CÁC THANG ĐO LƯỢNG GIÁ HOẠT ĐỘNG CHỨC NĂNG THƯỜNG DÙNG

Cập nhật lần cuối vào 23/02/2024

Lượng giá hoạt động chức năng là một phần hết sức quan trọng của thăm khám phục hồi chức năng (PHCN), nhằm xác định mức độ ảnh hưởng của tình trạng bệnh lý lên các lĩnh vực hoạt động chức năng của người bệnh, đặc biệt là các chức năng vận động và thần kinh cao cấp.

Thông qua lượng giá, ta có thể xác định mức độ trầm trọng của vấn đề sức khoẻ, là cơ sở để đề ra mục tiêu và chương trình can thiệp phù hợp nhằm giúp người bệnh dần dần lấy lại chức năng ban đầu đã giảm/mất hoặc chỉ định các loại dụng cụ hỗ trợ, chỉnh hình, thay thế phù hợp để bù trừ sự suy giảm cấu trúc/chức năng.

Lượng giá hoạt động chức năng theo Khung Phân loại Quốc tế về Hoạt động chức năng, Khuyết tật và Sức khoẻ (ICF) bao gồm cả lượng giá khiếm khuyết, giới hạn hoạt động và hạn chế sự tham gia. Trong bối cảnh PHCN thông thường, lượng giá khiếm khuyết, giới hạn hoạt động thường được đánh giá từ lúc thăm khám ban đầu và những lần khám sau, còn lượng giá sự hạn chế tham gia thường chỉ được thực hiện khi người bệnh ra viện, hòa nhập cộng đồng.

Xem thêm Bài giảng: Khái niệm sức khoẻ và Khung Phân loại Quốc tế về Khuyết tật

Các lượng giá hoạt động chức năng có thể là những bảng câu hỏi người bệnh tự trả lời (tự báo cáo) hoặc được nhân viên y tế thực hiện. Mỗi loại công cụ có những ưu và nhược điểm, nhưng điều quan trọng là phải nắm mục đích của công cụ, các tham số dự kiến đo lường và các hạn chế của công cụ đó.

Mục lục

MỘT SỐ THANG ĐO HOẠT ĐỘNG CHỨC NĂNG THƯỜNG DÙNG

Phạm vi và số lượng các thang đo hoạt động chức năng rất đa dạng và phong phú, tuỳ theo đối tượng, lĩnh vực, mục đích cần lượng giá. Sự lựa chọn công cụ lượng giá chức năng nào cần dựa trên kết quả đầu ra mong muốn. Công cụ càng phù hợp càng giúp đánh giá  hoạt động chức năng mong muốn chính xác, đầy đủ hơn, hỗ trợ trong việc thiết lập mục tiêu, theo dõi hiệu quả và điều chỉnh các phương pháp điều trị. Trong phạm vi bài giảng chỉ trình bày một số công cụ lượng giá đơn giản và thường sử dụng nhất.

Lượng giá Đau

Đau là một triệu chứng thường gặp nhất trên lâm sàng và ảnh hưởng lớn đến hoạt động chức năng của người bệnh. Các thang đo lường đau hỗ trợ đánh giá mức độ trầm trọng của đau, hiệu quả của các can thiệp, và các thành phần tâm lý- cảm xúc/hành vi kèm theo đau.

Xem thêm bài: Lượng giá Đau

Ví dụ một số thang điểm đau phổ biến:

Hình 1. Thang điểm Số (NRS) và Thang điểm Liên tục để lượng giá đau

Thang điểm Số (NRS) là thang điểm giá trị và thường được khuyến cáo sử dụng trong thực hành lâm sàng.

Lượng giá tầm vận động

XEM BÀI: LƯỢNG GIÁ VÀ ĐO TẦM VẬN ĐỘNG KHỚP

Lượng giá Trương lực cơ (Muscle Tone)

Trương lực cơ là độ căng của cơ khi nghỉ hoặc độ kháng của cơ khi bị kéo căng. Trương lực cơ giúp duy trì tư thế và sẵn sàng đáp ứng vận động. Bất thường trương lực cơ (tăng, giảm, hoặc thay đổi tăng giảm) thường gặp trong các bệnh lý thần kinh và ảnh hưởng đến khả năng vận động. Một trong những thang đo thường sử dụng để đánh giá tình trạng tăng trương lực cơ là thang điểm Ashworth chỉnh sửa (Modified Ashworth Scale, MAS) (bảng 1). Một thang đo khác là Tardieu Scale.

Xem thêm bài viết: Co cứng: Lượng giá và Can thiệp

Bảng 1. Thang điểm Ashworth có chỉnh sửa (MAS) để đánh giá sự co cứng

ĐộMô tả
0Không có sự gia tăng trương lực cơ
1Tăng nhẹ trương lực cơ, biểu hiện bằng giữ lại và thả ra hoặc kháng trở nhẹ ở cuối tầm vận động khi chi thể được di chuyển.
1+Tăng nhẹ trương lực cơ, biểu hiện bằng giữ lại, theo sau bằng sức cản nhẹ suốt phần còn lại của tầm vận động (ít hơn ½)
2Tăng trương lực cơ rõ suốt tầm vận động, nhưng có thể di chuyển phần chi thể dễ dàng
3Tăng đáng kể trương lực cơ, vận động thụ động khó khăn
4Phần chi thể bị cứng ở tư thế gấp hoặc duỗi

Lượng giá Cơ lực (Muscle Strength)

Cơ lực là khả năng của cơ hoặc một nhóm cơ tạo nên sức căng và lực để chống lại sức cản tối đa tác động lên cơ. Kỹ thuật lượng giá cơ lực thường được sử dụng trên lâm sàng là Thử Cơ bằng Tay (Manual Muscle Testing) (bảng 2). Đây là một phương pháp khách quan, đơn giản để lượng giá khả năng tạo lực của cơ, thường sử dụng trong các trường hợp bệnh lý thần kinh trung ương lẫn ngoại biên.

Xem thêm bài viết: Bài giảng Thử cơ bằng tay

Bảng 2. Phân độ cơ lực theo thử cơ bằng tay (MMT)

Bậc cơ lựcKhả năng co cơ chủ động
5Co cơ hoàn toàn bình thường, thắng được sức cản mạnh từ bên ngoài.
4Co cơ thực hiện được tầm vận động, thắng được trọng lực chi thể, và thắng được một phần sức cản bằng tay của người khám.
3Co cơ thực hiện được tầm vận động và thắng được trọng lực chi thể.
2Co cơ thực hiện được tầm vận động với điều kiện loại bỏ trọng lực chi thể.
1Co cơ rất yếu, chỉ có thể nhìn hoặc sờ thấy co gân của cơ đó nhưng không thể thực hiện được động tác.
0Khi kích hoạt, không có dấu hiệu co cơ – liệt hoàn toàn.

Lượng giá Nhận thức (Cognition)

Lượng giá chức năng nhận thức bao gồm lượng giá trí nhớ, sự chú ý, ngôn ngữ, nhận cảm, định hướng, khả năng học và chức năng điều hành (executive functions). Ví dụ:

  • Thang điểm hôn mê Glasgow (The Glasgow Coma Scale)
  • Short Orientation-Memory-Concentration Test
  • Rivermead Behavioural Memory Test
  • Đánh giá Tình trạng Tâm thần Ngắn (Mini Mental State Evaluation, MMS)
  • Lượng giá Nhận thức Montreal (Montreal Cognitive Assessment, MoCA)
  • Thăm khám Nhận thức Ngắn của Addenbrooke (Mini-Addenbrooke’s Cognitive Examination, Mini-ACE)


Lượng giá sức bền tim-phổi (Aerobic endurance)

Các lượng giá này phản ánh khả năng thực hiện các hoạt động của các cơ lớn trong một thời gian kéo dài, rất quan trọng để đánh giá khả năng tập luyện thể dục. Ví dụ:

Lượng giá thăng bằng (Balance)

Mục đích chính là xác định có rối loạn thăng bằng khi đứng, đi hay không để tiên liệu nguy cơ ngã, xác định nguyên nhân rối loạn chức năng thăng bằng và xác định có cần điều trị hay không hoặc hiệu quả của điều trị. Ví dụ:

XEM THÊM: KHÁM VÀ LƯỢNG GIÁ THĂNG BẰNG

Lượng giá các hoạt động (Activities)

Chức năng cơ bản nhất và thường được lượng giá nhất khi lượng giá PHCN là chức năng sinh hoạt hàng ngày (ADL: Activities of Daily Living). Sinh hoạt hàng ngày là từ để chỉ những hoạt động cơ bản cần thiết cho cuộc sống độc lập hàng ngày.

Các nhóm sinh hoạt hàng ngày phổ biến bao gồm:

  • Dịch chuyển (transfer): Bao gồm tất cả những vận động thô cần thiết để đạt được tư thế, vị trí mong muốn phù hợp với sinh hoạt tự chăm sóc, như thay đổi vị trí trên giường, dịch chuyển từ giường sang ghế, xe lăn và ngược lại, dịch chuyển vào ra bệ xí, bồn tắm…
  • Di chuyển (mobility): Gồm những hoạt động di chuyển cơ thể một khoảng cách nhất định, có thể là đi lại bằng chân hoặc sử dụng phương tiện di chuyển (xe lăn). Ví dụ di chuyển trong nhà, di chuyển ngoài nhà, lên xuống bậc cấp…
  • Tự chăm sóc (self-care): Những hoạt động chăm sóc bản thân cần thiết cho cuộc sống hàng ngày, như vệ sinh cá nhân (đánh răng, rửa mặt, chải đầu), tắm rửa, ăn uống, mặc áo quần, chăm sóc khi đi vệ sinh bài tiết…
  • Những sinh hoạt hàng ngày quan trọng (instrumental ADL) khác: Những sinh hoạt hàng ngày khác tuỳ theo đặc điểm cá nhân mỗi người như chăm sóc người khác (trẻ em, người già); chăm sóc vật nuôi, cây cảnh; chuẩn bị bữa ăn và dọn dẹp bữa ăn; bảo quản, sữa chữa, vệ sinh nhà cửa; quản lý tiền bạc; đi mua sắm; di chuyển ở cộng đồng (phương tiện đi lại cá nhân, công cộng …)…

Ví dụ một số thang điểm lượng giá các sinh hoạt hàng ngày:

  • Chỉ số Độc lâp Sinh hoạt hàng ngày Katz (KAtz ADL): đánh giá mức độ độc lập của 6 hoạt động. Hứu ích trong chăm sóc người cao tuổi.
  • Chỉ số Barthel (Barthel Index): Đo lường mức độ trợ giúp của 10 mục di chuyển vận động và tự chăm sóc
  • Đo lường Độc lập Chức năng (Functional Independence Measure, FIM): là thang điểm tổng quát thường được sử dụng nhất ở các bệnh nhân nội trú ở Hoa kỳ, được xem là “tiêu chuẩn vàng” để lượng giá chức năng. Thang đi này đánh giá 18 mục của các lĩnh vực Tự chăm sóc, Kiểm soát cơ tròn, Dịch chuyển, Di chuyển, Giao tiếp, Nhận thức – Xã hội
  • Thang đo IADL Lawton: Đánh giá các sinh hoạt hàng ngày quan trọng (instrumental ADL), như sử dụng điện thoại, dọn dẹp nhà cửa, quản lý thuốc men.
  • Thang đo của Minh Dat Rehab: bộ thang đo Phục hồi chức năng (Vn Rehab Scales), phiên bản 2.0, bao gồm VnRAs 2.0 cho người lớn, và VnRCs 2.0 cho trẻ em. Thang đo này có thể sử dụng cả ở bệnh viện lẫn cộng đồng, đặc biệt hữu ích cho các chương trình can thiệp PHCN tại cộng đồng.

Sự tham gia và Chất lượng cuộc sống (Quality of Life)

Chất lượng cuộc sống và tái hoà nhập thành công vào gia đình, xã hội là các mục đích chính của PHCN. Ví dụ một số thang đo:

  • WHODAS 2.0 (WHO Disability Assessment Schedule): Thang điểm lượng giá hoạt động chức năng tổng quát được Tổ chức Y tế Thế giới xây dựng, bao gồm 6 lĩnh vực (Nhận thức, Di chuyển, Tự chăm sóc, Tương tác xã hội, Các hoạt động trong đời sống và Sự tham gia). Có phiên bản đầy đủ (36 mục) và phiên bản rút gọn (12 mục)
  • Frenchay Activities Measure
  • Khảo sát Sức khoẻ Biểu mẫu Ngắn 36, Short Form Health Survey (SF-36)
  • Bảng câu hỏi Hoà nhập Cộng đồng (Community Integration Questionnaire)
  • Chỉ số Tái hoà nhập vào Cuộc sống Bình thường (Reintegration to Normal Living Index)
  • Bảng câu hỏi Chất lượng Cuộc sống của Tổ chức Y Tế Thế giới (World Health Organization Quality of Life, WHOQOL): Bản đầy đủ 100 câu (WHOQOL-100) và bản rút gọn 26 câu (WHOQOL-BREF)
    • Xem bản rút gọn WHOQOL-BREF tại trang Y học Phục hồi

MỘT SỐ CÔNG CỤ LƯỢNG GIÁ CHUYÊN BIỆT CHO BỆNH LÝ VÀ VÙNG CƠ THỂ

Có nhiều thang đo nhằm mục đích lượng giá mức độ trầm trọng hoặc giảm chức năng do bệnh lý hoặc vùng cơ thể cụ thể, như là:

Cột sống

Chi trên:

Vai

Chi dưới:

Đột quỵ

Chấn thương sọ não

Một số thang đo Bệnh lý và Khiếm khuyết khác

Trong nhiều trường hợp, bên cạnh thang đo hoạt động chức năng chung, các thang đo chuyên biệt này cho phép đánh giá và theo dõi tình trạng sức khoẻ/bệnh lý tương ứng một cách chi tiết và nhạy cảm với các thay đổi hơn.

Trang web dữ liệu đo lường PHCN: https://www.sralab.org/rehabilitation-measures

Bạn có thể xem và sử dụng một số phiếu đo lường Việt hoá tại YHOCPHUCHOI.COM

KẾT LUẬN

Lượng giá hoạt động chức năng có một vai trò rất quan trọng trong công tác chăm sóc phục hồi chức năng, nhằm đánh giá chính xác và đầy đủ khả năng của cá nhân (người bệnh), tạo cơ sở cho việc đề xuất và thực hiện mục tiêu và chương trình phục hồi thích hợp cho cá nhân, cũng như là thước đo để đánh giá diễn tiến và hiệu quả của công tác chăm sóc điều trị. Chính vì thế, việc áp dụng các thang đo này trên lâm sàng ngày càng được chú trọng, là nền tảng cho tiếp cận thực hành y học dựa vào chứng cứ (Evidence- Based Practice).

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này