tự thở không khí phòng, SpO2 99%, Nhịp thở (RR) 12

Tư thế bệnh nhân

Ngồi trên ghế 

Nhìn

  • Nhìn chung có vẻ khoẻ mạnh, da dẻ màu sắc tốt, kiểu thở bình thường 
  • Bệnh nhân cố gắng giảm ho và giảm tiếng ồn của dịch tiết

Nghe 

Âm thở khắp hai phế trường phổi với tiếng ran ở giữa thì hít vào thuỳ dưới phổi bên phải

Tim mạch (CVS)

Nhiệt độ 37C NT 70 HA 120/70

TKTW (CNS)

Không có gì đặc biệt

Thận

Không có gì đặc biệt

Cơ xương khớp (MSK)

Không có gì đặc biệt

Cận lâm sàng

X quang phổi (CXR):

Những thay đổi về giãn phế quản xuất hiện ở thùy dưới bên phải

ABG (khí máu):

Không thích hợp để lấy vì ổn định 

Vi sinh học

Vi khuẩn Staphylococcus aureus trong mẫu đờm 6 tháng trước

CÂU HỎI

1. Bạn cảm thấy người phụ nữ này có vẻ chưa nắm rõ về chẩn đoán của mình, bạn sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

2. Sau khi thảo luận, rõ ràng là bệnh nhân hiểu rất ít về tình trạng bệnh của mình. Bạn sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

3. Các kỹ thuật thông đường thở nào thường được hướng dẫn cho nhóm bệnh nhân này?

4. Khi xét về bệnh trạng và lối sống của bệnh nhân này, những lợi thế và bất lợi đối với mỗi phương pháp điều trị được đề cập trong câu hỏi trước là gì?

5. Bệnh nhân của bạn có vẻ miễn cưỡng thực hiện chương trình làm thông đường dẫn khí, bạn sẽ khuyến khích bệnh nhân thực hiện điều trị thường xuyên bằng cách nào?

6. Bạn có đề xuất gì về tần suất và thời gian cho bệnh nhân này thực hiện các kỹ thuật làm thông đường thở?

7. Bạn sẽ nhấn mạnh những dấu hiệu và triệu chứng nào mà bệnh nhân cần nhận biết là bắt đầu đợt cấp?

8. Bệnh nhân của bạn hỏi nếu bị đợt cấp cô ấy nên làm gì, bạn đưa ra lời khuyên nào cho cô ấy?

9. Tại sao bạn nên hỏi bệnh nhân này xem liệu cô ấy có bị són tiểu do áp lực (urinary stress incontinence) hay không?


TRẢ LỜI

1. Bạn cảm thấy người phụ nữ này có vẻ chưa nắm rõ về chẩn đoán của mình, bạn sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

  • Xác định nguồn và độ tin cậy về kiến ​​thức của bệnh nhân, tức là qua tài liệu in ấn, tư vấn hô hấp hay là Internet.
  • Xác định kiến thức và hiểu biết thực sự của bệnh nhân về giãn phế quản và các tác động của nó
  • Đọc hồ sơ bệnh án của bệnh nhân về sự tuân thủ của bệnh nhân và các (yếu tố) kết quả chẩn đoán khác.

2. Sau khi thảo luận, rõ ràng là bệnh nhân hiểu rất ít về tình trạng bệnh của mình. Bạn sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

  • Phát cho bệnh nhân các tờ rơi thông tin và thảo luận về các chủ đề sau với bệnh nhân: định nghĩa, chẩn đoán, nguyên nhân, tiến triển của bệnh.
  • Cung cấp các liên kết trang web hoặc các nguồn thông tin khác mà bệnh nhân có thể sử dụng. (Ví dụ)
  • Giải thích vai trò của vật lý trị liệu và tầm quan trọng của các kỹ thuật làm thông đường thở trong xử trí giãn phế quản.

3. Các kỹ thuật thông đường thở nào thường được hướng dẫn cho nhóm bệnh nhân này?

  • Kỹ thuật thở chu kỳ chủ động (ACBT)
  • Dẫn lưu tự sinh (AD)
  • Dẫn lưu tư thế (PD)
  • Các kỹ thuật bằng tay – vỗ, rung, lắc.
  • Thở ra với áp lực dương dao động (OscPEP) (các dụng cụ như là Flutter / Acapella / Cornet…)
  • Thở ra với áp lực dương (positive expiratory pressure, PEP) 
XEM THÊM: PHỤC HỒI CHỨC NĂNG HÔ HẤP: CÁC KỸ THUẬT LÀM THÔNG ĐƯỜNG DẪN KHÍ. (PHẦN 1)

(Các kỹ thuật ACBT, AD sẽ được PHCN Online cập nhật trong phần 3)

 4. Khi xét về bệnh trạng và lối sống của bệnh nhân này, những ưu và nhược điểm của mỗi phương pháp điều trị được đề cập trong câu hỏi trước là gì?

  • ACBT: dễ thực hiện, không cần thiết bị, thực hiện ở tư thế ngồi hoặc nằm nghiêng, độc lập và học nhanh.
  • AD: dễ thực hiện một khi đã nắm kỹ thuật, mặc dù có thể mất nhiều thời gian hơn để học kỹ thuật đúng, không cần thiết bị, có thể thực hiện ở tư thế nằm hoặc ngồi và thực hiện độc lập.
  • PD: cần có giường hoặc cột để nằm, gối hoặc dụng cụ thích hợp để kê nghiêng giường, và có nguy cơ trào ngược với kỹ thuật này. Với can thiệp này, bạn phải kiểm tra xem bệnh nhân có bị trào ngược dạ dày thực quản hay không vì đây có thể là một chống chỉ định.
  • Các kỹ thuật bằng tay: vỗ có thể tự thực hiện nhưng có thể gây mệt cho bệnh nhân, Rung và lắc cần có sự trợ giúp. Thực hiện vỗ lồng ngực có thể gây ồn.
  • Cornet / Flutter / Acapella– dễ sử dụng nhưng cần bảo dưỡng và làm sạch / làm khô dụng cụ. 
  • PEP: dễ sử dụng nhưng cần bảo dưỡng và làm sạch / làm khô dụng cụ. Chỉ có thể được thực hiện ở tư thế ngồi.

5. Bệnh nhân của bạn có vẻ miễn cưỡng thực hiện chương trình làm thông đường dẫn khí, bạn sẽ khuyến khích bệnh nhân thực hiện điều trị thường xuyên bằng cách nào?

  • Nhấn mạnh thêm cho bệnh nhân những lợi ích của việc thực hiện các kỹ thuật làm thông đường thở đều đặn
  • Giải thích rằng thông qua thực hiện tự điều trị hiệu quả như vậy thì sẽ làm giảm được sự tích tụ các dịch tiết ngoại vi. 
  • Ít nguy cơ nhiễm trùng hơn và do đó giảm số đợt cấp.
  • Với ít đợt cấp hơn, sẽ ít cần dùng kháng sinh và đến bệnh viện điều trị nội trú hay ngoại trú.
  • Cải thiện dịch tiết sẽ làm giảm ho
  • Kỹ thuật làm thông đường thở có thể được thực hiện linh hoạt khi cần thiết. Với lối sống của bệnh nhân này, cô ấy có thể thực hiện các kỹ thuật làm thông đường dẫn khí trước khi trình bày với khách hàng. Điều này sẽ đảm bảo rằng lồng ngực của cô ấy sạch và do đó làm giảm mức độ lo lắng và căng thẳng lo lo ngại phải làm sạch dịch tiết của mình trong khi thuyết trình.
  • Khuyến khích tập thể dục thường xuyên để có lợi cho tim mạch, nhưng các kỹ thuật làm thông đường thở cụ thể là cần thiết để tiếp cận và làm sạch các dịch tiết ở ngoại vi.

6. Bạn có đề xuất gì về tần suất và thời gian cho bệnh nhân này thực hiện các kỹ thuật làm thông đường thở?

  • Tốt nhất cho bệnh nhân này là bạn muốn cô ấy thực hiện các kỹ thuật làm thông đường thở hai lần một ngày, tối thiểu 20 phút mỗi buổi hoặc cho đến khi dịch tiết của cô ấy đã được thông sạch.
  • Tuy nhiên, để cải thiện sự tuân thủ như đã đề cập ở trên, bạn có thể nói rằng cô ấy chỉ cần tập một buổi vào những ngày cô ấy đến phòng tập gym.
  • Cũng cần nhấn mạnh thêm là ngoài các buổi tập làm thông đường thở, cô ấy có thể sử dụng các kỹ thuật này bất cứ lúc nào mà cô ấy cảm thấy có dịch tiết.

7. Bạn sẽ nhấn mạnh những dấu hiệu và triệu chứng nào mà bệnh nhân cần nhận biết là bắt đầu đợt cấp?

  • Sốt
  • Khó chịu ở ngực
  • Các triệu chứng giống như cúm
  • Thay đổi màu sắc của đờm
  • Thay đổi lượng đờm được khạc ra / nuốt vào 
  • Thay đổi về độ đặc của đờm
  • Mệt nhiều hơn
  • Khó thở nhiều hơn
  • Giảm khả năng chịu đựng khi tập thể dục.

8. Bệnh nhân của bạn hỏi nếu bị đợt cấp cô ấy nên làm gì, bạn đưa ra lời khuyên nào cho cô ấy?

  • Tăng thời gian và tần suất thực hiện các kỹ thuật làm thông đường thở.
  • Đảm bảo uống đủ nước.
  • Lấy một mẫu đờm để kiểm tra vi sinh.
  • Đến khám bác sĩ ngay khi biết rằng mình bị nhiễm trùng, để đảm bảo được điều trị kịp thời với kháng sinh nếu cần.

9. Tại sao bạn nên hỏi bệnh nhân này xem liệu cô ấy có bị són tiểu do áp lực (urinary stress incontinence) hay không?

  • Người phụ nữ này đã có hai con và do đó có khả năng cơ sàn chậu đã bị suy yếu thứ phát sau khi sinh con.
  • Bệnh nhân có bệnh lý phổi mới được chẩn đoán và đang thực hiện các kỹ thuật làm thông đường thở bao gồm kỹ thuật thở ra mạnh và ho để làm sạch dịch tiết hàng ngày. Do đó, điều này có thể dẫn đến tăng áp lực lên sàn chậu và làm suy yếu các cơ dẫn đến són tiểu do áp lực. 
  • Điều quan trọng là phải xác định đây có phải là một vấn đề hay không để đưa ra lời khuyên thích hợp và giới thiệu đến kỹ thuật viên vật lý trị liệu chuyên về sản phụ khoa nếu cần thiết.
XEM THÊM: CÁC BÀI TẬP CƠ SÀN CHẬU

MinhdatRehab, Lược theo:

Clinical case studies in physiotherapy. Lauren Jean Guthrie. 2009, Elsevier Limited. 

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này