Cập nhật lần cuối vào 17/08/2023
XEM THÊM: QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI: TUỔI THƠ ẤU. PHẦN 1
Trong hoạt động trị liệu, hoạt động (occupation) đề cập đến các hoạt động hàng ngày mà mọi người thực hiện như là những cá nhân, trong gia đình và với cộng đồng để sử dụng thời gian và đem lại ý nghĩa và mục đích cho cuộc sống. Các hoạt động bao gồm những điều con người cần, muốn và được mong muốn thực hiện.
Các kỹ thuật viên hoạt động trị liệu (OT) tập trung vào việc cải thiện khả năng thực hiện của trẻ với nhiều hoạt động khác nhau, như là các sinh hoạt hàng ngày (ADL), các sinh hoạt hàng ngày quan trọng (IADLs), nghỉ ngơi và ngủ, học tập, làm việc, vui chơi và giải trí và tham gia xã hội. Những hoạt động này xảy ra trong các bối cảnh văn hóa, vật lý, xã hội, cá nhân, thời gian và bối cảnh ảo (virtual).
OT đánh giá khả năng thực hiện hoạt động của trẻ bằng cách đánh giá các kỹ năng thực hiện (vận động, xử lý, tương tác xã hội) và các yếu tố khách hàng. Do đó, kiến thức về từng hoạt động rất quan trọng trong thực hành hoạt động trị liệu (trẻ em).
Bài viết sau trình bày các hoạt động thuộc nhóm sinh hoạt hàng ngày (Các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày, ADLs, Activities of Daily Living)
Các ADL được liệt kê trong Hộp 1 là những nhiệm vụ cơ bản nhất mà trẻ học được khi lớn lên và trưởng thành. Các kỹ năng tự chăm sóc cơ bản bao gồm cho ăn và ăn, mặc và cởi quần áo, tắm rửa, đi vệ sinh và chăm sóc khi đi vệ sinh, và vệ sinh cá nhân và trang điểm. Các ADL khác bao gồm khả năng di chuyển chức năng, chăm sóc thiết bị cá nhân và hoạt động tình dục.
HỘP 1 CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY |
Tắm rửa Quản lý bàng quang và đường ruột Chăm sóc khi đi vệ sinh Mặc Ăn/ Cho ăn Di chuyển chức năng Chăm sóc thiết bị cá nhân Vệ sinh cá nhân và trang điểm Hoạt động tình dục |
Mục lục
Các kỹ năng cho ăn và ăn uống
Bởi vì ăn uống là một kỹ năng sống hàng ngày tối quan trọng cần thiết cho sự sống còn, tăng trưởng, sức khỏe và hạnh phúc của trẻ, đây là lĩnh vực mà OT cần quan tâm.
Một đứa trẻ có đầy đủ kỹ năng ăn uống có thể chủ động đưa thức ăn đến miệng mà không cần sự trợ giúp. Trẻ cần được cho ăn phải nhận sự hỗ trợ trong hoạt động ăn uống.
Kiểm soát vận động miệng liên quan đến khả năng sử dụng môi, má, hàm, lưỡi và vòm miệng của trẻ. Phát triển vận động miệng liên quan đến ăn uống, phát âm và khám phá bằng miệng. Ăn là một kỹ năng vận động miệng, nhưng một số kỹ năng vận động miệng, chẳng hạn như nhận cảm và khám phá vận động miệng, hoàn toàn không liên quan đến thức ăn.
Sự phát triển bình thường của các kỹ năng vận động miệng liên quan đến ăn và cho ăn bao gồm bú một núm vú, phối hợp trình tự bú – nuốt – thở, uống bằng cốc, nhai thức ăn đặc. Sự trưởng thành của những kỹ năng này gắn chặt với sự trưởng thành về thể chất của trẻ.
Sự phát triển vận động miệng
Các cơ chế miệng của trẻ nhũ nhi khác về mặt giải phẫu so với các cơ chế của người lớn; khoang miệng của trẻ nhỏ dường như bị lấp đầy bởi lưỡi. Khoang miệng nhỏ, cùng với các miếng đệm mỡ giúp ổn định hai má của trẻ nhỏ, cho phép trẻ có thể ép và ngậm núm vú được đặt trong miệng. Khả năng vận động hạn chế của lưỡi dẫn đến chuyển động ra trước và ra sau của lưỡi được gọi là bú. Khi tỷ lệ kích thước trong miệng thay đổi theo sự lớn lên của trẻ nhỏ, kiểu mẫu vận động miệng trưởng thành hơn xuất hiện. Khi được 4 đến 6 tháng tuổi, diện tích bên trong miệng của trẻ nhũ nhi tăng lên khi hàm phát triển và các miếng đệm mỡ mút giảm đi. Những thay đổi này cho phép má và môi của trẻ nhỏ tăng vận động. Kiểu mẫu “mút thực sự” phát triển, vì lưỡi của trẻ nhỏ có thể di chuyển lên xuống cũng như tiến và lùi. Tăng khả năng kiểm soát hàm, môi, má và lưỡi cho phép trẻ nhỏ di chuyển thức ăn và chất lỏng về phía sau miệng và chuẩn bị cho trẻ chấp nhận và kiểm soát thức ăn dặm.
Trẻ sơ sinh đủ tháng được sinh ra với các phản xạ cho phép bé xác định vị trí nguồn thức ăn, bú và sau đó nuốt. Những phản xạ này được mô tả trong mối quan hệ với sự phát triển vận động miệng:
- Phản xạ tìm vú mẹ/gốc (Rooting reflex): Khi kích thích vùng má hoặc môi của trẻ sơ sinh, trẻ sẽ quay về phía tác nhân kích thích. Phản xạ này cho phép trẻ sơ sinh tìm kiếm thức ăn, được duy trì trong thời gian dài hơn ở tré bú bằng vú mẹ.
- Phản xạ mút – nuốt (Suck–swallow reflex): Khi chạm vào môi trẻ, miệng trẻ sẽ mở ra và bắt cầu vận động mút.
- Phản xạ ợ hơi (gag reflex): Phản xạ ợ bảo vệ trẻ sơ sinh nuốt bất cứ thứ gì có thể chẹn đường thở. Khi mới sinh, phản xạ ợ rất nhạy và được gợi ra bằng cách kích thích ba phần tư phía sau của lưỡi. Phản xạ này dần dần di chuyển đến 1/4 sau của lưỡi khi trẻ trưởng thành và tham gia chơi bằng miệng (nghĩa là thích ngậm, nhai đồ vật trong miệng).
- Phản xạ cắn-nhả theo nhịp (Phasic bite–release reflex): Khi nướu của trẻ sơ sinh bị kích thích, trẻ sẽ phản ứng bằng cử động hàm lên xuống nhịp nhàng. Phản xạ này tạo cơ sở cho việc nhai.
- Phản xạ nắm (Grasp reflex): Khi ấn ngón tay vào lòng bàn tay của trẻ sơ sinh, trẻ sẽ nắm lấy ngón tay đó. Khi trẻ bú, tay nắm chặt hơn, cho thấy có mối liên hệ giữa bú và phản xạ nắm. Hầu hết các phản xạ ban đầu này bắt đầu thay đổi hoặc biến mất lúc trẻ từ 4 đến 6 tháng tuổi, khi vỏ não phát triển.
Trẻ nhũ nhi (Infancy)
Các kỹ năng miệng phát triển đồng thời và có liên quan chặt chẽ với sự phát triển tổng thể của các kỹ năng vận động cảm giác. Bảng 1 trình bày tổng quan ngắn gọn về sự phát triển bình thường của các kỹ năng vận động cảm giác, vận động miệng và ăn uống trong 3 năm đầu đời. Ban đầu, việc cho ăn đòi hỏi người lớn phải đỡ đầu và căn chỉnh đầu-thân để giúp trẻ phối hợp trình tự bú – nuốt – thở. Kiểu bú ban đầu của trẻ sơ sinh chiếm ưu thế trong 3 đến 4 tháng đầu. Bắt đầu từ 4 tháng trở đi, trẻ phát triển kiểu “mút thực sự”, với chuyển động lên xuống của lưỡi, khi đầu và hàm bắt đầu ổn định.
Khi được 6 tháng, trẻ nhũ nhi đã hoàn toàn kiểm soát đầu và ổn định hàm hơn, cho phép kiểm soát chuyển động của lưỡi tốt hơn. Sự ổn định này cho phép trẻ nhũ nhi bú bình một cách hiệu quả và ăn thức ăn mềm từ thìa. Khi được 4 đến 5 tháng tuổi, trẻ nhũ nhi biểu hiện kiểu mẫu cắn – nhả theo nhịp một cách phản xạ khi được đưa cho một chiếc bánh quy mềm. Với luyện tập, nhịp điệu sẽ phát triển thành một kiểu nhai (dạng mum), bao gồm chuyển động hàm lên và xuống. Kiểu nhai dạng mum có hiệu quả với ăn thức ăn trẻ em hoặc các loại thực phẩm có thể hòa tan khác. Khi được 7 đến 8 tháng, một số chuyển động chéo của hàm được thêm vào kiểu nhai. Trẻ nhũ nhi dùng ngón tay để ăn bánh quy mềm.
Khoảng 12 tháng, trẻ nhũ nhi thích và ưa ăn bằng ngón tay hơn. Có thể quan sát thấy các vận động nhai xoay vòng và cắn rõ ràng. Vào lúc này, nhiều trẻ chuyển từ bú bình sang uống bằng cốc. Trong khi học cách uống bằng cốc, hàm của trẻ sơ sinh ban đầu tiếp tục di chuyển theo kiểu mút lên xuống. Ngoài ra, trẻ sơ sinh cắn vành cốc để ổn định hàm. Vào lúc được 15 tháng, trẻ nhũ nhi thể hiện một số chuyển động xoay chéo của lưỡi và hàm khi nhai thức ăn. Từ 15 đến 18 tháng, trẻ nhũ nhi bắt đầu tự ăn bằng thìa.
Tuổi nhi đồng (tiền học đường)
Đến 24 tháng tuổi, nền tảng đã được thiết lập cho tất cả các kiểu ăn uống của người lớn. Khi được 2 tuổi, trẻ tự ăn, chủ yếu ăn thịt và rau sống (Hình 1). Cơ nhai quay tròn phát triển giữa năm thứ hai và năm thứ ba và cho phép trẻ mới biết đi ăn hầu hết các loại thức ăn của người lớn.
Khi được 24 tháng, trẻ có thể cầm thìa và đưa lên miệng với cổ tay ngửa sang tư thế lòng bàn tay hướng lên. Khi được 30 đến 36 tháng, trẻ thử dùng nĩa để đâm thức ăn. Có nhiều loại thìa dành cho trẻ học cách sử dụng đồ dùng. Kích thước của thìa phải phù hợp với kích thước miệng của trẻ. Trẻ em học cách sử dụng thìa thường sử dụng những thìa có lòng nông; chúng khó ăn hơn với thìa có lòng sâu hơn. Muỗng và nĩa có kích thước phù hợp với trẻ em sẽ giúp trẻ dễ dàng cầm nắm và thao tác hơn, đồng thời bát và đĩa có các cạnh nhô cao cũng giúp trẻ dễ xúc thức ăn hơn.
Vào lúc 24 tháng, trẻ mới biết đi cũng có thể uống bằng cốc. Trẻ có thể bắt đầu uống bằng ống hút từ 2 đến 3 tuổi, đặc biệt nếu chúng tiếp xúc sớm với việc sử dụng ống hút. Với nhiều loại ống hút dài, ngắn và trang trí ngộ nghĩnh có sẵn trên thị trường, và trẻ rất vui khi được độc lập sử dụng ống hút của mình. Từ 30 đến 36 tháng tuổi, trẻ cố gắng tự lấy nước và các phần thức ăn của mình.
Mặc VÀ CỞI áo quần
Mặc và cởi quần áo cũng là những kỹ năng tự chăm sóc cơ bản rất cần thiết, được học trong giai đoạn nhũ nhi và nhi đồng. Mặc quần áo bao gồm lựa chọn quần áo và phụ kiện phù hợp với thời tiết và dịp, mặc quần áo theo trình tự, buộc chặt và điều chỉnh quần áo và giày dép. Trẻ nhỏ phát triển kỹ năng mặc quần áo độc lập ở các lứa tuổi khác nhau tùy theo kỳ vọng về văn hóa của gia đình đối với việc tự mặc quần áo và loại quần áo được mặc, cơ hội thực hành và động cơ tự lập của trẻ. Kỹ năng mặc quần áo đòi hỏi các cử động phối hợp của hầu hết các bộ phận cơ thể. Sự phát triển của kỹ năng mặc quần áo độc lập thường xuất hiện ở trẻ 4 đến 5 tuổi. Bảng 2 liệt kê trình tự chung về kỹ năng mặc và cởi quần áo.
Tuổi nhũ nhi
Trong năm phát triển đầu tiên, trẻ nhũ nhi thiết lập các thói quen hàng ngày và bắt đầu hợp tác trong các hoạt động mặc quần áo. Bé học cách cởi bỏ trang phục rộng như mũ, găng tay và tất. Khi được 1 tuổi, hầu hết trẻ nhũ nhi đã đạt được nhiều kỹ năng vận động cần thiết cho sự phát triển kỹ năng mặc quần áo. Chúng có thể tách rời các chuyển động để cánh tay hoặc chân, có thể di chuyển tách rời khỏi thân, đã bắt đầu giữ vững với một tay và tay kia hoạt động, và có thể điều chỉnh tư thế của mình trong khi với tới. Trẻ nhũ nhi có khả năng kiểm soát cần thiết để đẩy cánh tay và chân qua tay áo và quần hoặc chơi cởi mũ.
BẢNG 2. Trình tự phát triển các kỹ năng tự chăm sóc
Tuổi | Các kỹ năng mặc áo quần | Vệ sinh cá nhân và trang điểm |
1 | Hợp tác trong mặc áo quần (ví dụ, giữ bàn chân lên để mặc quần, dang cánh tay ra để luồn tay áo) Đẩy cánh tay qua tay áo và chân qua ống quần | Hợp tác trong khi rửa và lau không bàn tay Có các vận động đường ruột (đi cầu) đều đặn |
1 tuổi rưởi | Cởi các trang phục lỏng lẻo (mũ, giày dép) Kéo một phần áo pull qua đầu Cởi giày, mũ Kéo khoá với tay kéo lớn Đội mũ | Để bố mẹ đánh răng Chú ý các hoạt động đào thải Tỏ vẻ khó chịu với khi vấy bẩn Bắt đầu ngồi bô khi được đặt vào và có giám sát (thời gian ngắn) |
2 | Cởi áo khoác không cài nút Cởi giày nếu không buộc chặt Giúp kéo quần xuống Tìm tay áo với áo tròng đầu | Thử đánh răng khi bắt chước người lớn Tự rửa tay với trợ giúp Thích tự tắm rửa trong bồn Đi tiểu đều đặn |
2 tuổi rưởi | Cởi quần dài và ngắn với dây thun Cởi áo đơn giản Hỗ trợ mang tất Mặc áo cài nút phía trước Mở các nút lớn | Lau khô bàn tay Lau mũi nếu đưa khăn và khuyến khích Kiểm soát đại tiện tiện ban ngày, thỉnh thoảng có sự cố Thường tỏ nhu cầu đi cầu, hiếm khi gặp sự cố. |
3 | Mặc áo tròng qua đầu với một ít hỗ trợ Mang giày không buộc (có thể trái chân) Mang tất với một ít khó khăn ở tư thế gót chân Kéo quần xuống độc lập Kéo và mở khoá khéo Cần trợ giúp để lấy áo tròng qua đầu Cài nút áo lớn ở phía trước | Rửa bàn tay Đánh răng với trợ giúp Lấy nước từ vòi không cần trợ giúp Sử dụng bồn cầu độc lập nhưng cần trợ giúp lau chùi sau khi đi cầu |
3 tuổi rưởi | Thường mặc áo cài phía trước (gài móc, khoá kéo, cài ba đến 4 nút …) Mở nịt hoặc giày Mặc áo quần với giám sát (giúp đỡ mặc trước và sau) | Ít khi bị sự cố, có thể cần trợ giúp khi mặc quần khó cởi |
4 | Cởi áo pull độc lập Khoá bật nịt giày Kéo khoá, cài khoá kéo Mặc quần kéo xuống Mang tất với đặt gót đúng vị trí Mang giày, cần hỗ trợ khi buộc giây Biết mặt trước và sau của áo quần | Rửa, lau khô bàn tay và mặt không cần trợ giúp Đánh răng với sự giám sát Rửa và lau khô người khi tắm với giám sát Tự chăm sóc khi đi cầu (có thể cần trợ giúp để lau sạch sau khi đi) |
4 tuổi rưởi | Xỏ dây nịt | Chải suốt tóc với lược |
5 | Mặc áo pull, sơ mi đúng cách Buộc, thắt nút Buộc giày Mặc áo quần không giám sát | Chà móng tay với hướng dẫn Chải tóc với giám sát Tự lau sau khi đi cầu |
5 tuổi rưởi | Cài khoá kéo sau | Thực hiện các hoạt động đi vệ sinh, bao gồm xả nước bồn cầu độc lập. |
6 | Cài nút phía sau Chọn lựa áo quần phù hợp với thời tiết và hoạt động cụ thể | Đánh răng súc miệng độc lập |
Tuổi nhi đồng
Đến 2 tuổi, các phản ứng giữ thăng bằng được tinh chỉnh cung cấp cho trẻ các kỹ năng vận động cần thiết để giơ tay để kéo áo qua đầu. Các cháu có thể đưa bàn tay ra sau để cố gắng luồn tay vào tay áo sơ mi cài khuy phía trước. Đến 3 tuổi, trẻ nhận thức rõ hơn về các chi tiết và có thể dễ dàng tìm thấy các lỗ luồn tay và chân. Đến 4 tuổi, trẻ nhận ra mặt phải và trái; khi các kỹ năng vận động tinh tiến bộ, trẻ cũng có thể sử dụng khóa gài, khóa kéo và dây buộc. Khi được 5 tuổi, tất cả các kỹ năng về giữ thăng bằng và phối hợp vận động tinh đã đủ hoàn thiện để cho phép trẻ tự mặc quần áo mà không cần giám sát.
Vệ sinh cá nhân và trang điểm
Trang điểm (trang điểm) và vệ sinh là những kỹ năng tự chăm sóc quan trọng có xu hướng phát triển sau khi trẻ phát triển kỹ năng ăn uống và mặc quần áo. (Xem Bảng 2 về trình tự chung về vệ sinh cá nhân và trang điểm.) Những mong đợi về văn hóa và thói quen xã hội của gia đình quyết định thời điểm đạt được sự độc lập trong trang điểm và vệ sinh cá nhân. Rửa mặt, rửa tay và chăm sóc đầu tóc là những vệ sinh cá nhân thông thường và các kỹ năng trang điểm được học vào tuổi nhi đồng. Trẻ hợp tác khi rửa tay. Đến 2 tuổi, trẻ có thể rửa tay nhưng cần được trợ giúp mở nước và lấy xà phòng. Đến 4 tuổi, trẻ có thể thực hiện rửa tay và rửa mặt mà không cần giám sát. Với sự giám sát và huấn luyện, trẻ 5 tuổi có thể chà móng tay bằng bàn chải và chải tóc.
Vào tuổi nhi đồng, vệ sinh răng miệng liên quan đến việc đánh răng. Trước 2 tuổi, trẻ nhũ nhi để cho cha mẹ đánh răng. Trẻ hai tuổi bắt chước bố mẹ đánh răng. Trẻ tiếp tục tự đánh răng dưới sự giám sát cho đến 5 hoặc 6 tuổi. Vào thời điểm đó, việc trau dồi kỹ năng sử dụng các dụng cụ giúp trẻ có thể tự mình hoàn thành tất cả các bước chăm sóc răng miệng, bao gồm cả những chuẩn bị cần thiết và sau đó đánh răng và súc miệng.
Tắm và Tắm vòi hoa sen
Tắm rửa và tắm vòi hoa sen bao gồm bôi xà phòng, rửa sạch và lau khô cơ thể. Khoảng 2 tuổi, trẻ bắt đầu biểu hiện sự thích thú với việc tắm rửa bằng cách hỗ trợ rửa tay khi ở trong bồn tắm. Bởi vì tắm là một hoạt động thú vị đối với hầu hết trẻ em và cha mẹ, học cách tự tắm rửa bắt đầu trong bối cảnh vui chơi. Thông thường, hầu hết trẻ em đều có thể tự tắm rửa và lau khô dưới sự giám sát khi được 4 tuổi. Đến 8 tuổi, hầu hết trẻ có thể tự chuẩn bị nước tắm, tắm vòi hoặc bồn tắm, rửa và lau khô.
Chăm sóc khi đi vệ sinh (Toilet Hygiene)
Chăm sóc khi đi vệ sinh (đi cầu, đi tiểu) liên quan đến điều chỉnh quần áo, duy trì tư thế khi đi vệ sinh, dịch chuyển vào vào và ra nhà vệ sinh/bệ xí và lau sạch cơ thể. Về mặt sinh lý, việc kiểm soát tiểu tiện một cách chủ động thường không xảy ra cho đến khi trẻ từ 2 đến 3 tuổi. Đi vệ sinh độc lập là một mốc phát triển, có sự khác biệt lớn giữa các trẻ. Trong giai đoạn nhũ nhi, việc đi cầu và đi tiểu đều đặn phát triển dần dần. Trẻ nhũ nhi cũng có thể ra dấu khi tã ướt hoặc bẩn và thậm chí ngồi lên bồn cầu khi được đặt ở đó. Huấn luyện đi vệ sinh thường không được đưa ra cho đến khi đứa trẻ vẫn còn khô trong 1 giờ trở lên mỗi lần, có dấu hiệu bàng quang đầy hoặc cần đi vệ sinh và vào lúc ít nhất 21⁄2 tuổi. Kiểm soát bàng quang và đường ruột ban ngày thường đạt được từ lúc 21⁄2 đến 3 tuổi , mặc dù trẻ vẫn có thể cần sự giúp đỡ với quần áo khó chỉnh hoặc nút buộc. Kiểm soát bàng quang vào ban đêm có thể không đạt được cho đến khi 5 hoặc 6 tuổi. Vào ban ngày, trẻ 5 tuổi có thể đoán trước nhu cầu đi vệ sinh ngay lập tức và hoàn toàn tự chăm sóc bản thân khi đi vệ sinh, bao gồm cả việc lau chùi và xả nước trong nhà vệ sinh.
Chăm sóc thiết bị cá nhân (Personal Device Care)
Trẻ em có thể có các thiết bị cá nhân (ví dụ: kính mắt, khung tập đi, xe lăn, công nghệ, máy trợ thính, thiết bị y tế) giúp trẻ tham gia vào nhiều công việc khác nhau. Các OT cung cấp thông tin về việc bảo quản các thiết bị và giúp trẻ thiết lập các vai trò và thói quen bảo trì thiết bị. Trẻ em có thể chịu trách nhiệm đặt thiết bị vào hộp đựng an toàn khi không sử dụng, vệ sinh thiết bị, xử lý thiết bị cẩn thận và yêu cầu hỗ trợ khi cần. Các OT xem xét tuổi và khả năng của trẻ khi lập kế hoạch sử dụng thiết bị cá nhân.
Di chuyển chức năng (Functional Mobility)
Các OT tạo thuận cho di chuyển chức năng theo nhiều cách khác nhau. Họ có thể giải quyết các rào cản vật lý trong nhà và cộng đồng ngăn cản trẻ tiếp cận với môi trường (như lượng giá môi trường nhà và đề nghị các sửa đổi). Họ có thể giúp trẻ đạt được các kỹ năng thực hiện như kiểm soát tư thế và sức bền khi di chuyển. Các OT cũng có thể giới thiệu, hướng dẫn sử dụng xe lăn hoặc phương tiện di chuyển khác. Giúp trẻ em và thanh thiếu niên di chuyển trong môi trường có ý nghĩa quan trọng với học hỏi và tương tác xã hội. Cần cố gắng giúp trẻ sớm biết di chuyển để chúng có thể khám phá môi trường xung quanh.
Hoạt động tình dục (Sexual Activity)
Khi trẻ trưởng thành, chúng có thể có nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động tình dục. Các OT có thể được yêu cầu giúp trẻ khuyết tật hiểu cách thể hiện bản thân. Hãy cho phép trẻ em nói về những vấn đề này và giúp trẻ hiểu điều này nằm trong lĩnh vực OT. Khi trẻ trưởng thành, các OT có thể đóng vai trò là nguồn hỗ trợ cho cha mẹ và con cái.
Minh Dat Rehab tổng hợp.