QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI: TUỔI VỊ THÀNH NIÊN

Cập nhật lần cuối vào 05/12/2021



Vị thành niên (10 – 20 tuổi) là thời kỳ chuyển tiếp giữa trẻ em và trưởng thành bao gồm sự phát triển về sinh học, nhận thức, đạo đức, tâm lý -xã hội.

Các đặc điểm phát triển chính liên quan đến vị thành niên được trình bày ở bài viết là:

  • Sự tăng trưởng của trẻ vị thành niên
  • Sự dậy thì
  • Sự phát triển nhận thức: Thuyết của Piaget, Thuyết xử lý thông tin
  • Sự phát triển đạo đức: Thuyết của Kohlberg
  • Sự phát triển về mặt xã hội: hình thành bản sắc, quan hệ với bố mẹ, với bạn bè

Mục lục

SỰ TĂNG TRƯỞNG Ở TUỔI VỊ THÀNH NIÊN

(Lưu ý: các số liệu ở bài viết về tăng trưởng có thể không chính xác với người Việt nam, bạn đọc tham khảo thêm tài liệu khác).

Tuổi vị thành niên được đánh dấu bởi sự tăng trưởng cả chiều cao và cân nặng, ban đầu tuổi dậy thì bằng đợt phát triển nhanh (growth spurt) khi đạt đến tốc độ phát triển chiều cao tối đa, sau đó chậm dần cho đến khi hoàn tất tăng trưởng.

Tuổi bắt đầu, thời gian và mức độ tăng trưởng được xác định bởi yếu tố di truyền (dù chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố xã hội).

Tăng trưởng chiều cao:

  • Trẻ trai bắt đầu tăng trưởng chiều cao vào khoảng tuổi 11, cao nhất khi vào khoảng tuổi 13, giảm dần vào khoảng tuổi 15 và kết thúc vào khoảng tuổi 17-18.
  • Trẻ gái bắt đầu tăng trưởng chiều cao vào khoảng tuổi 9, cao nhất vào khoảng tuổi 11, giảm dần vào khoảng tuổi 13 và kết thúc vào khoảng tuổi 16.
  • Tăng chiều cao trong một năm khi ở mức cao nhất có thể từ 15 đến 20 cm trong một năm
  • Ở nữ, mức tăng chiều cao cực đại xảy ra trước khi bắt đầu hành kinh và ở nam, mức tăng cực đại này trùng với sự phát triển của lông nách và lông mu.

 

Sự tăng trưởng chiều cao ở trẻ trai (đường đỏ) và trẻ gái (đường xanh)

Tăng trưởng cân nặng

  • Trẻ vị thành niên tăng cân nhanh. Khoảng 50% cân nặng ở người trưởng thành đạt được trong lứa tuổi này. Nam tăng cân đạt đỉnh khoảng 9 kg/năm vào tuổi 13-14 và nữ khoảng 8 kg/năm vào tuổi 12-13.
  • Tổng phần trăm lượng mỡ giảm ở nam giảm nhưng lại tăng ở nữ.

DẬY THÌ

Dậy thì (Pubescence) bắt đầu ở tuổi vị thành niên

Đặc trưng trong giai đoạn này là sự phát triển và trưởng thành của các cơ quan sinh dục và biểu hiện bên ngoài là các đặc điểm sinh dục phụ.

Sự giải phóng gonadotropin từ tuyến yên tác động lên tinh hoàn để sản xuất testosterone và buồng trứng để sản xuất oestrogen.

Khởi phát:

  • Ở nữ lần hành kinh đầu tiên xảy ra khoảng tuổi 12
  • Ở nam sự phóng tinh đầu tiên quanh tuổi 13
  • Dậy thì xảy ra trước hoặc sau tuổi trung bình 2-2,5 độ lệch chuẩn được gọi là dậy thì sớm hoặc dậy thì muộn.
  • Khởi phát thường được được xác định bởi di truyền nhưng chịu các ảnh hưởng chủng tộc, văn hóa, kinh tế xã hội.
  • Có liên quan rõ với mỡ hóa (béo phì) (adiposity)

5 giai đoạn theo phân độ của Tanner:

Trẻ gái: Sự phát triển của vú, sự phát triển lông mu

Trẻ trai: sự phát triển bộ phận sinh dục, sự phát triển lông mu

Phát triển cơ quan sinh dục ngoài ở nam

  • Giai đoạn 1: trước dậy thì
  • Giai đoạn 2: gia tăng kích thước tinh hoàn và bìu, da vùng bìu trở nên đỏ và thay đổi bề mặt
  • Giai đoạn 3: gia tăng kích thước dương vật(trước tiên là chiều dài), tinh hoàn tiếp tục phát triển
  • Giai đoạn 4: gia tăng kích thước dương vật về bề ngang, vùng đầu; bìu và tinh hoàn tiếp tục gia
  • tăng, da vùng bìu trở nên đen hơn
  • Giai đoạn 5: cơ quan sinh dục người trưởng thành

Phát triển vú ở nữ

  • Giai đoạn 1: trước dậy thì
  • Giai đoạn 2: nâng mô vú và núm vú, quầng vú phát triển
  • Giai đoạn 3: gia tăng kích thước mô vú và quầng vú, không phân rõ ranh giới
  • Giai đoạn 4: núm vú và quầng vú nhô cao hơn mô vú
  • Giai đoạn 5: giai đoạn trưởng thành

Phát triển lông bộ phận sinh dục – ở cả nam lẫn nữ

  • Giai đoạn 1: trước dậy thì
  • Giai đoạn 2: phát triển thưa thớt các lông nhạt màu, dài, thẳng hay xoăn, ở vùng dương vật hay dọc theo môi âm hộ
  • Giai đoạn 3: các sợi lông trở nên sậm màu hơn, thô hơn, xoăn hơn; lan rộng qua chỗ nối vùng hạ vị nhưng còn thưa thớt
  • Giai đoạn 4: lông kiểu người trưởng thành, nhưng phân vùng nhỏ hơn ở người trưởng thành
  • Giai đoạn 5: kiểu và số lượng tương tự người trưởng thành
Phân độ Tanner ở trẻ trai và trẻ gái

Tình dục

Gia tăng hoạt tính hormon dẫn đến tăng xung động tình dục.

Một số thuật ngữ:

  • Định hướng tình dục (Sexual orientation, giới của người mình ưa thích),
  • Bản sắc giới (Gender identity, cảm giác tâm lý xã hội khi là một người nam hoặc nữ),
  • Vai trò giới (Gender role, mức nữ tính hoặc nam tính mà cá nhân cảm nhận về họ) đều góp phần vào tình dục ở trẻ vị thành niên.

Nhiều quan niệm rập khuôn về bản sắc giới đã thay đổi và do đó ở trẻ vị thành niên thường có cảm giác mơ hồ: một cá nhân có thể có bản sắc giới nam nhưng lại có một vai trò giới nữ.

SỰ PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC

Trong thời gian thành niên, các cá nhân có thể phán đoán và suy nghĩ chín chắn hơn về các tình huống mà họ có thể chưa trải qua.

Có hai thuyết chính về sự phát triển nhận thức

  • Thuyết nhận thức xã hội của Piaget
  • Thuyết xử lý thông tin

Tư duy thao tác hình thức của Piaget

Ở giai đoạn này, trẻ có thể tạo và kiểm định các giả thuyết (suy luận giả thuyết-diễn dịch) – xuất hiện sau tư duy thao tác cụ thể (suy luận từ các tình huống thực, cụ thể).

Bởi vì quá trình này phụ thuộc vào các kinh nghiệm môi trường, có nhiều sự khác nhau giữa các cá nhân và không phải ai cũng phát triển tư duy thao tác hình thức trong tất cả các lĩnh vực- logic, nhận thức, cảm xúc, xã hội.

Tư duy thao tác hình thức cũng có nghĩa là trẻ vị thành niên càng thách thức hơn với sự quản lý của người lớn và hay cãi hơn, dẫn đến xung đột (có thể phản đối suy luận của người lớn).

Thuyết xử lý thông tin

Thuyết xử lý thông tin dựa trên một số giả định, bao gồm:

  • Thông tin do môi trường cung cấp được xử lý bởi một loạt hệ thống xử lý (ví dụ: sự chú ý, nhận thức, trí nhớ ngắn hạn);
  • Các hệ thống xử lý này biến đổi hoặc thay đổi thông tin theo những cách có hệ thống;
  • Mục đích của nghiên cứu là chỉ rõ các quá trình và cấu trúc làm nền tảng cho hoạt động nhận thức;
  • Xử lý thông tin ở người tương tự như trong máy tính.

Các mô hình xử lý thông tin bao gồm một loạt các giai đoạn, hoặc các hộp, đại diện cho các giai đoạn xử lý. Các mũi tên chỉ ra luồng thông tin từ giai đoạn này sang giai đoạn tiếp theo.

  • Quá trình đầu vào liên quan đến việc phân tích các kích thích.
  • Quá trình lưu trữ bao gồm tất cả mọi thứ xảy ra với các kích thích bên trong não và có thể bao gồm mã hóa và thao tác các kích thích.
  • Các quá trình đầu ra có trách nhiệm chuẩn bị một phản ứng thích hợp với một tác nhân kích thích.

Sự chú ý được xem là một thành phần cơ sở trong quá trình: khả năng duy trì sự chú ý, chọn lọc chú ý (lọc nhiễu), phân chia sự chú ý (nhiều tác vụ đồng thời – multitasking). Ở trẻ vị thành niên, tốc độ xử lý thông tin cũng tăng qua sự myelin hóa.

Sự ra quyết định

Tversky và Kahneman (1974) đưa ra giả thuyết kỳ vọng (Prospect theory) cho rằng các quyết định dựa trên các cái hại (nguy cơ) cảm thấy được và cái lợi có thể có. Có thể xem thêm về thuyết này ở bài viết: Giới thiệu về Lý thuyết Kỳ vọng.

Các thuyết chấp nhận rủi ro (nguy cơ)

Bởi vì thời kỳ vị thành niên là thời kỳ khám phá nên nó cũng là thời kỳ dễ chịu ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ. Mô hình niềm tin sức khỏe (Health belief model, Rosenstock, 1966) cho rằng có 4 niềm tin liên quan đến sức khỏe tùy theo cảm nhận của cá nhân:

  • Mức trầm trọng của bệnh
  • Sự dễ mắc bệnh của cá nhân
  • Các yếu tố cản trở sự chấp nhận hành vi tốt cho sức khỏe để phòng bệnh
  • Các lợi ích khi tuân thủ hành vi sức khỏe

Bởi vì nhiều trẻ vị thành niên không luôn luôn xem những điều họ đang làm là nguy hiểm, các hành vi liên quan đến sức khoẻ thường bị ảnh hưởng.

Những nguy hiểm ở thời kỳ vị thành niên:

  • Các hành vi ảnh hưởng xấu đến sức khỏe (như đua xe…)
  • Ít hành vi tốt cho sức khỏe
  • Béo phì
  • Rối loạn ăn uống, thức ăn kém dinh dưỡng và mất vệ sinh
  • Bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • Hút thuốc, nghiện chích hút…

SỰ PHÁT TRIỂN ĐẠO ĐỨC

Thuyết của Kohlberg

Kohlberg (1958) chia sự phát triển suy luận đạo đức thành 3 mức với 6 giai đoạn

  • Mức 1 (Preconventional level): Đạo đức tiền quy ước (giai đoạn 1 và 2)
    • Xem mình là trung tâm, tránh bị phạt và đáp ứng với quyền lực và sức mạnh
  • Mức 2 (Conventional level): Đạo đức quy ước (giai đoạn 3 và 4)
    • Tìm cách để được chấp thuận và ưa thích. Nhận ra rằng thế giới được cai trị bởi luật lệ
    • Một số tác giả cho rằng không phải ai cũng vượt qua giai đoạn đạo đức quy ước này.
  • Mức 3 (Postconventional level): Đạo đức hậu quy ước (giai đoạn 5 và 6)
    • Biết luật nhưng nhận thấy rằng đôi lúc luật lệ không công bằng. Các hành vi không phải quy định bởi luật lệ mà đúng, sai dựa vào quyết định của cá nhân.
    • Ở giai đoạn cuối cá nhân nhận ra cái đúng sai với một khung suy luận logic của bản thân.

Sự phát triển đạo đức không tự có và cần một môi trường phù hợp để phát triển đầy đủ – nhiều người cho rằng chỉ những ai được đào tạo chính thức trong những lĩnh vực như là đạo đức hoặc hoặc triết học mới đạt đến giai đoạn cuối cùng.

Tác giả ban đầu cho rằng mô hình này chỉ được áp dụng đúng với sự phát triển đạo đức của nam giới, tuy nhiên điều này chưa thực sự được chứng minh và có thể sự phát triển đạo đức là như nhau ở hai giới. Mô hình phát triển đạo đức của cũng bị nhiều tác giả khác chỉ trích.

Kết quả của một nghiên cứu về 6 giai đoạn phát triển đạo đức của Kohlberg (Colby et al., 1983) trên những người nam từ 10-36 tuổi cho thấy chỉ chứng tỏ được 5 giai đoạn, còn giai đoạn thứ 6 không có số liệu rõ ràng. Chúng ta có thể thấy rằng cùng với sự phát triển, các câu trả lời của người tham gia ở mức tiền quy ước (giai đoạn 1 và 2) giảm trong khi những câu trả lời phù hơp với mức quy ước (giai đoạn 3 và 4) tăng. Chỉ ít người chuyển sang giai đoạn hậu quy ước về suy luận đạo đức.

Hình: Nghiên cứu dọc về sự phát triển của suy luận đạo đức của Colby và cộng sự

SỰ PHÁT TRIỂN VỀ MẶT XÃ HỘI

Hình thành bản sắc (identity)

Tư duy và phát triển đạo đức hỗ trợ cơ hội phát triển bản sắc

Hầu hết các mốc phát triển khác trong thời kỳ vị thành niên là theo kiểu di truyền nghĩa là nó sẽ xảy ra, nhưng sự phát triển bản sắc thì không phải như vậy.

Khủng hoảng bản sắc (Identity crisis) của Erikson

Erikson (1950, 1968) đưa ra khái niệm thời kỳ thiết lập bản sắc hoặc là mơ hồ về vai trò (identity versus role confusion) trong thời kỳ vị thành niên.

Erikson cho rằng thiết lập bản sắc cần được xem như là một nhiệm vụ phát triển chính của thời kỳ vị thành niên

Mơ hồ vai trò liên quan đến cá nhân xác định mình là ai, mình sẽ đi về đâu và thuộc về đâu.

Cho đến khi lập được bản sắc, cá nhân thường sẽ tuân theo với các mong đợi của xã hội với họ và không còn mơ hồ về vai trò của họ. Các cá nhân so sánh mình với những người khác để cố hình thành nên bản sắc của mình và tiếp tục đánh giá sự thành công và hạnh phúc với bản sắc.

Xem: Quá trình Phát triển Con người: Các thuyết về sự phát triển.

Mô hình trạng thái bản sắc của Marcia (1966)

Dựa trên thuyết của Erikson và sự cam kết hoặc khám phá khủng hoảng bản sắc, Marcia đưa ra bốn trạng thái bản sắc (identity status) như sau:

  • Đạt được bản sắc ( identity achievement) – Đây là trạng thái lý tưởng nhất với mức độ cam kết và khám phá đều cao. Người đạt được trạng thái này đã biết giá trị, niềm tin nào quan trọng nhất với mình, và xác định được mục tiêu phù hợp với những giá trị ấy. Thành quả này có được nhờ một quá trình chủ động khám phá bản thân và trải nghiệm nhiều lựa chọn khác nhau.
  • Trì hoãn bản sắc (Identity moratorium) – Trẻ đã bắt đầu khám phá các vai trò bản sắc khác nhau nhưng vẫn chưa cam kết theo một bản sắc nào. Đây là trạng thái của rất nhiều người trẻ tuổi khi liên tục thử nghiệm với các giá trị, niềm tin và mục tiêu khác nhau, nhưng chưa gắn bó với điều gì cụ thể. 
  • Định sẵn (đóng sớm) bản sắc (Identity foreclosure) – cá nhân đạt được bản sắc với sự cam kết mà không khám phá một khủng hoảng – thường xảy ra khi bản sắc được áp đặt hoặc không hoàn toàn tự nguyện (tức là do gia đình hoặc xã hội áp đặt)
  •  Mờ nhạt bản sắc (Identity diffusion) – Sự cam kết và khám phá của trạng thái này đều ở mức thấp. Những người trong trạng thái này không có khái niệm rõ ràng về cái tôi cá nhân, vai trò của mình trong xã hội, và cũng không chủ động khám phá các lựa chọn cho mình.

Bản thân sự phát triển bản sắc có thể bị ảnh hưởng bởi giới tính, xã hội, văn hóa.

Quan hệ gia đình

Trẻ vị thành niên gia tăng sự độc lập với gia đình khi nhiều càng tuổi hơn nhưng tốc độ phát triển độc lập phụ thuộc lớn vào các nền tảng quan hệ đã được hình thành trong thời niên thiếu.

Mức độ tự chủ đạt được phần lớn qua một quá trình thương thuyết, phản hồi và tranh luận.

Mức độ tự chủ có thể hoặc là bố mẹ cho phép tự do và không tham dự (ít đặt các giới hạn), hoặc độc đoán. Tốt nhất là nằm giữa những giới hạn này. (Bố mẹ độc đoán không giúp trẻ vị thành niên điều chỉnh thích nghi tốt).

Các xung đột thường nảy sinh từ tính trách nhiệm và sự tự do và khả năng trẻ vị thành niên cân bằng giữa hai yếu tố này. Xung đột thường xảy ra nhiều hơn trong giai đoạn đầu của tuổi vị thành niên khi các nền tảng đang được thiết lập.

Quan hệ đồng lứa

Trong lúc ảnh hưởng của bố mẹ giảm thì ảnh hưởng quan hệ đồng lứa tăng. Trẻ vị thành niên bình thường sẽ tham gia một hội, băng, nhóm và điều này giúp phát triển bản sắc tập thể/nhóm. Hội nhóm có thể giúp phát triển (hoặc ức chế) sự phát triển bản sắc ở trẻ vị thành niên khi các hành vi được xã hội chấp nhận được hình thành.

Hội có thể là:

  • Hội chơi, hoạt động (cùng những hành vi)
  • Hội hè, hội bạn (cùng vẻ ngoài, cùng đi chơi lang thang)

Quan hệ đồng lứa không nhất thiết là theo giới.

Xem tiếp: Quá trình phát triển con người: Tuổi Thanh niên

MinhdatRehab, dựa theo bài giảng của TS Liz Pridham, Đại học Nam Úc (2011), có chỉnh sửa và bổ sung.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này