PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU GÃY XƯƠNG

Cập nhật lần cuối vào 16/03/2023

XEM THÊM: ĐẶC ĐIỂM SINH CƠ HỌC CỦA XƯƠNG

Mục lục

I. ĐẠI CƯƠNG GÃY XƯƠNG

1. Định nghĩa:

Gãy xương là sự gián đoạn về cấu trúc giải phẫu bình thường của một xương.

2. Dịch tễ học:

Gãy xương là một tai nạn gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới, bất kỳ lúc nào và bất cứ ở đâu.

Mỗi tuổi có 1 loại gãy xương hay gặp:

  • Trẻ em: hay gãy xương đòn, trên lồi cầu xương cánh tay, xương đùi…
  • Người lớn ( trên 50 tuổi): hay gãy cổ xương đùi, đầu dưới xương quay…
  • Gãy xương gặp nhiều nhất ở tuổi lao động, tuổi hoạt động thể dục thể thao ( khoảng 20 – 40 tuổi) và tỷ lệ nam nhiều hơn nữ.

 3. Nguyên nhân và cơ chế gãy xương:

  • Do chấn thương là chủ yếu: Tai nạn giao thông, Tai nạn lao động, Tai nạn do thể dục thể thao, Tai nạn trong sinh hoạt….
  • Gãy xương do bệnh lý: loại này hiếm gặp (do viêm xương, do u xương…)
  • Do bệnh bẩm sinh: khớp giả bẩm sinh.
PHCN gay xuong_page42_image7

Hình: ngã chống tay

PHCN gay xuong_page42_image10

 Hình: u xương

4. Cơ chế chấn thương:

  • Cơ chế chấn thương trực tiếp: Chấn thương với một tác nhân mạnh, trực tiếp vào chi, gây nên một tổn thương nặng: xương gãy phức tạp, phần mềm dập nát, đứt mạch máu và thần kinh ( tai nạn giao thông).
  • Cơ chế chấn thương gián tiếp: Xương hay bị gãy chéo xoắn, phần mềm bị tổn thương nhẹ hơn ( gãy trên lồi cầu xương cánh tay ở trẻ em do ngã chống tay…)

     

PHCN gay xuong_page42_image13

Hình: Các lực gây gãy xương

(căng, ép, gập góc, xé, xoắn vặn, phối hợp)

II. TRIỆU CHỨNG, TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG CỦA GÃY XƯƠNG

1. Triệu chứng lâm sàng:

Có 6 triệu chứng chung cho các loại gãy xương

  • 3 triệu chứng chắc chắn:
    • Biến dạng trục chi, (có khi xương gãy lộ ra ngoài hay dưới da)
    • Tiếng lạo xạo cọ xát hai đầu xương gãy
    • Cử động bất thường: không được cố ý tìm dễ làm bệnh nhân sốc và tổn thương thêm
PHCN gay xuong_page42_image16
PHCN gay xuong_page42_image17

Hình : Biến dạng trục chi do gãy xương

  • 3 triệu chứng không chắc chắn
    • Đau: đau nhiều, giảm đau nhanh khi bất động tốt
    • Sưng nề, bầm tím: gợi ý khi bầm tím muộn
    • Giảm hoặc mất cơ năng chi bị gãy

2. Triệu chứng cận lâm sàng:

  • X quang:
    • Cho phép chẩn đoán xác định gãy xương
    • Xác định kiểu gãy: đơn giản (gãy ngang, gãy chéo xoắn…), phức tạp (gãy nhiều tầng, nhiều mảnh…), xuyên khớp.
PHCN gay xuong_page42_image22

Hình : Các loại gãy xương thường gặp

(ngang, xoắn, chéo, nhiều mảnh, rời)

  • Xác định di lệch. có 4 loại di lệch thường gặp:
    • Di lệch chồng gây ngắn chi
    • Di lệch sang bên làm chi sưng nề.
    • Di lệch gấp góc và di lệch xoay làm lệch trục chi.
  • Một số phương pháp chụp hệ xương khớp đặc biệt:
    • Chụp cắt lớp vi tính: CT scanner (để chẩn đoán các loại u xương, gãy cổ xương đùi…)
    • Chụp cộng hưởng từ MRI ( trong chấn thương cột sống, cổ xương đùi…)

3. Tiến triển: Các giai đoạn lành xương

  1. Giai đoạn Viêm: máu tụ, viêm
  2. Giai đoạn Sửa chữa: Gồm can xương mềm và can xương cứng
  3. Giai đoạn tái tổ chức (remodelling phase): màng xương, ống tủy được thành lập lại tạo thành can xương vĩnh viễn. Ổ gãy được liền tốt sau 8-10 tháng.

4. Biến chứng:

  1. Can xương lệch: do nắn chỉnh không đúng trục, di lệch thứ phát sau nắn chỉnh…
  2. Chậm liền: can xương chưa liền sau một thời gian đủ để liền xương (3 tháng). Tại chổ gãy vẫn còn đau. Thường do bất động không tốt, hay gặp ở người già.
  3. Khớp giả: hết thời gian quy định mà xương vẫn không liền. bệnh nhân không đau, đoạn gãy lủng lẳng. Thường do mất xương quá nhiều, hai đầu xương cách xa nhau, hoặc có mô mềm xen kẽ vào hai đầu xương gãy.
  4. Teo yếu cơ, co rút hạn chế vận động khớp, loãng xương: do bất động lâu, không tập luyện…
PHCN gay xuong_page42_image36

III. ĐIỀU TRỊ GÃY XƯƠNG

1. Mục tiêu chung:

  • Nắn chỉnh hai đầu xương gãy đúng trục giải phẫu, giảm di lệch
  • Cố định xương gãy để đảm bảo sự lành xương
  • Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình liền xương
  • Phòng và điều trị các biến chứng (tại chổ, toàn thân)
  • Phục hồi khả năng vận động

2. Phương pháp:

  • Điều trị bảo tồn:
    1. Cố định ngoài
    2. Bó bột
    3. Kéo liên tục
  • Phẫu thuật:
    1. Nẹp vít (AO)
    2. Đinh nội tủy
    3. Buộc chỉ thép, xuyên đinh
    4. Ghép xương

Ưu điểm của phẫu thuật là cho phép nắn xương đúng vị trí, bất động tương đối chắc chắn, tránh được di lệch thứ phát, người bệnh có thể tập cử động và chịu trọng lượng sớm, tránh các biến chứng teo cơ, cứng khớp, loãng xương.

PHCN gay xuong_page42_image45

IV. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG BỆNH NHÂN GÃY XƯƠNG

Tùy thuộc vào lứa tuổi, bệnh lý kèm theo, vị trí xương gãy, loại gãy, phương pháp cố định và đặc điểm liền xương mà thời gian bất động và mức độ tập luyện tăng tiến khác nhau. Nếu cần phải tham khảo bác sĩ phẫu thuật, chụp X quang theo dõi tiến triển gãy xương.

1. Trường hợp cố định bằng bột:

  • Giai đoạn bất động:

Thời gian cần thiết cho sự liền xương ở hai chi dưới gấp hai lần chi trên (chi trên thường 6 tuần ở người lớn), gãy ngang chậm liền hơn gãy xoắn và xiên.

  • Mục đích: giảm đau, giảm phù nề, phòng teo cơ, hạn chế vận động khớp do bất động. Phòng ngừa những biến chứng chung do ít vận động. Độc lập trong sinh hoạt hàng ngày tăng tiến.
  • Phương pháp:
    • Tăng cường độc lập sinh hoạt bằng dụng cụ trợ giúp (như khung đi, nạng…)
    • Với phần cơ thể không bất động: duy trì tầm vận động và cơ lực. Tập sức bền tim phổi.
    • Với phần cơ thể bị bất động: Gồng cơ tĩnh để phòng teo cơ
    • Giảm đau: lạnh, điện trị liệu…
    • Tư thế trị liệu: kê cao chi để giảm phù nề, đảm bảo lưu thông máu
PHCN gay xuong_page42_image53
PHCN gay xuong_page42_image52
  • Giai đoạn sau bất động

Quá trình tập luyện tăng tiến nhằm giảm đau và phù nề, đảm bảo sự liền xương, lấy lại tầm vận động khớp và cơ lực đã mất do bất động, phục hồi chức năng vận động sinh hoạt.

  • Lạnh trị liệu
  • Nhiệt nóng trị liệu (nông)
  • Thủy trị liệu
  • Xoa bóp trị liệu, di động mô sẹo
  • Vận động chủ động nhằm tăng tầm vận động khớp
  • Kéo dãn thụ động nhẹ, tăng tiến (đảm bảo can xương tốt)
  • Tập tăng cường cơ lực: gồng cơ tĩnh, co cơ động, tập với kháng trở
  • Tăng cường chịu trọng lượng chi thể: từ không chịu trọng lượng đến chịu trọng lượng một phần, toàn bộ.
  • Sử dụng các dụng cụ trợ giúp di chuyển, đi lại giảm dần.
  • Tập dáng đi, hoạt động trị liệu.

PHCN gay xuong_page42_image58
Hình: Một số bài tập sau gãy xương tay/ chân


2. Trường hợp cố định bằng phẫu thuật

Thường cố định khá vững, các khớp không bị bất động, cho phép vận động sớm chịu trọng lượng sớm hơn, giảm biến chứng cơ xương đáng kể, phục hồi khả năng vận động sinh hoạt và nghề nghiệp sớm hơn.

Giai đoạn viêm/bảo vệ (2 tuần đầu):

  • Mục tiêu:
    • Bất động bảo vệ vùng xương gãy
    • Giảm đau, phù nề
    • Tầm vận động đầy đủ ở các khớp không liên quan
    • Tầm vận động chủ động trong giới hạn cho phép ở các khớp liên quan
    • Độc lập trong sinh hoạt hàng ngày
  • Phương pháp:
    • Bất động bằng nẹp, máng, … theo chỉ định. Không chịu trọng lượng chi gãy
    • Chườm lạnh, băng ép, kê cao chi
    • Vận động chủ động các khớp xung quanh hết tầm
    • Tập gồng cơ tĩnh. Tập vận động chủ động các khớp liên quan trong tầm hạn chế (có thể có trợ giúp)
    • Tăng cường độc lập sinh hoạt bằng dụng cụ trợ giúp (như khung đi, nạng không chịu trọng lượng…)

Giai đoạn vận động có kiểm soát (2-8 tuần với chi trên hoặc lâu hơn với chi dưới): đang tạo can xương

  • Mục tiêu:
    • Đạt tối đa tầm vận động chủ động/thụ động ở các khớp liên quan
    • Kiểm soát phù và đau
    • Giảm sẹo dính
    • Tăng sức mạnh các cơ
    • Tăng tiến khả năng chịu trọng lượng
    • Tăng tiến sử dụng chi gãy trong sinh hoạt hàng ngày:
  • Phương pháp:
    • Chườm lạnh, băng ép, kê cao chi
    • Xoa bóp chống sẹo dính
    • Chườm nóng trước tập luyện
    • Tập vận động chủ động, chủ động trợ giúp, thụ động các khớp liên quan
    • Kéo dãn nhẹ, tăng tiến, đảm bảo an toàn
    • Tập gồng cơ, co cơ có kháng nhẹ tăng tiến (ví dụ bằng tay của KTV…)
    • Chịu trọng lượng tăng tiến với dụng cụ trợ giúp (như nạng)
    • Tập di chuyển, hoạt động trị liệu

Giai đoạn vận động tăng tiến (đến 6-12 tháng): tạo can xương vĩnh viễn/sẹo trưởng thành

  • Mục tiêu:
    • Tầm vận động khớp bình thường,
    • Cơ lực và sức bền bình thường
    • Tăng cường điều hợp, kiểm soát vận động, cảm thụ bản thể
    • Trở lại hoạt động chức năng bình thường, việc làm, giải trí…
  • Phương pháp:
    • Nhiệt nóng trước tập
    • Tăng tiến tầm vận động, chú ý cuối tầm bằng kéo dãn …
    • Tập mạnh cơ bằng dụng cụ (tạ, dây đàn hồi, trọng lượng, xe đạp tập…)
    • Tập thăng bằng, kiểm soát vận động tăng tiến
    • Tăng cường tập luyện chức năng, hoạt động trị liệu, trở lại công việc, vui chơi giải trí.

V.  KẾT LUẬN

Để phục hồi chức năng cho bệnh nhân gãy xương được tốt cần nắm vững vị trí và mức độ gãy xương, tình trạng bệnh nhân, loại can thiệp cố định, giai đoạn liền xương để đề ra các mục tiêu và phương pháp phù hợp cho các giai đoạn gãy xương.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

3 bình luận về “PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU GÃY XƯƠNG”

  1. dạ thưa Thầy có phải giai đoạn vận động tăng tiến là 6 tuần tới 12 tháng phải không ạ? hay là 6 tháng tới 12 tháng . nếu 6 tháng tới 12 tháng thì giai đoạn từ 8 tuần tới 6 tháng gọi là giai đoạn gì ạ? em cảm ơn Thầy bài giảng giúp em tự học được rất nhiều ạ!

    Bình luận

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này